Tuesday, November 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiVấn đề Biển Đông trong chuyến thăm Philippines của Chủ tịch TQ...

Vấn đề Biển Đông trong chuyến thăm Philippines của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình

Từ 20-21/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm Philippines. Đây là chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đầu tiên của một lãnh đạo Trung Quốc đến Philippines trong vòng 13 năm qua và diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Rodrigo Duterte chủ trương tạm gác tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông để tập trung cải thiện quan hệ song phương, nhất là về kinh tế. Trong chuyến thăm, hai bên đã trao đổi và đạt được nhiều thỏa thuận liên quan vấn đề Biển Đông.

Bối cảnh chuyến thăm

Chuyến thăm Philippines của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh vị trí thống trị ở Thái Bình Dương. Sau khi đắc cử năm 2016, ông Duterte đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm, thúc đẩy tăng cường quan hệ với Trung Quốc, đồng thời nhiều lần ca ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thậm chí tuyên bố phán quyết của tòa quốc tế về vụ kiện Biển Đông là không có cơ sở.

Trung Quốc khi đó cam kết khoản cho vay và đầu tư 24 tỷ USD cho Philippines nhưng đến nay, số tiền Manila nhận được rất nhỏ giọt, khiến các nhà phê bình cho rằng Duterta đã bị lừa. Trong khi đó, những người khác cũng cảnh báo chính quyền Duterte về “cái bẫy nợ” Trung Quốc.

Một số tuyên bố đáng chú ý trong chuyến thăm liên quan vấn đề Biển Đông

Phát biểu ngay trước khi bước vào hội đàm với Tổng thống Duterte, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng “lựa chọn đúng đắn duy nhất” cho Philippines lẫn Trung Quốc là “hợp tác và là láng giềng tốt của nhau”; khẳng định Trung Quốc và Philippines có nhiều lợi ích chung trên Biển Đông, đồng thời cho biết hai nước sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề gây tranh cãi và thúc đẩy hợp tác hàng hải thông qua hoạt động tham vấn thân thiện. Ông Tập Cận Bình cũng cam kết sẽ kết thúc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong ba năm tới, nhằm đóng góp cho “hòa bình, ổn định và lợi ích” của khu vực.

Về phần mình, Tổng thống Duterte tuyên bố hai nước “sẵn sàng viết nên chương mới cho sự hợp tác và cởi mở”, nhấn mạnh đây thời điểm để hai bên “đánh giá những tiến bộ đã đạt được và thúc đẩy sâu sắc hơn quan hệ đối tác trên tinh thần hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau và tôn trọng bình đẳng về chủ quyền”. Trước đó, phát biểu bên lề Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 33 ở Singapore tuần trước, Duterte tuyên bố “Trung Quốc đã nắm được Biển Đông” và nhấn mạnh rằng ông không muốn tiến hành các cuộc tập trận ở vùng biển này vì có thể kích động Bắc Kinh và dẫn đến chiến tranh.

Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Salvador Panelo (20/11) cho biết Philippines sẽ không dùng đến phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực vào lúc này và phán quyết của tòa trọng tài tới nay không hiệu quả vì không có khả năng thực thi; nhấn mạnh quan điểm của Tổng thống Duterte là “giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng”.

Kết quả đạt được trong chuyến thăm liên quan vấn đề Biển Đông:

Bộ trưởng Năng lượng Alfonso Cusi cho biết Philippines và Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển dầu khí, bao gồm cả các khu vực ở Biển Đông. Văn bản này không nêu chi tiết cụ thể về hợp tác nhưng người phát ngôn Văn phòng tổng thống Philippines Salvador Panelo tuyên bố bất kỳ thỏa thuận nào “cũng sẽ được kiểm soát kỹ lưỡng và không được trái với Hiến pháp”.

Hiện chi tiết về thỏa thuận dầu khí giữa Trung Quốc và Philippines, trong đó có vị trí thăm dò, vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, theo dự thảo khung được Thượng nghị sĩ đối lập Philippines Antonio Trillanes công bố, hoạt động thăm dò sẽ được thực hiện dựa trên nguyên tắc lợi ích và tôn trọng lẫn nhau, đồng thời không ảnh hưởng tới lập trường của hai bên về chủ quyền và quyền hàng hải. Trong khi đó, nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc ở Philippines coi thỏa thuận thăm dò dầu khí chung nói trên là hành động gây suy yếu tuyên bố lãnh thổ của Philippines ở Biển Đông.

Dư luận liên quan:

Giới chuyên gia liên tục cảnh báo về hệ lụy liên quan việc Philippines và Trugn Quốc hợp tác thăm dò, khai thác chung ở Biển Đông. Cựu Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez cho rằng không có gì bảo đảm Trung Quốc sẽ không gian lận trong hợp tác hay mượn cớ “bảo vệ dự án chung” để cử lực lượng an ninh áp sát Philippines; cho rằng đây sẽ là “ác mộng an ninh quốc gia với cái giá phải trả đắt hơn nhiều so với doanh thu từ khai thác chung”; nhấn mạnh bất kỳ thỏa thuận chia sẻ tài nguyên nào cũng phải tuân thủ Hiến pháp Philippines và phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) khi bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Ông Roilo Golez kết luận, mọi hoạt động khai thác chung trong khu vực bị “đường lưỡi bò” liếm trúng sẽ vi phạm luật quốc tế và chỉ mang lại kết quả là giúp Bắc Kinh đạt được nhiều ý đồ trên biển, cũng như gây chia rẽ trong khu vực, khiến tình hình an ninh Biển Đông thêm phức tạp.

Cựu Phó chủ tịch hạ viện Lorenzo Erin Tanada yêu cầu chính quyền phải minh bạch hơn về những thỏa thuận ký với Trung Quốc. Cùng quan điểm trên, các thượng nghị sĩ thuộc phe đối lập tại Manila đã yêu cầu Tổng thống Duterte tiết lộ nội dung cụ thể của kế hoạch này và cho rằng “ký thỏa thuận với Trung Quốc sẽ khiến Philippines phải công nhận việc đồng sở hữu phi pháp với Trung Quốc”.

Trước khi ông Tập Cận Bình tới, hàng trăm người Philippines đã biểu tình tập trung ở đại sứ quán Trung Quốc ở Manila và lên tiếng phản đối Chính quyền của Tổng thống Duterte ngày càng có quan hệ thân cận với Trung Quốc. Mặc dù tổng thống Rodrigo Duterte và chủ tịch Tập Cận Bình thể hiện tình thân hữu, nhưng phần lớn công luận Philippines vẫn nghi ngờ Bắc Kinh. Theo kết quả một cuộc thăm dò được thực hiện ngay trước chuyến viếng thăm của chủ tịch Trung Quốc, 84% người dân Philippines không chấp nhận việc chính phủ Manila không có hành động gì ở vùng Biển Đông.”

Trước chuyến thăm, Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi (30/10) bày tỏ lạc quan về khả năng sẽ đạt được một thỏa thuận về khai thác chung dầu khí tại Biển Đông khi ông Tập Cận Bình thăm Philippines, đồng thời cho biết các điều khoản của thỏa thuận này sẽ được thông qua trong chuyến thăm sắp tới, thông báo Chính phủ Philippines cũng đã thảo luận về việc gỡ bỏ lệnh cấm thăm dò tại vùng biển tranh chấp giữa Tập đoàn PXP Energy và Tổng công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC). Tuy nhiên, Chủ tịch Tập đoàn PXP Energy Manuel Pangilinan không cho rằng lệnh cấm có thể được dỡ bỏ trong chuyến thăm của Tập Cận Bình, nhấn mạnh các cuộc đàm phán với CNOOC sẽ không thể được nối lại cho đến khi nào Philippines và Trung Quốc đạt được thỏa thuận song phương. Liên quan vấn đề này, Bloomberg nhận định, bất cứ thỏa thuận nào về khai thác chung đạt được sẽ đánh dấu một chiến thắng lớn cho Trung Quốc khi nước này đã nỗ lực cả thập kỷ qua để ngăn các nước Đông Nam Á khai thác nguồn năng lượng tại các vùng biển tranh chấp.

Trong khi đó, giới chuyên gia cũng cho rằng Philippines và Trung Quốc có thể sẽ đạt tiến bộ cơ chế tham vấn song phương và thực hiện các dự án hợp tác khai thác chung dầu khí ở Biển Đông. Giáo sư Aries Arugay nhận đinh, tuy hai nước có quan hệ thân cận hơn trước, việc Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết năm 2016 tuyên xử Philippines thắng kiện và bác việc Trung Quốc khẳng định có chủ quyền toàn bộ Biển Đông cũng sẽ không bị lãng quên: “Phán quyết này sẽ chỉ tạm gác qua một bên”. Trong khi đó, nhà phân tích Anwita nhận đinh, trong chuyến thăm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ tránh đề cập vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, mà chú trọng hơn vào hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, ông Dizon lại cho rằng Philippines sẽ không nhân nhượng về chuyện chủ quyền trên biển Tây Philippines (Biển Đông) trong quan hệ với Trung Quốc. Giới chuyên gia Trung Quốc lại cho rằng Bắc Kinh và Manila nên tăng cường hợp tác ở Biển Đông. Chuyên gia Hứa Lợi Bình thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng hoạt động thăm dò chung với Philippines sẽ là một ví dụ điển hình ở Biển Đông, nó sẽ tăng cường lợi ích của Trung Quốc trong khu vực, đồng thời giảm cơ hội can thiệp của các nước bên ngoài ở Biển Đông. Giáo sư Tô Hạo thuộc Học viện Ngoại giao Trung Quốc nhận định, hai nước sẽ phải xây dựng một kế hoạch không chỉ phục vụ lợi ích của mình, mà còn phải “phục vụ” các bên yêu sách khác trong khu vực. Họ cũng phải cảnh giác với phản ứng dữ dội từ các nhóm ở Philippines, bao gồm các thành viên giới tinh hoa chính trị, có truyền thống ủng hộ hợp tác với Mỹ, trái ngược với chính sách hiện hành của ông Rodrigo Duterte.

RELATED ARTICLES

Tin mới