Tuesday, November 26, 2024
Trang chủĐàm luậnTừ Phán quyết của Tòa Trọng tài đến hợp tác khai thác...

Từ Phán quyết của Tòa Trọng tài đến hợp tác khai thác chung giữa TQ và Philippines trên Biển Đông (Kỳ II)

Hiến pháp Philippines đã có những quy định cụ thể về việc bất kỳ thỏa thuận chính thức nào về chia sẻ tài nguyên hay hợp đồng thăm dò chung trong các khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philipines là vi hiến và phải bị trừng trị theo đúng luật pháp của Philippines. Chính vì vậy, ít khả năng Philippines sẽ triển khai thỏa thuận khai thác chung đã ký kết với Trung Quốc ở Biển Đông.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Philippine Duterte

Vấn đề hợp tác khai thác chung ở Biển Đông

Khai thác chung không phải là ý tưởng mới trong giải quyết các tranh chấp biển trên thế giới. Việc khai thác chung là một thỏa thuận giữa các quốc gia liên quan, nhằm chia sẻ tài nguyên trên các vùng biển chồng lấn. Cơ sở của các thỏa thuận này chính là chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của quốc gia theo quy định của luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, thoả thuận về khai thác chung chỉ được coi là giải pháp tạm thời nhằm giảm xung đột giữa các bên tranh chấp và chỉ nhằm khai thác các nguồn tài nguyên. Những thỏa thuận khai thác chung không được làm ảnh hưởng tới yêu sách về chủ quyền lãnh thổ cũng như các quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước trên biển.

Mô hình khai thác chung trên thế giới đã được thực hiện từ những năm 1920, điển hình là Hiệp ước Svalbard. Tính đến nay, có khoảng 20 điều ước quốc tế và gần 100 thỏa thuận hợp tác khai thác chung được ký kết giữa các nước liên quan.

Cơ sở pháp lý để tiến hành các hoạt động hợp tác khai thác chung được quy định tại Điều 74, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 về hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau: “(1) Việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diên nhau được thực hiện bằng con đường thỏa thuận theo đúng với pháp luật quốc tế như đã nêu ở Điều 38 của Quy chế Tòa án quốc tế để đi đến một giải pháp công bằng. (2) Nếu không đi tới được một thỏa thuận trong một thời gian hợp lý thì các quốc gia hữu quan sử dụng các thủ tục nêu ở phần XV. (3) Trong khi chờ ký kết thỏa thuận ở khoản 1, các quốc gia hữu quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoán quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến hoạch định cuối cùng. (4) Khi một điều ước đang có hiệu lực giữa các quốc gia hữu quan, các vấn đề liên quan đến việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế được giải quyết theo đúng điều ước đó”.

Ngoài ra, trên thực tế đã có nhiều nước ký kết các Thỏa thuận khai thác chung và đã thu được nhiều kết quả khả quan như Thỏa thuận giữa Papua New Guinea và Australia năm 1978, Na uy và Anh ở biển Bắc, Arab Saudi và Sudan, Thailand và Malaysia, Australia và Indonesia, Việt Nam và Malaysia…

Do yêu sách chủ quyền giữa các bên liên quan tranh chấp có nhiều khu vực chồng lấn, đan xen khiến việc tìm kiếm một biện pháp thiết thực để giải quyết tranh chấp gần như rơi vào thế bế tắc. Tại những khu vực này, nhiều nước đã ký kết các thỏa thuận hợp tác chung, song nó chỉ mang tính tạm thời và không thực sự đạt hiệu quả như mong muốn. Năm 1994, Philippines và Việt Nam đã ký kết một thỏa thuận nghiên cứu khoa học chung trên biển Đông. Sau đó, vào năm 2005 Trung Quốc cũng được mời tham gia vào sự hợp tác nghiên cứu khoa học chung, với những hoạt động thăm dò địa chấn lòng biển được triển khai tại một vùng biển rộng đến gần 150.000 km2 ở khu vực quần đảo Trường Sa. Đến năm 2008, thỏa thuận này bị dừng lại do vấp phải sự phản đối từ nhiều phía.

Trung Quốc là nước có yêu sách chủ quyền phi lý trong khu vực, với khoảng 80% diện tích Biển Đông. Bắc Kinh cũng là một trong những nước đầu tiên kêu gọi “gác tranh chấp, cùng khai thác” ở Biển Đông, nhưng cách mà Trung Quốc viện dẫn, cũng như hàm ý của việc “gác tranh chấp, cùng khai thác” lại hoàn toàn không giống như cách mà cộng đồng quốc tế đã, đang làm. Phía Trung Quốc cho rằng, tiền đề “gác lại tranh chấp, cùng khai thác” vẫn là việc Bắc Kinh có “chủ quyền không thể tranh cãi” ở Biển Đông và khu vực hợp tác khai thác lại nằm hoàn toàn trong thềm lục địa của các nước ven biển khác được hưởng một cách hợp pháp theo quy định của luật pháp quốc tế.

Hợp tác chung giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông

Trong chuyến thăm Philippines, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ký kếtthỏa thuận “cùng khai thác Biển Đông”. Tuy vậy cho đến nay nội dung cụ thể, chi tiết của thỏa thuận “cùng khai thác Biển Đông” như địa điểm, cơ chế, thời gian… vẫn còn chưa được tiết lộ. Vì thế, trong dư luận, hiện đang tồn tại 2 luồng ý kiến trái chiều: (1) Nhiều người cho rằng đây chỉ là thỏa thuận nguyên tắc, chung chung vì vậy chẳng có gì để tiết lộ cả. (2) Có khá nhiều ý kiến lo ngại rằng phạm vi của thỏa thuận có thể bao gồm toàn bộ diện tích Biển Đông.

Đối với Trung Quốc, chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” được ông Đặng Tiểu Bình nêu ra từ cuối những năm 70 của thế kỷ XX. Từ cuối những năm 80 của thế kỷ 20, Trung Quốc đã lần lượt nêu chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” với Philippines, Indonesia, Singapore và Malaysia… Tuy nhiên, chủ trương này của Trung Quốc không được đa số các nước ASEAN hưởng ứng, do các nước đều hiểu Trung Quốc muốn biến khu vực không tranh chấp thành vùng tranh chấp để thực hiện “cùng khai thác” tại vùng biển và thềm lục địa của các nước khác nằm trong phạm vi yêu sách vô lý và phi pháp “đường lưỡi bò”. Hay nói một cách khác, Bắc Kinh chỉ muốn “gác tranh chấp, cùng thăm dò, khai thác” trong phạm vi chiếm yêu sách “đường lưỡi bò”, một yêu sách phi lý đã bị bác bỏ bởi hầu hết các quốc gia ven biển trong khu vực, quốc tế, đặc biệt là Phán quyết Tòa Trọng tài (12/7/2016).

Đối với Philippines, dưới thời cựu Tổng thống Philippine Gloria Macapagal-Arroyo, Công ty Dầu Quốc gia Philippine (PNOC) và Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã ký kết Thỏa thuận cùng khảo sát địa chấn ngoài biển (JSMU) vào năm 2005. Đề án này đã nhanh chóng bị dẹp bỏ vào năm 2008 sau khi chính quyền của bà Arroyo bị cáo buộc bán đứng quyền lợi quốc gia để đổi lấy các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ. Bởi vì, theo Hiến pháp Philippines, bất kỳ thỏa thuận chính thức nào về chia sẻ tài nguyên hay hợp đồng thăm dò chung trong các khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philipines là vi hiến và phải bị trừng trị theo đúng luật pháp của Philippines.

