Wednesday, November 27, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiHải quân TQ đang sở hữu những ngư lôi nào và mức...

Hải quân TQ đang sở hữu những ngư lôi nào và mức độ nguy hiểm của chúng ra sao?

Hầu hết các mẫu ngư lôi mà Trung Quốc đang sở hữu hiện nay đều là các bản sao từ các thiết kế của Mỹ, Liên Xô hoặc công nghệ có sẵn.

Kể từ những năm 1950, Liên Xô đã từng giúp đỡ để Trung Quốc sản xuất những mẫu ngư lôi “made in China” đầu tiên. Tuy nhiên sau cuộc xung đột biên giới Xô-Trung, các kỹ sư Trung Quốc phải tự tìm cách hoàn thiện nốt các mẫu ngư lôi còn dang dở.

Bước ngoặt đối với quá trình phát triển ngư lôi ở Trung Quốc đến vào năm 1978 sau khi một ngư dân nước này mò được một quả ngư lôi Mk 46 Mod 1 của Mỹ trên Biển Đông.

Từ quả ngư lôi này, Trung Quốc tháo dỡ, nghiên cứu tỉ mỉ từng thông số kỹ thuật trước khi sản xuất các mẫu ngư lôi của mới nhưng mang đậm tính “kế thừa” và lai tạo từ các thiết kế của nước ngoài.

Yu-1

Theo Hiệp ước hữu nghị năm 1950, Liên Xô đồng ý chuyển giao công nghệ ngư lôi và một số mẫu cho Trung Quốc để Bắc Kinh nghiên cứu và sản xuất mẫu ngư lôi của riêng mình.

Các kỹ thuật viên và kỹ sư giàu kinh nghiệm đã được tuyển dụng từ khắp đất nước để tham gia phát triển Yu-1, ngư lôi đầu tiên được Trung Quốc chế tạo và là bản sao của ngư lôi không dẫn đường Type 53-51 của Liên Xô.

Tất cả các thiết kế của Yu-1 được hoàn tất vào tháng 3/1966. Nhưng sau nhiều lỗi gặp phải trong quá trình thử nghiệm, các kỹ sư nghiên cứu phải mất thêm 5 năm để giải quyết các vấn đề trước khi đưa Yu-1 vào biên chế năm 1971.

Yu-1 được thiết kế để phóng từ tàu ngầm Type 033 (lớp Romeo) và tàu tấn công nhanh ngư lôi Type 25 (lớp Huchuan). Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, Yu-1 trở nên lỗi thời và bị loại biên. Yu-1A là phiên bản cải tiến sử dụng đầu dò thụ động và hiện vẫn có tên trong biên chế của hải quân Trung Quốc.

Các thông số của Yu-1:

Cỡ: 533mm

Chiều dài: 7,8 m

Đầu đạn: 400kg

Tốc độ: 93 km/h

Phạm vi hoạt động: 9km

Yu-3

Yu-3 là ngư lôi đầu tiên Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đưa sử dụng cho kế hoạch tác chiến chống ngầm của nước này nằm trong chương trình phát triển cho hạm đội tàu ngầm hạt nhân. Nó được phóng từ tàu ngầm để đeo bắt các mục tiêu trên mặt nước.

Yu-3 được thiết kế vào năm 1964, bắt đầu thử nghiệm trên biển vào năm 1972 và đưa vào sản xuất hàng loạt năm 1984. Hầu hết công nghệ và thiết kế của nó đều do Trung Quốc nghiên cứu và phát triển, nhưng cũng có thông tin cho rằng các Yu-3 được “lấy cảm hứng” từ ngư lôi SET-65E của Liên Xô.

Tuy nhiên, nó bị đánh giá là không có gì nổi bật khi chỉ dò mục tiêu từ đầu dò thụ động và tốc độ di chuyển tối đa không quá 65 km/h. Tính năng đáng kể nhất của mẫu ngư lôi này là có thể quay lại, tiếp tục đeo bám mục tiêu nếu bắt trượt trong lần phóng đầu tiên.

Tới năm 1991, Yu-3 được hiện đại hóa, có thể sử dụng cả đầu dò chủ động và thụ động. Mặc dù vậy, Yu-3 vẫn bị cho là kém xa so với các ngư lôi cùng thời của phương Tây hoặc Liên Xô vào những năm 1980.

Các thông số của Yu-3:

Cỡ: 533 mm

Dài: 6,6 m

Trọng lượng: 1.340kg (biến thế chiến đấu), 1.203kg (biến thế huấn luyện)

Đầu đạn: 190kg

Phạm vi hoạt động: 13.000 m

Độ sâu tìm kiếm/tấn công 6 ~ 350m

Độ sâu phóng: tối đa 150 m

Yu-4

Yu-4 được coi là ngư lôi săn ngầm đầu tiên phóng từ tàu ngầm của hải quân Trung Quốc. Ban đầu, Liên Xô đạt được thỏa thuận chuyển giao công nghệ chế tạo ngư lôi điện dựa trên mẫu ngư lôi SAET-50 cho Trung Quốc năm 1958.

Nhưng sau khi chiến tranh Xô-Trung nổ ra, thỏa thuận này bị hủy bỏ và các kỹ sư Trung Quốc buộc phải mày mò để hoàn thiện nốt phần còn lại nhưng quá trình này gặp không ít khó khăn.

Mãi cho tới năm 1971, 5 mẫu Yu-4 mới được ra mắt nhưng lại bị chê thậm tệ vì độ ồn quá lớn cùng một số nhược điểm khác. Tới năm 1984, Yu-4A với đầu dò thụ động và Yu-4B với đầu dò cả thụ động và chủ động được đưa vào biên chế. Yu-4B đạt tốc độ 75 km/h, tầm hoạt động 15 km, đầu đạn nặng 220 kg.

Tuy nhiên do vẫn khá lạc hậu nên Yu-4 chỉ đóng vai trò dự bị trong biên chế của hải quân Trung Quốc. Một số nguồn tin nói rằng Yu-4 được hoán cải thành thủy lôi CAPTOR.

Các thông số của Yu-4

Cỡ: 533 mm

Dài: 7,7 m

Trọng lượng: 1.755kg (biến thế chiến đấu), 1.628kg (biến thế huấn luyện)

Độ sâu tìm kiếm/tấn công: 5 ~ 45m

Yu-5

Với việc được tích hợp công nghệ nhiên liệu Otto II được sao chép từ ngư lôi Mỹ, Yu-5 được coi là một cách mạng trong quá trình phát triển ngư lôi của Trung Quốc.

Yu-5 cũng là ngư lôi đầu tiên của Trung Quốc sử dụng công nghệ dẫn đường bằng dây, cho phép nó tiêp cận mục tiêu một cách chính xác. Đầu dò của Yu-5 dược cải thiện đáng kể, tích hợp công nghệ của cả Mỹ và Nhật Bản.

Điểm nổi bật của Yu-5 nằm ở chỗ nó là ngư lôi săn ngầm phóng từ tàu ngầm đầu tiên được trang bị cho hạm đội tàu ngầm diesel-điện của Trung Quốc vào đầu những năm 1990. Sau đó, nó tiếp tục được hiện đại hóa, nhưng các thông tin về các thông số của nó lại không được cập nhật rõ ràng.

Yu-6

Yu-6 là mẫu ngư lôi phóng từ tàu ngầm mới nhất của Trung Quốc, được sử dụng cho cả nhiệm vụ săn ngầm và săn tàu mặt nước. Yu-6 được cải thiện đáng kể về công nghệ tìm kiếm cũng như tốc độ. Hơn 2/3 thiết kế của Yu-6 đều được áp dụng công nghệ mới.

Tương tự như Yu-5, Yu-6 được trang bị công nghệ Otto Fuel II, nhưng có thêm bộ vi xử lý Intel 80468 cho đầu dò. Loại vỏ sử dụng cho Yu-6 cũng được nâng cấp hơn, được làm bằng một loại vật liệu tổng hợp mới.

Quá trình phát triển Yu-6 được hoàn tất vào năm 2005. Yu-6 đạt tốc độ 120 km/h, nhanh hơn mẫu Mark 48 Mod 6 ADCAP của Mỹ. Nhưng mẫu ngư lôi của Trung Quốc lại thua kém Mark 48 Mod 6 hoặc Mod 7 CBASS của Mỹ về các tính năng tự vệ.

Yu-7

Kế hoạch phát triển Yu-7 với nhiệm vụ chống ngầm được bắt đầu từ những năm 1980. Chương trình này dựa trên các thiết kế của 40 ngư lôi A244/S mua lại của Ý vào năm 1987 và quả ngư lôi Mark 46 Mod 1 của Mỹ được ngư dân Trung Quốc vớt từ Biển Đông năm 1978.

Yu-7 ban đầu được trang bị động cơ điện, nhưng do hiệu suất không đạt yêu cầu, các kỹ sư Trung Quốc phải thiết kế lại và đưa công nghệ Otto Fuel II vào dòng ngư lôi này.

Đến năm 1989, Yu-7 thực hiện thành công 68 lần phóng trong 4 lần thử nghiệm trên biển. Tới cuối những năm 1990, dòng ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ này bắt đầu được trang bị cho các tàu chiến lớn của hải quân Trung Quốc như một hệ thống tác chiến chống ngầm tiêu chuẩn.

Cỡ: 324mm

Chiều dài: 2,6m

Trọng lượng: 235kg

Đầu đạn: 45kg

Tốc độ: 80 km/h

Phạm vi hoạt động: 14km

Độ sâu tìm kiếm / tấn công: 6 ~ 400m

Đầu dò: Cả thụ động và chủ động

53-65KE

Năm 1990, Nga chuyển giao cho Hải quân Trung Quốc một số lượng không xác định ngư lôi 53-65KE cùng 4 tàu ngầm lớp Kilo. Kể từ đó, nhiều mẫu ngư lôi này tiếp tục được Trung Quốc hỏi mua để trang bị thêm cho 8 tàu ngầm lớp Kilo đặt hàng vào năm 2002.

53-65KE sử dụng động cơ đẩy tua bin với nhiên liệu dầu hỏa trộn hiđrô. Thay vì dò tìm sóng âm chủ động hay thụ động thì loại ngư lôi này được thiết kế để dò tìm sóng chấn động áp lực tạo ra bởi các con tàu đang di chuyển trên mặt nước.

Nhược điểm 53-65KE giống bất kỳ loại ngư lôi dò tìm bằng sóng âm khác là nó không phân biệt được đâu là mục tiêu chính trong hạm đội nên có thể đâm vào bất cứ con tàu nào đang di chuyển gần nhất. Hiện tại chưa có cơ chế đánh lạc hướng loại dò tìm này nên 53-65KE vẫn rất hữu hiệu khi dùng để tìm và diệt tàu.

53-65KE được trang bị trên các tàu mặt nước và tàu ngầm. Mẫu ngư lôi này rất dễ vận hành, không cần bảo trì ngay cả khi được lưu trữ trong ống phóng ngư lôi, giá đỡ trên tàu hoặc trong kho vũ khí một thời gian dài.

Các thông số của 53-65KE:

Cỡ: 533mm

Chiều dài: 7,945m

Cân nặng: 2.100kg

Đầu đạn: 300kg

ET52

Năm 1987, hải quân Trung Quốc mua một số bệ phóng ngư lôi B.515S và 40 ngư lôi chống ngầm A.244S từ Công ty công nghệ quốc phòng Alenia của Italia để trang bị cho tàu khu trục tên lửa Type 051 lớp Luda.

Một trong số các ngư lôi này được gửi tớ Viện 507 để “chế tạo ngược” thành một mẫu ngư lôi của Trung Quốc có tên ET52, nhưng không rõ điều này có được thông báo tới Alenia hay không.

ET52 là ngư lôi hạng nhẹ, trang bị động cơ điện được thiết kế để phóng từ các ống phóng ngư lôi trên tàu mặt nước và trực thăng. Nó có thể đeo bám tàu ngầm đối phương ở các vùng nước nông. Hệ thống dẫn đường và đầu đạn của ET52 được bố trí ở phía trước, pin ở giữa còn hệ thống đẩy ở phần sau.

Điểm nổi bật của ET52 là do được trang bị chế tạo đầu tự dẫn CIACIO-60, nó có thể phân biệt được mồi nhử với các mục tiêu thực sự bằng cách phát ra xung.

Các quả ngư lôi ET52 đầu tiên được đưa vào biên chế hải quân Trung Quốc vào năm 1990, trang bị cho tàu khu trục Type 051 (lớp Luda), chiến hạm Jiangwei và một số trực thăng trên tàu Cáp Nhĩ Tân Z-9C, trực thăng săn ngầm Z-8ASW. ET52 cũng có phiên bản xuất khẩu.

Các thông số của ET52:

Tầm cỡ: 324mm

Chiều dài: 2,6m

Cân nặng: 235kg

Đầu đạn: 34kg

Tốc độ: 80 km/h

Phạm vi hoạt động: 6km

RELATED ARTICLES

Tin mới