Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNàng phó chủ tịch Huawei và bàn cờ Mỹ-Trung

Nàng phó chủ tịch Huawei và bàn cờ Mỹ-Trung

Chưa biết vụ bắt “công chúa Hoa Vi” là do vô tình hay cố ý, người ta ngờ phái diều hâu đạo diễn vụ này để làm Tập Cận Bình mất uy tín và mắc kẹt.

Trong bài ”Mỹ-Trung tại Buenos Aires: Chiến tranh hay hòa hoãn?”, tôi có viết là còn quá sớm để Mỹ-Trung thực sự hòa hoãn nên sẽ “vừa đánh vừa đàm”.

Lúc đó, tôi không biết trong khi Donald Trump và Tập Cận Bình còn đang đàm phán về “thỏa thuận ngừng bắn 90 ngày” tại Buenos Aires (1/12/2018) thì cảnh sát Canada vừa bắt giữ “công chúa Hoa Vi” (Huawei) tại sân bay Vancouver, theo yêu cầu của Bộ Tư pháp Mỹ (để dẫn độ về Mỹ).

Vừa đánh vừa đàm

Nếu đặt hai sự kiện trên trong bối cảnh tầm nhìn mới về an ninh và chiến lược (NSS & NDS), ta càng thấy rõ bức tranh “vừa đánh vừa đàm” giữa hai siêu cường (cả nghĩa đen và nghĩa bóng), và càng hiểu rõ cuộc chiến thương mại chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”.

Những góc khuất của đối đầu Mỹ-Trung đang lộ rõ, như các mảnh ghép của một chiến lược tổng thể đang nhắm vào Trung Quốc, từ “hợp tác” nay trở thành “đối thủ chiến lược số một”.

Vậy “công chúa Hoa Vi” là ai?

Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) không chỉ là CFO và Phó chủ tịch của tập đoàn Hoa Vi, mà còn là con gái và người thừa kế ông chủ Hoa Vi là tỷ phú Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei).

Đến nay, Bộ Tư pháp Mỹ và Canada vẫn chưa nói rõ lý do thực sự để họ bắt Mạnh Vãn Chu, mà chỉ thông báo rằng Hoa Vi đã sử dụng Skycom là một công ty con để lẩn tránh lệnh trừng phạt của Mỹ (từ 2009 đến 2014).

Theo luật sư của bà Mạnh, một toà án tại New York đã có trát bắt Mạnh Vãn Chu từ ngày 22/8/2018. Vì vậy, việc bà Mạnh bị bắt khi đang quá cảnh tại sân bay Vancouver (1/12/2018) không phải là đột xuất, chứng tỏ các cơ quan an ninh của Mỹ và Canada đã theo dõi và lên kế hoạch bắt từ lâu rồi.

Ngay từ năm 2012, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã có báo cáo khuyến nghị không nên để Huawei và ZTE tiếp cận mạng viễn thông Mỹ, vì liên quan đến an ninh quốc gia.

Sau khi ZTE bị Mỹ cấm vận và phạt nặng nên suýt phá sản (6/2018), mục tiêu tiếp theo là Hoa Vi (còn lớn hơn cả ZTE).

Vụ bắt giữ bà Mạnh tuy hơi bất ngờ vì thời điểm nhạy cảm, nhưng không phải ngẫu nhiên.

Câu chuyện về Mạnh Vãn Chu và Hoa Vi không chỉ về thương mại mà còn liên quan đến an ninh quốc gia.

Ngoài Mỹ, Australia và Newzealand đã cấm sử dụng công nghệ của Hoa Vi (cho mạng 5G), trong khi Canada và Nhật đang làm tương tự.   

John Bolton (Cố vấn An ninh quốc gia) nói với đài NPR (6/12/2018) là ông biết trước về vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu, nhưng không nói rõ Tổng thống Donald Trump có biết không (chắc chỉ có Chúa mới biết).

Dù Donald Trump (hay các cố vấn diều hâu) có ý định phá thỏa thuận thương mại với Trung Quốc vào lúc này hay không, thì vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu có thể làm tổn thương quá trình đàm phán, với những hệ lụy to lớn (potentially huge implications) và là dấu hiệu chính quyền Donald Trump sẵn sàng chơi rắn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn làm ăn với Iran.

Theo Bloomberg (7/12/2018) nếu đàm phán thương mại Mỹ-Trung đổ vỡ thì Trung Quốc sẽ tổn thất nhiều hơn hệ quả của vụ Mạnh Vãn Chu bị bắt.

Donald Trump đã cảnh báo sẽ tăng thuế lên 25% đối với $200 tỷ hàng nhập từ Trung Quốc, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận trong 90 ngày (kể từ 1/12/2018).

Nếu Donald Trump áp thuế 25% lên toàn bộ hàng nhập từ Trung Quốc ($517 tỷ), thì tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm 1,5% (chỉ còn 5%).

Trong khi chính phủ Canada vẫn chưa tiết lộ các chi tiết có liên quan về vụ này, thời điểm bắt giữ Mạnh Vãn Chu rất nhạy cảm nên đã gây chấn động dư luận, làm thị trường chứng khoán tụt dốc.

Ngay sau khi có tin này, chỉ số Hong Kong index giảm 2,5% và Tokyo stocks giảm 1,9%.

Ngừng bắn tạm thời 

Trước hết, để tránh nhầm lẫn khái niệm “ngừng bắn tạm thời” là dừng đánh thuế mới và chưa tăng lên 25%, như “hưu chiến” (truce) để đàm phán (và nghỉ Tết), chứ không phải “đình chiến” (ngừng bắn hẳn, để chấm dứt chiến tranh).

Thứ hai, “ngừng bắn tạm thời” chỉ liên quan đến thương mại (đánh thuế), như “phần nổi của tảng băng chìm”, trong khi Mỹ-Trung đang xung đột trên nhiều lĩnh vực.

Thứ ba, thời hạn 90 ngày chỉ là “hoãn binh” (chiến thuật), vì quá ngắn để Trung Quốc chuyển đổi cơ cấu (structural changes) như Mỹ đòi hỏi.

Thứ tư, Mỹ và Trung Quốc không phải là “trâu bò đánh nhau” mà là khủng long nên khó thay đổi.

Thỏa thuận ngừng bắn chỉ là một bước “hoãn binh” trong bối cảnh đối đầu Mỹ-Trung đang leo thang, khi cả hai bên đều cần một thỏa thuận (dù tạm thời) để đối phó với những vấn đề nội bộ.

Trong khi Donald Trump chịu sức ép từ một số bang (trồng đậu tương) và thị trường chứng khoán dao động, Tập Cận Bình cũng cần hoãn binh để giải quyết một số vấn đề cấp bách trong nước.

Vì vậy, hai bên đã giải thích khác nhau về thỏa thuận này, tuy tại bàn đàm phán họ tránh cãi nhau làm đầu độc bầu không khí đối thoại (như tại hội nghị thượng đỉnh APEC).

Nhưng còn quá sớm để hai bên có thể giải quyết các vấn đề về cơ cấu nên trước mắt cuộc chiến Mỹ-Trung chủ yếu vẫn là “vừa đánh vừa đàm” (về chiến thuật), trong khi “đối đầu” (về chiến lược).

Kết quả cuộc gặp Donald Trump-Tập Cận Bình bên lề G-20 (1/12/2018) là “thỏa thuận ngừng bắn 90 ngày” để đàm phán tiếp, làm nhiều người lạc quan và hy vọng.

Thị trường chứng khoán đã đảo chiều đi lên, Dow Jones Industrial Average tăng 425 điểm (hôm 3/12).

Hàng ngàn doanh nghiệp tại Trung Quốc có kế hoạch chuyển sang Việt Nam, nay quyết định hoãn lại vì hy vọng.

Tuy nhiên, nhiều người khác vẫn hoài nghi cho rằng nếu Trung Quốc không thay đổi trong 15 tháng qua thì làm sao có thể thay đổi trong 3 tháng tới.

