Thursday, January 9, 2025
Trang chủBiển nóngNhững nhân tố mới tham gia tích cực vào vấn đề Biển...

Những nhân tố mới tham gia tích cực vào vấn đề Biển Đông trong năm 2018

Anh, Australia, Nhật Bản và New zealand là những quốc gia đã tham gia tích cực, hiệu quả vào các nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, đảm bảo tự do, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông của cộng đồng quốc tế trong năm 2018. Đây được coi là một điểm sáng trong diễn biến tình hình Biển Đông trong năm qua.

Tàu chiến Anh, Australia, New zealand và Nhật Bản tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông. Nguồn: Reuters/AFP

Anh

Anh là quốc gia đã tham gia tích cực vào vấn đề Biển Đông trong năm 2018, với hai hoạt động chính là tuần tra tự do hàng hải và hợp tác quốc phòng với các nước. Thứ nhất, về hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, tháng 8/2018, tàu đổ bộ HMS Albion thuộc Hải quân Hoàng gia Anh đã di chuyển qua quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đã bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải và phản bác các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Lúc này, Trung Quốc đã điều một tàu khu trục và hai trực thăng để thách thức hành động của tàu HMS Albion nhưng hai bên vẫn bình tĩnh trong cuộc chạm trán này. Mặc dù tàu chiến của Anh không đi vào vùng 12 hải lý xung quanh quần đảo Hoàng Sa, song hành động của họ thể hiện rằng Anh không công nhận những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trong khu vực. Vào tháng 3/2018, tàu khu trục HMS Sutherland và Type 23 của Hải quân Hoàng gia Anh đã tiến hành tuần qua hàng hải ở Biển Đông, sau khi tham gia huấn luyện với Hải quân Australia. Đây là lần thứ 3 kể từ năm 2013, Anh triển khai tàu chiến đến Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Bộ Ngoại giao Anh cho biết việc Anh điều tàu đến Biển Đông là để góp phần duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và cho thấy sự ủng hộ của họ đối với quy tắc dựa trên luật pháp quốc tế. Sau khi rút ra khỏi EU (Brexit), Anh cần bảo vệ các tuyến đường thương mại trên biển chủ yếu, đặc biệt là lo ngại sự kiểm soát của Trung Quốc đối với Biển Đông. Trước đây, Chính phủ cũng như Bộ Quốc phòng Anh đã nhiều lần công khai các kế hoạch thực thi đảm bảo quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, tăng cường hợp tác với các nước trong việc ngăn chặn các hành động quân sự hóa ở khu vực này. Thứ hai, về hoạt động hợp tác với các nước, Anh dự kiến sẽ triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông để tham gia một cuộc tuần tra tự do hàng hải chung với Australia, nhằm đối phó vớicác yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho biết hoạt động này sẽ diễn ra trong vài năm tới, khi tàu này hoàn tất việc trang bị đầy đủ vũ khí, cũng như được thử nghiệm xong. Tàu HMS Queen Elizabeth là tàu sân bay lớn nhất do Anh chế tạo trị giá 4,1 tỉ USD và chính thức được biên chế vào Hạm đội Hải quân Hoàng gia Anh từ tháng 12/2017. Tàu HMS Queen Elizabeth có tải trọng lên đến 65.000 tấn, dài 280 m và vận tốc tối đa khoảng 46,3 km/giờ, có khả năng triển khai nhiều máy bay chiến đấu, máy bay không người lái và cả trực thăng săn ngầm. Anh tăng cường hợp tác với Australia để triển khai sự hiện diện ở khu vực với nội dung chính là đảm bảo tự do hàng hải. Hai nước đã ký hợp đồng về việc Anh cung cấp 9 tàu chiến mới thuộc lớp Hunter, trong chương trình trị giá 25,74 tỷ USD cho Hải quân Hoàng gia Australia. Tàu đổ bộ HMS Albion (L14), lớp Albion của Hải quân Hoàng gia Anh đã thăm thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 03 – 06/9/2018. Chuyến thăm là một phần trong các hoạt động của tàu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tàu đổ bộ HMS Albion có chiều dài 176 m, rộng 28,9 m, với lượng choán nước 21.000 tấn có thể chở theo 67 xe thiết giáp, 405 binh sĩ, là một trong những trụ cột cho sức mạnh đổ bộ của hải quân Hoàng gia Anh.

Australia

Cùng với Anh, Australia đã nhiều lần lên án hành động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Tháng 6/2018, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho biết Chính phủ của ông đang đầu tư 7 tỉ USD để mua 6 chiếc MQ-4C Triton, loại máy bay điều khiển từ xa của nhà cung cấp thiết bị quốc phòng Mỹ Northrop Grumman thông qua một chương trình hợp tác với Hải quân Mỹ. Những chiếc Triton hiện đại sẽ giúp Australia tiếp tục giám sát được khu vực Đông Nam Á và Biển Đông, khu vực được xác định là trọng tâm hoạt động của máy bay không người lái Triton. Các thông tin thu thập được chia sẻ cho các đồng minh của Australia như Mỹ, Anh, Canada, New Zealand. Bộ Quốc phòng nước này cho biết “Australia nhấn mạnh đến quyền tự do hàng hải và hàng không của mình trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông, như Australia vẫn luôn tiến hành”. Tháng 11/2018, Australia đã đạt thỏa thuận với Papua New Guinea về việc tái lập căn cứ hải quân Lombrum ở đảo Manus ở phía Bắc Australia, cho phép hải quân hai nước tiếp cận một cảng ở phía Nam Thái Bình Dương và có hướng tiếp cận vùng Biển Đông tranh chấp ở phía Nam. Mặc dù không công khai chi tiết kế hoạch này, song Chính phủ Australia cho biết trước những bất ổn và cạnh tranh chiến lược, Australia cần củng cố sự cam kết bảo vệ Thái Bình Dương và sẽ hành động mạnh mẽ hơn. Australia cũng tăng cường hợp tác với Mỹ để đối phó Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương. Trước đây, Australia đã đồng ý đầu tư vào hệ thống cáp Internet ngầm dưới nước và một trung tâm an ninh mạng cho quần đảo Solomon để loại bỏ gói thầu tương tự của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei nhằm thiết lập cáp cho đảo quốc ở Thái Bình Dương có thể tiếp cận tới trung tâm băng thông rộng ở Sydney của Australia. Trong dự án này, phía Australia sẽ chi trả 2/3 chi phí của tổng kinh phí 100 triệu USD. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne (10/2018) cho biết Chính phủ Australia sẽ xem bất kỳ việc sử dụng chiến thuật hù dọa nào tại Biển Đông là “gây bất ổn và nguy hiểm tiềm tàng”.

Nhật Bản

Thứ nhất, về hoạt động thực địa: Tháng 9/2018, Nhật Bản đã lần đầu tiên triển khai tàu ngầm huấn luyện Kuroshio của Lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản tham gia diễn tập tại Biển Đông. Sau đó, tàu này cùng thủy thủ đoàn do đại tá Ueta Yasuteru, Tư lệnh Đơn vị tàu ngầm huấn luyện số 1, làm trưởng đoàn đã cập Cảng quốc tế Cam Ranh Khánh Hòa của Việt Nam. Đây là chuyến thăm đầu tiên của tàu ngầm huấn luyện Lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản tới Việt Nam, một trong những hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, triển khai thực hiện thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao và Bộ Quốc phòng của hai nước. Có thể nói chuyến thăm của tàu ngầm huấn luyện Kuroshio cùng thủy thủ đoàn góp phần tăng cường hiểu biết, tin cậy giữa Hải quân Nhân dân Việt Nam và Lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản. Từ đó, đưa quan hệ hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam – Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển ở khu vực. Nhật Bản cũng triển khai tàu sân bay trực thăng JS Kaga đi qua Biển Đông hướng đến Ấn Độ Dương để tập trận cùng tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh. JS Kaga là tàu sân bay trực thăng lớp Izumo, tải trọng toàn tải 27.000 tấn. Tàu có thể mang theo tối đa 28 trực thăng và có thể chuyển đổi để triển khai hoạt động tiêm kích tàng hình F-35B. Kenji Sakaguchi, Tư lệnh lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) nói trên boong tàu sân bay trực thăng JS Kaga rằng: “Chúng tôi có mối quan hệ truyền thống với Hải quân Hoàng gia Anh và cả hai nước là đồng minh thân cận của Mỹ. Những cuộc tập trận như thế này là cơ hội để chúng tôi tăng cường hợp tác”. Tàu sân bay trực thăng JS Kaga cùng tàu khu trục HMS Argyll và tàu khu trục JS Inazuma, lớp Murasame cùng sự hỗ trợ của 3 trực thăng tiến hành đợt diễn tập ở Ấn Độ Dương, gần với tuyến hàng hải thương mại quốc tế. Thứ hai, về quan điểm và chính sách: Nhật Bản theo đuổi việc duy trì hòa bình, đảm bảo an ninh và tự do hàng hải quốc tế, trên nguyên tắc mọi bất đồng tranh chấp chủ quyền và tranh chấp biển phải được giải quyết dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và luật biển quốc tế bằng các biện pháp hòa bình. Nhật Bản luôn tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ và vùng biển. Nhật Bản chủ trương các tranh chấp phải giải quyết một cách hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp. Nhật Bản thúc đẩy một Khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở, các nước tôn trọng tự do hàng hải và hàng không, thương mại biển không bị cản trở ảnh hưởng đến thịnh vượng của Nhật Bản. Nhờ sự tham gia tích cực vào vấn đề Biển Đông và khu vực, đã giúp Nhật Bản nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của Nhật Bản ở khu vực Đông Nam Á. Những năm qua, cùng với đột phá trong việc sửa đổi Hiến pháp, đặc biệt là sau khi nới lỏng nguyên tắc xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản đã tích cực bán vũ khí cho các nước Đông Nam Á nhằm một mặt, nâng cao thực lực quân sự của các nước này, đối phó với Trung Quốc đang không ngừng trỗi dậy; đồng thời, không ngừng củng cố, nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của Nhật Bản ở khu vực này. Thứ ba, về hợp tác đa phương: Nhật Bản là tích cực tham gia vào các cơ chế đối thoại đa phương của ASEAN. Nhật Bản tích cực, chủ động tham gia vào các cơ chế an ninh do ASEAN làm chủ đạo, như ARF, ADMM, EAS. Mục tiêu là giám sát và kiềm chế các hành vi đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, gây áp lực lên Trung Quốc nhằm phân tán sự chú ý cũng như triển khai hoạt động của Trung Quốc tại Hoa Đông. Để thực hiện mục tiêu này, Nhật Bản chủ động lên tiếng ủng hộ các tuyên bố của ASEAN, các quốc gia tranh chấp trong khu vực về vấn đề Biển Đông. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng chủ động đưa ra các sáng kiến thành lập các cơ chế thảo luận ở mức độ rộng lớn về vấn đề hàng hải. Về hợp tác trên lĩnh vực an ninh biển, Nhật Bản tập trung nhiều hơn vào các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống trong lĩnh vực an ninh biển tại các cơ chế hợp tác ASEAN, đặc biệt là các vấn đề có mối quan hệ với tranh chấp Biển Đông và Hoa Đông. Ngoài ra, Nhật Bản cũng tận dụng và chủ động nêu vấn đề tại các cơ chế, diễn đàn khác mà Nhật Bản có vai trò ảnh hưởng như Hợp tác sông Mê Công mở rộng, G7. Nhật Bản cũng góp phần thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, trong đó kêu gọi các bên tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, ủng hộ các nước ASEAN đấu tranh chống việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại Trường Sa, thúc đẩy ASEAN hóa và quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Trong những chuyến thăm đến các nước ASEAN, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đều đưa vấn đề tự do hàng hải, hàng không cũng như tình hình an ninh Biển Đông ra thảo luận. Chủ đề về Biển Đông luôn giữ vị trí cao trong quan hệ của Nhật Bản với một số nước có liên quan đến tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán với Trung Quốc như Philippines, Việt Nam, Indonesia… Ngoài ra, Nhật Bản cũng lên tiếng yêu cầu các nước liên quan xác định rõ quyền lợi biển của mình trên cơ sở luật pháp quốc tế, ủng hộ việc nhanh chóng xây dựng bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), phê phán hoạt động bồi lấp và xây dựng hạ tầng của Trung Quốc tại một số đảo đá ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

