Nga và Trung Quốc đang soạn thảo một hiệp ước thúc đẩy việc sử dụng đồng tiền của hai nước trong thương mại song phương cũng như quốc tế, cho thấy quyết tâm giảm phụ thuộc vào USD.
Trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố hai nước đang thảo luận việc thiết lập hệ thống xuyên biên giới mới để chi trả trực tiếp các hóa đơn thương mại bằng nhân dân tệ và đồng rúp, theo tờ South China Morning Post. Ông Medvedev nói rõ rằng sáng kiến về hệ thống chi trả này là nỗ lực nhằm tránh hệ thống tài chính mà đồng USD thống trị.
Việc thúc đẩy tạo ra hệ thống tài chính mới nói trên xuất phát từ tình trạng quan hệ giữa Nga và Trung Quốc với Mỹ ngày càng xấu đi, cùng với nguy cơ Washington sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế lên một hoặc cả hai nước này.
Mỹ, Liên minh châu Âu và những quốc gia phương Tây khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lên một số quan chức và doanh nhân Nga sau khi Crimea sáp nhập Nga hồi năm 2014.
Nhiều công ty Nga và Trung Quốc cũng đã bị phạt hoặc bị đưa vào danh sách đen do vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Chẳng hạn, tập đoàn cung cấp thiết bị viễn thông ZTE của Trung Quốc đã bị phạt 1,4 tỉ USD hồi tháng 6 vì bán hàng hóa cho Iran và CHDCND Triều Tiên, hoạt động bị xem vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.
Một hệ thống chi trả xuyên biên giới có thể cho phép Nga và Trung Quốc tránh dùng Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (Swift) hiện nay để tiến hành các giao dịch. Từ đó, Nga và Trung Quốc có thể tránh được bất kỳ biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ, theo South China Morning Post.
“Nếu căng thẳng thương mại leo thang, việc dùng Swift thực hiện chi trả sẽ trở thành một kênh tiềm năng để trừng phạt một quốc gia. Vì vậy, việc dùng một hệ thống chi trả mới sẽ giúp tránh được tình trạng như thế, ngoài việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và phát triển thương mại Nga-Trung”, kinh tế gia Nathan Chow tại ngân hàng DBS nhận định với South China Morning Post.
Tuy nhiên, kinh tế gia trưởng Nga Dmitry Dolgin thuộc ngân hàng ING Bank cho rằng các bên liên quan cần phải vượt qua nhiều trở ngại trước khi những lợi ích đầy đủ của một hệ thống chi trả mới có thể được công nhận.