Saturday, December 28, 2024
Trang chủBiển nóngMỹ cần làm gì để tránh chiến tranh trên Biển Đông

Mỹ cần làm gì để tránh chiến tranh trên Biển Đông

Tác giả Daniel R. DePetris, một nhà nghiên cứu trên trang Defense Priorities cho rằng các lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc cần phải có những hành động thiết thực vượt qua những xung đột về ý thức hệ cũng như cạnh tranh về địa chính trị để không biến những xung đột trên Biển Đông trở thành chấn tâm của một cuộc thế chiến.

Tàu chiến Mỹ trên Biển Đông.

Liệu thế giới có đang ở điểm không thể vãn hồi với những gì đang xảy ra trên Biển Đông? Với những bình luận tới từ các quan chức cao cấp của Mỹ và Trung Quốc, điều này có thể sẽ là hiện thực. Cả hai phía đang có những động thái đẩy mạnh vị thế một cách tối đa, với việc Bắc Kinh coi việc mở rộng lãnh thổ trên vùng biển sâu Đông Á là lãnh thổ riêng của mình một cách phi pháp và Washington coi việc Trung Quốc quân sự hóa khu vực rõ ràng là để viết lại luật lệ quốc tế.

Không phe nào chịu lui bước, cũng không nước nào có vẻ muốn thỏa hiệp. Trong cuộc phỏng vấn ngày 13.11, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã được hỏi về việc Trung Quốc không thỏa hiệp với những yêu cầu của Mỹ về các hoạt động thương mại không công bằng, can thiệp chính trị và quân vận trên Biển Đông – Câu trả lời của ông là: “Cứ vậy đi… Chúng ta [Mỹ] vẫn ở đây”. Quân đội Trung Quốc có thể thử áp bức các nước láng giềng Đông Nam Á và xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo và đưa khẩu đội tên lửa chống hạm lên đó như họ muốn. Nhưng, chừng nào Washington vẫn còn quan tâm thì Mỹ sẽ vẫn tiếp tục bay và hải hành qua những vùng biển rộng mở dù Trung Quốc có thích hay không.

Đây vẫn sẽ là trò chơi cho tới khi có ai đó bị tổn thương. Chỉ chưa đầy 2 tháng trước khi một tàu khu trục Trung Quốc suýt va chạm với tàu USS Decatur, một thách thức nguy hiểm của Hải quân Trung Quốc có thể gây ra một thảm họa trên biển nếu các thủy thủ Mỹ không tránh vụ đụng độ. Một sự cố được ngăn chặn một cách may mắn. Nhưng thực tế là, với việc tàu chiến và máy bay của Mỹ và Trung Quốc luôn hoạt động ở khoảng cách gần nhau trên biển và trên không phận Biển Đông thì rất có khả năng hai nền kinh tế lớn nhất, chi tiêu quân sự nhiều nhất có thể rơi vào “bẫy Thucydides”.

Bẫy Thucydides là thuật ngữ mà ông Graham Allison, cựu trợ lý Bộ Quốc phòng Mỹ về chính sách và kế hoạch, sử dụng để mô tả khi một cường quốc trỗi dậy và một cường quốc lâu đời tìm cách để vượt lên trên nhau mà kết quả là một cuộc đương đầu toàn diện. Hơn nữa, như ông Allison viết, xung đột vẫn có thể diễn ra ngay cả khi “mọi việc đang bình thường”, thường qua việc tính toán sai lầm, sự sợ hãi, nỗi ám ảnh và sự cạnh tranh. Không thể tin sẽ xảy ra một cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc ở thời điểm hiện tại. Nhưng lịch sử đã chứng minh những điều không thể tin được vẫn có thể xảy ra.

Biển Đông hoàn toàn chưa chín muồi cho một sự hòa giải cuối cùng. Nhưng ít nhất, Washington và Bắc Kinh có thể nghiên cứu về tiến trình và kỹ thuật nhắm đến việc thúc đẩy những gì mang tính dự đoán hơn và đảm bảo một sự cố khác trên biển không châm ngòi cho một cuộc chiến tranh.

Mỹ hoàn toàn dứt khoát trong các cuộc gặp gỡ với quan chức Trung Quốc, công khai đưa ra những bình luận rằng các cuộc tập trận vì tự do hàng hải trên Biển Đông sẽ vẫn tiếp tục. Tương tự, các quan chức Trung Quốc cũng dứt khoát rằng họ coi các cuộc tập trận này là một hành vi thù địch của một siêu cường gây hấn nhằm hạn chế tính linh động của Trung Quốc trên những vùng mà họ tuyên bố là lãnh thổ của Trung Quốc [một cách phi pháp].

Đối thoại trong những trường hợp như vậy là cần thiết. Washington và Bắc Kinh cần thiết lập một đường dây nóng ở mức độ giữa những sĩ quan quân đội có trách nhiệm trong việc giám thị các hoạt động trong khu vực Biển Đông. Đây không phải là một điều mới mẻ. Năm 2008, Mỹ và Trung Quốc đã thiết lập một đường dây trực tiếp giữa các bộ trưởng quốc phòng, một đường dây hiếm khi được sử dụng trong thập kỷ tiếp theo. Vào tháng 8.2017,  Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ tướng Joe Dunford và Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phòng Phong Huy cũng có một kênh riêng với nhau.

Những cơ chế đối thoại như vậy là tiêu chuẩn thông thường được thiết kế để củng cố mối quan hệ chuyên nghiệp mang tính xây dựng giữa các lãnh đạo quân sự và dân sự hàng đầu, tăng sự hiểu nhau giữa 2 bên và tạo ra một điểm liên lạc tin cậy có thể nhanh chóng sử dụng để giảm leo thang cho một sự cố xảy ra trước khi nó biến thành một cơn khủng hoảng. Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều thấy sự đúng đắn của một kênh đối thoại như vậy đối với những xích mích có thể xảy ra trên biển Hoa Đông. Không có lý do tại sao Mỹ và Trung Quốc không thể làm điều tương tự trên một vùng biển còn có nhiều sự “chà xát” hơn.

Trong khi Mỹ và Trung Quốc có vị trí rất khác nhau về hiện trạng của các hòn đảo và vỉa đá trên Biển Đông, cả hai nước sẽ có một lợi ích chung khi ngăn chặn một cuộc xung đột – sẽ ảnh hưởng rất lớn ra cả ngoài khu vực. Chính quyền của tổng thống Trump có quyền tiếp tục tổ chức các chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải nhưng các hoạt động này có thể ít bị Trung Quốc phản đối hơn nếu Lầu Năm Góc cung cấp cho Bắc Kinh một lời cảnh báo sớm. Một sự dàn xếp như vậy sẽ khiến cả 2 cùng có lợi. Nhường vị trí cao hơn cho Trung Quốc tại Đông Á một cách không trực tiếp cũng sẽ khiến Mỹ tiếp tục nguyên tắc tuần tra.

Khi tổng thống Trump và ông Tập Cận Bình gặp gỡ tại Hội nghị G-20 tổ chức tại Buenos Aires, điều được trông đợi rộng rãi là cuộc bàn thảo căng thẳng về thương mại, cả hai lãnh đạo sẽ phải tìm kiếm tính khả thi của một cuộc tập trận chung trên biển. Năm 2016, quân đội Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức một cuộc tập trận nhỏ trong nhiều ngày tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Mặc dù một cuộc tập trận tương tự trên vùng biển đang tranh chấp sẽ khó hơn rất nhiều do chính trị, sự hợp tác quân sự có thể làm dịu nhẹ căng thẳng xảy ra trong 2 năm vừa qua.

Một giải pháp quan trọng cho vấn đề Biển Đông vẫn còn nằm quá tầm với của cả hai nước. Nó có thể được xử lý bởi những lãnh đạo mới của Washington và Bắc Kinh trước khi một biện pháp dàn xếp được hoàn thành. Và ngay cả như vậy, sự va chạm về mặt ý thức hệ, cạnh tranh về địa chính trị vây quanh mối quan hệ có thể quá cao để vượt qua. Trong thời kỳ quá độ, Mỹ và Trung Quốc có trách nhiệm đảm bảo một trong những con đường hàng hải quan trọng nhất thế giới không trở thành chấn tâm của một cuộc thế chiến thảm họa mà không nước nào muốn đánh.

RELATED ARTICLES

Tin mới