New Zealand

Trong vấn đề Biển Đông, lập trường và chính sách chung của New Zealand là không đứng về phía bên nào ở Biển Đông, song phản đối các hành động phá hoại hòa bình và làm xói mòn niềm tin trong khu vực. New Zealand ủng hộ quyền hợp pháp của các quốc gia trong việc sử dụng các cơ chế khác nhau để giải quyết các tranh chấp và cho rằng duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông mang ý nghĩa sống còn đối với sự thịnh vượng liên tục của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các tranh chấp cần phải được giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Quyền Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Winston Peters (7/2018) khẳng định, quân sự hóa Biển Đông tạo ra ảnh hưởng không tốt đối với khu vực. “Tôi không tin rằng việc quân sự hóa Biển Đông là một việc làm tốt đối với khu vực và nó tác động nhiều tới New Zealand. Tôi tin tưởng là các nước cần phải tuân thủ mọi quy định và luật pháp quốc tế để đảm bảo thế giới này an toàn và an ninh hơn… Tôi không muốn thấy quyền tự do đi lại ở vùng biển quốc tế bị cản trở. Việc làm này gây ra rất nhiều hệ lụy và đây là chính là ảnh hưởng rõ ràng nhất khi Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông”, Quyền Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Winston Peters cho biết. Còn trong Báo cáo của Bộ Quốc phòng New Zealand (7/2018), New Zealand đã cảnh báo ảnh hưởng đang tăng của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương có thể phá hoại sự ổn định trong khu vực. Báo cáo cho rằng Trung Quốc làm leo thang căng thẳng với các quốc gia khác, trong đó có Mỹ, khi theo đuổi các lợi ích ở châu Á. Bắc Kinh còn đang hiện đại hóa quân đội và phô trương sức mạnh kinh tế cùng tham vọng lãnh đạo. Báo cáo cảnh báo New Zealand đối mặt với “những thách thức lớn chưa từng có” tại khu vực lân cận. Cùng thời gian nay, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã lên tiếng ủng hộ “quan điểm mạnh mẽ chống lại quân sự hóa ở Thái Bình Dương”. Để đối phó với Trung Quốc, Quân đội New Zealand (10/2018) đã cũng Australia, Malaysia, Singapore, Anh tiến hành cuộc tập trận chung tại Biển Đông. Tháng 9/2018 , tàu khu trục Te Mana của Hải Quân Hoàng Gia New Zealand với thùy thủ đoàn gồm 178 người do nữ Trung tá Lisa Hunn dẫn đầu đã cập cảng Sài Gòn tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong thời gian 4 ngày lưu lại tại thành phố Hồ Chí Minh, các thủy thủ trên Tàu Khu Trục Te Mana và Hải quân Việt Nam đã tiến hành một số hoạt động chung nhằm củng cố mối quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và New Zealand. Tàu Khu Trục Te Mana là một trong hai chiến hạm của New Zealand. Đây là loại tàu chiến cỡ nhỏ với nhiệm vụ chính là giữ gìn an ninh vùng biển New Zealand thông qua các hoạt động tuần tra hàng hải, giám sát, bảo vệ các chuyến tàu công thương. Tàu Khu Trục Te Mana dài 118 mét, độ giãn nước 3600 tấn, tốc độ bình quân 25 hải lý một giờ. Trên tàu có trang bị trực thăng, tên lửa, ngư lôi. Trước đó, vào tháng 6/2017, tàu Khu trục Ta Kaha của New Zealand cũng đã đến thăm Cảng Đà Nẵng.

RELATED ARTICLES

Tin mới