Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngHội Luật quốc tế Trung Quốc: Phê bình phán quyết của Tòa...

Hội Luật quốc tế Trung Quốc: Phê bình phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện TQ về vấn đề Biển Đông

Ngày 15/5/2018, Hội Luật quốc tế Trung Quốc công bố tài liệu “Phê bình phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông”, dài hơn 500 trang bằng tiếng Anh và tiếng Trung. Tài liệu trên là tập hợp các công trình nghiên cứu của hơn 70 chuyên gia luật quốc tế Trung Quốc. Nội dung chính của tài liệu trên là các lập luận thiếu cơ sở pháp lý nhằm chỉ trích từng câu, chữ của Phán quyết Trọng tài, đồng thời bao biện cho yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

Một số lập luận pháp lý trong tài liệu của Hội Luật quốc tế Trung Quốc

Về thẩm quyền của Tòa Trọng tài: Tài liệu lặp lại những lập luận được đưa ra tại “Tài liệu lập trường của Trung Quốc” công bố năm 2014 trong đó cho rằng: (1) Bản chất của vụ kiện do Philippines khởi xướng là các tranh chấp về chủ quyền các thực thể ở Trường Sa. Vấn đề chủ quyền không thuộc phạm vi điều chỉnh của UNCLOS nên cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS không có thẩm quyền giải quyết; (2) Cơ chế trọng tài quốc tế cần sự đồng thuận của cả hai phía trong tranh chấp, việc Philippines đơn phương tiến hành khởi kiện là trái với luật quốc tế và vụ kiện không có giá trị với Trung Quốc; (3) Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC), Hiệp ước Hợp tác hữu nghị Đông Nam Á (TAC), các tuyên bố chung, biên bản cuộc họp, trao đổi, tham vấn giữa hai quốc gia… quy định các bên chỉ sử dụng duy nhất phương pháp đàm phán để giải quyết vấn đề Biển Đông. Việc Philippines đơn phương khởi kiện là phá vỡ cam kết với Trung Quốc và các nước ASEAN; (4) Giữa Trung Quốc và Philippines chưa có trao đổi cụ thể, thực chất về tranh chấp, vậy nên “nghĩa vụ trao đổi quan điểm” – một điều kiện tiền đề để vận dụng cơ chế tài phán của UNCLOS – chưa được hoàn thành, do đó Philippines không thể sử dụng biện pháp trọng tài. (5) Vì Trung Quốc đã tuyên bố loại trừ thẩm quyền của Tòa theo Điều 298 UNCLOS nên Trung Quốc không phải tham gia vào vụ kiện và không bị ràng buộc vào quyết định của Tòa Trọng tài. Đây là các lập luận cũ, đơn thuần là cách giải thích gượng ép, bó buộc tất cả mọi vấn đề trên biển vào vấn đề chủ quyền nhằm loại bỏ khả năng sử dụng các cơ chế tài phán nhằm làm sáng tỏ tranh chấp và đã bị Tòa Trọng tài bác bỏ trong phán quyết. Tài liệu trên cũng chỉ trích phán quyết chia tách các vấn đề của tranh chấp Biển Đông bằng cách trích dẫn một cách chắp nối kết luận của Tòa Công lý quốc tế (ICJ) trong một số vụ việc, nhưng bối cảnh áp dụng của các vụ việc được trích dẫn không có liên quan đến tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc.

Điểm mới trong lập luận phản bác thẩm quyền là việc chỉ trích Tòa Trọng tài về các vấn đề liên quan đến thủ tục tố tụng. Trước hết, Nghiên cứu lập luận Tòa vi phạm nguyên tắc “non ultra patia” khi mở rộng kết luận ra ngoài phạm vi yêu cầu của Philippines. Chỉ trích của phán quyết đưa ra vấn đề là mặc dù Philippines chỉ đưa ra yêu cầu kết luận về quy chế pháp lý với một số cấu trúc, Tòa Trọng tài đã ra kết luận với tất cả các cấu trúc của Trường Sa. Trên thực tế, Philippines đã rất tinh tế khi yêu cầu Tòa Trọng tài kết luận Bãi Cỏ Mây và Bãi Vành Khăn là bãi cạn lúc nổi lúc chìm và thuộc thềm lục địa của Philippines. Yêu cầu này đòi hỏi trước hết Tòa Trọng tài nghiên cứu các đặc điểm tự nhiên của Bãi Cỏ Mây và Vành Khăn để kết luận hai cấu trúc này là bãi cạn lúc nổi lúc chìm. Đồng thời, Tòa Trọng tài phải xem xét vị trí địa lý của hai cấu trúc và xác định hai cấu trúc có thuộc vùng biển của bất kỳ cấu trúc nào khác hay chỉ nằm trên thềm lục địa của Philippines. Để giải quyết nhiệm vụ này việc xem xét và kết luận quy chế pháp lý của tất cả các cấu trúc của Trường Sa là cần thiết. Chính vì vậy, việc Tòa đưa ra kết luận về quy chế pháp lý của các cấu trúc vẫn nằm trong phạm vi yêu cầu của Philippines.

Tài liệu cũng cho rằng Tòa vi phạm vấn đề thủ tục tố tụng khi cho phép Philippines bổ sung, điều chỉnh yêu cầu khởi kiện nhiều lần. Đây là chỉ trích thiếu căn cứ bởi Điều 5 của Phụ lục VII của UNCLOS đã quy định rằng trừ phi các bên có thỏa thuận khác, thủ tục tố tụng của Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS sẽ do Trọng tài tự quyết định nhằm đảm bảo các bên có đầy đủ cơ hội được trình bày và đại diện trước Tòa. Trong mọi giai đoạn của quá trình tố tụng, Tòa Trọng tài đã gửi các thông báo và luôn để ngỏ khả năng cho Trung Quốc tham dự. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn tự từ bỏ quyền của mình trong quá trình tố tụng bằng nguyên tắc không tham gia quá trình tố tụng, không công nhận thẩm quyền của Tòa và không thực hiện phán quyết.

Về nội dung phán quyết: Tài Liệu chỉ trích từng kết luận của Tòa Trọng tài dựa trên cách giải thích sai lệch về luật quốc tế đối với quyền lịch sử và quy chế pháp lý của Trường Sa. Đối với quyền lịch sử, Tài liệu vẫn dựa trên cái gọi là thực tiễn trước khi có UNCLOS để khẳng định về sự tồn tại của quyền lịch sử và danh nghĩa lịch sử. Đáng chú ý, Nghiên cứu dẫn lại một loạt các tài liệu về hoạt động của người dân Trung Quốc tại các đảo Hoàng Sa và Trường Sa để khẳng định sự tồn tại của quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông. Tuy nhiên, các tài liệu này chủ yếu chỉ dẫn các “bằng chứng” về thực tiễn đánh cá, thu thập sản vật hoặc sinh sống tại Hoàng Sa và Trường Sa, không bao gồm các thực tiễn liên quan đến tài nguyên dầu mỏ và khí đốt. Từ đó, việc Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử rộng lớn đối với tài nguyên sinh vật và phi sinh vật biển là thiếu cơ sở pháp lý.

Trên thực tế, quyền lịch sử mới chỉ tồn tại rất hạn chế qua yêu sách biển của một vài quốc gia. Theo đó, quyền lịch sử là các quyền được yêu sách dựa trên lịch sử sử dụng biển lâu dài của quốc gia ven biển và phải được các quốc gia hữu quan công nhận. Trong những điều kiện chặt chẽ này, quyền lịch sử cũng mới chỉ được Tòa thừa nhận với phạm vi hạn chế ở quyền đánh cá. Tại Biển Đông, yêu sách quyền lịch sử cho vùng nước nằm trong đường chín đoạn chưa từng nhận được sự công nhận của các quốc gia hữu quan. Trong phán quyết, Tòa Trọng tài cũng đã phân tích tòan diện và rút ra kết luận rằng nếu Trung Quốc đã từng có quyền lịch sử đối với tài nguyên ở các vùng biển ở Biển Đông thì những quyền đó đã bị xóa bỏ khi Công ước có hiệu lực do các quyền này không phù hợp với hệ thống các vùng biển của Công ước, vì vậy không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc yêu sách các quyền lịch sử đối với tài nguyên tại vùng nước nằm trong “đường 9 đoạn”, Trung Quốc chỉ có các quyền theo quy định của UNCLOS.

Về quy chế pháp lý của Trường Sa: Tài liệu cho rằng toàn bộ tất cả các cấu trúc gần Trường Sa được gộp lại thành quần đảo Trường Sa và nó “thuộc chủ quyền của Trung Quốc”. Đồng thời, vùng biển của “quần đảo” Trường Sa theo quy định của “tập quán quốc tế”, tương tự quy chế của quốc gia quần đảo, tức là có đường cơ sở bao quanh tất cả các cấu trúc xa nhất của quần đảo và từ đó xác định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho cả quần đảo. Tài liệu cũng cố tình bỏ qua lịch sử đàm phán UNCLOS, phương án áp dụng đường cơ sở quần đảo cho nhóm đảo xa bờ đã được đề xuất nhưng cuối cùng đã được các nước thành viên trong đó có Trung Quốc nhất trí loại bỏ. Các thực tiễn ít ỏi, thiếu nhất quán và bị phản đối sau khi UNCLOS có hiệu lực không đủ để hình thành một tập quán quốc tế về việc áp dụng đường cơ sở thẳng kiểu quần đảo cho nhóm đảo xa bờ của quốc gia lục địa. Từ các lập luận về quyền lịch sử và quy chế của Trường Sa, Tài liệu tiếp tục cho rằng các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông là các hoạt động “bảo vệ chủ quyền và thực thi quyền tài phán”. Tuy nhiên, do quyền lịch sử của Trung Quốc bị bác bỏ và các cấu trúc của Trường Sa không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, phần lớn Biển Đông là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước ven biển, theo đó, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán.

