Indonesia trong tuần này thiết lập một căn cứ quân sự với hơn 1.000 binh sĩ trên quần đảo Natuna ở rìa phía Nam biển Đông nhằm ngăn chặn các mối đe dọa an ninh.
Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo trên tàu chiến gần quần đảo Natuna. Ảnh: SCMP
Căn cứ được khánh thành hôm 18-12 nằm tại khu Selat Lampa trên đảo Natuna Besar, thuộc quần đảo Natuna – một trong những khu vực xa xôi nhất của Indonesia và cách đảo Borneo hơn 200 km.
Trong buổi lễ khánh thành căn cứ, Tư lệnh Các Lực lượng Vũ trang quốc gia Indonesia Hadi Tjahjanto cho hay tiền đồn này được thiết lập như một cơ sở răn đe để chống lại bất kỳ mối đe dọa an ninh tiềm tàng nào, đặc biệt tại các khu vực biên giới.
Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo hôm 19-12 nhấn mạnh quần đảo Natuna với dân số 169.000 người là lãnh thổ chủ quyền của nước này. “Nếu mọi người muốn chúng tôi chiến đấu thì cùng nhau, chúng ta sẽ làm điều đó” – ông Widodo cho hay.
Ông Collin Koh Swee Lean, nhà phân tích tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho rằng kế hoạch lập căn cứ quân sự tại quần đảo Natuna đã được thực hiện trong nhiều năm và vụ va chạm với Trung Quốc hồi năm 2016 tạo thêm động lực để Indonesia thực hiện kế hoạch này.
Ông Hadi không tiết lộ số quân nhân chính xác tại khu vực Natuna nhưng cho biết căn cứ mới có một tiểu đoàn lục quân, cùng đại đội thủy quân lục chiến, kỹ sư và pháo binh. Trong quân đội Indonesia, một tiểu đoàn thường có từ 825-1.000 quân nhân trong khi một đại đội có khoảng 100 binh sĩ.
Theo Tư lệnh Hadi, việc phát triển căn cứ quân sự kiểu này dự kiến cũng sẽ được thực hiện tại các đảo chiến lược khác. Căn cứ mới cũng có một nhà chứa máy bay phục vụ một đội máy bay không người lái và sẽ được nâng cấp tùy theo mức độ đe dọa, song song đó, các binh sĩ tại đây luôn sẵn sàng tham gia bất kỳ hoạt động quân sự nào.
Tờ South China Morning Post (Hồng Kông) hôm 19-12 dẫn kết quả cuộc khảo sát thường niên về những điểm nóng nhất mà các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ đối mặt trong năm tới.
Theo đó, cuộc xung đột vũ trang vì tranh chấp trên biển Đông có thể là một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong năm 2019.
Bên cạnh căng thẳng trên biển Đông, Trung tâm Hành động phòng ngừa thuộc Hội đồng Đối ngoại Mỹ lần đầu tiên xếp Đài Loan vào danh sách những điểm nóng nhất cần theo sát.
Trung tâm này cũng nêu lên một số căng thẳng mới liên quan đến nguy cơ đối thoại thất bại của Washington với Bình Nhưỡng trong vấn đề loại bỏ vũ khí hạt nhân, nguy cơ xảy ra tấn công mạng nhằm phá hoại mạng lưới và cơ sở hạ tầng của Mỹ, quan hệ thù địch giữa Iran với Mỹ hoặc các đồng minh có thể khiến chính phủ Mỹ phải hành động trong năm tới.
Theo báo cáo được công bố hôm 17-12 này, Washington sẽ phải cân nhắc phản ứng của mình đối với những vấn đề nóng đó trong bối cảnh đang xung đột với Bắc Kinh về thương mại và các vấn đề khác.