Nhưng sau khi có tin “công chúa Hoa Vi” Mạnh Vãn Chu vừa bị bắt giữ tại Vancouver, chứng khoán lại đảo chiều đi xuống.

Theo báo chí Mỹ, Robert Lighthizer vừa được Donald Trump chỉ định cầm đầu đoàn đàm phán với Trung Quốc.

Mặc dù quyết định này không đáng ngạc nhiên, nhưng chắc làm Bắc Kinh đau đầu, vì Lighthizer vừa có quan điểm cứng rắn vừa rất chuyên nghiệp.

Quan điểm của Lighthizer rất dứt khóat: “Chúng ta phải đưa mọi thứ quay trở về vạch xuất phát, loại bỏ các rào cản về cấu trúc đồng thời buộc phải mở cửa thị trường tự do cho thương mại”.

Báo cáo điều tra của văn phòng Lighthizer (từ 8/2017 đến 3/2018) là chỗ dựa cho chiến tranh thương mại và danh sách 142 điểm mà Mỹ yêu cầu Trung Quốc đáp ứng.

Cách đây mấy tuần, văn phòng Lighthizer đã có báo cáo cập nhật, với kết luận rằng Trung Quốc chưa làm gì để cải thiện tình hình.

Theo Larry Kudlow (Cố vấn kinh tế) Lighthizer rất “cảnh giác” (vigilant), nhưng hy vọng câu chuyện sẽ “kết thúc có hậu” (happy ending).  (Trump names hard liner Lighthizer to be vigilant in China talks, Megan Casella & Catlin Oprysko, Politico, December 3, 2018). 

Theo Peter Navarro, “sau 90 ngày, chúng ta phải đạt được những thay đổi thực sự về cấu trúc dẫn đến kết quả lập tức và kiểm chứng được”.  Đó là yêu cầu quá cao trong thời gian quá ngắn.

Tuy Navarro không chống lại thỏa thuận ngừng bắn tạm thời (1/12/2018), nhưng trong đàm phán sắp tới, quan điểm cứng rắn của Lighthizer và Navarro là thách thức và trở ngại đối với Bắc Kinh (như “deal breaker”).

Trong khi đó, Steven Mnuchin (Bộ trưởng Tài chính, thuộc phái ôn hòa) vẫn tỏ ra lạc quan, cho rằng lần này khác trước vì Donald Trump và Tập Cận Bình đã thỏa thuận cụ thể. Bây giờ nhiệm vụ của đoàn đàm phán là biến thỏa thuận thành thực tế.

Đối đầu trong hợp tác

Nếu đối đầu Mỹ-Trung là một xu thế mới thì chắc nó sẽ kéo dài, vì xu thế hợp tác Mỹ-Trung trước đây đã kéo dài hơn bốn thập kỷ.

Jack Ma (ông chủ Alibaba) dự đoán xu thế đối đầu này có thể “kéo dài 25 năm”.

Tầm nhìn chiến lược của Mỹ để kiềm chế Trung Quốc là “Indo-Pacific Tự do và Rộng mở” (FOIP), được hỗ trợ bởi “Bộ tứ” (Quad) gồm bốn cường quốc (Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ).

Đó là hình thái xung đột giữa chiến tranh thương mại và chiến tranh lạnh, mà Joseph Nye gọi là “đối đầu trong hợp tác” (cooperative rivalry).   

Biến chuyển quan trọng nhất trong thế kỷ này là quan hệ Mỹ-Trung từ hợp tác thành đối đầu.

Hợp tác Mỹ-Trung đã chấm dứt từ cuối 2017 khi Mỹ công bố chiến lược mới (NDS) chỉ rõ Trung Quốc là hiểm họa chính. Theo các học giả Mỹ, điều chỉnh chiến lược này là “mãi mãi” (permanent course correction). 