Liên quan vấn đề ô nhiễm môi trường biển: Tài liệu ngụy biện cho rằng Tòa lập luận về hành động gây tổn hại cho hệ sinh thái không đồng nhất với ô nhiễm môi trường biển. Đồng thời, cho rằng hành động của tàu thực thi pháp luật với các tàu của Philippines không vi phạm Quy tắc phòng ngừa đâm va trên biển (COLREGs) mà nhằm trấn áp hành vi vi phạm quyền qua lại không gây hại tại Bãi Cỏ Mây.

Liên quan tiến trình tố tụng: Tài liệu một lần nữa ngụy biện khi cho rằng “không chấp nhận” và “không tham gia” khác với “không có mặt”. Từ đó, Tòa không thể sử dụng tố tụng khi một bên không có mặt với việc không chấp nhận và không tham gia của Trung Quốc. Đồng thời, Tại liệu cũng cố tình chỉ trích vai trò của Chủ tịch Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), thẩm phán Shunji Yunai, khi cho rằng việc bổ nhiệm trọng tài thiếu tính đại diện. Trong khi đó quyền quyết định của Chủ tịch ITLOS đã được quy định rõ trong Phụ lục VII và chính việc Trung Quốc từ chối không bổ nhiệm trọng tài đã làm phát sinh quyền của Chủ tịch ITLOS trong việc bổ nhiệm trọng tài đại diện cho Trung Quốc và các trọng tài viên còn lại.

Giới luật gia Trung Quốc vẫn đang tìm cách ngụy biện và phản bác phán quyết của Tòa Trọng tài

Việc Hội Luật quốc tế Trung Quốc công bố và in ấn, phát hành Tài liệu trên thể hiện góc nhìn sai lệch của học giả Trung Quốc với luật quốc tế. Tuy nhiên, hành động này của giới luật gia Trung Quốc là nhằm tìm mọi lập luận để bảo vệ cho lập trường chính thức của Trung Quốc, bảo vệ các yêu sách thiếu cơ sở pháp lý của Trung Quốc tại Biển Đông.

Thông qua Tài liệu trên cho thấy tham vọng kiểm soát Biển Đông bằng cách tiếp tục duy trì đồng thời hai cơ sở pháp lý là quyền lịch sử trong vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” và quy chế quốc gia quần đảo cho các nhóm đảo xa bờ. Về quyền lịch sử, nghiên cứu cho thấy, trái với một số nhận định và trông đợi của quốc tế sau phán quyết, các học giả Trung Quốc không từ bỏ “đường lưỡi bò”, không muốn giải thích “đường lưỡi bò” phù hợp với luật pháp quốc tế mà vẫn đang tìm cách giải thích, biện minh cho “đường lưỡi bò” trên cơ sở cái gọi là thực tiễn tồn tại trước UNCLOS.

Với việc giải thích phạm vi quyền lịch sử và quy chế pháp lý của các quần đảo như lập luận trong Tài liệu, Trung Quốc sẽ có thể tuyên bố đường cơ sở quần đảo cho Trường Sa và Trung Sa (bao gồm cả Bãi cạn Scarborough); đồng thời, mở rộng phạm vi các hành động bất hợp pháp vào sâu trong các vùng biển của các quốc gia ven biển. Tuy nhiên, các hành động như vậy sẽ trái với nghĩa vụ ràng buộc của Trung Quốc trong việc thực thi phán quyết, trái với các quy định của UNCLOS và không nằm trong phạm vi loại trừ của Điều 298 về các ngoại lệ của cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS. Vì vậy, các quốc gia bị xâm phạm quyền lợi hợp pháp trên biển vẫn có lựa chọn sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS để phản bác các hành động vi phạm pháp luật quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông và bảo vệ quyền lợi của mình tại Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS.

Giới chuyên gia quốc tế và khu vực nhận định Tài liệu không mang tính học thuật và được Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn

Nhìn chung, sau khi Hội Luật quốc tế Trung Quốc công bố Tài liệu trên, giới chuyên gia, học giả khu vực và quốc tế đưa ra nhiều cái nhìn khác nhau. Đa phần giới học giả phương Tây nhận định, Tài liệu không mang tính học thuật khách quan mà chủ yếu nhằm biện minh cho quan điểm của chính phủ Trung Quốc, được Bộ Ngoại giao Trung Quốc hậu thuẫn; lên án cho rằng học giả cần nghiên cứu độc lập với quan điểm của chính phủ nước họ, có thể ủng hộ hay phản đối phụ thuộc vào có phù hợp với luật quốc tế hay không. Điều quan trọng là không nhậm nhèm giữa vai trò học giả độc lập và luật sư cho chính phủ.

Trong khi đó, giới chuyên gia Trung Quốcbao biện cho rằng đây là cách để giới học giả Trung Quốc bảo vệ lợi ích quốc gia ở Biển Đông, và rằng đây là việc bình thường ở mọi nơi.

RELATED ARTICLES

Tin mới