Tại hội thảo “Thúc đẩy hợp tác an ninh biển trên Biển Đông”, phó đại sứ Anh cùng đại diện các nước nhất trí rằng hợp tác là giải pháp giúp Biển Đông duy trì hòa bình và ổn định.
Các đại biểu tại phiên thảo luận thứ nhất của hội thảo “Thúc đẩy hợp tác an ninh biển ở Biển Đông”.
Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo “Thúc đẩy hợp tác an ninh biển trên Biển Đông” diễn ra ngày 4/12, ông Steph Lysaght, phó đại sứ Anh tại Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác và hợp tác quốc tế trong một thế giới phức tạp với xu hướng hành động đơn phương đang nổi lên.
“Quan hệ đối tác là vấn đề cốt lõi mà chúng ta sẽ thảo luận ngày hôm nay. Có câu nói rằng ‘không ai là một hòn đảo, tự tại riêng một mình mình’. Điều này cũng đúng với các quốc gia. Tuy nhiên, xu hướng tiếp cận và hành động đơn phương đối với các vấn đề chính đang được phản ánh ở Đông Nam Á”, ông nói.
Theo ông, ngày càng ít cam kết đối với các hoạt động đa phương và quan hệ đối tác để giải quyết những vấn đề lớn nhất. Các tổ chức đa phương cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự đồng thuận và giải pháp.
“Chúng ta ở đây hôm nay để thảo luận vấn đề này qua lăng kính an ninh hàng hải ở Đông Nam Á. Đó là một vấn đề đa chiều và quan trọng, liên quan đến câu hỏi lớn hơn mà chúng ta phải đối mặt, đó là liệu các nước có đủ cam kết đối với các quy tắc dựa trên hệ thống quốc tế hay không.
Do đó, điều quan trọng là các diễn đàn như hôm nay góp phần khẳng định rằng các quy tắc dựa trên hệ thống quốc tế hoạt động hiệu quả. Nếu nơi nào luật pháp quốc tế chưa hoạt động, thì chúng ta có thể khiến nó hoạt động”, phó đại sứ Anh nói thêm.
Với sự hợp tác đồng tổ chức của Học viện Ngoại giao (DAV), Đại sứ quán Anh và Đại sứ quán Australia, hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu đại diện gần 30 phái đoàn ngoại giao tại Việt Nam cùng các chuyên gia và học giả trên nhiều lĩnh vực.
Qua ba phiên thảo luận, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, góc nhìn và đi đến nhất trí rằng thúc đẩy hợp tác giữa các nước dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế sẽ giúp cho khu vực Biển Đông nói riêng và thế giới nói chung trở nên hòa bình, ổn định và thịnh vượng hơn.
Trả lời phỏng vấn tại hội thảo, Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick cho biết đã chia sẻ kinh nghiệm thành công của nước này trong việc hòa giải tranh chấp ranh giới trên biển với Timor Leste năm 2017.
“Quá trình hòa giải không chỉ mang lại kết quả tốt đẹp cho hai nước Australia và Timor Leste, mà còn là minh chứng rằng chúng ta có thể sử dụng luật pháp để giải quyết được những tranh chấp một cách hòa bình. Các nước như Malaysia và Nhật Bản cũng đã chia sẻ về kinh nghiệm tương tự của chính nước họ”, Đại sứ Chittick nói.
“Đây là cách mà các nước trong khu vực hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy quá trình thượng tôn pháp luật mà các nước cần tuân thủ. Từ đó, các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông có thể xem xét để rút ra giải pháp mang tính lâu dài và dựa trên luật pháp quốc tế, đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực”, ông Chittick nói thêm.
Theo bà Phạm Lan Dung, phó giám đốc Học viện Ngoại giao, hội thảo thể hiện tinh thần chủ động và trách nhiệm của Việt Nam trong việc bảo vệ hoà bình, trật tự khu vực và luật pháp quốc tế. Dự kiến sau hội thảo, các bên tham gia sẽ hợp tác xuất bản nghiên cứu trên tạp chí khoa học quốc tế.
Đây là lần thứ ba hội thảo được Học viện Ngoại giao và Đại sứ quán Anh phối hợp cùng các đối tác tổ chức, với lần đầu tiên sự kiện diễn ra năm 2016. Trọng tâm của hội thảo về an ninh hàng hải và nỗ lực ủng hộ hệ thống quốc tế dựa trên pháp luật.