Wednesday, January 8, 2025
Trang chủĐàm luậnVề mối quan hệ Mỹ-Nga-Trung

Về mối quan hệ Mỹ-Nga-Trung

Sau khi nghe tin ông Mattis-Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ- từ chức, Konstantin Kosachev, đứng đầu Ủy ban Đối ngoại tại Thượng viện Quốc hội Nga, nói rằng: “Sự ra đi của Mattis là một tín hiệu tích cực đối với Nga vì Mattis là người hiếu chiến đối với cả Nga và Trung Quốc hơn là Donald Trump”.

Về quyết định Trump rút quân khỏi Syria,  Tổng thống Nga Putin nói: “Vấn đề này, Donald đã đúng. Tôi đồng ý với ông ta”. Cách Putin gọi Trump bằng tên thân mật “Donald” rất hiếm thấy, dường như Putin muốn cho cả thế giới biết mối quan hệ đặc biệt giữa ông và Trump.

Từ lúc nhậm chức tổng thống Mỹ cho đến nay, Trump đã đẩy mạnh chính sách cô lập nước Mỹ trong sự phản đối của lưỡng đảng và ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng Mattis cũng đã từ chức. Điều này đã tạo ra những khoảng trống quyền lực cho cả Nga và Trung Quốc gia tăng tầm ảnh hưởng và xích lại gần nhau.

Cách đây hơn một tuần, hai chiếc máy bay ném bom Tu-160 Blackjack, có khả năng hạt nhân đã bay hơn 10 giờ ở vùng biển Caribbean. Hành động này đã gây ra “nỗi lo lắng về nguy cơ Chiến Tranh Lạnh 2.0” tại khu vực Mỹ La Tinh. Đây là màn trình diễn phô trương sức mạnh của Nga đối với Hoa Kỳ.

Nhật Bản cũng vừa phản đối sau khi Nga xây bốn doanh trại thuộc quần đảo Kuril đang tranh chấp với Nhật Bản và sắp cho chuyển quân đến đây. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, có khoảng 3500 binh lính Nga trên hai hòn đảo lớn nhất trong khu vực tranh chấp, thuộc quần đảo Kuril.

Tháng 9/2018, lần đầu tiên Nga mời Trung Quốc tập trận Vostok-2018 “lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh”, với sự tham gia của 300 nghìn quân.

Đến nay Trung Quốc vẫn tiếp tục chiến lược bành trướng để tăng cường ảnh hưởng quốc tế. Tại Biển Đông, Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa nhằm kiểm soát và thống trị vùng biển quan trọng này.Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nói với Quốc hội Mỹ rằng “chỉ có chiến tranh mới ngăn được Trung Quốc kiểm soát biển Đông”.

Ngày 18/12, không quân Trung Quốc triển khai biên đội gồm các oanh tạc cơ H-6K, chiến đấu cơ Su-30 và trinh sát cơ Y-9JB, thực hiện cuộc diễn tập tuần tra và tác chiến tầm xa gần đảo Đài Loan. Gần đây, Trung Quốc liên tục tiến hành diễn tập không quân và hải quân ở khu vực quanh đảo Đài Loan, với các vũ khí hiện đại.

Tháng 5/2018, Mỹ cũng đã cáo buộc căn cứ quân sự Trung Quốc ở Djibouti, sử dụng tia laser để tấn công máy bay C-130 của Mỹ, hoạt động tại căn cứ Camp Lemonnier gần căn cứ Trung Quốc vài cây số, khiến hai phi công Mỹ bị thương tích trong lúc hạ cánh.

Nhật Bản cũng vừa tăng ngân sách quốc phòng lên 47 tỉ đô la cho năm 2019 và đây là mức tăng kỷ lục lần thứ năm liên tiếp, nhằm tăng cường khả năng quân sự trước mối đe dọa từ Trung Quốc trong sự yếu thế của Hoa Kỳ tại Châu Á. Chiến lược “xoay trục sang Châu Á” của Tổng thống Obama nhằm đối phó với Trung Quốc đã suy yếu nghiêm trọng.

Việc rút quân khỏi Syria của Trump là để hợp tác với Nga nhằm đối phó với Trung Quốc. Rõ ràng đây là suy luận không căn cứ. Trên thực tế, suy luận đó là ảo tưởng bởi các bằng chứng thuyết phục đều chứng minh cả Nga và Trung Quốc đang tăng cường hợp tác mạnh mẽ nhằm đối phó với Hoa Kỳ.

Giáo sư Graham Allison, Giám đốc Trung tâm Khoa học Quốc tế Belfer tại Đại học Harvard và cũng là học giả nổi tiếng với Cụm từ “bẫy Thucydides” đã có bài phân tích cảnh báo về một liên minh Trung – Nga đang hình thành mạnh mẽ: “Bị từ chối các cơ hội ở phương Tây, Nga có phương án nào khác ngoài việc chuyển sang phương Đông? Sự kết hợp của các chiến lược tầm xa và ngoại giao tinh tế của Trung Quốc và sự vụng về của Hoa Kỳ và Tây Âu, đã dần tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa hai đối thủ địa chính trị là Nga và Trung Quốc.

Trong quan hệ quốc tế, một bài học cơ bản quan trọng đó là “Kẻ thù của kẻ thù ta, chính là bạn ta”. Sự cân bằng sức mạnh của quân đội, kinh tế, tình báo, ngoại giao giữa các đối thủ là rất quan trọng. Trung Quốc đã thuyết phục Nga ngồi về phía Trung Quốc làm tăng thêm sức mạnh của Trung Quốc, một siêu cường hạt nhân bên cạnh một siêu cường kinh tế.

Khi áp lực của Mỹ đối với Nga gia tăng thông qua các lệnh trừng phạt sau khi Nga sáp nhập Crimea và một nỗ lực ngoại giao để cách ly Nga, thì Trung Quốc đã mở rộng vòng tay với Nga. Tại mọi thời điểm Hoa Kỳ và Tây Âu gây khó cho Nga, Trung Quốc đã chìa tay bày tỏ quan tâm.  Hãy xem xét những gì đã thực sự xảy ra trong quan hệ Trung-Nga theo bảy chiều: nhận thức về mối đe dọa, mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo, công nhận chính thức dành cho nhau, hợp tác quân sự và tình báo, hợp tác kinh tế chặt chẽ, phối hợp ngoại giao và định hướng tầng lớp giàu có. Khi Nga hoặc các nhà lãnh đạo an ninh Trung Quốc nghĩ về các mối đe dọa hiện tại, bóng ma mà họ nhìn thấy là Hoa Kỳ. Họ tin rằng Hoa Kỳ không chỉ thách thức lợi ích của họ ở Đông Âu hay Biển Đông, mà còn tích cực tìm cách làm suy yếu chế độ độc tài chuyên chế của họ.

Trong những năm gần đây, Nga không chỉ bán cho Trung Quốc các hệ thống phòng không tiên tiến nhất của họ, S-400, mà còn tích cực tham gia với Trung Quốc trong hoạt động nghiên cứu và phát triển trên các động cơ tên lửa và UAV. Các cuộc tập trận quân sự chung của hải quân hai nước ở Biển Địa Trung Hải vào năm 2015, Biển Đông năm 2016 và Biển Baltic năm 2017. Khi bỏ phiếu trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, họ đồng ý với nhau 98%. Nga đã ủng hộ mọi quyền phủ quyết của Trung Quốc kể từ năm 2007”.

Ngày 8/6/2018, Tập Cận Bình đã trao tặng Huân chương Hữu nghị đầu tiên của Trung Quốc cho Putin và gọi Putin là người bạn thân thiết nhất của mình.Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Thêm nữa, Nga và Trung Quốc đang đàm phán tăng cường hợp tác các dự án “Vành đai và Con đường” (Belt and Road) của Trung Quốc cũng như “Liên minh Kinh tế Á-Âu” (Eurasian Economic Union) của Nga.

Mặc dù Trung Quốc và Nga có những hiềm khích riêng trong quá khứ, nhưng cả hai sẵn sàng gác lại, để cùng đối phó với kẻ thù chung: Hoa Kỳ và các nước dân chủ. Cả Putin và Tập Cận Bình đều xem nền dân chủ và cuộc vận động dân chủ (democracy advocate) của Hoa Kỳ là một mối đe dọa với vận mệnh chính trị của mình.

Từ khi Trump nhậm chức tổng thống, cuộc vận động dân chủ và cải thiện nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ đã suy yếu rõ rệt. Theo ngân sách mà Nhà Trắng đệ trình cho năm 2019, nguồn tài chính cho tổ chức Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (National Endowment for Democracy) và các chương trình thúc đẩy dân chủ khác giảm mạnh.

Ảnh hưởng hiện nay của Hoa Kỳ tại châu Á, châu Âu và Trung Đông giảm đáng kể trong sự trỗi dậy mạnh mẽ của liên minh độc đoán Trung-Nga. Các tổ chức xã hội dân sự là nền tảng quan trọng của nền dân chủ Mỹ, góp phần mang đến chiến thắng cho Đảng Dân chủ tại Hạ viện sau một thập kỷ trong cuộc bầu cử giữa kỳ 6/11.

Rất nhiều tổ chức dân sự Mỹ đã vận động cử tri bầu cho Đảng Dân chủ để kiểm soát quyền lực của Trump bởi chính sách cô lập và khen ngợi độc tài đang gây hại cho nền dân chủ Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới