Các chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ đều giảm điểm ít nhất 3% trong bối cảnh giới đầu tư lo lắng về tăng trưởng kinh tế Mỹ và ngờ vực về kết quả thực sự của hội đàm thương mại Mỹ – Trung vừa qua.
Theo hãng tin AFP, chỉ một ngày sau khi chứng khoán toàn cầu có sự khởi sắc nhờ việc Mỹ và Trung Quốc thông báo thỏa thuận đình chiến thương mại, tạm ngừng áp thuế mới, hầu hết các thị trường trên thế giới đã lại có diễn biến đảo chiều đi xuống.
Giới đầu tư đã chuyển sang tâm trạng hoang mang về kết quả tích cực thực tế của đàm phán thương mại Mỹ – Trung sau khi chính quyền ông Trump phát đi những tín hiệu không rõ ràng, nhất quán về những thỏa thuận đàm phán thương mại đạt được giữa họ và Trung Quốc.
Cả ba chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ đều giảm điểm ít nhất 3%, trong đó chỉ số S&P 500 mất 3,2% còn 2.700,06 điểm trong ngày 4-12. Chỉ số Down mất 799 điểm (3,1%), Nasdaq giảm 3,8%.
Các thị trường chứng khoán tại London, Paris, Frankfurt và Tokyo cũng đều lao dốc.
Trong loạt tweet tung ra ngày 4-12, ông Trump đột ngột cho biết ông sẵn sàng áp thuế với Trung Quốc nếu một thỏa thuận “công bằng” với họ không được thực thi.
“Tôi là một Tariff Man” (Tariff man: tạm dịch là “người đánh thuế”). Khi mọi người hay các nước tới và khai thác của cải của đất nước chúng tôi, tôi muốn họ phải trả tiền cho quyền lợi…. Hiện tại chúng tôi đang thu vào hàng tỉ USD tiền thuế. Hãy làm cho nước Mỹ giàu có trở lại”, ông Trump viết trên Twitter.
Trong một diễn biến liên quan, báo Washington Post dẫn nguồn tin từ một cựu quan chức chính phủ Mỹ không nêu tên có liên lạc với phía Trung Quốc cho biết giới chức nước này rất bực mình cách hành xử của chính quyền ông Trump sau cuộc hội đàm thương mại bên lề G20 vừa qua.
Tờ báo dẫn lời vị cựu quan chức: “Anh không thể làm như vậy với Trung Quốc. Anh không thể tuyên bố thắng lợi tất cả những sự nhượng bộ của họ với công luận”.
Trong cuộc gặp tại Argentina, theo Nhà Trắng, ông Trump và ông Tập đã nhất trí đình chiến thương mại trong 90 ngày. Sau cuộc gặp này ông Trump nói với báo giới đó là “một thỏa thuận không thể tin được” và nếu được thực thi, đó sẽ là “một trong những thỏa thuận lớn nhất từng đạt được”.
Tuy nhiên tờ Washington Post cho rằng Trung Quốc không thừa nhận thời hạn chót 90 ngày cho những đàm phán thương mại giữa hai bên. Nước này cũng không nói họ sẽ “ngay lập tức” tăng lượng mua các nông sản của Mỹ.
Rõ ràng theo tờ Post, đã có “những khác biệt sâu sắc” giữa thông tin của hai chính phủ về những nội dung đạt được trong cuộc thương lượng tại bữa tối ở Argentia.
Trước đó, truyền thông quốc tế cũng đề cập nhiều việc các cơ quan thông tấn, báo chí nhà nước của Trung Quốc như Tân Hoa xã, Nhân dân Nhật báo, khi đưa tin về kết quả hội đàm thương mại Mỹ – Trung bên lề G20 đều đã “quên” chi tiết thời hạn đình chiến 90 ngày.