Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn khẳng định, thông tin chính phủ nước này cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở tỉnh Koh Kong là sai sự thật.
Campuchia phủ nhận thông tin cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở tỉnh Koh Kong.
Hồi tuần trước, tờ Asia Times đặt trụ sở ở Hong Kong đưa tin kể từ năm ngoái, Trung Quốc đã triển khai vận động hành lang để chính phủ Campuchia cho phép mở cửa một căn cứ hải quân tại tỉnh Koh Kong trên vịnh Thái Lan.
Theo Asia Times, khu vực mà Trung Quốc được cho muốn xây căn cứ hải quân nằm trên diện tích 45.000 hecta thuộc tỉnh tây nam Koh Kong của Campuchia. Khu vực này nằm gần biên giới Thái Lan.
Trước đó, vào năm năm 2008, Tập đoàn Phát triển thống nhất Trung Quốc đã ký kết bản hợp đồng cho thuê đất trong vòng 99 năm với tổng trị giá là 3,8 tỷ USD để phát triển trên mảnh đất có diện tích 45.000 hecta được chuyển nhượng.
Cũng theo Asia Times, hoạt động phát triển trên diện tích 45.000 hecta bao gồm xây dựng “các trung tâm kinh tế, cơ sở y tế, nhà chung cư, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà máy sản xuất, một cảng nước sâu và một sân bay quốc tế”.
Tuy nhiên, hôm 17/11, Bộ trưởng Sokhonn đã nói với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Sullivan rằng, hiến pháp Campuchia không cho phép bất cứ căn cứ hải quân nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ quốc gia.
Trước đó, ông Sullivan đã bày tỏ mối quan ngại về thông tin liên quan tới việc Trung Quốc sắp xây dựng căn cứ hải quân ở Campuchia. Theo ông Sullivan, nếu thông trên là đúng sự thật, mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Campuchia sẽ bị ảnh hưởng lớn.
“Chính phủ Hoàng gia Campuchia sẽ không vi phạm hiến pháp”, Khmer Times dẫn lời Bộ trưởng Sokhonn.
Trong khi đó, Giáo sư Sophal Ear tại Đại học Occidental ở Los Angeles từng nhận định, quy mô cảng nước sâu mà Trung Quốc dự định xây ở Campuchia có thể làm nơi neo đậu cho các tàu chiến Trung Quốc.
Hôm 18/11, Bộ Quốc phòng Campuchia cũng đã lên tiếng phủ nhận thông tin được tờ Asia Times đăng tải. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia, Tướng Chhum Sucheat nhấn mạnh, “đây chỉ là thông tin giả mạo nhằm gây hiểu lầm trong dư luận”.