Monday, January 27, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiHoạt động tuyên truyền chủ quyền biển đảo của TQ trong năm...

Hoạt động tuyên truyền chủ quyền biển đảo của TQ trong năm 2018

Trong năm qua, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động trên thực địa và củng cố chứng cứ pháp lý nhằm khẳng định “chủ quyền” ở Biển Đông (phi pháp), Trung Quốc cũng tích cực sử dụng sức ảnh hưởng của truyền thông trong nước nhằm tuyên truyền “chủ quyền” đối với vùng biển này.

Nội dung tuyên truyền về “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông năm 2018

Chính giới Trung Quốc đưa ra nhiều tuyên bố khẳng định “Trung Quốc sẽ kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông; nhấn mạnh Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi ở Biển Đông; kêu gọi các nước tôn trọng chủ quyền của Bắc Kinh và giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương”. Đáng chú ý, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên tục đưa ra các tuyên bố, chỉ đạo, yêu cầu quân đội chuẩn bị sẵn sàng chiến tranh ở Biển Đông. Phát biểu trong chuyến thị sát Quảng Đông, Tổng tư lệnh quân đội Trung Quốc Tập Cận Bình (25/10) đã yêu cầu Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam, vốn có nhiệm vụ giám sát Biển Đông và Đài Loan, “phải tăng cường chuẩn bị để sẵn sàng ứng chiến, tăng cường diễn tập chung và diễn tập tác chiến để tăng khả năng chiến đấu và chuẩn bị cho chiến tranh”; cho rằng Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam phải gánh vác một “trách nhiệm quân sự nặng nề”, phải “nắm vững mọi tình huống phức tạp và dựa trên đó để đề ra các kế hoạch khẩn cấp phù hợp”, đồng thời ca ngợi quân nhân khi cho rằng “Các bạn đã liên tục làm việc ngoài tuyến đầu, đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích biển. Tôi hy vọng các bạn có thể hoàn tất các sứ mạng thiêng liêng ấy”. Trước đó, phát biểu trong cuộc họp Quốc hội Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (20/3) tuyên bố: “Bất cứ hành động nào nhằm chia cắt Trung Quốc chắc chắn sẽ thất bại, gặp phải sự lên án của mọi người cũng như sự trừng phạt của lịch sử; Người dân Trung Quốc đã luôn kiên cường và bất khuất, chúng ta có đủ ý chí để chiến đấu đẫm máu với kẻ thù cho đến cùng”; đồng thời ông Tập Cận Bình cũng tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng “chiến đấu đẫm máu” cho vị trí chính đáng của mình trên trường quốc tế. Không những vậy, phát biểu trong cuộc tổng diễn tập quân sự toàn quân năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (3/1) kêu gọi: “Chúng ta phải xây dựng một quân đội hùng mạnh, sẵn sàng đợi lệnh, sẵn sàng chiến đấu và giành chiến thắng trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào”.

Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc liên tục khẳng định Bắc Kinh có “chủ quyền không thể tranh cãi ở Biển Đông”, tất cả các hoạt động (xây dựng, cải tạo đảo, đá phi pháp, mở tuyến du lịch, triển khai vũ khí sát thương…) đều là công việc nội bộ của Trung Quốc và đây chỉ là các hoạt động phục vụ mục đích dân sự; đồng thời lên án, chỉ trích các nước “tìm cách can thiệp vào vấn đề Biển Đông, gây chia rẽ quan hệ giữa Trung Quốc và các nước ASEAN”; khẳng định Biển Đông là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, yêu cầu các nước “tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, cho rằng nhiều nước đang tìm cách gây cản trở vấn đề Biển Đông dưới chiêu bài luật pháp quốc tế. Bộ Ngoại giao, Quốc phòng Trung Quốc cũng đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích, thậm chí là cảnh cáo các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông, cho rằng các hoạt động của Mỹ là khiêu khích quân sự và chính trị nghiêm trọng, nhấn mạnh Trung Quốc sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể để bảo vệ an ninh và “chủ quyền” quốc gia. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (16/10) cho rằng Trung Quốc đang thực hiện “quyền chủ quyền và tự vệ” để thực hiện các hoạt động vì mục đích hòa bình, bao gồm cả các phương tiện phòng thủ cần thiết, trên “lãnh thổ riêng của mình” và điều này chẳng liên quan gì đến quân sự hóa; cáo buộc Mỹ trong những năm gần đây thường xuyên điều các máy bay và tàu chiến đến Biển Đông đang gây nên căng thẳng và tham gia vào nỗ lực quân sự hóa; hối thúc Mỹ ngưng “gây rối” và đòi Mỹ dừng các hành vi “gây nguy hiểm” cho chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, trở thành nước giúp kiến tạo hòa bình và ổn định ở Biển Đông thay vì làm “kẻ phá bĩnh”.

Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh việc công bố, tuyên truyền các văn bản pháp quy quan trọng về quản lý, quy hoạch và phát triển kinh tế biển, cụ thể: Lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm (Bộ Nông nghiệp nông thôn Trung Quốc thông báo tạm ngừng đánh cá có thời hạn từ 12h ngày 1/5/2018 đến 12h ngày 16/8/2018 ở Biển Đông, vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến đường giao giới vùng biển Phúc Kiến – Quảng Đông kể cả Vịnh Bắc Bộ và vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam). Bắc Kinh cũng thúc đẩy nghiên cứu, điều chỉnh các quy định, quy hoạch về phát triển du lịch ở Biển Đông, nhằm từng bước hợp thức hóa cơ sở hạ tầng tại khu vực chiếm đóng phi pháp.

Trung Quốc đẩy mạnh tuyên truyền hoạt động củng cố kiểm soát trên thực địa bằng nhiều biện pháp trong đó tập trung vào các hoạt động dân sự có hàm lượng công nghệ cao; tìm cách biện minh, giải thích các hành động trên là nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế biển, kết nối thương mại, cung cấp dịch vụ công cho hoạt động hàng hải ở khu vực; chủ động lồng ghép vấn đề hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật biển với các chiến lược lớn “Vành đai, con đường” nhằm xoa dịu căng thẳng và ngăn chặn các nước bên ngoài tìm cách can thiệp vào tranh chấp Biển Đông. Trung Quốc cũng lợi dụng việc phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật để gia tăng ảnh hưởng đối với các nước ASEAN, chia rẽ đoàn kết trong nội bộ ASEAN, ép buộc một số nước phải lệ thuộc và ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Đáng chú ý, Thời báo Học tập của Trường Đảng Trung ương Trung Quốc (21/11) cho rằng sự can dự quân sự chưa từng có từ các thế lực bên ngoài khu vực là thách thức lớn nhất đến hòa bình và ổn định trên Biển Đông; đồng thời nhận định Trung Quốc cần hạn chế xây dựng các công trình mang tính chất quân sự trên Biển Đông (trạm radar, nhà chứa máy bay, kho tên lửa…) do gây lo ngại cho các nước trong khu vực và bị Mỹ cùng đồng minh chỉ trích, triển khai các tàu chiến dưới danh nghĩa “đảm bảo tự do hàng hải” trong khu vực để đối phó. Thay vào đó, Trung Quốc nên tập trung vào các công trình mang tính dân sự nhiều hơn như xây dựng hải đăng, các sân bay dân sự, các trung tâm tìm kiếm và cứu nạn hàng hải, nghiên cứu khí tượng hay dự báo thời tiết. Những công trình dân sự không chỉ giúp các nước giảm bớt sự nghi ngờ trước Bắc Kinh mà còn đóng góp cho hòa bình và an ninh trên Biển Đông

Trung Quốc cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về các thành tựu nghiên cứu, chế tạo trang thiết bị quân sự mới như hoàn thiện tàu sân bay nội địa đầu tiên; thử nghiệm các loại vũ khí chiến lược có tính răn đe cao như tàu sân bay nội địa đầu tiên, máy bay tiêm kích J-20…; hoạt động tập trận bắn đạn thật ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; triển khai (bất hợp pháp) tên lửa phòng không HQ-9B và tên lửa chống hạm YJ-12B trên 3 thực thể địa lý đã bị Trung Quốc bồi lấp trái phép thành đảo nhân tạo gồm đá Vành Khăn, đá Xu Bi và đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Ngoài ra, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Quốc vụ viện Trung Quốc cũng thông qua phương tiện truyền thông giải thích, biện minh cho việc cải tạo phi pháp các thực thể ở Biển Đông thuộc “phạm vi chủ quyền” của Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần cho rằng việc Bắc Kinh xây dựng ở Trường Sa là nhằm cải thiện điều kiện làm việc và sinh sống của nhân viên trên đảo, đồng thời thực hiện tốt hơn các cam kết quốc tế; khẳng định việc triển khai tên lửa phòng không ở Vành Khăn, đá Xu Bi và đá Chữ Thập là nhằm “phòng thủ lãnh thổ cần thiết”. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận Hải quân Trung Quốc (5/4/2018) tiến hành đợt tập trận bắn đạn thật kéo dài một tuần ở Biển Đông với sự tham gia của nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh, khẳng định đây là hoạt động “thường lệ”, “phù hợp với chính sách quân sự phòng thủ” của Bắc Kinh, “không đe dọa đến các nước khác”. Đáng chú ý, lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra tuyên bố khẳng định Bắc Kinh đã tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông. Phát biểu bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (4/8) hùng hồn tuyên bố: “Một số nước ngoài khu vực, chủ yếu là Mỹ, đã đưa vũ khí chiến lược lớn đến khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông, như là cách để phô bày sức mạnh quân sự và gây sức ép với các nước tại khu vực, bao gồm Trung Quốc. Tôi e rằng đây là động lực lớn nhất cho việc Trung Quốc thúc đẩy việc quân sự hóa tại khu vực”. Không những vậy, ông Vương Nghị còn ngang nhiên cho rằng “Trung Quốc hoàn toàn có quyền làm những việc đó vì Trung Quốc cần bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Và bởi vì ngày càng có nhiều áp lực với Trung Quốc, việc Trung Quốc tiến hành thêm nhiều biện pháp tự vệ là điều tự nhiên”. Đồng thời, ông Vương Nghị cũng không quên cáo buộc “các nước ngoài khu vực” cố tình gây rối tại Hội nghị Ngoại trưởng Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Hội nghị của ASEAN và 8 nước khác, bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Mỹ.

Trung Quốc cũng tuyên truyền về việc thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ công nhằm đảm bảo an toàn hàng hải trong khu vực, cụ thể: Trung Quốc thử nghiệm các chuyến bay dân sự tới quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; cho phép “Công ty vận tải tư nhân Hải Hiệp” đưa khách du lịch (đoàn viên thanh niên, sinh viên ra Hoàng Sa); tuyên truyền về việc hạ thủy hai tàu khảo sát khoa học hiện đại có khả năng hoạt động toàn cầu, đưa dữ liệu từ các trạm quan trắc trên các đảo, đá tranh chấp tại Trường Sa vào hệ thống dịch vụ dữ liệu; xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng lớn về giao thông liên lạc, năng lượng, bệnh viện, rạp chiếu phim ở Hoàng Sa và Trường Sa; xây dựng và đưa vào sử dụng một loạt các ngọn hải đăng ở Hoàng Sa và Trường Sa; hoàn thiện lắp đặt và phủ sóng mạng 4G ở Biển Đông…

Trung Quốc đẩy mạnh tuyên truyền trên tất cả các phương diện về “quyết tâm, thiện chí và nỗ lực” trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, khẳng định Trung Quốc luôn tuân thủ các quy định pháp luật quốc tế. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần tuyên bố “nhờ nỗ lực của Trung Quốc và ASEAN thời gian qua, tình hình Biển Đông đã ổn định”, nhấn mạnh rằng Bắc Kinh muốn duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông. Trong khi đó, phát biểu tại Singapore trước lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (13/11) cho biết Trung Quốc muốn hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử (COC) tại Biển Đông trong vòng 3 năm nữa, nhằm góp phần bảo đảm hòa bình và ổn định ở Biển Đông; cho rằng COC cũng sẽ có lợi cho tự do thương mại và phục vụ lợi ích của các bên khác liên quan, đồng thời cam đoan nước này không tìm kiếm “quyền bá chủ hoặc bành trướng”. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng từng hùng hồn tuyên bố Trung Quốc và ASEAN đạt được khung COC là do tạo dựng được môi trường thuận lợi, loại bỏ sự cản trở từ các nước (ám chỉ sự can thiệp của Mỹ trong vấn đề Biển Đông).

Không những vậy, các quan chức Trung Quốc tiếp tục đưa ra các tuyên bố chỉ trích các nước bên ngoài can thiệp vào tranh chấp Biển Đông. Sau khi các nước (Mỹ, Nhật Bản, Australia, Canada…) có các hoạt động, tuyên bố chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa, cải tạo phi pháp, cản trở hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giới chức Trung Quốc đã đưa ra nhiều tuyên bố phản bác lại chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Phát biểu tại Chương trình giới thiệu các nhà ngoại giao mới của khối Thịnh vượng chung hàng năm tổ chức ở London (Anh), Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh (19/9) tuyên bố, Trung Quốc tôn trọng nguyên tắc tự do hàng hải, nhưng nguyên tắc này sẽ không thể tồn tại khi bị các nước phương Tây lợi dụng như cái cớ để thể hiện “sức mạnh quân sự” và “tạo ra rắc rối” trên Biển Đông; nhấn mạnh việc các nước đưa tàu chiến và máy bay tới Biển Đông là hành động “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc và đe dọa an ninh, hòa bình và ổn định của khu vực này”. Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Kiến Hoa (9/10) đã bày tỏ lo ngại về cuộc tập trận hải quân mà Mỹ tiến hành tại Biển Đông; cam kết Bắc Kinh không có ý định sử dụng lực lượng quân sự để chống lại bất cứ nước nào ở Biển Đông. Bộ Quốc phòng Trung Quốc (2/10) tuyên bố Trung Quốc “có chủ quyền không thể bàn cãi đối với các đảo và vùng biển xung quanh các đảo trên Biển Đông” và rằng tình hình trong khu vực đang có những tiến triển tốt đẹp nhờ vào “nỗ lực” của Trung Quốc và các quốc gia láng giềng Đông Nam Á; cáo buộc Mỹ “liên tục điều tàu quân sự đi vào vùng biển gần các đảo trên Biển Đông mà không xin phép, đe doạ nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, phá hoại nghiêm trọng quan hệ quân sự Mỹ-Trung và gây phương hại nặng hề tới hoà bình và ổn định khu vực”; nhấn mạnh lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ “tiếp tục thực hiện tất cả các bước cần thiết nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc mạnh mẽ thúc giục Mỹ chấm dứt các hành động “gây hấn”, đồng thời “ngay lập tức sửa chữa những sai lầm”.

Trung Quốc tiếp tục “bỏ quên” phán quyết của Tòa Trọng tài trong việc tuyên truyền về Biển Đông. Trong năm 2018, Bắc Kinh tiếp tục triển khai chiến dịch “bỏ qua tất cả” để tuyên truyền về vụ kiện. Trung Quốc chủ động không đưa tin, không đề cập, không phát biểu, không nhắc đến phán quyết của Tòa trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng. Thậm chí giới quan chức Trung Quốc, hay những chuyên gia, học giả theo phe cánh “Diều hâu”, hiếu chiến cũng rất ít khi đề cập về phán quyết. Hành động này của Bắc Kinh chủ yếu là do: Bắc Kinh muốn thể hiện thái độ, lập trường “không tiếp nhận, không thừa nhận, không tuân thủ phán quyết”; coi phán quyết chỉ là “tờ giấy trắng”, không có giá trị pháp lý, ràng buộc đối với Bắc Kinh. Trung Quốc cũng muốn định hướng dư luận trong nước, hay nói cách khác, Bắc Kinh đang triển khai chính sách kiểm duyệt thông tin, không muốn để người dân trong nước hiểu rõ bản chất vụ kiện và cộng đồng quốc tế phản đối Trung Quốc như thế nào. Đồng thời, Trung Quốc tìm cách đánh lạc hướng sự chú ý của cộng đồng quốc tế khi “chịu trận” để các nước lên án, chỉ trích mà không đáp trả (trái ngược so với cách hành động, phản ứng của Trung Quốc từ trước đến nay) nhằm tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động xây dựng phi pháp trên thực địa.

Đáng chú ý, so với việc “bỏ quên” phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016), Trung Quôc lại tập trung tuyên truyền về thúc đẩy quan hệ song phương với những nước tồn tại tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhất là Philippines. Bắc Kinh cũng tuyên truyền về việc thúc đẩy hợp tác khai thác tài nguyên trong khu vực Biển Đông với các nước liên quan. Truyền thông Trung Quốc đặc biệt tuyên truyền về việc Trung Quốc và Philippines đã tổ chức cuộc họp lần thứ 3 Cơ chế tham vấn song phương giữa hai nước (BCM); Trung Quốc và ASEAN đàm phán đạt được đồng thuận về COC…

Biện pháp tuyên truyền vấn đề “chủ quyền” của Trung Quốc trong năm 2018

Trung Quốc tập trung sử dụng cơ quan truyền thông đại chúng (các cơ quan thông tấn, truyền thông và báo chí như Tân Hoa xã, Phượng Hoàng, Hoàn Cầu, Sina, Sohu, CCTV…) để đưa tin, hình ảnh, bài viết cập nhật về hoạt động bảo vệ “chủ quyền” biển đảo của quân, dân Trung Quốc trong năm 2018. Trong đó, có nhiều trang (chính thống và phi chính thống như diễn đàn quân sự, diễn đàn Nam Hải…) chuyên đăng các thông tin liên quan Biển Đông nhằm tuyên truyền về vấn đề “chủ quyền”, kích động tinh thần dân tộc và tán phát các thông tin xuyên tạc sự thật khiến người dân Trung Quốc và cộng đồng quốc tế ngộ nhận về “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc.

