Nhiều doanh nghiệp Mỹ lo ngại cuộc “đình chiến” thương mại Donald Trump- Tập Cận Bình và kiên quyết rời khỏi Trung Quốc.
Hãng bán dẫn Qualcomm của Mỹ vừa loại trừ khả năng mua lại hãng bán dẫn Hà Lan NXP Semiconductors ngay khi cả chính phủ Mỹ và Trung Quốc đã tìm cách bật đèn xanh cho thương vụ này bằng một thỏa thuận “đình chiến” thương mại.
Bloomberg dẫn email của Qualcomm cho biết họ đã “khép lại” thương vụ mua NXP Semiconductors, bất chấp việc cả Nhà Trắng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang để ngỏ khả năng chấp thuận thương vụ.
Email của hãng bán dẫn Mỹ nói rõ:“Dù chúng tôi dễ chịu khi được nghe bình luận từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về lời chào mua NXP trước đó của Qualcomm, thời hạn thương vụ đã qua, chấm dứt thỏa thuận được dự tính. Qualcomm xem việc này là đã khép lại, và đang hoàn toàn tập trung tiếp tục thực hiện lộ trình 5G của hãng”.
Thương vụ trị giá 44 tỷ USD đã bị hủy bỏ hồi tháng 7/2017 sau gần 2 năm đợi phê duyệt do ảnh hưởng từ cuộc đối đầu thương mại Mỹ- Trung. Thỏa thuận được công bố lần đầu tiên vào tháng 10/2016 với giá khoảng 38 tỉ USD.
Một số cổ đông NXP muốn giữ cổ phần công ty với giá tốt hơn nên Qualcomm phải tăng giá chào mua lên 44 tỉ USD trong tháng 2/2017.
Thỏa thuận đã được chấp thuận bởi các nhà quản lý ở 8 khu vực pháp lý khác nhau, bao gồm Liên minh châu Âu và Hàn Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc là nước duy nhất không thông qua thỏa thuận này.
Cuối tuần trước, Nhà Trắng cho biết, ông Tập Cận Bình nói sẽ xem xét phê duyệt thỏa thuận thâu tóm NXP, nếu thỏa thuận này được Qualcomm đưa đến ông một lần nữa.
Nhưng Qualcomm đã không làm điều này.
Các tín hiệu tích cực từ phía Trung Quốc được cho là do buổi làm việc ăn tối của hai nhà lãnh đạo Mỹ- Trung Quốc từ đó dẫn tới một thỏa thuận “đình chiến” kéo dài 90 ngày.
Song, tuyên bố xem xét lại thương vụ Qualcomm – NXP được ghi vào văn bản do Nhà Trắng đưa ra, nhưng không có trong văn bản từ phía Trung Quốc.
Đình chiến thương mại Mỹ- Trung khó tạo ra lòng tin với doanh nghiệp hai nước. |
Sự bất nhất này khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ lo ngại về những thương vụ mua bán công ty đầy rủi ro trong tương lai.
Ông Stephen Lamar, Phó chủ tịch điều hành Hiệp hội Dệt may và Giày da Mỹ – tổ chức đại diện hơn 1.000 nhà sản xuất, bán lẻ và tên thương hiệu, nhận định: “Chưa có gì được giải quyết cả, chưa có gì dừng lại hết. Tất cả chỉ được hoãn lại. Mức thuế 25% vẫn còn ở đó, chỉ là treo lơ lửng mà thôi”.
Cũng đã có một số dấu hiệu cho thấy Mỹ và Trung Quốc có cách miêu tả khác nhau về thỏa thuận “ngừng bắn”.
Rõ nhất là Trung Quốc không hề công bố cam kết xóa và giảm thuế quan đối với xe hơi nhập khẩu từ Mỹ, một nhượng bộ mà ông Trump đã công bố trên mạng xã hội Twitter.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng lo lắng không kém.
Bà Jennie Zhang, Chủ tịch Guangzhou Jinhuamei Leatherware, một công ty chuyên sản xuất thắt lưng và túi xách nằm trong diện bị chính quyền ông Trump áp thuế quan bổ sung 10% lên sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, bày tỏ không lạc quan về cuộc đình chiến thương mại.
“Mùa đông sẽ tiếp tục. Thỏa thuận đạt được có vẻ như chỉ có tác dụng trì hoãn vấn đề, thay vì đi đến giải pháp thực sự” – bà Zhang bày tỏ.
Ông Leung Lun, Chủ tịch công ty sản xuất đồ chơi Lung Cheong Group của Trung Quốc cũng cho rằng, dù hiện nay các nhà sản xuất đồ chơi ở Trung Quốc vẫn chưa bị Mỹ áp thuế quan bổ sung lên sản phẩm nhưng họ đã bắt đầu lo ngại về khả năng trở thành “nạn nhân” chiến tranh thương mại nếu hai nước không đi đến được một thỏa thuận để giải quyết triệt để mâu thuẫn sau 3 tháng nữa.