Ý đồ hợp tác khai thác chung của Trung Quốc trên Biển Đông là đi ngược lại các quy định của luật pháp quốc tế

Trung Quốc biện minh rằng chủ trương “gác tranh chấp, cung khai thác” ở Biển Đông hoàn toàn “phù hợp” với các quy định của Công ước về một giải pháp tạm thời có tính thực tiễn mà các bên tranh chấp cần sớm thỏa thuận tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc đã cố tình giải thích và áp dụng sai các quy định liên quan của Công ước. Theo Điều 74 và Điều 83 của Công ước đã qui định về việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa giữa các quốc gia ven biển nằm kề hoặc đối diện nhau đã ghi rõ: “Trong khi chờ ký kết thỏa thuận nói ở Khoản 1, các quốc gia hữu quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính thực tiễn và để không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoạn quá độ này. Hay “Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến việc hoạch định cuối cùng”. (Khoản 3).

Trong thực tế, vận dụng quy định này của Công ước, các quốc gia ven biển đã thỏa thuận áp dụng giải pháp “hợp tác phát triển (khai thác) chung” (joint-development) ở vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa chồng lấn (over-lapping areas). Tất nhiên, phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phải được xác định theo đúng tiêu chuẩn của Công ước, nếu yêu sách ranh giới biển và thềm lục địa nào không dựa vào các tiêu chuẩn của Công ước thì đương nhiên không được xem xét để áp dụng giải pháp tạm thời “phát triển (khai thác) chung” có giá trị thực tiễn đó. Theo đó, “cùng phát triển” chỉ có thể áp dụng trong “vùng chồng lấn” được hình thành bởi yêu sách của các bên liên quan trong khuôn khổ các quy định của Công ước.

Việc tiến hành hợp tác khai thác chung giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Để đi đến việc ký kết các thỏa thuận hợp tác khai thác chung ở Biển Đông, các bên liên quan cần thống nhất và xác định được vùng tranh chấp tức vùng chồng lấn. Chỉ khi xác định được vùng chồng lấn như vậy thì mới có thể nói tới biện pháp hợp pháp tức là khai thác chung. Tuy nhiên, do mỗi nước đều có những quan điểm, lập trường khác nhau khiến việc xác định được vùng chồng lấn là vô cùng phức tạp. Đặc biệt là việc Trung Quốc vẫn giữ nguyên cái tuyên bố về chủ quyền theo “đường lưỡi bò” mà không hề đưa ra bất kỳ một vị trí tọa độ cũng không hề đưa ra bất kỳ cơ sở pháp lý nào khiến những đề xuất hợp tác khai thác chung rơi vào bế tắc. Ngoài ra, Trung Quốc vẫn cố tình lồng ghép, sử dụng câu chữ khi tuyên truyền về “gác lại tranh chấp, cùng khai thác” và giữ nguyên lập trường cho rằng “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi ở Biển Đông”.

Trong khi đó, Hiến pháp Philippines đã có những quy định cụ thể về việc bất kỳ thỏa thuận chính thức nào về chia sẻ tài nguyên hay hợp đồng thăm dò chung trong các khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philipines là vi hiến và phải bị trừng trị theo đúng luật pháp của Philippines. Chính vì vậy, ít khả năng Philippines sẽ triển khai thỏa thuận khai thác chung đã ký kết với Trung Quốc ở Biển Đông.

Quan điểm chính thức của Việt Nam liên quan hợp tác khai thác chung giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc và Philippines ký biên bản ghi nhớ về hợp tác khai thác dầu khí tại Biển Đông đã cho biết: “Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông bao gồm chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích hợp pháp trên biển rất rõ ràng, nhất quán và đã được nêu nhiều lần. Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam coi trọng hợp tác quốc tế trong đó có hợp tác trên biển, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, lợi ích chính đáng của các bên liên quan, phù hợp với lợi ích của các bên, luật pháp quốc tế đặc biệt là Công ước vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực cũng như quan hệ hữu nghị của các quốc gia. Theo đó, hợp tác khai thác dầu khí giữa Philippines và Trung Quốc tại Biển Đông chỉ có thể tiến hành tại các khu vực mà hai nước có chủ quyền và quyền chủ quyền theo đúng các quy định của Công ước”.

RELATED ARTICLES

Tin mới