Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiThời đại bá quyền sụp đổ: Nhường Trung Đông cho Nga, Mỹ...

Thời đại bá quyền sụp đổ: Nhường Trung Đông cho Nga, Mỹ sắp “dâng” châu Á-TBD cho TQ?

Sự thiếu nhất quán trong chính sách của Mỹ tại khu vực khiến ngay cả những đồng minh của nước này phải quay sang Trung Quốc.

Ảnh minh họa: Ingram Pinn/FT

Liên minh trong và sau giai đoạn bá quyền của Mỹ

Sau Thế chiến II, Mỹ đã trở thành lãnh đạo của cái được gọi là trật tự quốc tế tự do. Trật tự này nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới cũng như mang đến sự an toàn và ổn định cần thiết nhằm tạo điều kiện cho các nước thành viên phát triển kinh tế.

Đối với các quốc gia tham gia vào trật tự quốc tế, liên minh này đền đáp xứng đáng, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế và bảo trợ an ninh tập thể.

Có lẽ không có quốc gia nào được hưởng lợi từ sự sắp xếp này nhiều hơn Mỹ. Washington đã thu hút ngày càng nhiều quốc gia vào quỹ đạo của mình, ủng hộ việc chuyển đổi sang mô hình quản trị dân chủ và hưởng lợi từ sự giao thương ngày càng gia tăng.

Thế nhưng, trong những thập kỷ gần đây, quân đội với những cam kết vượt quá khả năng, tình trạng nợ công, sự trỗi dậy của các cường quốc và các nhân tố mới, cùng với sự phân cực chính trị nghiêm trọng ở trong nước đã làm xói mòn quyền lực tương đối của Mỹ.

Mỹ vẫn cung cấp “chiếc ô an ninh” cho các đồng minh của mình, như Úc và Nhật Bản. Đối với những nước không phải là đồng minh như Việt Nam, Mỹ vẫn xuất hiện như là một đối trọng với Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong hai thập kỷ qua, Washington đã có những dấu hiệu cho thấy nước này không còn là một đối tác kiên định nữa. Vì vậy, các nước đã đưa ra những sáng kiến song phương và đa phương để bảo vệ lợi ích của mình, đồng thời cân bằng sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

Úc: Đánh giá lại “tình bạn”

Úc là đồng minh thân cận và lâu đời nhất của Mỹ tại khu vực và đã được hưởng lợi đáng kể, cả về chính trị và kinh tế, từ “chiếc ô an ninh” do Mỹ cung cấp. Tuy nhiên, chính sách thương mại của Mỹ đã gây thất vọng cho Úc.

Năm 2002, sau khi chính quyền Bush áp thuế đối với thép, Ngoại trưởng Úc lúc đó Alexander Downer cho rằng các hành động của Mỹ đã gửi một thông điệp sai đối với cộng đồng quốc tế và đặt câu hỏi về mối quan hệ thương mại giữa hai nước.

Cùng lúc đó, chính phủ Úc bắt đầu tìm kiếm mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc, nhấn mạnh rằng “sự trỗi dậy của Trung Quốc về kinh tế, chính trị và sức ảnh hưởng là xu hướng dài hạn quan trọng nhất trong khu vực”.

Dưới thời chính quyền Obama, Úc hoan nghênh chiến lược “xoay trục”, hay còn gọi là “tái cân bằng” sang Châu Á của Mỹ, tuy nhiên, sự rút lui đơn phương của Mỹ khỏi Hiệp định TPP dưới thời Tổng thống Donald Trump đã gửi một tín hiệu rằng Washington không thể và không còn sẵn sàng đưa ra các cam kết đáng tin cậy đối với các đồng minh tại châu Á-Thái Bình Dương.

Chỉ vài giờ sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP, Bộ trưởng Thương mại Úc Steven Ciobo tuyên bố:

“Chính phủ Úc không ngại đứng lên vì lợi ích quốc gia mình – sẽ tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ về những gì mà TPP có thể mang lại. Tôi đã trao đổi với những người đồng cấp ở các nước đối tác TPP khác và cách thức để thúc đẩy Hiệp định này mà không cần đến Mỹ”.

Đây là những lời từ đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại khu vực.

Trong Sách Trắng về chính sách đối ngoại tháng 11/2017, chính phủ Úc khẳng định lợi ích của họ được đảm bảo tốt nhất dưới sự lãnh đạo liên tục của Mỹ. Tuy nhiên, văn kiện này khẳng định rằng Úc sẽ không bị động khi đối mặt với chính sách thiếu nhất quán từ Mỹ.

Tài liệu cũng cho thấy Úc chấp nhận Trung Quốc là cường quốc quan trọng nhất ở châu Á-Thái Bình Dương:

“Năng lực của Trung Quốc trong việc đón nhận trách nhiệm hỗ trợ an ninh khu vực và toàn cầu đang tăng lên… Úc sẽ tăng cường quan hệ với Trung Quốc, nước hiện là một thực thể địa chính trị lớn có khả năng tác động đến hầu như tất cả các lợi ích quốc tế của Úc… Úc sẽ tiếp tục ưu tiên kết nối một cách tích cực và chủ động với Trung Quốc”.

Việc Mỹ rút khỏi TPP cũng thúc đẩy các cuộc thảo luận và đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một thỏa thuận kinh tế của 16 nước. Thỏa thuận này mang đến cho Úc quyền tiếp cận cao hơn vào thị trường Ấn Độ và Trung Quốc, đồng thời chiếm hơn 60% giao dịch song phương của Úc, một tỷ lệ lớn hơn cả khi tham gia vào TPP.

Việc Úc sẵn sàng xây dựng các mối quan hệ kinh tế quan trọng độc lập với Mỹ có thể tác động tới những vấn đề an ninh và đối ngoại khác, đặc biệt là nỗ lực chống lại sự gây hấn của Trung Quốc. Nói một cách khác, Úc sẽ không còn sẵn sàng đóng băng quan hệ với Trung Quốc, kể cả khi Mỹ đề nghị làm như vậy.

Thời mà Úc sẵn sàng trở thành một “bạn bè” của Mỹ trong mọi vấn đề dường như đã qua.

Nhật Bản: Xây dựng con đường mới

Nhật Bản và Mỹ là đồng minh quân sự kể từ khi kết thúc Thế chiến II. Với nhu cầu an ninh đặc biệt trong bối cảnh một Trung Quốc hung hăng và một Triều Tiên nhạy cảm, Nhật Bản giữ mối quan hệ đồng minh chặt chẽ với Mỹ.

Về mặt kinh tế, Tokyo có mối quan hệ rất chặt chẽ với Washington, quan hệ thương mại hai chiều trị giá khoảng 195,5 tỷ USD. Tuy nhiên, tương tự như Úc, mối quan hệ này đang phải đối mặt với một số căng thẳng.

Nhật Bản xem TPP là công cụ để khôi phục nền kinh tế trì trệ của mình. Do đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phải nỗ lực vượt qua sự phản đối của những người theo chủ nghĩa dân tộc bảo thủ để ký kết hiệp định thương mại.

Việc rút khỏi TPP một cách đơn phương của chính quyền Trump khiến Thủ tướng Abe rơi vào thế khó. Do đó, Nhật Bản miễn cưỡng đảm nhận vai trò lãnh đạo trong việc đàm phán lại thỏa thuận TPP-11.

Nhật Bản cũng đã tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc, hợp tác trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI), ủng hộ Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc lãnh đạo và khuyến khích các cuộc đàm phán về RCEP.

Ngoài ra, hiệp định thương mại tự do EU-Nhật Bản, được ký vào tháng 7/2018, có thể định hướng lại nền kinh tế Nhật Bản tách khỏi Mỹ và hướng tới Liên minh châu Âu. Nhật Bản cũng đang tìm cách tăng cường mối quan hệ với một số quốc gia khác, gồm có Úc, Singapore, Myanmar và Ấn Độ.

Việt Nam: Chính sách cân bằng thực dụng

Khác với Nhật Bản và Úc, mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ, được đánh dấu bởi Chiến tranh Việt Nam và quan điểm độc lập của nước này. Tuy nhiên, Việt Nam chia sẻ mối quan tâm chung về an ninh và kinh tế với các nước láng giềng châu Á.

Thứ nhất, cũng như Nhật Bản và Úc, Trung Quốc là mối quan tâm cấp bách và thường trực đối với Việt Nam.

Thứ hai, Việt Nam cũng đang tìm kiếm cơ hội thị trường mới ở châu Á và rộng hơn nữa. Cam kết chặt chẽ hơn với Mỹ sẽ giúp Việt Nam tiếp cận thị trường béo bở của nước này và tạo sự cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc.

Trong số 12 nước tham gia ký kết TPP ban đầu, Việt Nam là nước có GDP bình quân đầu người thấp nhất và được cho là có nhiều động lực nhất để tham gia thỏa thuận. Quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ cũng tạo điều kiện cho Hà Nội gần gũi hơn với một quốc gia đủ sức đối trọng với Trung Quốc.

Tuy nhiên, ngay cả sau khi Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam vẫn tham gia tích cực vào các cuộc thảo luận TPP-11 và đã ký kết thỏa thuận vào tháng 3/2018.

Việt Nam tin rằng việc tham gia các hiệp định kinh tế đa phương sẽ bảo vệ lợi ích của đất nước, bằng cách phát triển kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, trong bối cảnh Mỹ thay đổi các ưu tiên trong chính sách đối ngoại.

Trong khi Mỹ vẫn sa lầy trong một chính sách đối ngoại thiếu nhất quán, Việt Nam đang theo đuổi một chiến lược được xây dựng cẩn thận, dựa trên sự thấu hiểu về an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế.

Việt Nam vẫn thận trọng quan tâm đến việc tăng cường quan hệ với Mỹ, đồng thời tham gia vào các thỏa thuận đa phương và song phương khác. Sự mâu thuẫn tiếp diễn trong chính sách của Mỹ có thể thuyết phục Việt Nam về việc tốt hơn hết là tập trung vào mối quan hệ với Trung Quốc và các chủ thể khác trong khu vực.

Chủ nghĩa đa phương và lợi ích quốc gia

Là đồng minh lâu đời, Úc và Nhật Bản đã tạo nên mối quan hệ bền vững với Mỹ dựa trên các giá trị và lợi ích chung. Nhưng các đồng minh này có lý do chính đáng để lo sợ rằng, trong những thập kỷ tới, Mỹ sẽ không duy trì cam kết với các đồng minh trong khu vực.

Do đó, các nước này tìm cách gắn kết chặt chẽ hơn với Trung Quốc và thúc đẩy các thỏa thuận khu vực đa phương.

Về phần mình, Việt Nam nhìn nhận Mỹ như là một biện pháp đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. Trong trường hợp Mỹ không có các cam kết đáng tin cậy và ổn định, Việt Nam cũng đã bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia mình thông qua quan hệ đối tác với các nước khác.

Nói thẳng ra, các nước trong khu vực không chờ đợi Mỹ mà tự tìm cách giải quyết các vấn đề tự thân của mình, và chủ động chiếm lĩnh các vị trí trên trường quốc tế nhằm đảm bảo tối đa lợi ích an ninh quốc gia.

Ba nước được nghiên cứu ở trên có lẽ sẽ tiếp tục phát triển một chính sách chiến lược đa dạng, trong đó có sự tham gia lớn hơn từ Trung Quốc. Tuy nhiên, mỗi nước cũng đều có lý do để cảnh giác với sức ảnh hưởng và sự quyết đoán từ cường quốc đang trỗi dậy này.

Trong hầu hết các sáng kiến song phương và hoạt động can thiệp ở nước ngoài, Trung Quốc cho thấy lợi ích của mình là đơn phương, được thiết kế chỉ để có lợi cho riêng Trung Quốc.

Mặc dù các quốc gia tiếp nhận đầu tư có thể thu được lợi ích ngắn hạn, như việc tiếp cận thị trường Trung Quốc hay có được các khoản viện trợ phát triển, Trung Quốc chắc chắn sẽ “gài” những điều khoản nhằm mang lại lợi ích cho họ về lâu dài, trên cả kinh tế và chính trị.

Chúng ta có thể thấy Trung Quốc đã sử dụng mối quan hệ kinh tế của mình để tác động đến kết quả chính trị ở nhiều nước, trong đó có Úc. Các quốc gia quan hệ với Trung Quốc phải thận trọng mới có thể bảo vệ chủ quyền về chính trị và kinh tế của mình.

Chính vì vậy, Nhật Bản, Úc và Việt Nam nên tiếp tục xây dựng các thỏa thuận đa phương, một sân chơi còn nhiều đất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hợp tác với các nước khác là cách tốt nhất chống lại sự xói mòn quyền lực của Mỹ và sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Việc cả 3 nước đàm phán và ký kết TPP-11 là một tín hiệu đáng khích lệ đối với những nước này và cả các nước thành viên khi nhận ra tầm quan trọng của việc chuyển đổi qua các thể chế và thỏa thuận đa phương.

Cuối cùng, để bảo vệ vị thế là một đối tác thương mại và an ninh có giá trị, Mỹ nên tìm cách trấn an các nước châu Á bằng cách tiếp tục tăng cường an ninh, kinh tế để thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng của khu vực. Điều đó bao gồm việc sẵn sàng thể hiện sự tôn trọng và điều tiết các đối tác của mình, cả cũ và mới.

Ngay cả sau thời kỳ bá quyền, một trật tự toàn cầu dựa trên sự hợp tác đa phương cũng có thể mang lại lợi ích chung cho tất cả thành viên, kể cả Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới