Hai trong số bốn sự kiện còn lại mới xảy ra gần đây là: Mỹ và các đồng minh liên kết cùng nhau tảy chay các thiết bị và dịch vụ của Huawei và chống lại bẫy nợ của Trung Quốc thông qua sáng kiến “vành đai – con đường” ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Donald Trump “hợp tung, liên hoành” để “đánh” Trung Quốc (Phần 1)
Ngày 17.11.2018, tại Hội nghị cấp cao APEC, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence kêu gọi các nước cảnh giác với sáng kiến “vành đai – con đường” của Trung Quốc
Cùng nhau hành động ngăn chặn thiết bị và dịch vụ của Huawei
Với sự khởi đầu của thời đại 5G (Thế hệ mạng di động thứ 5 hoặc hệ thống không dây thứ 5), Mỹ tỏ ra rất lo ngại về ý đồ muốn dẫn đầu thế giới của Tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei (Hoa Vi) trong lĩnh vực công nghệ 5G. Mỹ là nước đầu tiên cấm các cơ quan chính phủ sử dụng các thiết bị và dịch vụ của Huawei. Lý do chủ yếu khiến Mỹ ra tay là qua xem xét thấy mối quan hệ đặc biệt giữa Huawei với chính phủ Trung Quốc có thể khiến Bắc Kinh thông qua Huawei để giám sát hoặc can dự, gây nên nguy cơ về an ninh cho các quốc gia phương Tây.
Mặc dù Huawei nhiều lần phủ nhận họ có quan hệ với chính phủ Trung Quốc, nhưng nhiều báo cáo của các cơ quan tình báo đều nêu rõ, Huawei không thể thoát ra khỏi quan hệ gắn chặt với chính phủ. Ngay từ năm 2012, Ủy ban Tình báo Hạ nghị viện Mỹ đã cảnh báo trong một bản báo cáo: Huawei đã cung cấp dịch vụ mạng đặc biệt cho cơ quan tác chiến mạng của quân đội Trung Quốc; các thiết bị mạng của Huawei được sử dụng để giám sát người Mỹ hoặc khiến cho hệ thống mạng thông tin của Mỹ không ổn định.
Australia – một đồng minh kiên định của Mỹ hồi tháng 8.2018 đã chính thức quyết định cấm cửa hai công ty Trung Quốc Huawei và ZTE (Trung Hưng) liên quan đến hạng mục xây dựng mạng 5G của nước này với lý do xét đến an ninh quốc gia. New Zealand – một quốc gia chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ cũng áp dụng hành động cấm sử dụng thiết bị 5G của Huawei.
The Wall Street Journal gần đây dẫn lời nhiều người trong cuộc am hiểu tình hình, cho biết: chính phủ Mỹ đã triển khai hành động đặc biệt ở nước ngoài với ý định thuyết phục các hãng cung ứng mạng không dây và internet ở các nước đồng minh tẩy chay, không sử dụng thiết bị của Huawei; đồng thời đặc biệt nhắc nhở các quan chức chính phủ và giới quản lý cao cấp ngành viễn thông của các nước đồng minh như Đức, Italy, Nhật về nguy cơ an toàn mạng khi sử dụng các thiết bị của Huawei.
Đầu tháng 12, chính phủ Nhật đã chính thức loại các sản phẩm thiết bị thông tin của Huawei và ZTE ra khỏi danh mục đặt mua hàng nội bộ chính phủ; lý do là để đảm bảo các thiết bị mạng không có chức năng ác ý lấy cắp, phá hoại và gây nhiễu hệ thống thông tin. Trước khi tuyên bố, chính phủ Nhật khi tháo rời thiết bị của Huawei đã bất ngờ tìm thấy các linh kiện dư thừa. Điều này chứng minh cho mối lo ngại của Mỹ và các nước đồng minh là có cơ sở.
Các quan chức Mỹ và Đức cho Financial Times biết, gần đây, Mỹ đã thông qua nhiều phương thức, trong đó có việc hồi tháng 11 cử đoàn đại biểu đi thăm châu Âu, kêu gọi các đồng minh như Anh, Đức… cần bảo đảm an toàn cho mạng viễn thông và chuỗi cung ứng của mình.
Hai nước Đức và Anh đang chuẩn bị để đầu năm 2019 gọi thầu xây dựng mạng 5G. Huawei hiện là hãng cung cấp thiết bị viễn thông và mạng lớn nhất thế giới, hiện đang đứng đầu thị trường viễn thông ở hai quốc gia này và cũng đang tiến hành thử nghiệm rộng rãi mạng 5G ở đây.
