55 triệu học sinh ở các trường nông thôn Trung Quốc hiện có khả năng tiếp cận các lớp học trực tuyến. Công nghệ cao sẽ được áp dụng vào giáo dục và chăm sóc sức khỏe để thay đổi bộ mặt nông thôn.
Là quốc gia đông dân nhất thế giới với gần 1,4 tỉ dân, việc đảm bảo hệ thống chăm sóc sức khỏe và giáo dục hiệu quả là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Điều này đặc biệt quan trọng ở các khu vực xa xôi của đất nước.
Theo Đài CNBC, tại hội nghị East Tech West ở quận Nam Sa của thành phố Quảng Châu hồi tuần trước, các lãnh đạo doanh nghiệp cùng các nhà đầu tư và giới chuyên gia Trung Quốc đã thảo luận cách thức cân bằng các dịch này trên khắp cả nước.
Năm 2017, số người dùng Internet tại nông thôn lên đến 209 triệu, chiếm 30% số người sử dụng Internet của cả nước Trung Quốc.
Đây là điểm khởi đầu tốt để các ông trùm công nghệ đầu tư vào hai lĩnh vực quan trọng: Giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
Trước hết, về mặt giáo dục, Trung Quốc đẩy mạnh giáo dục qua mạng tại những vùng sâu vùng xa. Đây là giải pháp cần thiết trước tình trạng thiếu giáo viên ở các khu vực nghèo và xa xôi của Trung Quốc.
Năm 2017, công ty VIPKid của Trung Quốc đã khởi động Dự án giáo dục nông thôn (REP). Dự án này hướng tới cung cấp giáo dục trực tuyến cho 10.000 lớp học ở nông thôn, thông qua các bài học phát trực tiếp.
Theo báo cáo của quỹ 500Startups, giáo dục qua mạng được đẩy mạnh sau khi Bộ Giáo dục Trung Quốc yêu cầu chính quyền các cấp chi tối thiểu 8% ngân sách cho việc số hóa giáo dục.
Báo cáo cho biết 55 triệu học sinh ở các trường nông thôn Trung Quốc hiện có khả năng tiếp cận các lớp học trực tuyến.
Người dân tại một ngôi làng ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đi kiểm tra sức khỏe – Ảnh: SCMP
Về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, Trung Quốc mong muốn sẽ ứng dụng sâu rộng AI tại các vùng nông thôn.
Ông Jim Wang, CEO của tập đoàn NovaVision, tin rằng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ở khu vực nông thôn Trung Quốc trong vài chục năm tới, giúp thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn trong lĩnh vực này.
“Trong 30-40 năm qua, các nguồn lực y tế không được triển khai đồng đều. AI y tế sẽ cứu giúp ích cho việc này. Chẳng hạn, chúng ta có thể huấn luyện AI để hỗ trợ các bác sĩ ở nông thôn”, ông Jim Wang giải thích.
Vị này còn lấy ví dụ về khả năng phát hiện các bệnh tật chỉ thông qua một ảnh chụp mắt. Ông nói: “Ở Trung Quốc, chúng ta không có bác sĩ gia đình. Mọi người sẽ đi tới các bệnh viện lớn – nguyên nhân dẫn tới tình trạng quá tải”.
Do đó, ông hy vọng AI sẽ giúp người dân nông thôn giảm thời gian đi những quảng đường xa xôi tới các bệnh viện lớn.
Sui Xiu Chen (66 tuổi đến từ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) chia sẻ với báo South China Morning Post (SCMP) hồi tháng 4: “Trước đây tôi phải mất cả ngày để di chuyển và xếp hàng, đôi lúc ngủ lại. Chi phí đi xe buýt cũng vài chục nhân dân tệ. Giờ thì tôi không cần đi xa như vậy. Tôi có thể nói chuyện qua video với các chuyên gia ở xa để hỏi những thứ mà bác sĩ ở làng không biết”.
Tình trạng già hóa dân số (30% dân số Trung Quốc sẽ ở độ tuổi hơn 60 vào năm 2050) cùng với chính sách khuyến khích sinh hai con gần đây là thách thức lớn của Trung Quốc sắp tới.
Theo bà Catrinel Hagivreta, nhà sáng lập MEDIjobs, AI sẽ giúp bổ sung nguồn nhân lực để giải quyết hai vấn đề này.
Tuy vậy, bất chấp sự lạc quan của giới lãnh đạo doanh nghiệp, một số nhà phân tích cho rằng việc thay đổi bộ mặt nông thôn Trung Quốc vẫn còn là vấn đề phức tạp và không thể diễn ra một sớm một chiều.
“Rõ ràng có nhiều thách thức về công nghệ, xét về khả năng tiếp cận Internet hay thậm chí điện năng”, ông David Tyfield, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Lancaster của Anh, nhận định.