Thursday, November 14, 2024
Trang chủBiển nóngCanada và cách tiếp cận trong vấn đề Biển Đông: Kiên quyết...

Canada và cách tiếp cận trong vấn đề Biển Đông: Kiên quyết bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực

Trong những năm gần đây, Canada đã có sự điều chỉnh chính sách liên quan vấn đề Biển Đông. Trước đây, để không làm ảnh hưởng quan hệ song phương với Trung Quốc, Canada thường hạn chế can thiệp và đưa ra những tuyên bố cụ thể về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, kể từ khi Trung Quốc gia tăng các hoạt động cải tạo đảo nhân tạo (phi pháp) và tiến hành quân sự hóa trên các thực thể này, Canada đã tích cực can dự và thể hiện quyết tâm bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Chiến hạm Winnipeg của Hải quân hoàng gia Canada.

Một số tuyên bố, hành động cụ thể của Canada liên quan vấn đề Biển Đông

Tư lệnh Blair Saltel, chỉ huy tàu hộ vệ HMCS Calgary của Canada (8/11/2018) cho biếtCanada đã triển khai chiến hạm HMCS Calgary đến Tây Thái Bình Dương để tập trận chống tàu ngầm chung với Nhật Bản và Mỹ. Hiện tàu Calgary neo đậu tại một căn cứ hải quân gần thủ đô Tokyo của Nhật Bản cùng với tàu cung ứng Asterix. Cả 2 tàu này đều rời khỏi Canada từ tháng Bảy để tham gia sứ mệnh đi qua biển Hoa Đông tới Australia và tiến vào Biển Đông. Trước khi trở về Canada, tàu hộ vệ HMCS Calgary sẽ tới Sasebo, phía tây Nhật Bản để tham gia thêm một đợt tập trận chiến tranh chống ngầm mới. Theo Đại tá Blair Saltel, Canada hy vọng mỗi năm có thể triển khai 1 hoặc 2 tàu chiến tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau với nhiều đồng minh khác nhau trong khu vực Biển Đông.

 Tuyên bố chung trong chuyến thăm Canada của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (10/6/2018), Việt Nam và Canada nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ủng hộ việc duy trì trật tự dựa trên pháp luật trên biển và đại dương, bao gồm Biển Đông. Cách tiếp cận này dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); ủng hộ bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, thương mại và việc sử dụng đại dương vì các mục đích hòa bình, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển; khẳng định ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý và phù hợp với luật pháp quốc tế; nhấn mạnh vai trò quan trọng của ASEAN trong cấu trúc khu vực, ủng hộ những nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN thượng tôn pháp luật, vững mạnh và thịnh vượng và hoan nghênh những sáng kiến của ASEAN nhằm duy trì hòa bình, an ninh và chống đối đầu ở khu vực như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trong tuyên bố chung đưa ra sau Hội nghị Ngoại trưởng và An ninh G7 tại Canada (28/4/2018), Ngoại trưởng các nước G7, trong đó Canada là một thành viên quan trọng, đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tự do hàng hải và việc tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Tuyên bố chung tái khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác quản lý hàng hải quốc tế để duy trì trật tự hàng hải dựa trên luật định của luật pháp quốc tế và quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) nhằm xây dựng lòng tin và đảm bảo an ninh; đồng thời quản lý và giải quyết hòa bình các tranh chấp mà không đe dọa sử dụng vũ lực hoặc có hành động cưỡng chế, phù hợp với luật pháp quốc tế thông qua các cơ chế giải quyết tranh chấp đã được công nhận và cơ chế trọng tài; tái khẳng định cam kết của G7 đối với tự do đi lại trên biển, bao gồm tự do tàu thuyền và máy bay, và các quyền khác, bao gồm các quyền và thẩm quyền của các quốc gia ven biển trong sử dụng các vùng biển theo đúng luật pháp quốc tế. Liên quan trực tiếp đến vấn đề Biển Đông và Hoa Đông, các Ngoại trưởng G7 nhấn mạnh “sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ hành động đơn phương nào làm leo thang căng thẳng và suy yếu ổn định khu vực cũng như trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, chẳng hạn như đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, cải tạo đất đai quy mô lớn, xây dựng các tiền đồn và sử dụng chúng cho mục đích quân sự”. Các Ngoại trưởng G7 kêu gọi “tất cả các bên tuân thủ các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế và thực hiện đầy đủ và hiệu quả các cam kết trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) một cách toàn diện”. Các Ngoại trưởng G7 nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc đàm phán đang diễn ra đối với một bộ quy tắc ứng xử hiệu quả, đồng thời hoan nghênh một thỏa thuận không vi phạm quyền của các bên theo luật quốc tế, hoặc không làm ảnh hưởng đến quyền của bên thứ ba. Theo các Ngoại trưởng G7, để đảm bảo ổn định trong khu vực, những nỗ lực ngoại giao như vậy sẽ dẫn đến việc phi quân sự hóa các điểm tranh chấp và duy trì một Biển Đông hòa bình, cởi mở theo luật pháp quốc tế. Các Ngoại trưởng G7 coi phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc là cơ sở hữu ích cho những nỗ lực tiếp theo để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Bên cạnh đó, các Ngoại trưởng G7 tái khẳng định quan tâm đối với việc phá hủy các hệ sinh thái biển ở Biển Đông đe dọa sự bền vững và trữ lượng cá trong khu vực. G7 cam kết sẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm tăng cường bảo vệ môi trường biển và tăng cường hợp tác quốc tế hơn nữa về an ninh, an toàn hàng hải, bảo vệ và quản lý bền vững môi trường biển.

Thượng viện Canada (24/4/2018) đã thông qua bản kiến nghị của nghị sĩ đảng Bảo thủ chỉ trích hành vi gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông. Kiến nghị “lên án hành vi thù địch và leo thang” của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời kêu gọi toàn bộ các bên liên quan đến những tranh chấp tại Biển Đông đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển. Ngoài ra, kiến nghị này còn kêu gọi chấm dứt các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa trong khu vực, yêu cầu các nước tìm giải pháp hòa bình và tôn trọng những phán quyết của cơ quan phân xử quốc tế. Thượng nghị sĩ Bảo thủ Thanh Hai Ngo tuyên bố bằng cách thông qua bản kiến nghị, thượng viện Canada đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc rằng hành vi của quốc gia này trên Biển Đông là không thể chấp nhận và Thượng viện Canada cũng thúc giục Chính phủ đóng vai trò nguyên tắc đối với tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trong giai đoạn hiện nay.

Trong buổi tiếp Bộ Trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch, Phó Chủ tịch Hạ viện Canada Bruce Stanton, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Hạ viện Stephan Fuhr, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và thương mại quốc tế của Thượng viện Raynell Andreychuk, Thư ký đối ngoại của Thủ tướng Canada Pamela Goldsmith-Jones và Tổng Thư ký Thượng viện Charles Robert (5-6/12/2016) đều cho rằng tình hình an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương về cơ bản là hòa bình và ổn định, các cơ chế hợp tác đa phương ngày càng phát triển, đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, an ninh chung; nhất trí cho rằng việc giải quyết các vấn đề xung đột, tranh chấp chủ quyền Biển Đông cần phải thông qua biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, các tuyên bố chung giữa Trung Quốc và ASEAN như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), các tuyên bố cấp cao khác của ASEAN về Biển Đông và tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết liên quan vị kiện của Philippines ở Biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Stéphan Dion (22/7/2016) tuyên bố Canada tin rằng các bên cần tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài, dù có đồng tình với quyết định đó hay không; nhắc lại cam kết của Canada luôn hướng tới “duy trì luật pháp quốc tế và nỗ lực cho một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế đối với các vấn đề tranh chấp trên biển”; đồng thời thể hiện quan ngại sâu sắc về những căng thẳng trong khu vực đã bị đẩy lên trong những năm qua và có nguy cơ hủy hoại hòa bình và ổn định trong khu vưc. Ông Dion khẳng định và cho biết thêm rằng “điều quan trọng nhất là tất cả các nước cần kiềm chế, tránh ép buộc và có những hành động gây gia tăng căng thẳng”. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Sajjan có thái độ hòa dịu hơn khi không chỉ trích trực tiếp Trung Quốc, cho rằng Canada không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông, nhận địn có những cơ quan quốc tế chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông và đưa ra những quyết định trong khuôn khổ luật pháp và các bên cần phải tôn trọng những quyết định đó.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Canada Adam Austen cho biết, Canada vẫn lo ngại về căng thẳng trong khu vực liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông, nhấn mạnh điều thiết yếu là tất cả các quốc gia trong khu vực kìm chế và tránh sự cưỡng ép và các hành động sẽ làm leo thang căng thẳng.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện CanadaRaynell Andreychuck (25/6/2014)đánh giá cao sự kiềm chế của Việt Nam trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở Hoàng Sa và ủng hộ các biện pháp hòa bình giải quyết tình hình.

