Thursday, January 9, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiMỹ-TQ đình chiến, nhiều quốc gia không cười nổi vì... "miếng ăn...

Mỹ-TQ đình chiến, nhiều quốc gia không cười nổi vì… “miếng ăn đến miệng còn rơi”

Argentina, Brazil, Australia và Nga sẽ là những quốc gia cảm thấy “khó chịu” nhất khi Mỹ-Trung đình chiến, theo lời một chuyên gia Trung quốc.

Ảnh: Reuters.

Brazil thấy tương lai ảm đạm

Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP – Hồng Kông) trích dẫn ý kiến của một số chuyên gia kinh tế cho biết, thỏa thuận đình chiến thương mại tạm thời của Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ khiến hoạt động sản xuất của một số quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng, trong đó có Brazil.

Theo một bài viết từng được đăng tải trên trang Bloomberg hồi tháng 9 vừa qua, Brazil là một trong những quốc gia có thể được hưởng lợi từ cuộc xung đột thương mại giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc.

Cụ thể, bài viết trên dự đoán rằng Brazil có thể phần nào thỏa mãn “cơn khát” đậu tương của Bắc Kinh, khi nước này thu hoạch được sản lượng đậu tương lớn hơn so với năm ngoái nhờ hiện tượng thời tiết El Nino. Điều này đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc, khi họ quyết định ngừng nhập khẩu mặt hàng đậu tương để trả đũa Mỹ trong cuộc thương chiến.

Tuy nhiên, tình thế hiện nay đã thay đổi theo chiều hướng bất lợi hơn đối với Brazil, kể từ sau cuộc gặp gỡ của lãnh đạo hai nước Mỹ-Trung bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 Argentina, vừa kết thúc cuối tuần qua.

Các nhà phân tích cho biết, việc hai nước này tạm thời đình chiến không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất đậu tương của Trung Quốc, mà còn khiến thị trường thế giới phải đối mặt với tương lai bất định, nếu như Trung Quốc lại không chịu nhượng bộ Mỹ.

Hôm Chủ nhật (2/12) vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Tập Cận Bình đã thống nhất tạm ngừng tung ra các đòn “ăn miếng, trả miếng” nhằm vào đối phương trong vòng 90 ngày, đồng thời tiếp tục tổ chức đối thoại song phương về những vấn đề thương mại còn vướng mắc giữa hai nước.

Theo thông cáo của Nhà Trắng, Trung Quốc đã cam kết sẽ nhập khẩu thêm nhiều mặt hàng nông sản của Mỹ. Điều này đã gián tiếp khiến giá thành đậu tương của Brazil và những quốc gia khác trên thế giới giảm đáng kể.

“[Thỏa thuận ấy] không thể trở thành vận may đối với những người nông dân Brazil, mà thay vào đó nó sẽ là ‘tai ương’ đối với họ”, ông Gustavo Oliveira, phó Giáo sư về nghiên cứu toàn cầu tại Đại học California, Irvine, nhận định.

Mỹ và Brazil là hai nước sản xuất đậu tương lớn nhất trên thế giới, còn Trung Quốc chính là nhà tiêu thụ lớn nhất về mặt hàng này.

Tuy nhiên, ngay từ đầu cuộc thương chiến, Bắc Kinh đã đánh thuế nhập khẩu nhằm vào mặt hàng tối quan trọng này nhằm trả đũa Mỹ. 

Sau đó, họ đã phải tìm đến những nhà cung ứng khác như Brazil và Nga để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Một số chuyên gia đã nhận định rằng Trung Quốc đã quá sai lầm khi “đánh” vào mặt hàng đậu tương sớm như vậy, trong khi thị trường trong nước của họ lại rất cần đến mặt hàng nông sản này (chủ yếu để làm thức ăn chăn nuôi).

Kể từ khi cuộc thương chiến nổ ra, nguồn cung đậu tương của Brazil đã giảm đi ít nhiều so với trước đó. Tuy nhiên, nhiều người nông dân Brazil đã quyết định tăng cường trồng loại cây này để tranh thủ thu lợi nhuận từ việc thỏa mãn “cơn khát” đậu tương của Bắc Kinh.

Đã có thời điểm Brazil đạt được mức sản lượng kỉ lục, nhiều hơn 120 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo chuyên gia Oliveira, thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Washington sẽ có thể khiến Brazil lâm vào “khủng hoảng thừa” đậu tương. Bên cạnh đó, người nông dân Brazil còn có nguy cơ lỗ vốn do khoản chi phí đầu vào bị đội lên khá nhiều so với những năm trước.

Chuyên gia này đã nhìn thấy một số dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ phải sớm trở về với Mỹ trong lĩnh vực nhập khẩu đậu tương. Và việc tái nhập khẩu đậu tương Mỹ có thể sẽ được coi là hành động thiện chí của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong thời gian Bắc Kinh thương lượng, tìm cách hòa giải với Washington về vấn đề thương mại.

Argentina, Australia và Nga cũng “khó chịu”

Hôm thứ Hai vừa qua, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue đã tiết lộ rằng có thể Trung Quốc sẽ khôi phục lại hoạt động nhập khẩu đậu tương từ Mỹ vào ngày 1/1/2019 tới đây.

Tuy nhiên, chuyên gia Oliveira cho rằng nếu hai nước Trung-Mỹ tiếp tục bất định, mập mờ như hiện nay, thì cuộc đối đầu thương mại sẽ càng khiến hai bên càng đau đầu hơn.

Trung Quốc đã nhập khẩu 6,92 triệu tấn đậu tương hồi tháng 10 vừa qua; trong đó Brazil là nước cung ứng đậu tương nhiều nhất cho Trung Quốc.

Một số nhà cung ứng khác, như Nga, cũng đang được hưởng lợi từ cuộc chiến. Tuy đúng là các quốc gia này xuất khẩu được nhiều hàng hóa hơn cho Trung Quốc trong thời gian gần đây, nhưng nếu Mỹ-Trung ngừng cãi vã, thì chắc chắn họ sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.

Ông James Floyd Downes, một giảng viên chính trị tại Đại học Trung Quốc Hồng Kông, nhận định rằng Argentina, Brazil, Australia và Nga sẽ là những quốc gia cảm thấy “khó chịu” nhất khi Mỹ-Trung đình chiến.

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Perdue cho biết, hiện tại ông vẫn chưa thể đánh giá được triển vọng của mặt hàng đậu tương Mỹ tại Trung Quốc, trong thời gian hai nước tạm thời đình chiến.

“Tôi đã đề cập tới vấn đề này với các nhà đàm phán của Mỹ, và họ nói rằng vấn đề này sẽ được giải quyết trong vài ngày tới”, ông Perdue nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới