Saturday, November 9, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKinh tế Triều Tiên trước ngã ba đường

Kinh tế Triều Tiên trước ngã ba đường

Nền kinh tế CHDCND Triều Tiên được cho là đang có những thay đổi mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un trong bối cảnh căng thẳng khu vực giảm nhiệt.

Kyodo News hồi giữa tháng 10 dẫn lời Giáo sư Ri Gi-song thuộc Viện Khoa học xã hội ở Bình Nhưỡng cho biết Triều Tiên đạt tỷ lệ tăng trưởng kinh tế 3,7% trong năm 2017. Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội là 30,7 tỉ USD, tăng nhẹ so với 29,6 tỉ USD so với năm 2016. Dù những con số này chưa được kiểm chứng độc lập nhưng các quan chức và giới chuyên gia Mỹ cũng như Hàn Quốc nhận định với Thanh Niên rằng đây là chỉ dấu phản ánh nỗ lực phát triển kinh tế của Triều Tiên trong vòng vây cấm vận.
Bình Nhưỡng lột xác
 Trao đổi với phóng viên Thanh Niên trong chuyến làm việc tại Seoul (Hàn Quốc), Washington D.C và New York (Mỹ), cây bút bình luận Kim Jin-ho của tờ Kyunghyang Shinmun chia sẻ ấn tượng của ông về Bình Nhưỡng. Kể từ khi lần đầu đặt chân đến Triều Tiên năm 2003, ông đã 11 lần quay lại nơi này. “Vào tháng 8.2017, tôi trải qua 10 ngày ở Bình Nhưỡng. Nếu so với năm 2005, thành phố này hoàn toàn lột xác”, nhà báo kỳ cựu cho biết. Nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên, bao gồm một số chung cư và văn phòng làm việc 50 tầng. Đặc biệt, khu vực phố Ryomyong là điểm dự án trọng tâm của chính phủ nhằm thay đổi diện mạo của thủ đô. Đây là khu dân cư, thương mại hiện đại với 44 tòa nhà căn hộ mới, nhà hàng, công viên và một trung tâm mua sắm.
 
Các nhà hàng sang trọng cũng mọc lên như nấm. “Tôi đã đến một nhà hàng không khác gì ở Hàn Quốc nằm bên bờ sông Taedong, con sông chính chảy qua Bình Nhưỡng”, nhà báo Kim cho biết. Trang phục của người dân thủ đô cũng thay đổi mạnh mẽ với phụ kiện, túi xách, giày dép, khăn choàng dán tem “Made in DPRK” (sản xuất tại CHDCND Triều Tiên). Đây là bằng chứng cho thấy Triều Tiên đã phát triển được những ngành sản xuất đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, dưới áp lực cấm vận nặng nề, Triều Tiên vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong các lĩnh vực đòi hỏi đầu tư lớn, trong đó có y tế. Bình luận viên mảng thời sự quốc tế Ganbayar Gombojav của Đài Eagle News TV (trụ sở tại Ulaanbaatar, Mông Cổ), sau một số lần đến Bình Nhưỡng phát hiện những loại thuốc lưu hành trên thị trường đều xuất phát từ Trung Quốc với giá rất đắt đỏ.
Mô hình Việt Nam hay Trung Quốc ?
Kể từ khi lên lãnh đạo Triều Tiên vào năm 2011, ông Kim Jong-un thực hiện chính sách vừa phát triển vũ khí hạt nhân vừa chú trọng phát triển kinh tế. Đến nay, trong bối cảnh quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc có nhiều diễn biến tích cực, lãnh đạo Kim được cho là tập trung vào xây dựng kinh tế, thử nghiệm các mô hình cải cách và mở cửa. Sau nhiều năm theo dõi tình hình Triều Tiên, nhà báo Kim Jin-ho đưa ra giả thuyết lãnh đạo Kim Jong-un đang cân nhắc nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế theo kiểu Việt Nam hoặc Trung Quốc.
Theo ông, đường lối phát triển sức mạnh quân sự song hành với kinh tế là con đường mà Trung Quốc từng theo đuổi. Năm 1978, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình bắt đầu cải cách và mở cửa thị trường sau khi Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Mao Trạch Đông tuyên bố thử nghiệm thành công bom hạt nhân, đồng thời phóng vệ tinh lên quỹ đạo, tín hiệu cho thấy nước này sở hữu công nghệ tên lửa liên lục địa. “Có thể Triều Tiên đang theo hướng phát triển này”, nhà báo Kim nhận định.
Tuy nhiên, trả lời Thanh Niên, một quan chức Mỹ giấu tên tại Washington D.C lại cho rằng mô hình Trung Quốc không phù hợp với tình hình Triều Tiên vì một trong những lý do khiến kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng là nhờ dân số khổng lồ. Trong khi đó, mô hình của Việt Nam được đánh giá là thích hợp hơn vì 2 nước có nhiều tương đồng vào thời điểm khởi đầu.
Thực tế, trang tin Pulse News của Hàn Quốc dẫn lời một quan chức nước này tiết lộ lãnh đạo Kim đã bày tỏ sự quan tâm đến mô hình kinh tế của Việt Nam trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 4. Theo quan chức này, trong cuộc trò chuyện riêng giữa hai nhà lãnh đạo, ông Kim nhiều lần nhắc đến quá trình cải cách kinh tế của Việt Nam và cho rằng hình mẫu của Việt Nam là hợp lý hơn.
“Lãnh đạo Kim nói với Tổng thống Moon rằng ông ấy thích mô hình mở cửa của Việt Nam hơn Trung Quốc”, quan chức Hàn Quốc nói. Cũng trong tháng 4, tại phiên họp toàn thể của đảng Lao động Triều Tiên, lãnh đạo Kim cũng tỏ dấu hiệu từ bỏ chính sách theo đuổi cả phát triển kinh tế lẫn hạt nhân và cam kết dành toàn bộ nguồn lực quốc gia cho phát triển kinh tế.
RELATED ARTICLES

Tin mới