Wednesday, November 27, 2024
Trang chủĐàm luậnYêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc (kỳ II)

Yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc (kỳ II)

 Yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông – như đề cập trong các văn bản chính thức, trong sách trắng xuất bản những năm 80 của thế kỷ trước và tại trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong thập niên đầu của thế kỷ XXI – chỉ được giới hạn trong chủ quyền đối với các hòn đảo, đặc biệt là Hoàng Sa và Trường Sa.

Phản ứng của thế giới khi yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc bị bác bỏ

Sự thay đổi quan điểm chính thức của Trung Quốc

Vào năm 2009, Trung Quốc lần đầu tiên công bố chính thức bản đồ có đường lưỡi bò ra cộng đồng quốc tế. Trước đó, mặc dù Trung Quốc đã cho lưu hành nội bộ những bản đồ này, nước này chưa từng biến nó thành một yêu sách trong giao tiếp quốc tế với các nước khác. Yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông – như đề cập trong các văn bản chính thức, trong sách trắng xuất bản những năm 80 của thế kỷ trước và tại trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong thập niên đầu của thế kỷ XXI – chỉ được giới hạn trong chủ quyền đối với các hòn đảo, đặc biệt là Hoàng Sa và Trường Sa. Trong những năm 90 của thế kỷ trước, Trung Quốc cũng chỉ đề xuất phát triển chung đối với Quần đảo Trường Sa. Năm 1993, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng khẳng định: “Về vấn đề tại quần đảo Trường Sa, nơi mà chủ quyền thuộc về Trung Quốc, đất nước chúng tôi đề nghị ‘gác tranh chấp’ để cùng khai thác” (in nghiêng của tác giả bài viết). Theo Hasjim Djalal, năm 1996, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tiền Kỳ Tham đã đảm bảo với người đồng cấp Indonesia Ali Alatas rằng, không có vấn đề gì giữa hai nước khi ông Ali yêu cầu một lời giải thích về đường lưỡi bò. Trung Quốc cũng không hề phản đối thỏa thuận được ký kết giữa Việt Nam và Indonesia về đường ranh giới thềm lục địa 23/6/2003. Một phần của khu vực phân giới chồng lấn với vùng nước bên trong đường lưỡi bò.

Vào tháng 5/2009, khi phản đối bản đệ trình chung của Việt Nam và Malaysia về ranh giới ngoài của thềm lục địa tại Biển Đông, Trung Quốc đã lần đầu tiên cho lưu hành quốc tế một bản đồ có đường lưỡi bò trong Công hàm gửi Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Ranh giới Thềm lục địa (CLCS). Trung Quốc khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo tại Biển Đông và các vùng kế cận, và có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển.

Ngày 14/4/2011, nhằm đáp trả một công hàm của Philippines gửi CLCS phản đối về đường lưỡi bò, Trung Quốc gửi một công hàm cáo buộc Philippines “xâm lược” và “chiếm đóng” một số đảo và đá ngầm tại “Quần đảo Nam Sa của Trung Quốc”. Cũng trong công hàm này, Trung Quốc tuyên bố “dựa trên các quy định có liên quan tại Công ước Luật Biển 1982, Bộ luật của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp (1992) và Luật về Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1998), Quần đảo Nam Sa của Trung Quốc hoàn toàn có quyền được hưởng vùng lãnh hải,vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa” (in nghiêng của tác giả bài viết).

Một vài nhà bình luận cho rằng, động thái này của Trung Quốc là một nỗ lực nhằm làm rõ và biện hộ yêu sách của họ dựa trên UNCLOS. Tuy nhiên, sau sự kiện ngày 26/5/2011 khi tàu hải giám Trung Quốc dùng thiết bị đặc biệt để cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu khai thác dầu khí Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, có thể thấy Trung Quốc đã nhận ra những nỗ lực nhằm làm rõ yêu sách dựa trên UNCLOS sẽ không phục vụ cho những tham vọng của nước này. Sẽ rất khó để Trung Quốc biện hộ cho các hành động của mình khi vụ cắt cáp đầu tiên xảy ra không chỉ nằm ở phía Tây của bất kỳ đường cách đều vào giữa lãnh thổ Việt Nam và hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Khu vực này thậm chí còn nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của các thực thể này có tối đa hiệu lực để tạo nên vùng đặc quyền kinh tế. Do đó, Trung Quốc đã quay sang sử dụng lập luận “quyền lịch sử” để khẳng định yêu sách đường lưỡi bò của mình dù điều này không phù hợp với UNCLOS. Trong phát biểu của mình tại ARF ngày 18/7/2011 tại Indonesia, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã lần đầu tiên tuyên bố một cách chính thức rằng: “Đường chín đoạn đã được Chính phủ Trung Quốc công bố một cách chính thức vào năm 1948” và “Chủ quyền, quyền và yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông đã được xác lập và phát triển lâu dài trong lịch sử” (in nghiêng của tác giả bài viết). Ngày 15/9/2011, trong một trả lời giới truyền thông về việc liệu yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông có vi phạm UNCLOS, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã khẳng định: “Chủ quyền, quyền và những yêu sách liên quan của Trung Quốc đối với Biển Đông đã được hình thành qua một thời gian dài trong lịch sử” và “UNCLOS… không hạn chế hay chối bỏ quyền của một quốc gia đã được hình thành trong lịch sử và được duy trì không thay đổi”. (in nghiêng của tác giả bài viết.

Có vẻ như nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã làm rõ yêu sách về đường lưỡi bò của mình. Trung Quốc chính thức kết hợp sử dụng khái niệm về quyền chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Công ước Luật Biển 1982 và khái niệm về quyền lịch sử để yêu sách về toàn bộ các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong phạm vi đường lưỡi bò.

Các hoạt động thực thi yêu sách đường lưỡi bò

Kể từ năm 2009, song song với việc làm rõ các yêu sách về đường lưỡi bò, Trung Quốc cũng tăng cường đáng kể sự hiện diện của mình tại khu vực một cách toàn diện, mở rộng không chỉ về quân sự mà còn có các hoạt động bán quân sự và dân sự tại đây nhằm đạt được sự kiểm soát thực tế (de facto) đối với các khu vực trên Biển Đông được thiết lập bởi đường lưỡi bò.

Về các hoạt động quân sự, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc phát triển quân đội, đặc biệt là hiện đại hóa lực lượng hải quân bằng việc xây dựng một căn cứ hải quân ở Tam Á để sử dụng như một cửa ngõ vào Biển Đông. Để gửi một thông điệp răn đe các nước yêu sách khác tại Biển Đông, Hải quân Trung Quốc đã tăng tần suất và mức độ phối hợp trong các cuộc tập trận tại Biển Đông. Sự kiện đáng chú ý nhất là vào tháng 7/2010 khi Hải quân Quân đội giải phóng Nhân dân lần đầu tiên huy động 12 tàu chiến hiện đại từ ba hạm đội (Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải) để tiến hành một cuộc tập trận chung có quy mô lớn tại Biển Đông. Ngày 28/6/2012, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tuyên bố nước này sẽ sử dụng tàu tuần tra sẵn sàng chiến đấu tại vùng nước đang tranh chấp trên Biển Đông”.

