Chỉ bảy tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lần thứ tư đắc cử tổng thống, với 77% số phiếu bầu. Nhưng theo một cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu Công luận Nga tiến hành, giả sử một cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức ngay bây giờ, Putin có lẽ sẽ chỉ nhận được 47% số phiếu bầu, buộc ông phải bước vào một cuộc bầu cử vòng hai. Đây là một tình trạng nguy hiểm đối với nước Nga và thế giới.
Tất nhiên, số liệu thăm dò ở Nga không nhất thiết phản ánh đúng sự cân bằng quyền lực thực sự. Nhưng sự suy giảm mạnh như vậy là một diễn tiến đáng chú ý, ít nhất là bởi người Nga, vốn còn nhớ rõ những hình phạt khắc nghiệt mà các nhà bất đồng chính kiến phải đối mặt thời Xô-viết, thường đưa ra những đánh tích cực về lãnh đạo khi được thăm dò ý kiến.
Putin đã đảm nhiệm chức tổng thống lần đầu vào năm 2000 với cam kết nâng cao mức sống người dân và khôi phục vị thế siêu cường toàn cầu của Nga. May mắn cho ông ta, giá dầu bắt đầu tăng vọt. Cùng lúc đấy, Putin làm sống lại thời Liên Xô, dưới một tên gọi khác, nhưng cũng dựa trên sự phản đối vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ và nền dân chủ kiểu phương Tây.
Ngay từ đầu, Putin đã sử dụng biện pháp kiểm duyệt phương tiện truyền thông để duy trì quyền lực bản thân, đảm bảo rằng mọi thành công – kể cả giá dầu tăng – đều được ca ngợi là thành tích cá nhân của ông. Như chủ tịch Duma (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin từng tuyên bố vào năm 2014: “Có Putin là có nước Nga; không có Putin là không có nước Nga”.
Dĩ nhiên, khi thất bại thì không bao giờ là do lỗi của Putin. Vì vậy, hồi năm 2007, khi tăng trưởng kinh tế chậm lại và bất bình đẳng xã hội tăng lên, Putin đã phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich lên án sự thống trị toàn cầu của Hoa Kỳ, và ám chỉ rằng việc mở rộng NATO vào vùng Baltic rõ ràng là nhằm chống lại nước Nga.
Bỗng nhiên, tất cả các khó khăn của Nga đều có thể được quy là do phương Tây đã gây ra cuộc chiến tranh lạnh mới. Năm 2008, tuyên bố độc lập của Kosovo và cuộc chiến của Nga với Gruzia đã củng cố thêm luận điệu “pháo đài bị bao vây” của Putin.
Tuy nhiên, tới năm 2013, tỉ lệ ủng hộ Putin đã giảm xuống mức thấp kỷ lục – thậm chí thấp hơn mức của ngày hôm nay. Vì vậy, Putin đã sử dụng vũ lực. Trong năm 2014, sau khi các vận động viên Nga biểu diễn ấn tượng tại Thế vận hội mùa đông ở Sochi (với sự hỗ trợ của hệ thống doping được nhà nước bảo trợ trên qui mô lớn), Nga đã xâm lược Ukraine và sáp nhập Crimea. Phương tiện truyền thông nhà nước tuyên bố Putin đã hoàn thành lời hứa khôi phục lại sự vĩ đại trước đây của nước Nga.
Tỉ lệ ủng hộ Putin tăng lên 85%. Các cửa hàng của Nga ngập tràn những chiếc áo phông có in hình khuôn mặt của ông cùng với những cụm từ như “Cảm ơn vì Crimea” và “người lịch thiệp nhất.” Đối với đa số người Nga, thẩm quyền của Putin không thể chối cãi. Nếu tổng thống của họ ủng hộ một chính sách hoặc quyết định, người Nga sẵn lòng chấp nhận nó, kể cả khi chính sách và quyết định ấy không được ưa chuộng lúc ban đầu.