Tuy nhiên, hãng điện tín lớn nhất Anh là British Telecom (BT) hồi đầu tháng 12 đã bất ngờ loại bỏ Huawei ra khỏi danh sách các hãng dự thầu cung cấp thiết bị mạng 5G, lại còn tuyên bố trong vòng 2 năm sẽ loại bỏ hết các thiết bị của Huawei hiện có trong mạng 4G của họ với lý do hành động này sẽ giúp đảm bảo an toàn cho các hoạt động và thông tin nhạy cảm như tư liệu cá nhân của khách hàng. Được biết, năm 2016, British Telecom đã thu mua Everything Everywhere (EE) – hãng vận hành mạng thông tin di động của Anh, mà mạng 3G và 4G của EE thì sử dụng rất nhiều thiết bị của Huawei, trong đó có các thiết bị cốt lõi.
Công ty viễn thông Deutsche Telekom của Đức cũng cho biết, họ đang xem xét lại sách lược thẩm định các hãng cung ứng sản phẩm mạng. Deutsche Telekom là một trong số những khách hàng lớn nhất của Huawei; hiện nay hàng chục ngàn trạm phát sóng di động của hãng này đều sử dụng thiết bị của Huawei. Các thiết bị cốt lõi điện toán đám mây cũng đều sử dụng công nghệ của Huawei. Một quan chức Đức cho Financial Times biết, trong việc có sử dụng thiết bị Huawei hay không, “ảnh hưởng của Mỹ đối với Đức gần đây ngày càng lớn”. Chính phủ Đức ngày càng lo ngại về việc nếu cho phép Huawei tham gia xây dựng mạng 5G sẽ gây nên nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.
Ông Raffaello Pantucci, người chủ quản think tank Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute, RUSI) cho biết, Mỹ đang gây sức ép với Trung Quốc và liên kết các nước đồng minh để thúc đẩy chính sách với Trung Quốc của họ. Ông nói: “Hiện nay ở Anh, điều có thể khẳng định là phái cứng rắn với Trung Quốc hiện đã chủ đạo việc đối thoại với Trung Quốc”.
Ông Stephane Richard, người điều hành Hãng viễn thông Orange lớn nhất của Pháp mới đây cũng thẳng thắn cho biết, công ty ông tới đây sẽ không sử dụng thiết bị của Huawei cho mạng 5G của mình vì chính phủ Pháp yêu cầu phải thận trọng.
Mỹ và Australia, Nhật, Ấn Độ cùng nhau chống lại ảnh hưởng của “Vành đai, con đường” ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Những năm gần đây, Trung Quốc thông qua việc thúc đẩy sáng kiến chiến lược “Vành đai, con đường” để gia tăng ảnh hưởng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thế nhưng, hiện đã có nhiều báo cáo cho thấy, sáng kiến “vành đai – con đường” của Trung Quốc đã khiến ít nhất 13 nước ở các châu Á, Phi, Âu lâm vào nguy cơ nợ nần. Từ đầu năm nay, một số quốc gia tham gia “vành đai – con đường” bắt đầu hủy bỏ hoặc sửa đổi hợp đồng vì phát hiện thấy các hạng mục này quá đắt đỏ hoặc không cần thiết.
Trong khi đó, Mỹ luôn chỉ trích Trung Quốc đang tiến hành kiểu “ngoại giao nợ nần” và liên kết với Australia, Nhật và Ấn Độ hình thành nhóm G4 châu Á, bắt tay nhau triển khai huy động vốn xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Mới đây, chính phủ Mỹ đã tiến hành cải cách phương thức đầu tư tư nhân ở nước ngoài đã thực thi mấy chục năm nay, cung cấp nhiều tiền vốn hơn cho các cơ cấu ngân hàng nước ngoài. Mỹ cho biết, dù nỗ lực của họ có thể không tương xứng với quy mô kế hoạch đầu tư thiết bị hạ tầng mà Trung Quốc đổ vào khu vực này, nhưng sự đầu tư của Mỹ sẽ tạo nên “hiệu ứng vòng sáng”, tức “dùng điểm kéo diện”, lôi kéo sự góp vốn của các đồng minh và các công ty tư nhân.
Mỹ cho rằng, sự khác nhau chủ yếu giữa hạng mục của họ cùng Nhật, Australia, Ấn Độ mang lại cho khu vực này với sáng kiến “vành đai – con đường” của Trung Quốc là ở chỗ có biện pháp kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm các dự án đều mang lại lợi ích cho cộng đồng ở địa phương và có tính khả thi về mặt thương mại.
Ông Mike Pence, Phó tổng thống Mỹ hồi tháng 11, khi tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đã tuyên bố, Mỹ sẽ tham gia sáng kiến chung xây dựng một căn cứ Hải quân tại Manus Island do Australia và Papua New Guinea đề xướng.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ hợp tác với các quốc gia này để bảo vệ chủ quyền và quyền lợi biển của các đảo quốc ở Thái Bình Dương”.
Trung Quốc lui bước trước sức ép?
Có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã có các động thái nhượng bộ trước sức ép nhiều mặt, liên tục của Mỹ và các nước đồng minh.
Ngày 24.12, Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố bắt đầu từ tháng 1.2019 sẽ giảm thuế đối với 706 mặt hàng nhập khẩu, trong đó có xe hơi năng lượng mới sử dụng pin Lithium-ion, khôi phục thực hiện thuế suất tối huệ quốc và từ 1.7 sẽ hủy bỏ thuế nhập khẩu đối với 14 loại sản phẩm kỹ thuật tin học.
Cũng ngày 24.12, trong khi Mỹ chưa thông báo gì thì Bộ Thương mại Trung Quốc đã chủ động cho biết: cuộc đối thoại mậu dịch Trung – Mỹ đã đạt tiến triển. Hôm 21.12, quan chức cấp Thứ trưởng hai nước đã điện đàm “trao đổi ý kiến về việc cân bằng mậu dịch và tăng cường bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ và đã đạt được tiến triển”.Đây là hai lĩnh vực rất được Mỹ quan tâm, nhưng “tiến triển mới” đó là gì thì họ không nói cụ thể.
Cách đây vài ngày, Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc đã xem xét, thông qua Dự luật đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhà đầu tư nước ngoài; trong đó quy định 4 điều: tăng cường bảo hộ quyền sản xuất của công ty do nước ngoài đầu tư, nhấn mạnh sự quản chế của các văn kiện có tính quy phạm liên quan đến đầu tư của nước ngoài, thúc đẩy chính quyền địa phương giữ vững các cam kết, hoàn thiện cơ chế khiếu nại tố cáo của các công ty vốn đầu tư nước ngoài.
Những động thái này được đưa ra sau Hội nghị công tác kinh tế trung ương vừa kết thúc hôm 21.12. Tờ Nhật báo kinh tế Hongkong cho biết, trong thông cáo của hội nghị có 2 lần nhắc đến quan hệ mậu dịch Trung – Mỹ đều với giọng điệu nhẹ nhàng: “Cần ổn định va chạm mậu dịch Trung – Mỹ”, “năm tới cần thực hiện nhận thức chung Tập Cận Bình – Donald Trump, thúc đẩy đàm phán kinh tế mậu dịch”. Điểm thứ 2 là nhấn mạnh trọng điểm công tác năm tới là mở rộng cửa – điều mà phía Mỹ rất quan tâm: bao gồm mở rộng cửa thị trường, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, đặc biệt là bản quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp nước ngoài, cho phép họ đầu tư kinh doanh riêng trên nhiều lĩnh vực hơn, mở rộng mậu dịch xuất nhập khẩu, thúc đẩy đa nguyên hóa thị trường xuất khẩu…Thứ 3 là không hề nhắc đến cái tên “Made in China 2025” lần nào. Cơ quan quy hoạch tối cao và cố vấn chính sách cao cấp đang dự thảo một kế hoạch thay thế, trong đó cam kết giảm thiểu trợ cấp cho các công ty quốc doanh và mở rộng con đường để các công ty nước ngoài tham gia vào ngành chế tạo Trung Quốc.
Ngoài ra, ông Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ mới đây khi trả lời Đài truyền hình quốc tế Trung Quốc (CGTN) cũng bày tỏ, các nhóm kinh tế hai bên Trung – Mỹ đang nỗ lực không ngừng, đang làm việc theo chiều sâu, hy vọng giành được tiến triển nhiều hơn. Ông cho rằng, quan hệ Trung – Mỹ “không phải đang ở vào thời kỳ lạnh giá, mà là thời kỳ làm nóng cơ thể (khởi động)”.