Nguyên nhân Canada tăng cường can thiệp vào vấn đề Biển Đông

Canada có thái độ cứng rắn trước những hành vi phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông là do: (1) Khu vực Biển Đông có vai trò đặc biệt quan trọng liên quan vấn đề tự do hàng hải trong khu vực cũng như trên thế giới. Nếu tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông không được giải quyết và khi xảy ra xung đột quân sự trong khu vực nó sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của nhiều nước. Canada cũng là một quốc gia buôn bán với các quốc gia châu Á Thái Bình Dương và cũng là một thành viên của TPP (Hiệp Định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương). Vì vậy, vấn đề Biển Đông có liên quan trực tiếp đến lợi ích và an ninh quốc gia của Canada. (2) Trung Quốc tiến hành các hoạt động đơn phương ở Biển Đông là vi phạm các quy định luật pháp quốc tế, Canada có trách nhiệm thông qua các hành động của mình để cảnh báo các nước trên thế giới thấy rõ âm mưu của Trung Quốc ở Biển Đông. (3) Canada là một quốc gia tôn trọng tự do dân chủ và luật pháp quốc tế nên Canada không thể là ngơ trước thực các quốc gia nhỏ như Indonesia, Philippines, Việt Nam có tranh chấp với Trung Quốc và bị Trung Quốc lấn lướt. Vì vậy, Canada phải có tiếng nói cùng với các đồng minh ngoại giao của mình ở khu vực Đông Nam Á.

Xu hướng chính sách của Canada liên quan vấn đề Biển Đông

Thời gian tới, Canada sẽ đóng vai trò ngoại giao nhiều hơn. Canada có ảnh hưởng với các quốc gia bạn trong vùng. Dù Canada không phải là một siêu cường như Mỹ, nhưng Canada có ảnh hưởng về ngoại giao nên Canada có thể dùng tiếng nói của mình để cùng thảo luận với các quốc gia khác. Nếu các quốc gia cùng đồng ý thì kêu gọi yêu cầu Trung Quốc ngồi xuống thảo luận về Biển Đông.

Trong khi đó, chuyên gia Dave Beitelman (Đại học Dalhousie) cho biết, Chính  phủ Canada coi châu Á – Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên hợp tác trọng điểm do có nhiều nền kinh tế đang nổi, trong đó Trung Quốc rõ ràng giữ vị trí quan trọng nhất. Không chỉ về kinh tế, Canada cũng đang tìm kiếm tư cách thành viên trong các thể chế có chức năng kiến tạo cấu trúc an ninh và kinh tế khu vực như Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Do vậy, Canada cần phải thay đổi chính sách “giữ im lặng” của mình trong vấn đề Biển Đông. Ottawa cần lên tiếng trước những thách thức nổi lên đang đe dọa ổn định ở khu vực, nơi Canada sắp có những lợi ích kinh tế và chiến lược to lớn. Những quan ngại trước đây cho rằng Canada không có lợi ích chiến lược thực sự ở Biển Đông, Canada không nên làm mếch lòng Trung Quốc (đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada, sau Mỹ), hay Ottawa không có đủ năng lực thay đổi hành vi của Bắc Kinh… nên được xem xét lại. Trên thực tế, ổn định ở châu Á – Thái Bình Dương mang lại cho Canada những lợi ích cũng nhiều như như ổn định ở Đông Âu, nếu không muốn nói còn nhiều hơn. Vì thế, sự trỗi dậy của Bắc Kinh, ở chừng mực nào đó, sẽ ảnh hưởng đến các lợi ích của Canada. Trong bối cảnh đó, Canada cần mạnh mẽ thể hiện rõ quan điểm của mình trước một vấn đề quan trọng đang đe dọa ổn định ở một trong những vùng biển trọng yếu nhất của thế giới. Canada không nên quá né tranh nếu thực sự muốn trở thành một quốc gia bảo vệ chuẩn mực đạo đức chung và có niềm tin trách nhiệm như chính học thuyết giao giao mới của nước này.   

Hành động đáp trả thiếu căn cứ của Trung Quốc

Bộ Ngoại giao Trung Quốc (25/4/2018) phản pháo rằng Khuyến nghị của Thượng viện Canada “không có tính ràng buộc” và việc Canada kêu gọi chấm dứt các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông là “vô trách nhiệm và sẽ khuấy động rắc rối”. Cùng quan điểm trên, Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada tuyên bố “lấy làm tiếc” về cuộc bỏ phiếu mà họ cho rằng gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ song phương.

Trong khi đó giới truyền thông Trung Quốc tìm cách chỉ trích Canada tăng cường can thiệp trong vấn đề Biển Đông. Thời báo Hoàn Cầu (30/4/2018) cho rằng Canada phải áp dụng chính sách toàn diện và ổn định về Trung Quốc, đồng thời cảnh báo hành động của Canada sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa hai nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới