Washington lần đầu tiên thể hiện thái độ quyết liệt đối với hành động triển khai tên lửa phi pháp của Bắc Kinh tại đảo nhân tạo ở Trường Sa.
“Mỹ kêu gọi Trung Quốc rút các tổ hợp tên lửa khỏi các thực thể tranh chấp ở quần đảo Trường Sa và tái khẳng định rằng mọi quốc gia cần tránh giải quyết tranh chấp bằng những hành vi áp đặt hay đe dọa”, Asia Times ngày 12/11 dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ sau đối thoại an ninh Mỹ – Trung được tổ thức tại Washington.
Đây là lần đầu tiên giới chức Mỹ công khai thúc giục Trung Quốc triệt thoái các tên lửa tại đảo nhân tạo Bắc Kinh bồi đắp phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hồi tháng 5, Lầu Năm Góc còn từ chối bình luận về các thông tin tình báo về việc Trung Quốc triển khai tên lửa hành trình chống hạm và phòng không trên ba đảo nhân tạo đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn. Vì vậy, động thái lần này cho thấy thái độ cứng rắn hơn của Washington trong vấn đề Biển Đông, theo Japan Times.
Trong buổi họp báo chung sau Đối thoại an ninh Mỹ – Trung, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bày tỏ quan ngại về các động thái và hành động quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông đồng thời yêu cầu Trung Quốc “tuân thủ những cam kết đã đưa ra trước đây về tình hình khu vực”.
Phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN đang diễn ra ở Singapore, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton hôm nay cũng tuyên bố Washington phản đối các hành động quân sự hóa đơn phương của Bắc Kinh ở Biển Đông đồng thời khẳng định các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải của Mỹ tại vùng biển này gần đây đã tăng đáng kể.
Căng thẳng trên Biển Đông gia tăng sau khi Trung Quốc ngang nhiên xây dựng đảo nhân tạo trái phép và tăng cường hoạt động quân sự hóa. Hành động này đi ngược cam kết của Bắc Kinh về việc không quân sự hóa Biển Đông và hứng chịu nhiều chỉ trích của dư luận quốc tế. Việt Nam cũng đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc dừng các hành động trái phép, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tránh làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt là việc quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.