Về các hoạt động bán quân sự, Trung Quốc đã triển khai một cách có hệ thống các tàu tuần tra và tàu của các cơ quan thực thi pháp luật khác nhau trên Biển Đông. Giai đoạn trước năm 2012, Trung Quốc có ít nhất năm cơ quan thực thi pháp luật trên biển: Cảnh sát biển Trung Quốc – đơn vị trên biển thuộc Lực lượng An ninh Biên giới, một lực lượng cảnh sát bán quân sự dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an; Cục quản lý An toàn Hàng hải Trung Quốc, thuộc Bộ Giao thông, phụ trách tìm kiếm và cứu hộ;Hải Giám Trung Quốc (CMS), một đơn vị thực thi pháp luật biển bán quân sự thuộc Cục Quản lý Hải dương Nhà nước; Cơ quan chỉ huy thực thi luật thủy sản Trung Quốc (FLCE) (một bộ phận của Cục Quản lý Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp) chịu trách nhiệm thi hành luật pháp liên quan đến việc đánh bắt cá và tài nguyên biển; và Tổng cục Hải quan điều hành một lực lượng chống buôn lậu trên biển. Một vài học giả nhận thấy mỗi cơ quan trên đều có tàu tuần tra riêng, hoạt động độc lập và không có sự phối hợp với nhau. Nhằm khắc phục tình trạng cạnh tranh và thiếu phối hợp giữa các lực lượng chấp pháp, tháng 3/2013, Trung Quốc sáp nhập các lực lượng chấp pháp biển thành một lực lượng thống nhất đặt dưới quyền (về hình thức) của Cơ quan Hải dương Quốc gia (thuộc Bộ Tài nguyên và Đất đai), nhưng Bộ Công an chỉ đạo về chuyên môn”.

Phạm vi hoạt động của các lực lượng tuần tra biển của Trung Quốc trên thực tế được triển khai theo phạm vi đường lưỡi bò nhằm thể hiện quyền quản lý của Trung Quốc. Trong một hành động thể hiện quyền quản lý của mình tại cực Nam của đường lưỡi bò, báo chí quốc tế đưa tin vào ngày 23/6/2010, tàu Ngư chính 311 của Trung Quốc đã chĩa súng máy cỡ lớn tàu hải quân của Indonesia khi tàu này bắt giữ các tàu cá của Trung Quốc hoạt động tại khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia tại quần đảo Natuna.

Đối với vấn đề khai thác năng lượng tại Biển Đông, từ mùa hè năm 2007, Trung Quốc đã đe dọa một số công ty dầu khí nước ngoài phải ngừng các hoạt động liên kết thăm dò ngoài khơi cùng với các đối tác Việt Nam, nếu không các công ty này sẽ phải đối mặt với các hậu quả không thể lường trước được trong các thương vụ kinh doanh của họ tại Trung Quốc. Trong khi phản đối các hoạt động khai thác năng lượng được thực hiện bởi các nước khác tại những khu vực nằm trong yêu sách đường lưỡi bò, Trung Quốc mặt khác lại ủng hộ việc khai thác chung các nguồn tài nguyên nằm trong vùng này. Tuy nhiên, các khu vực mà Trung Quốc đề xuất không được các nước khác chấp nhận bởi các vùng này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ như đã được phân định trong UNCLOS, nhưng lại nằm trong khoảng từ 500-700 hải lý tính từ đảo Hải Nam – lãnh thổ không tranh chấp nằm ở cực Nam của Trung Quốc.

Mặt khác, từ năm 2007, Trung Quốc đã cho lưu hành một bản đồ phân chia các lô dầu khí trong đường lưỡi bò tại Biển Đông và cho phép các công ty quốc doanh của nước này mời thầu các lô dầu khí trên.

Vào tháng 6/2012, Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) thông báo gói thầu dầu khí quốc tế lớn đầu tiên của mình trong đường lưỡi bò và cả chín lô được mời thầu đều nằm hoàn toàn trong vùng 200 hải lý tính từ bờ biển Việt Nam. Động thái này cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng cho việc đơn phương khai thác năng lượng trong đường lưỡi bò.

Vào ngày 21/6/2012, trong một động thái thể hiện sự quản lý hành chính của mình đối với đường lưỡi bò,Quốc vụ viện Trung Quốc đã phê duyệt thành lập một thành phố cấp địa khu mang tên Tam Sa để quản lý ba quần đảo Hoàng Sa, Bãi Macclesfield, Trường Sa và “các vùng nước xung quanh” của các đảo này ở Biển Đông.

(còn nữa)

RELATED ARTICLES

Tin mới