Hiện nay, rất nhiều quốc gia bày tỏ quan ngại về tầm ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của Bắc Kinh trên thế giới thông qua sáng kiến “Vành đai – Con đường”.
Cảng Gwadar nằm trên hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan. Ảnh: Reuters
Ảnh hưởng tiêu cực khó lường
Với trị giá 62 tỉ USD, Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) được thiết kế để kết nối vùng cực tây Tân Cương của Trung Quốc với Cảng Gwadar của Pakistan thông qua mạng lưới đường bộ, đường sắt, đường ống dẫn dầu và hệ thống các trung tâm thương mại.
Dự kiến hoàn thành vào năm 2030, dự án CPEC giúp Trung Quốc mở rộng tuyến đường giao thương quan trọng với Trung Đông và Châu Phi.
Tuy nhiên, trong khi dự án này được xem là nút thắt quan trọng trong sáng kiến Vành đai Con đường của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, thì Yang Shu – chuyên gia về quan hệ quốc tế tại đại học Lan Châu, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc – lại cho rằng những ảnh hưởng tiêu cực khó lường của hành lang CPEC đã bị bỏ qua.
“Trên truyền thông, Trung Quốc đã ca ngợi rất nhiều về thành tựu của CPEC, nhưng tôi nghĩ họ đã bỏ qua vô số ảnh hưởng tiêu cực của hành lang này,” ông Yang phát biểu tại một hội nghị ở Bắc Kinh.
“Khối lượng thông tin quá nhiều về ‘Sáng kiến Vành đai Con đường’ và những nhận định thiếu trách nhiệm của các học giả đã khiến nhiều người tỏ ra nghi ngờ [về mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh] tại Ấn Độ,” ông Yang đánh giá kế hoạch 5 năm đầu của dự án.
Nghi vấn về tính khả thi của dự án
Trong khi nhiều người dân Trung Quốc phàn nàn rằng sáng kiến Vành đai Con đường đang tiêu tốn quá nhiều tiền của, thì các quốc gia khác lại bày tỏ quan ngại về tầm ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của Bắc Kinh trên thế giới, và cho rằng sáng kiến nói trên đã đẩy những nước tham gia vào bẫy nợ khó thoát.
Mặc dù Bắc Kinh luôn khẳng định rằng CPEC là dự án “các bên đều có lợi” cho các đồng minh của Trung Quốc, Pakistan hiện đang chịu khoản nợ lên tới 70% GDP quốc gia, và một nửa trong số đó là nợ Trung Quốc.
Ông Yang – người từng tham gia lên kế hoạch cho dự án Vành đai Con đường từ những ngày đầu – cũng bày tỏ nghi vấn về tính khả thi của việc xây dựng đường tàu và đường dẫn dầu tại nơi có địa thế hiểm trở như vậy.
Ông Yang cho rằng việc xây dựng như vậy không có hiệu quả rõ rệt với an ninh năng lượng nói chung của Bắc Kinh, đặc biệt khi Tân Cương đã là nơi có trữ lượng mỏ than và khí ga tự nhiên lớn nhất của Trung Quốc.
“Nếu cân nhắc tới mọi khoản chi tiêu, thì chi phí dành cho dự án ống dẫn dầu đang cao một cách nguy hiểm. Dựa trên kinh nghiệm [ở những dự án tương tự khác trên thế giới], một khi đường ống dài hơn 4.000 km, thì chi phí vận chuyển năng lượng trên đường bộ còn cao hơn chi phí trên biển, vậy nên Cảng Gwadar sẽ không nhận được chút lợi ích kinh tế nào.”
Ông Yang khẳng định sự mập mờ trong kế hoạch của Bắc Kinh – cùng với những lời hứa hẹn quá mức từ truyền thông – đã khiến New Delhi nghi ngại về ý định của Trung Quốc.
Trong bài phát biểu tại Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào tháng 6, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngầm chỉ trích CPEC, cho rằng dự án siêu kết nối phải dựa trên sự tôn trọng chủ quyền và lãnh thổ của những nước thành viên tham gia.
Ấn Độ là quốc gia duy nhất trong 8 nước có mặt tại SCO từ chối khoản đầu tư về cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh.
Ông Yang cho rằng trong tương lai, Trung Quốc cần phải minh bạch hơn về các khoản đầu tư nước ngoài trong sáng kiến Vành đai Con đường của mình.
“Chúng ta không nên chỉ vì Vành đai Con đường mà quên đi những chính sách ngoại giao cũ nhưng hiệu quả,” ông Yang kết luận.