Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSáng kiến Vành đai và Con đường trên Internet

Sáng kiến Vành đai và Con đường trên Internet

Trung Quốc đã xuất khẩu sản phẩm giám sát mạng internet mà các nước thiếu dân chủ quan tâm.

Ở Nairobi, thủ đô của Kenya, có tất cả 1800 camera giám sát cuộc sống hàng ngày của thành phố. Mạng lưới camera giám sát công cộng và tư nhân liên tục cung cấp những hình ảnh chính xác cho dịch vụ đám mây. Luồng hình ảnh được phân tích bằng thiết bị thông minh nhận diện các khuôn mặt.

Huawei đã quảng cáo việc thiết lập hệ thống thông minh cho thành phố một cách an toàn của mình. Tội phạm ở Nairobi gần như đã giảm đi một nửa khi hệ thống này được lắp đặt.  Bên cạnh việc ngăn ngừa và chống tội phạm, việc sử dụng kỹ thuật thông minh cho còn giúp tiết kiệm nước. Ở một số thành phố, các chuyến xe buýt có thể trả tiền vé bằng thiết bị nhận diện khuôn mặt. Hệ thống cũng có thể dùng để giám sát người dân và giúp giảm chống đối về chính trị.

Trung Quốc thiết lập mạng châu Phi

Các dự án an ninh thành phố của Huawei là một phần trong quyết tâm mạnh mẽ của Trung Quốc nhằm mở rộng kỹ năng công nghệ của họ ra thế giới, nhất là Trung Đông và châu Phi. Tham vọng này được định hình thành dự án được Trung Quốc gọi là con đường tơ lụa kỹ thuật số – “digital Silk Road”. Ba năm trước, Trung Quốc khởi xướng Sáng kiến Một vành đai, một con đường (Belt and Road Initiative – BRI), nhằm xây dựng một cơ sở hạ tầng khổng lồ để vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc ra thế giới. Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, Trung Quốc đặt cho mình mục tiêu xây dựng sự kết nối mạng xuyên biên giới và nâng cao hợp tác quốc tế trong lĩnh vực truyền thông.

Với danh nghĩa dự án “Con đường Tơ lụa”, ZTE – Công ty truyền thông Trung Quốc đang xây dựng mạng điện thoại di động ở Ethiopia và kéo đường cáp quang ở Afghanistan. Các nước khác có thể kể đến là Nigeria, Lào, Sri Lanka, Sudan và Thổ Nhĩ Kỳ. Còn Huawei thì đang cam kết đầu tư hơn 1 tỉ USD để nâng cấp mạng Internet ở Cameroon, Kenya, Zimbabwe, Togo và Niger.

Ở Uganda, Trung Quốc còn cung cấp cho hệ thống chính quyền kỹ thuật giám sát mạng xã hội, hay dưới tên gọi chính thức “an ninh mạng chống tội phạm”. Phương tiện Nhận dạng khuôn mặt của Trung Quốc đang được dùng ở các sân bay và các trạm kiểm soát ở biên giới của Zimbabwe.

Phiên bản Internet Tập Cận Bình

Con đường tơ lụa kỹ thuật số của Trung Quốc được truyền thông nói đến với các dự án BRI. Dĩ nhiên, về nhiều mặt dự án có tính đổi mới nhiều hơn việc xây dựng hệ thống đường sắt hay cảng biển. Thông qua con đường tơ lụa kỹ thuật số kéo dài, Trung Quốc có thể mở rộng chiến lược mạng lưới internet của mình, trong đó internet trợ giúp việc điều hành, quản lý.

Điểm trung tâm trong chiến lược internet của Trung Quốc là quyền tự quyết định của nhà nước. Chủ tịch Tập Cận Bình đã từng nói nhiều lần về vấn đề chủ quyền trên internet. Ý tưởng trọng tâm của nó là nhà nước kiểm soát phạm vi của internet giống như giám sát không phận của quốc gia. Bởi vì các đường cáp quang về mặt vật lý chạy trong phạm vi biên giới của quốc gia nên nhà nước có quyền kiểm soát mạng viễn thông đó.

