Thursday, November 28, 2024
Trang chủBiển nóngPhán quyết Trọng tài khiến TQ đổi sách lược, núp bóng COC

Phán quyết Trọng tài khiến TQ đổi sách lược, núp bóng COC

Phải cho tới sau khi Tòa trọng tài ở La Haye ra phán quyết lịch sử vào ngày 12/7/2016 thì Trung Quốc mới đồng ý đẩy nhanh tiến trình “tham vấn”.

Tòa án trọng tài quốc tế có trụ sở ở La Haye, Hà Lan

Phải cho tới sau khi Tòa trọng tài ở La Haye ra phán quyết lịch sử vào ngày 12/7/2016 thì Trung Quốc mới đồng ý đẩy nhanh tiến trình “tham vấn”.

Theo nhận định của các học giả quốc tế thì có hai lý do có thể giải thích tại sao Trung Quốc đồng ý làm vậy.

Thứ nhất, để cứu vãn uy tín do Phán quyết Tòa Trọng tài quốc tế đã thẳng thừng bác bỏ yêu sách phi lý theo đường “lưỡi bò” của Trung Quốc trong Biển Đông, Bắc Kinh muốn đánh lạc hướng sự chỉ trích việc nước này bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài.

Thứ hai, mặc dù phán quyết hoàn toàn ủng hộ Philippines, ông Rodrigo Duterte đã quyết định đặt nó sang một bên và ưu tiên tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc;

Đồng thời ông thúc đẩy việc tiến hành đàm phán song phương để giải quyết các yêu sách về chủ quyền và quyền tài phán chồng chéo của hai nước.

Việc hạ nhiệt căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc cũng có thể đã góp phần cải thiện bầu không khí trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc.

Trong nửa đầu năm 2017, các quan chức ASEAN và Trung Quốc đã gặp gỡ 3 lần để thảo luận COC.

Tại cuộc họp Nhóm công tác chung ASEAN-Trung Quốc lần thứ 19 về thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (JWG-DOC) ở Bali, Indonesia, ngày 27/2/2017, hai bên đã nhất trí về phác thảo cơ bản của dự thảo khung.

Sau đó đã được thảo luận tại JWG-DOC lần thứ 20 ở Siem Reap, Campuchia, vào ngày 30/3/2017.

Dự thảo này đã được sửa đổi đôi chỗ trong các cuộc họp SOM-DOC ở Quý Dương, Quý Châu, Trung Quốc vào tháng 5/2017. Và đến tháng 8/2017, “Dự thảo khung COC” mới được thông qua.

Nhưng giá trị ràng buộc về mặt pháp lý của COC được đề xuất cho đến nay vẫn chưa được làm rõ.

Trung Quốc thì cho rằng COC vẫn là một văn kiện chính trị, trong khi đó, một số thành viên ASEAN, đặc biệt là các nước có liên quan trực tiếp đến vấn đề tranh chấp Biển Đông, đã đề nghị COC phải là một thỏa thuận ràng buộc pháp lý và phải được đề cập một cách toàn diện và hiệu quả hơn DOC, vốn chỉ là một tuyên bố chính trị.

Cụ thể là: ngoài các điều khoản chi tiết và cụm từ “có tính ràng buộc về mặt pháp lý”, có một vài vấn đề quan trọng không được đưa vào thỏa thuận.

Một là, dự thảo khung này không đề cập đến phạm vi địa lý của COC.

Hai là, trong khi văn bản này đề cập đến “các cơ chế giám sát việc thực thi”, nó lại không nói gì đến các biện pháp chế tài trong trường hợp nếu một bên cáo buộc một bên khác vi phạm bộ quy tắc này…

Tuy vậy, ngày 3/8/2018, tại Singapore, Ngoại trưởng của 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng người đồng cấp Trung Quốc đã thống nhất về một “Văn bản Đàm phán Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông Duy Nhất”, được coi là một “tài liệu sống” để các Bên tiếp tục trao đổi kỹ hơn một số nội dung còn có ý kiến khác nhau đó là:

1. Về Phạm vi điều chỉnh của COC: Có thể nói đây là nội dung cốt lõi của COC, nếu không muốn nói, nếu không xác định phạm vi điều chỉnh thì COC sẽ không bao giờ được thông qua hoặc nếu vì một lý do nào đó COC vẫn được thông qua mà không có nội dung này thì nó chẳng có ý nghĩa và giá trị pháp lý gì, thậm chí càng làm cho tình trạng tranh chấp trên Biển Đông phức tạp thêm.

2. Về cơ chế giải quyết tranh chấp: Đây cũng là một nội dung thể hiện trong Văn bản còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau và sẽ tiếp tục gây tranh cãi trong đàm phán sắp tới.

3. Về nghĩa vụ hợp tác: Về cơ bản, Văn Bản đã sử dụng các quy định của UNCLOS 1982, rằng các quốc gia ký kết có nghĩa vụ hợp tác bảo vệ môi trường biển trong một biển nửa kín và trong khi đang chờ giải quyết tranh chấp, các quốc gia ký kết cần tham gia vào những thoả thuận có tính thực tiễn.

4. Về nội dung “Tự kiềm chế/Thúc đẩy lòng tin và sự tín nhiệm”: Trung Quốc đề xuất “Các Bên sẽ thiết lập một cơ chế thông báo các hoạt động quân sự, và thông báo cho nhau các hoạt động quân sự chính nếu thấy cần thiết.

Các Bên không được tập trận chung với các nước ngoài khu vực, trừ khi các bên liên quan đã được thông báo trước và không phản đối.

5. Về vai trò của bên thứ ba: Trung Quốc chủ yếu nhằm ràng buộc các quốc gia thành viên ASEAN ký kết COC phải hạn chế, nếu như không phải là loại trừ hoàn toàn sự tham gia của các bên thứ ba.

Có thể nói, đây là chủ trương xuyên suốt “phi quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông mà Trung Quốc đã và đang theo đuổi.

6. Về tính chất của COC: Văn Bản chưa có quy định nào cho thấy COC là một Hiệp ước theo luật quốc tế.

Nếu các Bên đàm phán không nhất trí được 6 nội dung nói trên thì chúng tôi tin rằng COC sẽ khó có thể được ký kết theo đúng thời hạn mà Thủ tướng Lý Khắc Cường đã hứa hẹn.

Theo chúng tôi, để thống nhất được các nội dung nói trên, các Bên đàm phán không chỉ dựa vào quyết tâm chính trị mà điều tiên quyết theo chúng tôi phải trên tinh thần thượng tôn pháp luật, phải dựa vào các quy định của UNCLOS 1982, không được tùy tiện giải thích và áp dụng sai UNCLOS 1982.

Chẳng hạn, khi bàn về vai trò của Bên thứ 3 trong COC, thiết nghĩ không nên xuất phát từ lợi ích của riêng mình, bất chấp luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Như mọi người đều biết, Biển Đông, ngoài phạm vi các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển theo quy định của UNCLOS 1982, còn có vùng Biển Cả (High Sea) – Biển Quốc tế – mà tại đó tất cả các quốc gia dù có biển hay không có biển, đều được hưởng các quyền đặc trưng như quyền khai thác các tài nguyên sinh vật và không sinh vật, quyền tự do hàng hải và hàng không, với điều kiện tuân thủ các quy định liên quan của UNCLOS 1982.

Về quy chế pháp lý, các quốc gia bên ngoài khu vực và các quốc gia ASEAN không tiếp giáp Biển Đông, được thực thi bình đẳng các quyền tự do này tại Biển Đông…

Như vậy, có thể khẳng định rằng Bên thứ 3 phải được coi vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thi hành của Bộ quy tắc ứng xử có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý đối với tất cả các Bên liên quan.

Hơn nữa, trong quan hệ quốc tế, các quốc gia ven Biển Đông có quyền hợp tác với bất kỳ quốc gia nào trên tất cả các lĩnh vực, kể cả lĩnh vực an ninh, quốc phòng, trong phạm vi các vùng biển và thềm lục địa thuộc các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, mà không cần phải thông báo hay được sự đồng ý của bất kỳ quốc gia, tổ chức, cá nhân nào.

Tất nhiên, phải trong khuôn khổ tuân thủ các quy định của UNCLOS 1982 và không vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của các quốc gia khác, không đe dọa và gây tổn hại đến an ninh, quốc phòng của các quốc gia khác…

Cũng như nguyên vọng chung của dư luận, trong tình hình tranh chấp căng thẳng và phức tạp hiện nay, chúng tôi luôn luôn hy vọng COC sẽ được ký kết càng sớm càng tốt, thậm chí sẽ được ký kết chỉ trong nay mai, chứ không phải chờ đến 3 năm như tuyên bố của ông Lý Khắc Cường.

Tuy nhiên, căn cứ vào những diễn biến của tiến trình xây dựng COC mà chúng tôi vừa đề cập nói trên, thiết nghĩ chúng ta có thể có căn cứ để làm chủ được những cảm xúc của mình, sao cho những phản ứng và hành xử của mình được đúng đắn và thích hợp nhất, có lợi cho công cuộc đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia; đồng thời góp phần vào việc bảo vệ hòa bình, duy trì an ninh, tăng cường hợp tác, phát triển của khu vức và thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới