Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngManila ngại 'khiêu khích' TQ vụ Trạm khí tượng Biển Đông

Manila ngại ‘khiêu khích’ TQ vụ Trạm khí tượng Biển Đông

Philippines không muốn xác minh các tường thuật nói Trung Quốc đã thiết lập những cơ sở cố định mới ở khu vực Quần đảo Trường Sa.

Hình ảnh Đá Subi do quân đội Philippines chụp từ hồi 21/4/2017. Nay khu vực này đã có thêm nhiều cơ sở, nhà cửa

Lý do là bởi Manila sợ sẽ bị coi là ‘khiêu khích’ Trung Quốc.

Để có thể kiểm chứng được tin Trung Quốc đã đặt các trạm theo dõi thời tiết ở khu vực có tranh chấp trên Biển Đông thì Philippines sẽ cần quân đội tới tận nơi, mà điều đó có thể sẽ dẫn tới “thứ mà chúng ta không muốn”, trang tin Philippine Daily Inquirer dẫn lời Phủ Tổng thống.

“Quý vị phải đi vào trong khu vực đó, nơi mà quốc gia này nói rằng là lãnh thổ của họ,” phát ngôn viên của Tổng thống, Salvador Panelo, nói trong buổi họp báo hôm thứ Ba 4/12.

“Cho nên quý vị có thể sẽ gây ra một số vấn đề ở đó.”

“Điều đó thậm chí còn có thể gây ra khiêu khích về một số thứ mà chúng ta không muốn,” ông Panelo.

Bộ trưởng quốc phòng nước này, Delfin Lorenzana, cũng đồng quan điểm.

Cho rằng hoạt động theo dõi thời tiết của Trung Quốc tại Quần đảo Trường Sa không phải là lý do gây ra quan ngại nếu đem so sánh với các hệ thống radar mà Bắc Kinh đã đặt tại cùng các đảo đó, ông Lorenzana cũng thừa nhận là quân đội Philippines không có khả năng xác minh thông tin, trang tin Phil Stars tường thuật.

“Nếu nhìn vào bản đồ các đảo, thì trên các đảo mà Trung Quốc bồi đắp nhân tạo đã có nhiều công trình rồi,” ông Lorenzana nói với chương trình CNN Philippines vào hôm thứ Ba 4/12.

Hôm 1/11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận rằng Bắc Kinh đã bắt đầu vận hành một trung tâm quan sát hải dương, một trạm quan sát khí tượng, và một trạm theo dõi môi trường và chất lượng không khí quốc gia tại các đảo nhân tạo trên Biển Đông, trong đó có một phần thuộc vùng biển mà Manila gọi là Biển Tây Philippines.

Báo South China Morning Post nói các trạm quan sát được đặt tại Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn.

Đây là khu vực có tranh chấp giữa Trung Quốc, Philippines, Việt Nam và Đài Loan, hiện do Trung Quốc kiểm soát.

Các trạm quan sát có thể được sử dụng cho mục đích quân sự, nhưng South China Morning Post trích lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói hôm 1/11 rằng Bắc Kinh sẽ chủ yếu dùng cho mục đích đảm bảo an toàn đi lại ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cũng nói rằng khó mà xác định được công trình nào trên các đảo này là các trạm khí tượng.

Ông Lorenzana nói phi cơ của quân đội Philippines khi bay gần các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Quần đảo Trường Sa luôn nhận được cảnh báo từ binh lính Trung Quốc.

Phản ứng trong nước

Về mặt đối ngoại, Manila tỏ ra nhún nhường và ngần ngại, không dám thách thức Bắc Kinh.

Ông Panelo nói tuy Tòa Trọng tài Quốc tế tại The Hague hồi 7/2016 đã ra phán quyết có lợi cho Philippines, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì việc tuyên bố chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông.

“Họ nói là của họ trong lúc tòa trọng tài nói đó là của chúng ta,” nhưng vấn đề là, ông Panelo nói, “không ai muốn cưỡng chế thi hành phán quyết đó”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm hai ngày tới Philippines, 20-12/11/2018.

Tổng thống Rodrigo Duterte gần đây lặp đi lặp lại rằng ông Tập đã cảnh báo ông về việc sẽ nổ ra chiến tranh nếu như Philippines dám xác quyết chủ quyền ở Trường Sa.

Trong chuyến đi của ông Tập tới Manila, thay vì ra tuyên bố về “mối quan hệ hợp tác chiến lược” song phương, hai bên đã không có tiến triển gì trong các vấn đề khó khăn then chốt vốn làm Manila và Bắc Kinh chia rẽ, mà đi đầu là cuộc tranh cãi biển đảo và độ trì hoãn của Manila trong việc ra cam kết ủng hộ tham vọng kinh tế của Trung Quốc.

Thay vì hoan nghênh ông Tập, một số chính khách có tiếng của nước chủ nhà đã có cảnh báo phản đối việc để nhân công và đầu tư Trung Quốc vào với quy mô lớn, đồng thời phản đối bất kỳ nhượng bộ lớn nào ở Biển Đông.

Hai thượng nghị sỹ nổi tiếng là Antonio Trillanes IV và Francis Pangilinan cảnh báo chính phủ chớ ký kết “bất kỳ thỏa thuận nào với Trung Quốc hay bất kỳ nước nào nếu điều đó làm giảm mất đặc quyền [trên biển] của Philippines”.

RELATED ARTICLES

Tin mới