Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngChuyên gia Philippines nói về Biển Đông: Khi cứng rắn với TQ,...

Chuyên gia Philippines nói về Biển Đông: Khi cứng rắn với TQ, họ sẽ cư xử đàng hoàng hơn

Chuyên gia Philippines nhấn mạnh, Trung Quốc đang muốn tạo ra “luật lệ quốc tế kiểu Trung Quốc” và buộc các nước ASEAN phải tuân theo.

Trung Quốc triển khai tên lửa ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: EPA.

Bên lề Hội thảo quốc tế về “Thúc đẩy hợp tác an ninh biển ở Biển Đông” được Học viện Ngoại giao (DAV), Đại sứ quán Anh, Đại sứ quán Australia phối hợp tổ chức ngày 4/12, PGS. Richard Heydarian, ĐH Ateneo De Manila, Philippines đã trao đổi với báo chí về tình hình Biển Đông hiện nay và tham vọng của Trung Quốc đằng sau việc thúc đẩy xây dựng quy tắc ứng xử trên biển với ASEAN.

Ông đánh giá thế nào về tình hình diễn biến trên Biển Đông hiện nay?

Mỗi năm tình hình càng ngày càng đáng quan ngại. Cách đây vài năm, khi chúng ta nhắc đến Biển Đông, chúng ta thường nhắc đến Great Wall of sand (Vạn lý trường thành bằng cát – sử dụng tên Vạn Lý trường thành của Trung Quốc ám chỉ các công trình Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông – PV).

Hiện nay, điều chúng ta đang phải đối mặt là một Great Wall of SAMS (surface-to-air missile – tên lửa đất đối không). Năm nay, Trung Quốc đã triển khai khí tài quân sự tân tiến, tên lửa chống hạm, hệ thống radar…

Rõ ràng là Trung Quốc đã không giữ lời hứa không quân sự hóa Biển Đông mà ông Tập Cận Bình đã đưa ra trong cuộc gặp với Tổng thống Obama năm 2015.

Đây cũng là sự vi phạm phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế tại The Hague đưa ra tháng 7/2016 rằng, tuyên bố về Đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông là không có cơ sở. Do vậy, Trung Quốc không có quyền tuyên bố chủ quyền với toàn bộ Biển Đông và cái mà nước này tự gọi là Nam Sa và Tây Sa (thực tế là quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam – PV).

Trung Quốc và các nước ASEAN đang đẩy nhanh xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Hiện nay, Trung Quốc có vẻ thúc đẩy khá tích cực cho vấn đề này. Ông nghĩ vì sao Trung Quốc lại có động thái này?

Tôi cho rằng ASEAN có thể làm nhiều hơn, trong việc đàm phán về một COC thực sự có thể kiềm chế những hoạt động trái phép của Trung Quốc trên thực địa. Hiện tại, Trung Quốc đã đề xuất 2 nội dung cực kỳ khó khăn khi đàm phán.

Đề xuất thứ nhất, là các bên không được mời quốc gia ngoài khu vực tổ chức tập trận chung, trừ phi các bên liên quan được thông báo trước và không phản đối.

Điều này có nghĩa là Trung Quốc có quyền phản đối các cuộc tập trận chung giữa các nước ASEAN với quốc gia ngoài khu vực. Ví dụ, với Philippines, Trung Quốc sẽ có quyền yêu cầu Philippines không tập trận với đồng minh như Mỹ. Đề xuất này có tính công kích và cho thấy Trung Quốc quá tự tin.

Một điểm khác nữa mà Trung Quốc đề xuất là việc khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông bao gồm cả cá và dầu khí không nên hợp tác với các công ty đến từ các nước ngoài khu vực. Điều này có nghĩa là các tàu cá Nhật Bản hay các công ty dầu của Mỹ  không thể tham gia vào việc hợp tác khai thác ở Biển Đông.

Hai đề xuất này không gì khác ngoài việc nỗ lực lợi dụng COC để gia tăng lợi thế của Trung Quốc so với các nước lớn ngoài khu vực và cô lập các nước nhỏ hơn trong khu vực. Điều này là không thể chấp nhận được.

Vậy theo ông, vì sao Trung Quốc lại muốn đặt ra thời hạn 3 năm cho đàm phán COC?

3 năm là thời điểm Philippines kết thúc nhiệm kỳ điều phối viên luân phiên quan hệ ASEAN – Trung Quốc. Trung Quốc tự tin rằng Tổng thống Philippines Duterte sẽ ủng hộ Trung Quốc. 

Mọi người đều muốn nói về COC, nhưng hiện tại chúng ta không biết nó sẽ đi về đâu. Điều tệ nhất là Trung Quốc muốn dùng COC để tạo ra “luật lệ quốc tế kiểu Trung Quốc”.

Điều quan trọng nhất cần làm ngay bây giờ là yêu cầu Trung Quốc dừng hoàn toàn việc cải tạo phi pháp, quân sự hóa và hoạt động quân sự ở Biển Đông. Thật không công bằng khi hai bên thương lượng nhưng một phía thay đổi hiện trạng từng ngày.

Hãy nhìn Mỹ hiện nay. Dưới thời Tổng thống Obama, Trung Quốc đã có một thời kỳ dễ dàng. Nhưng điều này không còn khi ông Trump ở đây. Chúng ta đã có bằng chứng là khi cứng rắn với Trung Quốc, Trung Quốc sẽ cư xử đàng hoàng hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới