Chi phí tăng do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã làm chậm tiến độ đóng tàu sân bay mới của Trung Quốc, các nguồn thạo tin quân sự cho biết.
Tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc Type 001A (Ảnh: SCMP)
Hãng thông tấn Tân Hoa xã của Trung Quốc hôm 25/11 cho biết, tàu sân bay tự chế thế hệ Type 002 và là tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc đang trong quá trình hoàn thiện.
Giới chuyên gia quân sự cho rằng, con tàu này sẽ được bàn giao cho hải quân Trung Quốc vào tháng 10 năm sau nhân kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nguồn thạo tin tiết lộ, tiến độ đóng tàu Type 002 đang bị chậm lại do việc cắt giảm ngân sách, chi phí tăng liên quan tới máy bay chiến đấu J-15 được thiết kế sử dụng cho tàu sân bay này. “Trung Quốc đến nay vẫn chưa thể phát triển một loại chiến đấu cơ hiện đại hơn có thể tích hợp với tàu sân bay Type 002”, nguồn tin cho biết.
Trước đó, báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn một số nguồn tin nói rằng, Bắc Kinh đang phát triển một mẫu máy bay chiến đấu mới dành cho tàu sân bay Type 002 thay cho J-15 vốn còn nhiều thiếu sót kỹ thuật.
Toàn bộ máy bay J-15 đã bị “đắp chiếu” suốt 3 tháng kể từ sau vụ rơi năm 2016 mà nguyên nhân được cho là liên quan tới lỗi ở hệ thống kiểm soát bay.
“Một vấn đề khác làm chậm tiến độ đóng Type 002 là vòng đời ngắn ngủi của động cơ J-15 mặc dù hiện tại con tàu được trang bị động cơ WS-10H hiện đại hơn, mạnh hơn”, nguồn thạo tin cho biết.
Động cơ mới giúp tăng vòng đời của WS-10 từ 800 giờ lên 1.500 giờ, nhưng vẫn còn khá hạn chế so với 4.000 giờ của động cơ sử dụng cho máy bay chiến đấu F-18 Super Hornets trên tàu sân bay Mỹ. Nguồn tin cho biết: “Động cơ Trung Quốc hoạt động kém bền bỉ, phải thay thế nhiều hơn, ngốn nhiều chi phí hơn”.
Ngoài ra, các yếu tố kinh tế và chính trị khác cũng ảnh hưởng đến chương trình chế tạo tàu sân bay mới của Trung Quốc.
“Một công ty đóng tàu khác lẽ ra gần đây đã có kế hoạch đóng một tàu sân bay Type 002 nữa, tàu sân bay thứ 4 của Trung Quốc, nhưng buộc phải hoãn lại vì căng thẳng thương mại với Mỹ. Bắc Kinh không muốn chọc giận Washington hơn nữa. KInh tế Trung Quốc đã suy giảm kể từ khi 2 nước bắt đầu các căng thẳng thương mại”, nguồn tin cho biết với SCMP.