Monday, December 23, 2024
Trang chủĐiểm tinCăng thẳng tột độ: Ông Tập phát biểu xong, đoàn TQ bỏ...

Căng thẳng tột độ: Ông Tập phát biểu xong, đoàn TQ bỏ về hết để không nghe ông Pence nói

Căng thẳng Mỹ-Trung leo thang tại hội nghị cấp cao APEC hồi cuối tuần qua dự báo “sức ép rất lớn” lên cuộc gặp sắp tới giữa tổng thống Donald Trump và chủ tịch Tập Cận Bình.

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh cam kết của Trung Quốc với tự do thương mại trước hội nghị Apec 2018 (Ảnh: EPA-EFE)

Mỹ-Trung “căng thẳng tột độ”

Hệ quả của bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc là lần đầu tiên hội nghị cấp cao của 21 nền kinh tế APEC không thể đạt đồng thuận để đưa ra tuyên bố chung trong phiên họp toàn thể tại thủ đô Port Moresby, Papua New Guinea hồi cuối tuần qua.

Rạn nứt được thể hiện rõ khi ông Tập Cận Bình và phó tổng thống Mỹ Mike Pence không nghe phần phát biểu của đối phương, trong khi cả hai ông đều lên tiếng mạnh mẽ về cuộc chiến thương mại song phương. Ông Tập chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ, trong khi ông Pence cảnh báo về bẫy nợ từ sáng kiến “Vành đai, Con đường” do ông Tập khởi xướng.

Ngày 19/11, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc ông Cảnh Sảng khẳng định nhiều quốc gia đang phát triển có quan điểm phản đối chủ nghĩa bảo hộ, và lập trường của Bắc Kinh không phải là nguyên nhân khiến hội nghị APEC không đạt được đồng thuận.

“Quyền lực chính trị và chèn ép về kinh tế là điều bị hầu hết thành viên APEC phản đối,” ông Cảnh nói.

Ba đại biểu nền kinh tế chủ nhà Papua New Guinea mô tả bầu không khí giao tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc tại kỳ họp APEC là “căng thẳng tột độ”.

Các thành viên đoàn Trung Quốc ngày 17/11 đã rời khỏi hội trường sau khi ông Tập Cận Bình đọc diễn văn, trước khi ông Pence lên phát biểu.

“Một số [đại biểu Trung Quốc] rời khỏi, một số vẫn ở lại địa điểm họp nhưng chỉ đứng bên ngoài hội trường. Họ không nghe bài diễn văn của ông Pence,” một đại biểu chủ nhà nói.

Ông Pence ngày 18/11 nói với báo chí rằng ông “đã có cuộc trao đổi thẳng thắn” với chủ tịch Trung Quốc, nhưng một đại biểu Papua New Guinea khác cho hay các quan chức Mỹ-Trung dường như giữ khoảng cách với nhau.

“Tôi không thấy những người Mỹ và người Trung Quốc trao đổi riêng với nhau… Tất cả bọn họ đều bước vào và đi ra theo nhóm… Không có cơ hội nào để họ tự do nói chuyện cá nhân cả,” đại biểu này cho hay, nói thêm rằng căng thẳng giữa hai “ông lớn” đã đặt Papua New Guinea vào vị thế nan giải.

Mỹ gây sức ép tối đa trước thượng đỉnh Trump-Tập

Các nhà quan sát ngoại giao đánh giá bầu không khí lạnh giá giữa Mỹ-Trung tại APEC phản ánh thực tế tình trạng đối đầu “cứng” về địa chính trị giữa hai nước, đồng thời cho rằng Mỹ sẽ gây sức ép tối đa lên Bắc Kinh để thu được những lợi ích mong muốn tại cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina vào cuối tháng.

Liu Weidong, chuyên viên phân tích sự vụ Mỹ-Trung tại Viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS), nói chiến tranh thương mại đang làm tổn hại cả Mỹ và Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh có thể gặp nhiều áp lực hơn.

“Cuộc gặp [Trump-Tập] có nhiều ý nghĩa với Trung Quốc hơn với Mỹ, nhưng các nhà đàm phán và quyết sách từ cả hai bên sẽ đứng trước nhiều sức ép hơn trong hai tuần tới.”

Ông Tập nỗ lực định vị Trung Quốc là “nhà vô địch” về tự do thương mại, đối trọng với chủ nghĩa bảo hộ “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump, nhưng lãnh đạo Trung Quốc sẽ không dễ thuyết phục được các cường quốc như Đức, Pháp hay Liên minh châu Âu (EU) – nhưng đối tác chia sẻ chung nhiều lo ngại với Mỹ về Trung Quốc.

“Bắc Kinh cần sẵn sàng,” ông Liu nói. “[Các nước phương Tây] có thể sẽ không hoàn toàn đứng về phe Trung Quốc hay Mỹ, nhưng sẽ ngầm đồng thuận một số biện pháp của Mỹ có thể gây thêm sức ép lên Trung Quốc.”

Theo ông Liu, Bắc Kinh cần cần có giải pháp liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và hạ thuế quan để kết thúc chiến tranh thương mại.

Đài CNN cho hay, các thành viên APEC không đạt được thỏa thuận về tuyên bố chung là bởi Trung Quốc phản đối phần diễn đạt về “các biện pháp thương mại bất công” trong bản thảo tuyên bố. 

Mỹ là bên yêu cầu đưa diễn đạt này vào để chỉ trích và cáo buộc Trung Quốc kìm hãm thị trường, ép buộc chuyển giao công nghệ, gián điệp công nghiệp, chính phủ bảo hộ và ăn cắp sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên theo nguồn tin chính phủ Trung Quốc (ẩn danh), còn nhiều nguyên nhân và bất đồng dẫn đến thất bại trong nhận thức chung.

Ông Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học nhân dân Trung Quốc, tin rằng vẫn còn cơ hội để đạt “hòa ước” giữa hai nước.

“Cho đến nay, các nước phát triển như Nhật Bản, Australia hay ở châu Âu vẫn thận trọng [về cách xử lý vấn đề chiến tranh thương mại Mỹ-Trung],” ông Shi nói. “Có vẻ như Mỹ sẽ cố đạt một thỏa thuận với Trung Quốc, và Trung Quốc có thể đồng ý một số phần nhưng sẽ không thỏa hiệp nếu các đề xuất về chính sách kinh tế và công nghiệp quá ngặt nghèo.”

RELATED ARTICLES

Tin mới