Ông Tập Cận Bình dùng hình ảnh “cầu vồng sau mưa” để ám chỉ thời mới đang bắt đầu cho mối quan hệ giữa hai nước nhưng xưa nay, cầu vồng đâu có tồn tại dài lâu được bao giờ.
TQ không chỉ làm lỏng lẻo mối quan hệ giữa Philippines và Mỹ mà còn làm cho sự phân hoá giữa 2 nước này trở nên sâu sắc. Ảnh: Reuters
Sau 13 năm cách biệt
Trong chuyến công du khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần này, Chủ tịch Trung Quốc dành 7 ngày đi ba nơi: Papua New Guinea và tham dự hội nghị cấp cao APEC thường niên tại đó, Brunei và Philippines.
Hội nghị cấp cao APEC năm nay không được thành công mỹ mãn khi lần đầu tiên trong lịch sử không thông qua được tuyên bố chung – vì xung khắc lợi ích và khẩu chiến giữa Mỹ và Trung Quốc.
Từ góc độ mục đích và lợi ích của Trung Quốc mà nói thì hội nghị cấp cao APEC năm nay không thành công và cũng chẳng thất bại.
Nhưng những chuyến thăm song phương dịp này của ông Tập Cận Bình lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc, ở Papua New Guinea vì mục tiêu tranh thủ các đảo quốc ở khu vực Nam Thái Bình Dương và cạnh tranh ảnh hưởng – cũng còn có thể coi là cạnh tranh chiến lược với Australia, ở Philippines và Brunei vì ý đồ của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông và đánh lẻ nhằm vào một số nhất định thành viên của ASEAN để ASEAN “cùng thuyền mà không cùng hội” trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ và an ninh, ổn định ở khu vực Biển Đông.
Brunei thuộc diện những quốc gia bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở khu vực Biển Đông nhưng cho đến nay tránh đấu tranh pháp lý và trên thực địa với Trung Quốc. Bởi thế, chuyến đi Philippines của ông Tập Cận Bình nổi bật và đáng được chú ý đến hơn cả.
Sau 13 năm mới lại có Chủ tịch Trung Quốc tới thăm Philippines. Trong khoảng thời gian ấy có giai đoạn mối quan hệ song phương này không được suôn sẻ bởi Philippines phải đối phó với những hành động tranh chấp chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.
Thời Tổng thống Benigno Aquino III cầm quyền ở Philippines, nước này đã dành được thắng lợi chính trị, pháp lý và dư luận rất quan trọng với phán quyết của Toà án trọng tài thường trực của LHQ xác nhận tính phi pháp của những hành vi của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.
Cho tới hết nhiệm kỳ Tổng thống của ông Aquino, Philippines có mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược với Mỹ. Trong bối cảnh tình hình như thế, cả người tiền nhiệm lẫn bản thân ông Tập Cận Bình đều không thể tới thăm Philippines.
Bây giờ, ông Tập Cận Bình có thể tới Philippines vì người kế nhiệm ông Aquino là ông Rodrigo Duterte khác biệt cơ bản ông Aquino cả về tính cách cá nhân, phong cách quản lý quốc gia lẫn định hướng chính sách đối nội cũng như đối ngoại, trong đó đặc biệt có chính sách đối với Mỹ, Trung Quốc và chuyện Trung Quốc gây tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở khu vực Biển Đông.
Kết quả sự kiện này cho thấy ông Tập Cận Bình đã thành công lớn trên 4 phương diện.
TQ “quyến rũ” thành công Philippines
Thứ nhất, Trung Quốc đã thành công với mục đích quyến rũ và lôi kéo Philippines vào quỹ đạo và phạm vi tác động của chiêu thức “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” và “đồng tiền đi trước đồng tiền khôn” mà Trung Quốc coi là chiến lược áp dụng cho rất nhiều đối tác gần xa, cho nhiều châu lục và cho kế hoạch Vành đai và con đường.
Trung Quốc đã nhằm rất trúng vào những gì mà ông Duterte muốn có nhất để khai thác triệt để tác động dân tuý của nó phục vụ cho cầm quyền.
Vì ông Duterte muốn có chúng nên không chủ ý cưỡng lại sự quyến rũ của Trung Quốc bất kể đây đó trên thế giới và ở ngay bên cạnh Philippines thôi vẫn có không ít hoài nghi và lo ngại về động cơ, mục đích thật sự của Trung Quốc, về khả năng sa vào cái gọi là “bẫy nợ”, về hậu quả và hệ luỵ lâu dài có thể rất tai hại đối với Philippines.
Điều có thể chắc chắn được là thực trạng và triển vọng mối quan hệ giữa Philippines và Mỹ như thế sẽ làm cho nội bộ xã hội Philippines phân rẽ sâu sắc.
Thứ hai, ông Tập Cận Bình trên thực tế đã vô hiệu hoá được cho Trung Quốc những giá trị và tác động của phán quyết nói trên của toà án trọng tài thường trực của LHQ bằng cách làm cho ông Duterte lật ngược thành quả rất quan trọng của người tiền nhiệm trong cuộc đấu tranh pháp lý chống những hành động tranh chấp chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.
Thứ ba, ông Tập Cận Bình không chỉ có làm lỏng lẻo mối quan hệ giữa Philippines và Mỹ mà làm cho sự phân hoá giữa Philippines và Mỹ trở nên sâu sắc đến mức gần như không thể khắc phục được, ít nhất thì cũng chừng nào ông Duterte còn cầm quyền ở Philippines.
Và thứ tư, kết quả như thế của chuyến thăm Philipines này của ông Tập Cận Bình làm cho ASEAN càng thêm khó có được sự đồng thuận quan điểm và phối hợp hành động cần thiết để đối phó với những ý đồ và hành động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.
Ông Tập Cận Bình dùng hình ảnh “cầu vồng sau trận mưa” để ám chỉ thời mới đang bắt đầu cho mối quan hệ giữa hai nước được một người cũ và một người mới gây dựng.
Theo cách hiểu của dân gian, cầu vồng báo hiệu mưa tạnh. Nhưng xưa nay, cầu vồng đâu có tồn tại dài lâu được bao giờ. Phải coi đó là điềm gì đây đối với mối quan hệ song phương này?