Tuesday, January 7, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiChỉ đạo các địa phương hoãn chiến lược ‘Made in China 2025’,...

Chỉ đạo các địa phương hoãn chiến lược ‘Made in China 2025’, phải chăng TQ đã thay đổi?

Chính phủ Trung Quốc vừa có động thái bất ngờ khi chỉ đạo các chính quyền địa phương ngừng nỗ lực theo đuổi kế hoạch “Made in China 2025” nữa. Phải chăng động thái này báo hiệu Trung Quốc đang thay đổi chiến lược?

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: news.cn

“Động thái nhỏ, tín hiệu to” là câu nói được một số nhà phân tích nhắc tới sau thông tin Chính phủ Trung Quốc yêu cầu các địa phương trên toàn quốc không nỗ lực theo đuổi kế hoạch “Made in China 2025” (Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025), báo hiệu một sự “xuống thang” trong cuộc đối đầu căng thẳng với Mỹ.

Cùng với sáng kiến “Vành đai, Con đường”, chiến lược “Made in China 2025” chính là một trong những tâm điểm gây tranh cãi, xung đột giữa Washington và Bắc Kinh thời gian qua. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tỏ rõ quyết tâm, bằng hàng loạt biện pháp, nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc mà có thể thách thức vị thế của Mỹ hiện nay, trong đó “Made in China 2025” chính là mục tiêu trực diện nhất.

“Made in China 2025” là một sáng kiến nhằm đưa Trung Quốc bắt kịp với các đối thủ trên toàn cầu trong các lĩnh vực kinh tế then chốt và đã được giới chức Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ kể từ khi sáng kiến này được Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra hồi năm 2015. Chiến lược này đóng vai trò then chốt trong mục tiêu biến Trung Quốc thành một siêu cường toàn cầu vào năm 2050 và có khả năng cạnh tranh cao hơn trong những lĩnh vực như tự động hóa, máy bay và xe hơi năng lượng sạch. Kế hoạch này được Chủ tịch Tập Cận Bình đặt nhiều kỳ vọng, qua đó biến Trung Quốc từ “công xưởng thế giới” thành một trung tâm công nghệ toàn cầu.

Giữa lúc cuộc chiến thương mại leo thang chóng mặt, lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã bất ngờ đạt được một “thỏa thuận đình chiến” tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 1/12 ở Argentina. Đây được xem như là chiếc phao cứu sinh đối với Trung Quốc trong lúc nước này đang chới với.

Tuy nhiên, những nỗ lực công khai của Bắc Kinh trong việc sử dụng nguồn lực và sự hỗ trợ của nhà nước để thu hẹp khoảng cách về công nghệ với các nước đã phát triển khiến phương Tây cảnh giác và vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của chính quyền Mỹ. Áp lực ngày càng lớn của cuộc chiến thương mại đã buộc Bắc Kinh phải hành động?

Trong một bản hướng dẫn mới gửi đến các chính quyền cơ sở đầu tuần này, Chính phủ Trung Quốc đã bỏ cụm từ “Made in China 2025”, thay vào đó, Quốc Vụ viện kêu gọi có thêm nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong các chỉ đạo chính sách những năm qua, Chính phủ Trung Quốc luôn thành lập một khoản quĩ đặc biệt dành cho chiến lược “Made in China 2025” và chỉ đạo các địa phương nên ưu tiền nguồn lực tài chính cho những dự án và doanh nghiệp phục vụ chiến lược này.

Thậm chí, trong chỉ đạo chính sách năm 2017 và ngay đầu năm 2018, Chính phủ Trung Quốc còn công bố một danh sách các địa phương đạt “thành tích vượt trội” trong việc thúc đẩy chiến lược “Made in China 2025”.

Theo giới quan sát, đây là động thái khá bất ngờ, song không rõ đó có phải là một chiến lược tuyên truyền của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại với Mỹ hay không, và động thái này không đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã hoàn toàn chấm dứt chiến lược “Made in China 2025”.

Trả lời phỏng vấn của kênh CNBC, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross ngày 12/12 cũng nói rằng động thái trên là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc đã giảm nhẹ chiến lược “Made in China 2025”, song còn quá sớm để khẳng định chiến lược này đã bị khai tử.

Bộ trưởng Wilbur Ross nêu rõ: “Chúng tôi kịch liệt phản đối việc sử dụng các biện pháp không hợp lý và không đúng đắn, chẳng hạn như đánh cắp bí mật công nghệ, buộc phải chuyển giao công nghệ hoặc các biện pháp tương tự. Chúng tôi sẵn sàng cạnh tranh và đối đầu với họ nếu đó là một sân chơi công bằng”.

Cũng như Bộ trưởng Ross, nhiều quan chức trong chính phủ Mỹ cũng bày tỏ nghi ngờ về kế hoạch mới của Bắc Kinh, một số người cho rằng đây có thể chỉ là chiêu trò đánh lạc hướng của Trung Quốc.

Jeremie Waterman, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc của Hội kinh doanh Mỹ, bày tỏ hy vọng kế hoạch mới của Trung Quốc không chỉ là những lời nói sáo rỗng, mang tính tuyên truyền, mà là “những biện pháp điều chỉnh cụ thể, liên quan đến trợ cấp, đề ra tiêu chuẩn và thu mua”.

RELATED ARTICLES

Tin mới