Putin đã làm theo lời khuyên của Vyacheslav Konstantinovich von Plehve, người từng là giám đốc cảnh sát và sau đó là Bộ trưởng Nội vụ dưới thời Sa hoàng Nicholas II, “Để ngăn chặn một cuộc cách mạng, chúng ta cần thắng một cuộc chiến tranh nhỏ”. Tuy một thắng lợi nhỏ như vậy có thể củng cố vị thế của Putin và dập tắt bất đồng chính kiến, hậu quả lâu dài là rất nghiêm trọng do các biện pháp cấm vận nghiêm ngặt phương Tây đặt ra nhằm đáp trả việc sáp nhập Crimea của Nga.
Do những biện pháp trừng phạt đó, giá trị của đồng rúp đã giảm một nửa so với đồng đô la, lạm phát tăng lên, và sức mua cũng như mức sống của các hộ gia đình Nga đã giảm xuống. Vào cuối mùa hè năm ngoái, trước tình cảnh thiếu tiền, chính phủ buộc phải tăng tuổi nghỉ hưu – một động thái bị phản đối bởi 90% người dân. Thậm chí ngay cả một lời kêu gọi khẩn cấp trên truyền hình bởi chính Putin cũng không thể giúp giành được sự ủng hộ rộng rãi hơn của công chúng.
Hơn nữa, bất chấp sự hậu thuẫn của Putin, đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất ít khi thua cuộc đã thất bại trong những cuộc bầu cử ở vùng Viễn Đông. Đại diện của Đảng Dân chủ Tự do theo đường lối dân tộc chủ nghĩa và chống Phương Tây đã đánh bại các ứng cử viên của đảng Nước Nga Thống nhất tại vòng hai trong cuộc bầu cử thủ hiến ở các vùng Khabarovsk và Vladimir.
Trong cuộc bầu cử thủ hiến ở vùng Primorsky Krai, một ứng cử viên Đảng Cộng sản dường như đã thắng – một phần nhờ sự phản đối đảng Nước Nga Thống nhất – trước khi kết quả bầu cử bị tuyên là không hợp lệ, và ứng cử viên đảng Nước Nga Thống nhất đã được tuyên bố là người chiến thắng. Sự phản đối của người dân mạnh đến nỗi lần đầu tiên trong lịch sử nước Nga hậu Xô-viết, kết quả bầu cử đã bị hủy bỏ.
Một số chuyên gia cho rằng sự thất bại bầu cử của đảng Nước Nga Thống nhất phản ánh tình trạng “mệt mỏi vì cầm quyền quá lâu”. Nhưng có một thực tế là khi thu nhập trung bình của người Nga giảm xuống – và sự giàu có của phe nhóm thân hữu Putin vẫn tiếp tục tăng lên – thì những lời tuyên bố về sự vĩ đại của nước Nga chỉ là trống rỗng.
Giờ đây, người dân Nga tự vấn vị thế của nước họ thực sự mạnh đến mức nào. Ép mình dưới sự trừng phạt và bị cô lập bởi phương Tây, nước Nga trông không giống như một cường quốc mà chỉ như một ảo ảnh quá khứ. Các tuyên truyền chính thức vẫn đổ lỗi phương Tây đã gây ra tình thế khó khăn của đất nước, nhưng người dân Nga không thấy thuyết phục. Và họ cũng không thấy bị ấn tượng trước sự can dự của Nga vào một Syria xa xôi, bất kể sự can dự đó có thể giúp tăng cường tầm ảnh hưởng của nước Nga trong các vấn đề thế giới tới mức nào, như khi nước này sát nhập Crimea.
Nhưng nếu 18 năm nắm quyền của Putin đã dạy cho chúng ta một điều gì đó, thì đó chính là việc tỉ lệ ủng hộ của ông ta giảm xuống sẽ không phải là tin tốt cho bất cứ ai. Người Nga có thể mệt mỏi, nhưng Putin thì không. Và nếu cảm thấy quyền lực của mình đang suy yếu, ông ta có thể ngay lập tức quyết định rằng đã đến lúc cần có thêm một chiến thắng nữa với phí tổn được đẩy sang cho những quốc gia khác.