Ví dụ điển hình nhất cho việc kiểm soát đó của Trung Quốc là tường lửa ngăn chặn các trang, các ứng dụng mà chính quyền không muốn người Trung Quốc truy cập và sử dụng. Nhiều cách khác cũng được dùng để kiểm soát người dân xung quanh mạng tường lửa của Trung Quốc. Tháng sáu năm ngoái, luật an ninh mạng mới có hiệu lực ở Trung Quốc, trong đó việc kiểm soát internet của chính quyền được thắt chặt hơn.  Ngay trước luật này tổ chức Ngôi nhà Tự do đánh giá về tự do ngôn luận đã xếp Trung Quốc là nước chà đạp lên tự do internet.

Hiện nay tình hình con trở nên tồi tệ hơn. Bên cạnh việc kiểm duyệt thông thường, luật an ninh mạng cũng hạn chế việc giấu tên trên mạng. Nó bắt buộc các công ty tuân thủ và báo cáo về những ngoại lệ trong dịch vụ mạng. Các công ty còn phải cung cấp các trợ giúp kỹ thuật cho nhà chức trách để họ buộc công ty chấm dứt hoạt động trong những trường hợp được coi “đe dọa cao về an ninh”. Các phương pháp mã hóa của viễn thông cần phải được chính quyền Trung Quốc phê duyệt và các nhà quản lý cơ sở hạ tầng mạng phải tiết lộ mã nguồn phần mềm của họ cho cơ quan chức năng khi được yêu cầu.

Những quy định này gây nguy hiểm cho quyền sở hữu trí tuệ của các công ty, nhưng có rất ít lựa chọn thay thế. Tất cả các cơ sở lưu trữ dữ liệu trên mạng phải đặt máy chủ ở Trung Quốc và nếu muốn chuyển dữ liệu ra ngoài phải có sự cho phép. Trường hợp phạm luật đầu tiên đã xảy ra cách đây mấy tháng khi chính quyền phạt các công ty Tencent, Baidu và Sina hàng chục ngàn euro vì phát tán những nội dung bị cấm. Theo chính quyền các nhà cung cấp mạng của các công ty đã cung cấp những tin tức sai sự thật và những hình ảnh khiêu dâm.

Những sản phẩm kiểm soát internet xuất khẩu

Từ việc kiểm soát internet này, Trung Quốc đã xuất khẩu các sản phẩm mà nhiều quốc gia thiếu dân chủ quan tâm. Chẳng hạn, một số nước đang theo Trung Quốc thắt chặt việc kiểm soát internet. Ở Tanzania, chính quyền có quyền chặn việc truy cập các trang có nội dung gây nên “suy nghĩ tiêu cực, hay sự phẫn nộ”. Nigeria yêu cầu lưu giữ dữ liệu của người dân trong phạm vi biên giới quốc gia. Ethiopia, Sudan và Ai Cập lại sàng lọc các thông tin trên mạng một cách kỹ lưỡng.

Nga đã sao chép mô hình Trung Quốc trong việc nhà chức trách được phép xâm nhập mạng và yêu cầu quản lý dữ liệu trong phạm vi nội địa. Việt Nam đã thông qua luật an ninh mạng có khá nhiều điểm giống luật này của Trung Quốc.

Với các kết nối viễn thông liên tục được nâng cấp, mô hình quản trị độc quyền và sự kiểm soát mạng của Trung Quốc là những bước đi đầu tiên. Chuyên gia về phát triển kỹ thuật Trung Quốc, Adam Segal từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Mỹ cho rằng Trung Quốc vui lòng giúp đỡ các nước muốn sao chép mô hình của họ. Dĩ nhiên, Trung Quốc không đòi hỏi điều đó.

“NgườiTrung Quốc nhìn thấy con đường tơ lụa kỹ thuật số có khả năng tác động tới việc thảo luận trên internet. Các nước nhận sự giúp đỡ và sử dụng các thiết bị internet của Trung Quốc dường như cũng làm theo cách kiểm soát internet như Trung Quốc”, Segal nói.

Trung Quốc muốn là người thiết kế và lắp đặt

Trung Quốc là công xưởng của các công ty công nghệ hàng chục năm nay. Điều này có thể thấy ở chỗ mặc dù Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế của thế giới, song giá trị vẫn chưa đạt đến đỉnh cao.

“Lợi nhuận vẫn tập trung ở phương Tây”, chuyên gia nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, Markus Holmgren, đánh giá.

Trung Quốc muốn thay đổi điều đó. Mệt mỏi với vai trò sản xuất, Trung Quốc đã và đang tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoảng 20% mỗi năm trong vòng hai chục năm. Năm ngoái, Trung Quốc chi khoảng 279 tỉ USD cho việc nghiên cứu và phát triển sản xuất. Con số đó chiếm khoảng 1/5 tổng chi phí cho lĩnh vực này của toàn thế giới.

Việc nghiên cứu được nhấn mạnh do hai lý do quan trọng. Thứ nhất, Trung Quốc muốn giảm sự phụ thuộc của họ vào công nghệ nước ngoài; hai là họ muốn tham dự vào việc xác định hướng phát triển của Internet thế giới. Adam Segal cho rằng Trung Quốc đã có vai trò ngang bằng với Mỹ trong việc định hình internet.

“Thật khó dự đoán rằng công nghệ mới nào sẽ đổi mới và chúng xuất phát từ đâu. Nhưng khi nhìn vào tham vọng và cách thức, tôi nhận thấy hiện nay Trung Quốc đang dẫn đầu”, Segal nói.

Internet sẽ chia làm đôi không? 

Internet từ lâu đã là công trình của Hoa Kỳ. Hiện giờ, dự án nâng cấp mạng internet của bộ Quốc phòng Mỹ bao gồm hàng chục tỉ thiết bị. Ở các nước phương Tây, người ta lo ngại sự phát triển của Trung Quốc sẽ khiến internet trở nên mất tính toàn cầu và tính chất mở. Một số người nói về cơ sở hạ tầng của internet. Tháng trước cựu giám đốc điều hành của Google, Eric Schmidt, dự báo rằng internet có thể sẽ bị chia làm hai bộ phận: một do Mỹ cầm đầu và bộ phận khác do Trung Quốc chỉ đạo.

Chuyên gia Adam Segal chỉ ra rằng Internet đã bị phân rẽ. Các ngôn ngữ và văn hóa khác nhau cũng đã dẫn đến sự chia rẽ trên mạng. Ít người Phần Lan vào các trang mạng của người Trung Quốc và hiếm người Trung Quốc vào các trang của người Phần Lan. Sự phân rẽ về mặt kỹ thuật dĩ nhiên diễn ra nhanh hơn, Segal thừa nhận.

Sự nghi ngờ lẫn nhau giữa Trung Quốc và phương Tây thúc đẩy điều đó. Điều này gây nên khó khăn cho các công ty kỹ thuật khi thị trường trở nên khác nhau và nguồn gốc dân tộc bắt đầu có tác động nhiều hơn tới các tiêu chí phân chia. Segal dự báo rằng trong tương lai các công ty sẽ phải sản xuất ra hai sản phẩm: một cho Trung Quốc và một cho thị trường thế giới. Đó là lý do dịch vụ mạng xã hội LinkedIn kiểm duyệt nội dung ở Trung Quốc.

Tám năm trước đây, Google rời khỏi Trung Quốc và đã âm thầm phát triển một công cụ tìm kiếm có kiểm duyệt cho thị trường Trung Quốc. Dự án có tên “Rồng bay”, đã bị phát hiện khi nó bị phản đối ở các nước phương Tây.  Tất cả những điều đó có nghĩa gì đối với người dùng internet thông thường?

“Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy nhiều mạng internet xuất hiện cho những người dùng thông thường với một cách thống nhất và giống nhau. Bạn vẫn có thể gửi email cho bạn bè ở Trung Quốc. Thư có thể bị người ta đọc, nhưng nó vẫn được gửi đến địa chỉ cần gửi đến”, Segal nói.

Những con đường Tơ lụa của Trung Quốc 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên nói về việc xây dựng Con đường Tơ lụa mới ở Kazakhstan vào mùa thu năm 2013. Tập Cận Bình, lúc đó lãnh đạo đất nước chưa đầy một năm và phác họa thế giới là nơi tất cả các sản phẩm xuất khẩu đều xuất phát từ Trung Quốc. Con đường Tơ lụa qua Thái Bình dương, nhánh khác xuất phát từ Trung Á qua Trung Đông đến châu Âu. Con đường thứ ba dự kiến dành cho vùng Bắc Cực.

Tháng Ba, năm 2015, Trung Quốc đề xuất sáng kiến Một vành đai, một con đường mà về sau được rút gọn thành Sáng kiến Vành đai và Con đường. Mục đích của dự án là tạo sự kết nối các đường cao tốc và các hải cảng lớn để tạo ra các khu vực tự do thương mại và tăng cường kết nối truyền thông.

Ông Tập gọi đây là “Dự án thế kỷ”. Truyền thông Trung Quốc tán dương dự án này như là “Quà tặng của trí tuệ Trung Quốc ” cho thế giới. Dự án được so sánh với Kế hoạch Marshall của Mỹ dành cho châu Âu sau Thế chiến II. Trên thực tế, dự án Con đường Tơ lụa gồm nhiều dự án nhỏ mà các công ty Trung Quốc đang tiến hành ở nước ngoài. Một số trong các dự án này của nhà nước, một số của tư nhân.

Cho vay không cần đáp ứng yêu cầu nhân quyền 

Các dự án Con đường Tơ lụa không phải là đầu tư của chính phủ Trung Quốc, mà là các dự án thực hiện bằng việc cho vay tiền. Để cung cấp các khoản vay, vào tháng sáu năm 2015 Trung Quốc đã thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Các khoản vay không hề ưu đãi, nhưng mặt khác chúng không kèm theo ràng buộc về phát triển dân chủ hay nhân quyền. Vì thế, các dự án của BRI rất phổ biến với các chính quyền độc tài và tham nhũng.

Điều kiện phổ biến là công ty của Trung Quốc được chọn làm đối tác. Các dự án của BRI chấp nhận các công ty xây dựng Trung Quốc, trong đó bảy công ty đã phát triển và nằm trong danh sách mười công ty xây dựng lớn nhất thế giới. Các đòi hỏi về việc trả nợ cũng thường rất nghiêm ngặt.

Ở Sri Lanka khoảng 70 km2 cảng Hambantota xây dựng bằng tiền của Trung Quốc, và cuối năm ngoái các khoản vay Trung Quốc của Sri Lanka quá hạn. Cảng quan trọng nằm trên con đường tơ lụa đến Thái Bình Dương giờ đây đã thuộc về Trung Quốc trong thời gian 99 năm. Trung Quốc có một hợp đồng tương tự về một cảng với Pakistan. Ở Djibouti, Trung Quốc cũng có một cảng và đang lập kế hoạch một cái khác với Myanmar.

Nhiều quốc gia nằm trên con đường tơ lụa là những nước kinh tế yếu kém. Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD) đã công bố một danh sách tám nước (Lào, Kyrgyzstan, Maldives, Montenegro, Djibouti, Tajikistan, Mongolia, Pakistan) đang có nguy cơ khủng khoảng lớn về kinh tế vì các khoản nợ từ các dự án BRI. Ví dụ, Montenegro đang xây dựng một đường cao tốc trị giá vào khoảng ¼ GDP của quốc gia. Đường sắt nối Lào và Trung Quốc có chi phí bằng khoảng ½ GDP của Lào.

Tổng cộng, ước tính khoảng 4 ngàn tỉ USD sẽ được chi cho các dự án BRI tại khoảng 70 nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới