Dự kiến vào cuối tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G-20 ở Argentina.
Tại kỳ họp của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) hôm 21/11, đại biểu Mỹ-Trung Quốc đã đấu khẩu quyết liệt. Mỹ cáo buộc Bắc Kinh sử dụng WTO để theo đuổi các chính sách “phi thị trường” và “dối trá”. Còn Trung Quốc cho rằng chính Mỹ mới là bên vi phạm, coi thường những quy tắc của tổ chức này.
Theo dõi các diễn đàn quốc tế gần đây, đại diện của hai siêu cường, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã lên tiếng tranh giành thế cuộc về phía mình. Hôm Chủ nhật 18/11, Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) kết thúc mà không ra được một Tuyên bố chung như các lần trước. Hội nghị APEC năm nay chứng kiến những lần công kích và đáp trả gay gắt giữa ông Pence và ông Tập.
Đến hiện tại chưa ai dám chắc về các diễn tiến của cuộc gặp Tập-Trump sẽ theo hướng nào? Những thoả thuận giữa hai nhà lãnh đạo sẽ là là những thoả thuận cơ bản, định hình cho các vòng mới của đối thoại Trung-Mỹ hay chỉ là một khoảng lặng giữa hai trận đánh?
Hôm 15/11, thông tin từ chính quyền Mỹ cho biết, văn bản phản hồi của Trung Quốc đối với yêu cầu cải cách thương mại của Mỹ có thể sẽ không tạo ra đột phá trong cuộc đàm phán giữa hai nguyên thủ. Như đã biết, Bắc Kinh đã cung cấp cho chính quyền Mỹ tài liệu trả lời đối với bản đề nghị từ phía Mỹ về các cam kết để bắt đầu các cuộc đàm phán. Tài liệu của Trung Quốc bao gồm 142 mục chia thành ba phần: các vấn đề Trung Quốc sẵn sàng đàm phán, các vấn đề đang thực sự được giải quyết và các vấn đề không thể đàm phán.
Cuộc gặp cuối tuần có thể đưa ra rất nhiều vấn đề lớn vào chương trình nghị sự của hai nguyên thủ. Tại đây các quan chức cấp cao phụ trách đàm phán của hai nước sẽ thảo luận ngay tại chỗ để báo cáo về tiến trình đàm phán với nguyên thủ mỗi nước đồng thời yêu cầu đưa ra quyết định cuối cùng. Nếu cuộc gặp Trump-Tập sẽ đạt được một số thành quả cụ thể nào đó, nhờ các cuộc hội đàm diễn ra ở một nước thứ ba, cách xa cả Bắc Kinh lẫn Washington, có thể giúp gạt bỏ những trở ngại đến từ nội bộ.
Còn một tình huống khác có thể xẩy ra, đó là cả hai bên đều biết rằng không thể đạt được những đột phá trong các cuộc thương lượng, nhưng lại không muốn các nguyên thủ ra về “tay không”, cho nên các nhà đàm phán sẽ thảo luận tại chỗ về một thoả hiệp tạm thời. Mặt khác, để đối phó với nội bộ mỗi nước, cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều không muốn tỏ ra mình là bên “phải nhượng bộ”, cho nên cả phương án “Mỹ cầu hoà” hay “Trung Quốc tạ tội” đều không thể chấp nhận.
Theo các nhà quan sát, họ không mấy lạc quan về cuộc gặp gỡ cuối tuần này. Sự bất hoà giữa hai nước có quan hệ bình thường đáng ra phải được đàm phán trong phạm vi hai nước. Chỉ có giữa các bên còn chưa hội đủ lòng tin vào nhau như Mỹ với Bắc Triều Tiên mới phải đưa nhau đến nước thứ ba trung lập. Cuộc gặp Trump-Tập diễn ra bên lề một hội nghị đa phương, phần nhiều mang tình biểu tượng, khó có thể giải quyết dứt điểm các vấn đề mang tính thực chất. Các cuộc đàm phán mang tính thiết thực giữa ông Lưu Hạc và ông Mnuchin phải nhờ địa điểm ở một nước thứ ba là điều hoàn toàn không bình thường. Có thể nói là lần đầu tiên kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao 40 năm nay, lần này mới có những trục trặc lớn đến như vậy.
Nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vẫn tiếp tục, Việt Nam cần có kế hoạch làm sao rút tỉa được thuận lợi và giảm bớt các tiêu cực. Đối với các xí nghiệp trong nước, nhà nước phải có các chính sách thuận lợi để có thể phát triển sản xuất, nhắm vào các mặt hàng Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế cao. Muốn thế, phải làm sao các xí nghiệp này có thể mua nguyên liệu, vật liệu nhanh chóng từ bên ngoài vào, xóa bỏ bớt những rào cản đang gây trì trệ cho các nhà sản xuất.
Chính phủ cũng phải hỗ trợ các nhà sản xuất trên các mặt tài chính, cấp vốn. Ngoài việc mở rộng cửa ngân hàng cho họ được vay vốn đầu tư, một biện pháp hữu hiệu nhất là giúp bảo đảm những món nợ trong việc giao dịch, khi một xí nghiệp cần tìm kiếm các nguồn tiếp liệu phải mua chịu, hoặc bán được hàng những chưa thu được tiền. Thiếu những thứ vốn luân chuyển ngắn hạn ấy thì các xí nghiệp sẽ hết sức khó khăn.
Việt Nam phải tìm cách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, để các công ty quốc tế có thể chuyển cơ sở sản xuất qua Việt Nam. Một mối rủi ro mà họ lo ngại nhất là tình trạng luật pháp mập mờ gây ra tham nhũng! Chiến tranh mậu dịch giữa hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình có thể là một cơ hội kinh tế cho Việt Nam, ngoài ra cũng có thể kích thích cả việc thay đổi luật lệ, bài trừ tham nhũng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Bỏ qua cơ hội này không được kịp thời khai thác, thuận lợi có thể trở thành thách thức.
Về phía Mỹ, sau khi đảng Cộng hoà mất quyền kiểm soát ở Hạ viện, hy vọng giảm căng thẳng cuộc chiến thương mại đã giảm bớt. có phần giảm xuống. Nhưng dù có bày tỏ thiện chí đến đâu, thì Mỹ vẫn hết sức nâng cao cảnh giác trước các hành động mà nước này gọi là “gian lận thương mại”. Đặc biệt gần đây, xuất hiện hiện tượng ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với doanh nghiệp Trung Quốc làm giả xuất xứ Việt Nam cho hàng hóa Trung Quốc. Họ tính chuyện lắp ráp sản phẩm củaTrung Quốc nhưng dán nhãn “made in Vietnam” để tránh né thuế của Hoa Kỳ. Đây cũng là một phần trong kế hoạch hợp tác rộng lớn hơn được ký kết giữa Trung Quốc và Việt Nam năm ngoái, thuộc về chiến lược đầy tham vọng “Sáng kiến Vành đai Con đường” (BRI).
Tại hội thảo “Chiến tranh thương mại: Tương lai của doanh nghiệp sản xuất?” diễn ra ngày 23/11, tại Tp Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp Việt sẽ bị cạnh tranh nhiều hơn ở các thị trường khác khi Trung Quốc giảm bán hàng vào thị trường Mỹ và chuyển hướng sang những nơi này. Theo bà Trang, việc cạnh tranh ở thị trường trong nước cũng ngày càng căng thẳng hơn do hàng hóa Trung Quốc có khả năng cao sẽ đổ bộ mạnh vào Việt Nam. Chưa kể hàng hóa xuất sang thị trường Trung Quốc của doanh nghiệp Việt sẽ bị ảnh hưởng bởi chính hàng hóa nội địa nhiều hơn. Những người tham gia hội thảo bày tỏ lo ngại, chiến tranh thương mại Mỹ -Trung có thể khiến Việt Nam chịu nguy cơ chuyển dịch dòng vốn giả mạo, gian lận thương mại.
Cho dù Việt Nam có thể chống chế với kết quả điều tra, bằng cách trưng dẫn các hoạt động tạo thêm giá trị gia tăng trên các sản phẩm xuất sang Mỹ. Nhưng vấn đề cơ bản hơn đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong vụ này là phải xây dựng đạo đức kinh doanh trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Nếu không thì có thể phải trả giá đắt, giống như trong các vụ điều tra về thép trước đây. Không loại trừ, sau khi kết luận ngã ngũ, phía Mỹ sẽ áp dụng mức thuế cao hơn cho các sản phẩm “made in Việt Nam” thì thật là lợi bất cập hại.