Được thúc đẩy bởi nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng và năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng ngày càng tăng, quân đội Trung Quốc tiếp tục đưa vào phiên chế số lượng lớn trang thiết bị quân sự ngày càng tinh vi và có năng lực lớn hơn. Mỗi năm, ảnh chụp các tàu chiến, máy bay và tên lửa mới lại xuất hiện, đem lại cho các nhà phân tích những dữ liệu quan trọng để đánh giá năng lực quân sự của nước này.
Tàu khu trục lớp Sovremenny do Nga sản xuất.
Xung quanh việc hiện đại hóa quân đội của Thái Lan Tổng thống Putin ưu tiên hiện đại hóa quân đội Hiện đại hóa quân đội để phòng thủ, không nhằm vào bất cứ quốc gia nào
Trên thực tế, dù sản lượng công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc rất ấn tượng, nhưng dòng chảy trang thiết bị mới hàng năm chỉ góp một phần nhỏ trong toàn bộ kho vũ khí.
Thông thường, thời hạn sử dụng của các trang thiết bị quân sự nói chung là từ 20 đến 40 năm. Do đó, việc theo dõi cách Trung Quốc xử lý các trang thiết bị hiện có của nước này là điều quan trọng đối với các nhà phân tích.
Xét cho cùng, công cuộc hiện đại hóa quân đội ngày càng mạnh mẽ và toàn diện kéo dài 2 thập kỷ của Trung Quốc cho thấy rõ ràng họ không chỉ quan tâm tới việc đưa vào phiên chế nhiều nhất có thể các trang thiết bị.
Mà thay vào đó, cường quốc châu Á này ưu tiên các nguồn lực, mua các trang thiết bị mới khi cần thiết nhưng đồng thời nâng cấp các hệ thống cũ đang được đưa vào phục vụ để tận dụng tốt nhất thời hạn sử dụng của chúng.
Nâng cấp hải quân
Trong hơn một thập kỷ, các xưởng đóng tàu của Trung Quốc không chỉ cho ra đời số lượng lớn tàu chiến mới mà còn đưa vào phiên chế những thiết kế hoàn toàn mới. Chẳng hạn, kể từ năm 2010, Hải quân Trung Quốc đã đưa vào phiên chế 3 lớp tàu khu trục với năng lực ngày càng tăng.
Mặc dù tốc độ sản xuất là rất ấn tượng, nhưng việc hiện đại hóa một hạm đội với quy mô lớn như hạm đội của Trung Quốc là một tiến trình kéo dài nhiều thập kỷ.
Việc kết thúc tiến trình này báo hiệu sự thay thế đợt tàu hiện đại đầu tiên. Nhưng sẽ là thiếu sót nếu xem xét quá trình hiện đại hóa hải quân của quốc gia này mà lại bỏ qua hiệu quả của việc nâng cấp các tàu cũ hiện có.
Từ năm 2011, ngay khi hoạt động sản xuất ở các xưởng đóng tàu Trung Quốc đạt tới thời kỳ cường độ cao, Trung Quốc đã bắt đầu nâng cấp một số tàu chiến hiện có. Đầu tiên là 2 tàu khu trục lớp Type 052, thuộc những tàu khu trục hiện đại đầu tiên do Trung Quốc sản xuất.
Vào thời điểm được nâng cấp, tàu mới nhất trong số các tàu Type 052 đã có tuổi đời 17 năm, đồng nghĩa với việc đây là một sự nâng cấp vào giữa thời hạn sử dụng. Các hệ thống phòng không mới đã được bổ sung, cải thiện khả năng sống sót khi phải đối mặt với các tên lửa hành trình đồng thời giảm bớt yêu cầu về nhân lực.
Để cải thiện khả năng phát hiện các mục tiêu trên không, radar Type 517M đã được lắp đặt. Và để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai ở tầm xa hơn, một hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh (SATCOM) cũng đã được bổ sung.
Không có sự nâng cấp nào trong số này đòi hỏi phải có những thay đổi lớn về cấu trúc, như trong trường hợp thay thế hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) HQ-7 với năng lực hạn chế bằng một hệ thống có năng lực lớn hơn sử dụng hệ thống phóng theo chiều thẳng đứng (VLS).
Trong khi những thay đổi này có thể nhìn thấy được, thì những thay đổi nếu có đối với các hệ thống bên trong lại không thể nhận thấy được từ hình ảnh. Tuy vậy, có thể giả định một cách hợp lý rằng hệ thống quản lý chiến đấu (CMS) đã được sửa đổi để tích hợp các hệ thống cảm biến và vũ khí mới.
Nhìn chung, các tàu khu trục lớp Type 052 được nâng cấp không ấn tượng lắm. Tuy nhiên, xét ở nhiều khía cạnh, phần lớn lý do là vì chúng tương đối lỗi thời ngay từ khi được sản xuất.
Khó có thể nâng cấp toàn diện các tàu chiến đã cũ và lỗi thời, và việc này hầu như không xứng đáng với chi phí bỏ ra, đặc biệt khi xét đến các tàu chiến tiên tiến hơn nhiều vẫn đang được đóng mới. Tuy nhiên, trên thực tế thì lại không hẳn như vậy.
Năm 2014, Trung Quốc bắt đầu nâng cấp 2 chiếc cũ nhất trong số 4 tàu khu trục lớp Sovremenny do Nga sản xuất. So với những thay đổi đối với lớp Type 052, việc nâng cấp các tàu lớp Soveremenny hiệu quả hơn nhiều. Có thông tin cho biết 48 ống phóng VLS do Nga sản xuất dành cho SAM Shtil của Nga đã được thay thế bằng 38 ống phóng VLS của Trung Quốc.
Mặc dù có số lượng ít hơn, nhưng các yêu cầu về logistics đã được nới lỏng vì không còn phải hỗ trợ cho hệ thống nước ngoài cũ kỹ này nữa.
Hơn nữa, VLS mới có thể phóng các tên lửa SAM HQ-16 của Trung Quốc cũng như tên lửa tác chiến chống tàu ngầm ASW. Những thay đổi lớn khác bao gồm việc lắp đặt radar tìm kiếm trên không mới và có tin là việc thay thế tên lửa hành trình chống tàu (ASCM) Moskit siêu thanh của Nga bằng tên lửa YJ-12 tương tự của Trung Quốc.
Nhìn chung, phân tích hình ảnh nguồn mở cho thấy có khoảng hơn chục thay đổi có thể xác định được đối với các vũ khí và hệ thống cảm biến được lắp đặt trên 2 tàu khu trục lớp Sovremennyy được nâng cấp.
Năm 2015, Trung Quốc lại bắt đầu nâng cấp tàu khu trục lớp Type 051B duy nhất, nhấn mạnh mong muốn không bỏ phí dù chỉ một thân tàu. Sau 16 năm phục vụ, năng lực phòng không ở mức hạn chế của con tàu này đã được cải thiện đáng kể.
Hệ thống SAM HQ-7 với tầm bắn khoảng hơn 10km đã được thay thế bằng SAM HQ-16 với tầm bắn khoảng 50km. Điều quan trọng hơn là trong khi trước đó tàu này chỉ mang theo 16 SAM HQ-7, trong đó có 8 quả sẵn sàng khai hỏa, thì giờ đây nó được trang bị 32 ống phóng VLS, tất cả đều sẵn sàng khai hỏa, được trang bị các SAM HQ-16 tầm xa.
Để dẫn đường cho các tên lửa này và cải thiện tầm bao quát trên không, một radar Type 382 tiên tiến hơn cũng đã được lắp đặt. Nhà chứa máy bay, súng phòng không và các năng lực tác chiến chống tàu ngầm cũng có những thay đổi.
Những sự nâng cấp này đã làm cho tàu khu trục lớp Type 051B trở thành một tàu chiến có năng lực lớn hơn nhiều, chắc chắn sẽ được xem xét trong những đánh giá quân sự trong khoảng 10 năm tới, tức là trong thời hạn sử dụng còn lại của nó theo dự kiến.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng thực hiện nâng cấp áp dụng những thay đổi về thiết kế cho các tàu chưa đến lượt nâng cấp giữa thời hạn.
Chẳng hạn, đến khi việc hoàn thành sản xuất vào năm 2019, sẽ có gần một nửa hạm đội khinh hạm gồm 30 tàu lớp Type 054A sẽ được trang bị thiết bị định vị thủy âm ở độ sâu biến đổi (VDS).
Mặc dù không nhất thiết phải trang bị cho tất cả tàu chiến một hệ thống ASW mạnh đến như vậy, nhưng Hải quân Trung Quốc có thể muốn trang bị VDS cho nhiều tàu hơn và có thể nâng cấp một số khinh hạm được đưa vào hoạt động gần đây.
Hiện nay, Trung Quốc chỉ còn 6 tàu khu trục cần nâng cấp trong vài năm tới. Tuy nhiên, trong một thập kỷ tới, nước này có thể phải nâng cấp khoảng 20 tàu khu trục hiện còn rất mới để theo kịp những tiến bộ về chất lượng trong mối đe dọa ASCM.
Thay đổi về không quân
Mỗi năm, Trung Quốc bổ sung hàng chục máy bay chiến đấu mới cũng như số lượng lớn các phương tiện hỗ trợ, chẳng hạn như máy bay cảnh báo sớm trên không (AEW). Trong khoảng một thập kỷ qua, Không quân và Hải quân Trung Quốc đã đưa vào phiên chế 11 máy bay AEW KJ-200.
Mặc dù hỗ trợ tốt cho 5 máy bay AEW KJ-2000 có kích cỡ và năng lực lớn hơn mà nước này đã đưa vào phiên chế trong cùng thời gian, nhưng KJ-200 có một hạn chế lớn là thiết kế của nó không cho phép radar bao quát 360º.
Đồng thời, vào năm 2013, các nhà quan sát quân đội Trung Quốc đã có bằng chứng cho thấy một loại máy bay AEW mới đang trong giai đoạn phát triển. Ít nhiều dựa trên cùng một khung máy bay với KJ-200, chiếc KJ-500 mới sử dụng một thiết kế radar khác cho phép quét được 360o.
Mặc dù phương tiện mới này báo hiệu rằng năng lực của các AEW sắp được cải thiện, nhưng nó không làm thay đổi năng lực hạn chế của 11 chiếc KJ-200 hiện có, mà trước mắt vẫn còn hàng chục năm phục vụ.
Năm 2016, các nhà quan sát đã có được hình ảnh đầu tiên của khung máy bay KJ-200 được nâng cấp, được cho là mang số hiệu KJ-200A. Thay đổi rõ ràng nhất là việc bổ sung radar mới tiên tiến và khá lớn để cải thiện tầm bao quát hơn.
Không rõ liệu các linh kiện bên trong có thay đổi hay không, nhưng điều này không phải là không có khả năng khi xét tới những tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong ngành điện tử quốc phòng.
Vào cuối năm 2017, xuất hiện bằng chứng cho thấy có sự nâng cấp hơn nữa đối với phi đội KJ-200, bổ sung hệ thống SATCOM và các cảm biến điện tử thụ động để hỗ trợ cho hệ thống radar.
Do vậy, nhìn chung, mặc dù số lượng máy bay KJ-200 vẫn cố định ở mức 11 chiếc và mặc dù ngày càng có nhiều AEW KJ-500 mới hơn hỗ trợ cho chúng, nhưng việc nâng cấp KJ-200 rõ ràng là đã giúp nước này tiếp tục cải thiện năng lực AEW mà không thu hút sự chú ý như các thiết kế và khung máy bay mới.
Máy bay chiến đấu của Trung Quốc cũng có năng lực ngày càng lớn, với việc nâng cấp các máy bay hiện có và cải thiện các lô sản xuất tiếp theo. Trong một số trường hợp, chẳng hạn như máy bay chiến đấu J-10, có thể nhận thấy rất rõ những thay đổi.
Khi so sánh một bức ảnh chụp phiên bản đầu tiên của J-10 và J-10B, các nhà quan sát có thể nhận ra sự thay đổi ở một phần mái che radar và thiết kế lỗ thông gió, và sự bổ sung hệ thống cảm biến tìm kiếm và theo dõi bằng tia hồng ngoại (IRIST).
Tuy nhiên, đây là những điểm khác biệt của các máy bay được sản xuất mới, và nhiều thay đổi trong số này, chẳng hạn như thiết kế lỗ thông gió mới, không thể áp dụng cho các khung máy bay hiện có.
Tuy nhiên, các nhà phân tích có bằng chứng bằng hình ảnh cho thấy máy bay của không quân và hải quân Trung Quốc đã được nâng cấp, chứng tỏ các quân chủng này không dành toàn bộ nguồn lực của mình cho việc sản xuất mới.
Các máy bay chiến đấu được trang bị ăng-ten radio mới và được tích hợp các vũ khí mới có năng lực hơn. Một số loại máy bay, chẳng hạn như loại máy bay chiến đấu J-11A, được trang bị hệ thống cảnh báo tên lửa tiếp cận (MAWS) nhiều năm sau khi được đưa vào sử dụng.
Các loại máy bay khác, chẳng hạn như J-11B, đã được trang bị thiết bị đối kháng điện tử (ECM). Mặc dù không có khả năng xuất hiện trên các tít báo như các thiết kế mới hay thậm chí như các vũ khí mới, nhưng những bước phát triển nhỏ này báo hiệu những tiến bộ quan trọng về năng lực.
Cuối cùng, Trung Quốc, bên cạnh là một cường quốc kinh tế, đã có những cải thiện đáng kể về năng lực quân sự của mình. Nhưng sự cải thiện về năng lực quân sự của Trung Quốc không chỉ đến từ việc tiếp tục sản xuất và đưa vào phiên chế các vũ khí hạng nặng mới.
Những hệ thống cũ kỹ hơn chiếm phần lớn kho vũ khí và có khả năng tiếp tục được sử dụng trong nhiều thập kỷ tới. Ngay cả với tốc độ sản xuất cao, dòng trang thiết bị mới hàng năm cũng chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ kho dự trữ, vốn có thể được sử dụng trong các tình huống khẩn cấp vào bất cứ thời điểm nào.
Điều này đã cải thiện đáng kể năng lực của nước này mà không thu hút sự chú ý như khi đưa vào sử dụng những vũ khí hạng nặng mới.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với những sự nâng cấp này, Trung Quốc hiện có năng lực lớn hơn nhiều so với cách đây chỉ vài năm. Đó có thể là cách làm được cho là khôn ngoan so với nhiều quốc gia khác có tiềm lực kém hơn cả về kinh tế cũng như khoa học kỹ thuật.