NATO dường như không còn có thể đe dọa Tây Ban Nha về “ngáo ộp” Nga được nữa.
Sau 3 năm căng thẳng song phương, mới đây 3 tàu Hải quân Nga đã tiếp nhiên liệu tại Ceuta, một thị trấn cảng Tây Ban Nha ở đông bắc châu Phi.
Tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường Marshal Ustinov, tàu chở dầu Dubna và tàu kéo cứu hộ SB- 406 đã tái nạp nhiên liệu và tái bổ sung hàng hóa ở Ceuta.
Động thái này đáng chú ý sau một thời gian dài 3 năm liền Nga đã hủy bỏ yêu cầu cập cảng tại Ceuta. Hồi năm 2016, Nga đã hủy yêu cầu cập cảng Ceuta vì các đồng minh NATO cáo buộc các tàu của Moscow đến đây để nhắm mục tiêu tới dân thường ở Syria.
Căng thẳng tới nay mới có dấu hiệu nồng ấm.
Các thành viên châu Âu, đặc biệt là đồng minh NATO lại rất bất ngờ với thông tin này, đặc biệt trong bối cảnh khối này và Nga đang trong mối quan hệ cực căng thẳng.
Ông Nile Gardiner, một nhà bình luận chính trị người Anh và là cựu trợ lý của Cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher cho rằng, động thái này cho thấy Tây Ban Nha đã trở thành một con dao đâm đằng sau lưng liên minh NATO.
Luke Coffey, một cố vấn chính trị của Mỹ thậm chí còn cho rằng, hành động của Marid là “vô trách nhiệm”.
Lực lượng Hải quân Nga được cho là đã đi đến Ceuta “chỉ ba ngày” sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đến Madrid.
Theo thống kê chính thức, các tàu chiến của Nga cập cảng Ceuta 60 lần trong giai đoạn 2010- 2016. Moscow mang đến hơn 10.000 quân nhân, cùng với doanh thu khoảng 4,5 triệu euro cho cảng biển này.
Điều này cho thấy một thực tế không ngạc nhiên khi các nhà chức trách cảng Ceuta hoan nghênh hạm đội Nga, chỉ ra rằng những chuyến thăm như vậy là “hiệu quả cho các cơ sở thương mại của thị trấn.”
Sputnik dẫn lời ông Santiago Velo de Antelo, người đứng đầu Học viện Ngoại giao Tây Ban Nha cho rằng, sự xuất hiện của Hải quân Nga tại Ceuta đánh dấu “sự quay trở lại một tình huống bình thường”.
Trong khi đó, Luật sư và nhà kinh tế Tây Ban Nha Guillermo Rockafort đã chỉ trích lập trường của London khi nghi vấn Nga kiểm soát eo biển quan trọng nhất thế giới Gibraltar.
“Tây Ban Nha đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Vương quốc Anh, Mỹ và cho toàn thế giới rằng họ là một quốc gia có chủ quyền và sẽ đưa ra các quyết định đáp ứng các lợi ích riêng của họ” – ông Rockafort nói.
Hải quân Anh theo dõi tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường Marshal Ustinov. Ảnh: News Sky |
Vị luật sư giải thích thêm, việc cho phép Nga cập cảng Ceuta cho phép Madrid thể hiện lập trường trung lập và thậm chí thân thiện đối với một quốc gia quan trọng như Nga.
Ông Rockafort còn cho rằng hợp tác với Nga dường như là tất yếu với Tây Ban Nha.
“Nga và Tây Ban Nha là biên giới phía tây và phía đông của châu Âu. Chúng tôi có một điều gì đó để mang lại lợi ích cho nhau từ quan điểm kinh tế, nhân đạo và quân sự. Một điều vô nghĩa là từ chối sự hợp tác dưới áp lực từ các quốc gia khác” – ông Rockafort nhấn mạnh.
Trước đó, hồi đầu tháng 11, Tây Ban Nha cũng không ngần ngại chỉ trích việc Tổng thống Mỹ Donald Trump “ban phát” các lệnh trừng phạt, các tối hậu thư với nhiều nước.
Tây Ban Nha đã cùng với Nga lên án việc ông Trump ra tối hậu thư với Iran.
Trong cuộc họp báo chung giữa hai Ngoại trưởng, các ông Sergei Lavrov và Josep Borrel đã bày tỏ sự thống nhất trong việc gia tăng trừng phạt là vi phạm quyết định của HĐBA LHQ và không có ý nghĩa.
“Các biện pháp trừng phạt hoàn toàn không hợp pháp, các biện pháp đang được áp đặt vi phạm trắng trợn quyết định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Và hình thức của các biện pháp trừng phạt được tuyên bố và thực thi không tạo ra bất kỳ điều gì ngoài sự thất vọng sâu sắc.
Trong thời đại của chúng ta, không thể chấp nhận việc theo đuổi một chính sách dựa trên các tối hậu thư và những yêu cầu đơn phương” – Ngoại trưởng Nga tuyên bố.
Sau đó, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Josep Borrel bày tỏ sự đồng tình khi cho biết, ông bác bỏ “mọi loại lập trường tương tự như một tối hậu thư từ bất kỳ ai cũng như từ Mỹ”.