Người Mỹ đã mất hai thập kỷ mới tỉnh ngộ và nhận ra mô hình phát triển của Trung Quốc mà họ hỗ trợ nay trở thành Frankenstein (lời Nixon), chứ không phải một cường quốc dân chủ có trách nhiệm “trỗi dậy trong hòa bình”, như họ mong đợi. Đó là thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử tình báo Mỹ (theo Michael Pillsbury).

Sau bài diễn văn của Donald Trump tại Liên Hợp Quốc (26/9/2018) lên án Trung Quốc, Phó tổng thống Mike Pence đã đọc một bài diễn văn quan trọng về Trung Quốc (dài 40 phút) tại Hudson Institute (4/10/2018) như một kiểu “tuyên bố chiến tranh” với Trung Quốc.

Nếu đọc kỹ, bài diễn văn của Mike Pence phản ánh một số ý tưởng đã được đề cập trong cuốn sách của giáo sư Michael Pillsbury (Hudson Institute).

Pillsbury đã dành nhiều năm nghiên cứu kỹ về Trung Quốc trước khi viết cuốn sách “The Hundred-Year Marathon: China’s secret strategy to replace America as the global superpower” (Michael Pillsbury, Holt, 2015).

Cuốn sách của Pillsbury đã trở thành “ngôi sao dẫn đường” (lodestar) cho những người trong Nhà Trắng, để tìm cách đối phó với thách thức của Trung Quốc.

Theo Pillsbury, đối đầu Mỹ-Trung là do mâu thuẫn giữa lập trường của Trump muốn “Mỹ vĩ đại trở lại” với học thuyết của Tập Cận Bình muốn Trung Quốc hiện đại hóa theo “Tư tưởng Tập Cận Bình”.

Pillsbury nhìn thấy nội bộ lãnh đạo Trung Quốc cũng đầy mâu thuẫn, nên khuyên Trump vận dụng điều đó có lợi cho Mỹ.

Tuy quan điểm của Pillsbury thuộc phái “diều hâu”, nhưng thái độ lại “bồ câu” nên ông có quan hệ tốt với nhiều người Trung Quốc. (A China Hawk Gains Prominence as Trump Confronts Xi on Trade, Alan Rappeport, Washington Post, November 30, 2018).

Gần đây, Hoover Institute (Standford University) đã phối hợp với Asia Society và George Washington University, nghiên cứu và xuất bản một báo cáo khá toàn diện, phân tích những hoạt động của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực quan trọng tại Mỹ và một số nước khác.

Đây là một tài liệu nghiên cứu công phu (thực hiện trong hơn một năm) về các thách thức của Trung Quốc, do một nhóm (working group) gồm 33 chuyên gia hàng đầu của Mỹ và một số nước khác tham gia.

Tuy hầu hết các chuyên gia này trước đây ủng hộ hợp tác với Trung Quốc (bằng Constructive Engagement), nhưng nay họ đề xuất phải “cảnh giác để kiến tạo” (Constructive Vigilance). (Chinese Influence & American Interests: Promoting Constructive Vigilance, Report by Hoover Institution, Stanford, November 29, 2018).

Theo SCMP (7/12/2018), tuy nhiều người Trung Quốc bức xúc về vụ bắt “công chúa Hoa Vi” tại sân bay Vancouver, nhưng một số khác tỏ ra ôn hòa và khôn ngoan hơn, khuyên Tập Cận Bình nên tách biệt vụ này với quá trình đàm phán thương mại Mỹ-Trung trong 3 tháng tới (hệ trọng hơn nhiều).

Nếu không giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của vụ “công chúa Hoa Vi”, nó sẽ trở thành cái bóng đen ám ảnh bàn cờ Mỹ-Trung.

Tuy chưa biết vụ này là do vô tình hay cố ý, nó phản ánh thế cờ “vừa đánh vừa đàm”. Người ta ngờ phái diều hâu đạo diễn vụ này để làm Tập Cận Bình mất uy tín và mắc kẹt vào “thế lưỡng nan” (catch-22).

Vụ công chúa Hoa Vi đang đe dọa thỏa thuận ngừng bắn và có thể làm “trật đường ray” quá trình đàm phán.

RELATED ARTICLES

Tin mới