Trong năm qua, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngư nghiệp, Văn phòng Quốc vụ Viện và Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc là những cơ quan hoạt đông hết công suất trong việc tuyên truyền về “chủ quyền” biển đảo của Trung Quốc, đồng thời những cơ quan trên cũng là lực lượng phản bác, bác bỏ tất cả các thông tin liên quan (không có lợi cho Trung Quốc), tìm cách đổ lỗi và chỉ trích các nước trong vấn đề Biển Đông. Trong khi đó, quan chức Trung Quốc cũng không ngừng tìm cách lồng ghép các tuyên bố có liên quan vấn đề Biển Đông tại các cuộc gặp, hội nghị, diễn đàn quốc tế.

Chính phủ Trung Quốc, các Viện nghiên cứu, trường Đại học, hãng phim truyền hình… cũng xuất bản nhiều ấn phẩm văn hóa liên quan vấn đề Biển Đông như “Điệp vụ Biển Đỏ/Operation Red Sea” (Theo nội dung thông cáo, 36 giây cuối phim có hình ảnh thể hiện tàu của Trung Quốc về tới lãnh hải Trung Quốc trong khu vực Biển Đông và phát hiện ra một vài chiếc tàu từ xa, hình dáng không rõ nét. Loa từ tàu của Trung Quốc phát ra thông điệp rằng: “Chú ý, đây là Hải quân Trung Quốc. Quý vị sắp tiến vào lãnh hải Trung Quốc, xin hãy đi ngay”); phát hành dưới nhiều hình thức bản đồ, trong đó thâu tóm trái phép gần như toàn bộ Biển Đông; Nhà xuất bản Nhân dân (Trung Quốc) phát hành cuốn sách khoe khoang về “lịch sử, nguồn tài nguyên và vai trò quốc phòng” của cái gọi là “thành phố Tam Sa” – đơn vị hành chính mà Trung Quốc thành lập trái phép trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam; xuất bản cẩm nang du lịch in bản đồ Việt Nam không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…

Trung Quốc cũng đã, đang dùng hình thức thông qua các hoạt động du lịch của người dân để tuyền truyền, khẳng định “chủ quyền” của nước này ở Biển Đông. Theo số liệu thống kế, du khách từ Trung Quốc đại lục đã có hơn 71,3 triệu chuyến đi nước ngoài trong nửa đầu năm 2018, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. Bắc Kinh đã tích cực tận dụng lợi thế này khi hậu thuẫn cho người dân tìm cách tuyên truyền về “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông khi đi du lịch. Vụ việc điển hình nhất là một nhóm du khách Trung Quốc (13/5) khi đến Việt Nam mặc áo in bản đồ “đường lưỡi bò”. Song song với việc người dân Trung Quốc đi du lịch ngày càng tăng, đòi hỏi cần có một đội ngũ hướng dẫn viên đông đảo đi cùng. Trung Quốc đã ngầm ủng hộ hoặc gián tiếp cho phép hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc học tập, tiếp cận và tuyên truyền sai sự thật về lịch sử, chủ quyền của các nước. Tại Việt Nam, hiện có một bộ phận hướng dẫn viên người Trung Quốc đến Việt Nam phân phát tài liệu tuyên truyền xuyên tạc lịch sử Việt Nam cho du khách Trung Quốc.

Thông qua giới chuyên gia, học giả trong nước, Chính phủ Trung Quốc đưa ra những bình luận, bài viết tìm cách bao biện cho “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông và lấp liếm các hành động phi pháp của Chính phủ Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc còn thông qua nhiều biện pháp khác để tuyên truyền về “chủ quyền” ở Biển Đông như thuê, mua chuộc các hãng báo chí quốc tế và nhà nghiên cứu viết bài ủng hộ lập trường của Trung Quốc; sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin (phát hành các loại game, lồng ghép bản đồ có đường 9 đoạn vào các dịch vụ ứng dụng công nghệ của Trung Quốc…) để kích động tinh thần bảo vệ biển đảo, xuyên tạc, gây ngộ nhận cho người dân.

Kết luận:

Trong năm 2018, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động trên thực địa và củng cố chứng cứ pháp lý nhằm khẳng định “chủ quyền” ở Biển Đông (phi pháp), Trung Quốc tiếp tục tuyên truyền về biển đảo một cách nhất quán, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Nội dung tuyên truyền của Trung Quốc không mới, tiếp tục xoay quanh việc tự bao biện cho cái gọi là “chủ quyền” và hành động phi pháp ở Biển Đông, tìm cách chỉ trích, đổ lỗi cho các nước gây căng thẳng trong khu vực và mua chuộc, lôi kéo, thậm chí là ép buộc các nước ủng hộ Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới