Monday, January 6, 2025
Trang chủĐàm luậnTQ được lợi gì khi ký Bản ghi nhớ về Hợp tác...

TQ được lợi gì khi ký Bản ghi nhớ về Hợp tác dầu khí với Philippines?

Từ ngày 20 – 21/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp Nhà nước trong 2 ngày tới Philippines. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Trung Quốc tới Philippines trong vòng 13 năm qua. Chuyến thăm tới Philippines lần này của chủ tịch Tập Cận Bình có tầm quan trọng về mặt chiến lược bởi Manila là một đồng minh lâu đời của Mỹ và chuyến thăm là cơ hội để Bắc Kinh “ve vãn” Philippines.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) nâng ly cùng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Manila ngày 20-11 – Ảnh: Reuters

Tại hội đàm giữa hai bên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc và Philippines có lợi ích chung rộng rãi tại Biển Đông, hai bên có thể tiếp tục thông qua hiệp thương hữu nghị cùng quản lý và kiểm soát tốt bất đồng, thúc đẩy hợp tác thực chất trên biển, vì hòa bình ổn định của khu vực và hạnh phúc của nhân dân. Tổng thống Philippines Duterte tán đồng việc các quốc gia trong khu vực cùng nhau duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông, sẵn sàng tích cực thúc đẩy phát triển quan hệ ASEAN – Trung Quốc; cho rằng trong việc xử lý các công việc quốc tế, Trung Quốc đang đứng ở bên đúng đắn của lịch sử; Philippines sẵn sàng trao đổi điều phối chặt chẽ với Trung Quốc trong các cơ chế đa phương như Liên hợp quốc.

Nhân chuyến công du này, Trung Quốc và Philippines đã ký kết tổng cộng 29 thỏa thuận hợp tác, trong đó có Bản Ghi nhớ về cùng khai thác dầu khí trên Biển Đông.

Hai Thượng nghị sỹ Antonio Trillanes IV và Francis Pangilinan đã kêu gọi ông Duterte không nên ký với Trung Quốc bất kỳ thỏa thuận nào “làm giảm các đặc quyền của Philippines”, vì đó là điều vi phạm Hiến pháp. Còn Thượng nghị sỹ Risa Hontiveros thì cho rằng việc cùng khai thác Biển Đông với Trung Quốc là một điều “phi lý và phản quốc, đảo ngược chiến thắng lịch sử của Philippines tại Tòa Trọng tài quốc tế và từ bỏ chủ quyền đất nước tại Biển Đông”.

Một số nguồn tin cho biết, trước đó, trong bản dự thảo mà Trung Quốc đề nghị đối với Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), hiện đang được đàm phán với ASEAN, Trung Quốc có thêm vào một điều khoản quy định rằng các nước trong khu vực này không được tập trận chung với các nước bên ngoài và không được cho phép các công ty bên ngoài vào khai thác tài nguyên ở Biển Đông mà không có sự chấp thuận của các nước khác trong khu vực. Có thể thấy rõ ràng mục tiêu của Bắc Kinh khi thúc đẩy việc ký các hiệp định khai thác dầu khí chung là nhằm ngăn chặn các nước bên ngoài khu vực vào khai thác các nguồn tài nguyên trong các khu vực đang có tranh chấp ở Biển Đông. Bởi vì, thỏa thuận này chỉ là một Bản ghi nhớ (MOU), tức là một văn kiện có tầm quan trọng thấp hơn một thỏa thuận đích thực. Giáo sư Renato De Castro thuộc trường Đại học De La Salle (Philippines) cho rằng “thỏa thuận này vẫn chỉ mang tính tạm thời. Đây là dấu hiệu cho thấy sự miễn cưỡng và do dự của cả hai bên nhằm thực sự triển khai một thỏa thuận ràng buộc. Do vậy, về thực chất, thỏa thuận này không có nhiều nội dung bởi vì nó chỉ là một bản ghi nhớ ghi nhận hai bên sẽ tiếp tục đàm phán về thăm dò chung”.

Nội dung của bản thỏa thuận đã nhắc lại Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông, khẳng định nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, công bằng và cùng có lợi, linh hoạt, thực tế và đồng thuận để đàm phán thúc đẩy thăm dò và khai thác dầu khí “ở các vùng biển liên quan” phù hợp với các nguyên tắc tương thích của luật pháp quốc tế; Ủy ban Chỉ đạo liên chính phủ sẽ được thành lập để trao đổi các nội dung và khu vực hợp tác cụ thể, Ủy ban này sẽ thống nhất về số lượng và khu vực triển khai hoạt động của các Nhóm làm việc liên doanh (Ngoại trưởng Philippines và Trung Quốc là Trưởng ban); mỗi nhóm công tác bao gồm đại diện các doanh nghiệp được chính phủ 2 nước ủy quyền. Trung Quốc ủy quyền cho Tổng Công ty dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC), Philippines ủy quyền một số doanh nghiệp, trong đó có Công ty dầu khí quốc gia Philippines (PNOC), tham gia các nhóm công tác.

Bản ghi nhớ không đề cập cụ thể khu vực khai thác dầu khí cũng như hình thức hợp tác, điều đáng lẽ ra phải có trong các thỏa thuận thông thường. Để tiếp tục triển khai bản thỏa thuận này, hai nước vẫn còn phải ngồi lại với nhau để đàm phán về nhiều nội dung liên quan cụ thể hơn nữa. Vì vậy, mục tiêu để có thể khai thác dầu khí giữa hai nước cũng sẽ là tương lai rất xa.

Bản Ghi nhớ còn có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị đối với Trung Quốc trong việc diễn giải rằng Philippines đã thừa nhận yêu sách phi lý trên Biển Đông và gạt thành quả của Phán quyết về Biển Đông ngày 12/7/2016 sang một bên.

Tiến sĩ Eufracia Taylor thuộc Verisk Maplecroft cho rằng: “Đây là một thắng lợi đối với Bắc Kinh vì họ đã thành công trong việc thúc đẩy nước láng giềng chấp nhận thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế của chính họ theo những điều kiện của Trung Quốc”.

Học giả Jean-Pierre Cabestan thuộc Đại học Hồng Công đánh giá “nếu điều này (Bản ghi nhớ) được thực hiện, Bắc Kinh ghi được một điểm, bởi Trung Quốc từ lâu đã tìm cách thiết lập khuôn khổ kiểu này với các nước ven Biển Đông, trong đó Việt Nam đã từ chối”. Đối với Trung Quốc, lợi ích đạt được còn nhiều hơn vì nó mở đường cho các thỏa thuận tương tự với các nước ven biển khác (đang phản đối cái gọi là “đòi hỏi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc” ở Biển Đông).

Học giả Tô Tử Vân của Đài Loan cho rằng động thái Trung Quốc và Philippines ký kết Bản Ghi nhớ khai thác chung dầu khí cho thấy Bắc Kinh muốn lấy Philippines làm đột phá khẩu, dùng danh nghĩa cùng khai thác ở Biển Đông nhằm đạt được tính chính đáng của việc khai thác, làm dịu tranh chấp ở Biển Đông và việc này sẽ tạo ra thách thức lớn hơn đối với Đài Loan. Học giả Tô Tử Vân bình luận Bắc Kinh tuyệt đối không chỉ nhằm vào vấn đề dầu khí bởi lẽ muốn khai thác cũng phải 5, 10 năm nữa và có khai thác được không còn chưa biết. Điều mà Bắc Kinh quan tâm là sự chuyển biến thái độ của Philippines trong vấn đề này vì trước đó Philippines đã cùng Mỹ sử dụng luật pháp quốc tế khiến Bắc Kinh gặp khó khăn về “tính hợp pháp”. Một khi mô hình này thành công, Bắc Kinh sẽ nhân rộng ra với các quốc gia ven Biển Đông khác.

Khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam đối với việc Trung Quốc và Philippines ký biên bản ghi nhớ về hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời: “Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, bao gồm cả về chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp trên biển là rõ ràng, nhất quán và đã được nêu rõ nhiều lần. Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam coi trọng hợp tác quốc tế, trong đó có hợp tác trên biển, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực cũng như quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia. Theo đó, hợp tác dầu khí giữa Philippines và Trung Quốc tại Biển Đông chỉ có thể được tiến hành tại những khu vực mà hai nước có chủ quyền và quyền chủ quyền theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982”.

Nhìn chung, việc Trung Quốc và Philippines ký Bản ghi nhớ về hợp tác dầu khí chỉ mang tính chất tượng trưng và phục vụ các lợi ích khác của Trung Quốc trên Biển Đông. Thứ nhất, Bản ghi nhớ nhằm nói với thế giới rằng, Trung Quốc và Philippines đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác trên Biển Đông và sự lên án của các nước ngoài khu vực về việc Trung Quốc có các hành động gây leo thang căng thẳng ở Biển Đông là hoàn toàn sai lầm. Thứ hai, Thỏa thuận này là nhằm kêu gọi các nước có tranh chấp ở Biển Đông hãy học tập Philippines cùng “gác tranh chấp” để khai thác chung tại các khu vực đang có tranh chấp. Điều này, tưởng chừng là bước đi tăng cường lòng tin giữa các bên. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không bao giờ để các nước khai thác tại khu vực Trung Quốc đang yêu sách chủ quyền mà khu vực khai thác có khả năng sẽ tại vùng đặc quyền kinh tế của các nước hoặc tại khu vực mà các nước ven Biển Đông có yêu sách chủ quyền. Thứ ba, Trung Quốc sẽ lợi dụng việc hợp tác này để phủ định Phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông. Cuối cùng, Trung Quốc sẽ dùng việc hợp tác ngăn chặn các nước bên ngoài vào khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông bằng cách gây sức ép về mặt chính trị, ngoại giao và kinh tế đối với các nước trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới