Bắc Kinh đã cho Washington những lợi ích kinh tế cực lớn, đổi lại có thể là những thỏa hiệp giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Trung Quốc nhượng bộ lớn về kinh tế trước đòi hỏi của Mỹ
Mới đây đã có những bình luận về bữa tối giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tối ngày 01/12, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Argentina, sẽ có gam màu chủ đạo là “màu xám”.
Tuy nhiên, trái với những nhận định có phần bi quan này, có vẻ như bữa ăn tối giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã có những vấn đề quan trọng giữa Washington với Bắc Kinh được giải quyết, đặc biệt là trong cuộc chiến tranh thương mại giữa hai bên và vấn đề Biển Đông, với sự xuống thang của ông Tập trước ông Trump.
Sau bữa tối này, các bên đã đưa ra những tuyên bố về vấn đề quan hệ giữa hai bên và cuộc chiến tranh thương mại. Và kết quả của nó cho người ta đi tới một câu hỏi nhưng cũng đồng nghĩa với nhận định là “phải chăng Trung Quốc sẽ chơi theo luật của Hoa Kỳ?” hoặc “phải chăng đồng Nhân Dân Tệ sẽ khuất phục trước đồng dollars?”.
Hiện nay, chính quyền ông Trump đã áp thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhằm buộc ông Tập phải nhượng bộ và tuân thủ theo danh sách những yêu cầu thay đổi chính sách thương mại từ Washington; ngược lại Bắc Kinh cũng đã áp thuế đáp trả lên hàng hóa Mỹ.
Trong bình luận mang tính chất đe dọa của Washington gần đây nhất, ông Trump nhấn mạnh rằng, nếu Bắc Kinh tiếp tục không nhượng bộ, Mỹ sẽ có thể áp đặt biểu thuế với hàng hóa Trung Quốc trị giá tới hơn 500 tỷ USD, tức là gần bằng tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Trung Quốc hồi năm ngoái và Bắc Kinh đã bắn tín hiệu sẵn sàng chấp nhận nhượng bộ.
Theo giới phân tích, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn sử dụng con bài tăng thuế, loại bỏ các linh kiện điện tử, cấm cửa các hãng điện tử viễn thông Trung Quốc như Huawei, ZTE để gây thêm áp lực với Bắc Kinh, nhằm đi đến một thỏa thuận có lợi về kinh tế mà Washington mong muốn.
Người phát ngôn của Nhà Trắng là bà Sarah Sanders cho biết, sau khi bàn thảo, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý không tăng thuế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc từ 10% lên 25% từ ngày 1 tháng 1.
Tuy nhiên, với quyết định mới nhất này, mức thuế của Mỹ đánh vào các loại hàng hóa có khối lượng nhập khẩu trên 200 tỷ USD mỗi năm từ Trung Quốc tạm thời vẫn sẽ giữ ở mức 10%. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn phụ thuộc vào “thái độ của Trung Quốc”.
Washington cảnh báo rằng, nếu trong vòng 90 ngày tới (tức là đến tháng 2/2019) mà Mỹ không đạt được thỏa thuận với phía Trung Quốc về một số vấn đề thương mại thì thuế suất sẽ tăng lên theo mức dự kiến trước đó, tức là từ 10% tăng lên 25%.
Quyết định tạm ngưng áp thuế của Mỹ đối với Trung Quốc là không có gì khó hiểu khi bà Sanders tiết lộ rằng, thông qua buổi hội đàm giữa ông Trump và ông Tập, Trung Quốc đã đồng ý mua một số lượng “rất đáng kể” các mặt hàng nông nghiệp và hàng hóa khác từ Hoa Kỳ, để giảm tình trạng mất cân bằng thương mại giữa hai bên.
“Trung Quốc đồng ý mua các mặt hàng nông sản, năng lượng, công nghiệp và các sản phẩm khác từ Mỹ, mặc dù chưa được thỏa thuận cụ thể về danh mục, nhưng chắc chắn là khối lượng rất đáng kể để giảm sự mất cân bằng thương mại giữa hai quốc gia” – bà Sanders nói.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ còn nhấn mạnh thêm rằng, Trung Quốc đã cam kết mua nông sản của nông dân Mỹ “ngay lập tức”.
Thu lợi ích kinh tế, Mỹ đáp lễ trong vấn đề Biển Đông?
Với nền kinh tế lớn hơn Trung Quốc và nhiều đồng minh trên khắp thế giới, ông Trump tự tin sẽ đánh bại ông Tập trong cuộc chiến tranh thương mại này, làm suy giảm thế và lực của Bắc Kinh, ngăn chặn Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ.
Ông Tập hiểu rằng, nền kinh tế của mình có quy mô nhỏ hơn, đồng thời, khả năng ảnh hưởng về chính trị-kinh tế của Trung Quốc trên thế giới cũng thấp hơn. Để khôi phục đàm phán, Bắc Kinh buộc phải nhẫn nhịn và mời chào nhượng bộ, bất kể phải tiếp tục nhận những cú đòn nặng nề mới trong lĩnh vực thương mại.
Tháng 5/2018, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin đã ký thỏa thuận khung ở Washington. Các bên cam kết sẽ nghiên cứu các biện pháp tái cân bằng thương mại của mình. Về phần mình, Bắc Kinh sẵn lòng gia tăng đáng kể mức mua khí thiên nhiên hóa lỏng, sản phẩm nông nghiệp, kim loại và máy bay dân dụng từ Hoa Kỳ.
Và thỏa thuận mới nhất mà hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đạt được trong cuộc hội đàm, khi thực hiện chuyến công du Argentina dự Hội nghị thượng đỉnh G20 chỉ là sự cụ thể hóa những nhượng bộ của Trung Quốc mà trước đó Trung Quốc đã cam kết với Mỹ.
Trung Quốc đã nhảy theo điệu nhạc của Mỹ, vậy để đổi lấy những nhượng bộ của ông Tập trong lĩnh vực thương mại, ông Trump có những gì để “lại quả” cho Trung Quốc?
Về bản chất, những nhượng bộ này không thể chỉ đơn thuần được nhìn dưới góc độ kinh tế là trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đồng Dollars đã thắng thế trước đồng Nhân dân tệ, mà phải đánh giá nó một cách toàn diện dưới cả lăng kính chính trị.
Dưới thời ông Tập, Trung Quốc lọc lõi trong việc sử dụng kinh tế để đạt được mục đích chính trị, còn từ khi ông Trump lên nắm quyền, Mỹ cũng là một con buôn chính trị lão luyện nhằm thu lợi về kinh tế. Không ai cho không ai cái gì, mà bộ đôi này sẽ nhượng bộ lẫn nhau để tìm kiếm lợi ích cho mình.
|
Sự thỏa hiệp Mỹ-Trung có liên quan rất lớn đến cục diện của Biển Đông |
Xem xét 3 mục đích chính của ông Trump là “giảm thâm hụt thương mại Trung-Mỹ; loại bỏ mối nguy hiểm về tình báo công nghệ Trung Quốc và loại bỏ linh kiện, thiết bị Trung Quốc ở trong các trang bị, vũ khí Mỹ, chúng ta nhận thấy rằng, với tư tưởng “nước Mỹ trên hết”, ông Trump sẽ không nhượng bộ Trung Quốc bất cứ cái gì có liên quan đến quyền lợi của Mỹ.
Linh kiện Trung Quốc vẫn sẽ phải loại bỏ khỏi vũ khí Mỹ, Huawei và ZTE vẫn bị cấm cửa trong thị trường viễn thông, Bắc Kinh vẫn sẽ phải tăng khối lượng mua hàng của Mỹ, giảm xuất khẩu vào thị trường này.
Vậy thì ông Trump sẽ đáp lễ ông Tập món quà gì? Đó là những điều Trung Quốc đòi hỏi không liên quan gì đến nước Mỹ, bất kể đó là lợi ích của đồng minh và các nước khác, đặc biệt là vấn đề Biển Đông.
Những vấn đề về Biển Đông không liên quan trực tiếp đến những lợi ích cốt lõi sống còn của Mỹ; do đó, Washington vẫn sẽ tiếp tục giương cao khẩu hiệu “Tự do Hàng hải trên Biển Đông”, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc thực hiện chiến lược “gặm nhấm Biển Đông”.
Khẩu hiệu “Tự do Hàng hải trên Biển Đông” bề ngoài có vẻ rất kêu nhưng thực chất ý nghĩa của nó là “tôi không quan tâm đến Biển Đông là của ai, điều tôi cần là được tự do đi lại trên không và trên biển”. Khẩu hiệu này cũng là lời nhắn nhủ của Mỹ đến Trung Quốc là: “Anh đòi gì tôi không quan tâm, miễn là anh không làm phiền đến tôi [và dĩ nhiên là phải cung cấp lợi ích cho tôi] thì anh làm gì mặc anh”.
Để hiểu sâu thêm về những động thái của Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông để làm rõ kết luận này, mời bạn đọc xem bài viết “Thực chất đối đầu Trung-Mỹ và diễn biến trên Biển Đông”.
Sự thỏa hiệp của Washington và Bắc Kinh trên Biển Đông sẽ có tác động rất lớn đến cục diện vùng biển nóng này và vấn đề giải quyết các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, mà trước mắt là việc Trung Quốc tuyên bố “nỗ lực đạt được COC trong vòng 3 năm”. Điều này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong những kỳ sau.