Monday, January 27, 2025
Trang chủBiển nóngAnh dự định mở căn cứ quân sự tại Đông Nam Á...

Anh dự định mở căn cứ quân sự tại Đông Nam Á sẽ khiến TQ bất an

Anh dự định lập hai căn cứ quân sự mới ở Đông Nam Á và vùng Caribbean sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), nhằm gia tăng sự hiện diện và ảnh hưởng tại các khu vực này. Giới quan sát nhận định động thái trên của Anh sẽ khiến chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông phải dè chừng. 

Anh dự định lập một căn cứ tại Singapore hoặc Brunei. Nguồn: BBC

Trả lời phỏng vấn tờ Telegraph hôm 31/12, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Wiliamson cho biết, Anh dự định lập hai căn cứ quân sự mới ở Đông Nam Á và vùng Caribbean sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). “Tôi cũng đang nghiên cứu kỹ vấn đề làm thế nào để tăng số lượng tài nguyên căn cứ tiền phương của chúng tôi, tạo ra yếu tố răn đe và đảm bảo sự hiện diện của Anh. Chúng tôi xem xét cơ hội như vậy không chỉ ở Viễn Đông, mà cả ở khu vực Caribbean”, Bộ trưởng Gavin Wiliamson nói. Tờ Telegraph dẫn nguồn từ giới thân cận với ông Williamson cho hay, Singapore hay Brunei ở Biển Đông, cũng như Guyana hay Montserrat ở Caribbean có thể trở thành địa điểm lập các căn cứ mới. Theo Bộ trưởng Williamson, việc Anh ra khỏi EU sẽ cho phép nước này một lần nữa đóng vị trí quan trọng trên trường quốc tế. “Đối với chúng tôi, đây là lúc chúng tôi có thể một lần nữa trở thành cầu thủ trong thế giới thực. Và tôi nghĩ rằng các lực lượng vũ trang đóng một vai trò thực sự quan trọng trong việc này”, Bộ trưởng Quốc phòng Anh nói thêm. Việc xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài là một phần kế hoạch mở rộng hiện diện quân sự của nước Anh trên thế giới, đồng thời cũng có thể coi đây là lời đáp của London sau lời kêu gọi của giới chức cấp cao Mỹ đề nghị đồng minh đẩy mạnh hiện diện quân sự ở Biển Đông nhằm gửi thông điệp cảnh báo tới Trung Quốc.

Trước khi cho biết về ý định định lập hai căn cứ quân sự mới ở Đông Nam Á và vùng Caribbean sau khi rời khỏi EU, Anh đã có nhiều động thái thể hiện sự hiện diện và vai trò trong khu vực và vấn đề Biển Đông. Hồi đầu năm, Anhcho biết sẽ triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông để tham gia một cuộc tuần tra tự do hàng hải, nhằm đối phó vớicác yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Dự kiến hoạt động này sẽ được thực hiện trong vài năm tới, sau khi tàu HMS Queen Elizabeth được trang bị đầy đủ vũ khí, cũng như được thử nghiệm xong. Hiện Anh cũng tăng cường hoạt động giao lưu hợp tác với các nước khu vực để gia tăng sự hiện diện. Hiện Anh và Australia đang tăng cường hợp tác quốc phòng song phương, nhất là trong hoạt động hải quân. Tập đoàn công nghiệp quốc phòng BAE của Anh đã được chọn để cung cấp 9 tàu chiến mới thuộc lớp Hunter, trong chương trình trị giá 35 tỷ AUD (khoảng 25,74 tỷ USD) cho Hải quân Hoàng gia Australia. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết Anh sẽ cũng Australia tiến hành các cuộc tuần tra chung “bảo vệ quyền tự do hàng hải và các tuyến vận tải tự do đường biển và đường không theo luật pháp quốc tế”.

Tháng 3/2018, tàu khu trục HMS Sutherland và Type 23 của Hải quân Hoàng gia Anh cũng đã tiến hành tuần qua hàng hải ở Biển Đông, sau khi tham gia huấn luyện với Hải quân Australia. Đây là lần thứ 3 kể từ năm 2013, Anh triển khai tàu chiến đến Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson lúc đó cho biết Mỹ, Anh, Australia và các nước khác đang “khẳng định giá trị của mình” ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh nói rằng, việc Anh điều tàu đến Biển Đông để góp phần duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và cho thấy sự ủng hộ của họ đối với quy tắc dựa trên luật pháp quốc tế. Bộ Quốc phòng Anh từng công khai ý định cho biết sau khi rút ra khỏi EU (Brexit), Quân đội Anh cần bảo vệ các tuyến đường thương mại trên biển chủ yếu, đặc biệt là lo ngại sự kiểm soát của Trung Quốc đối với Biển Đông. Hôm 31/8/2018, tàu đổ bộ HMS Albion thuộc Hải quân Hoàng gia Anh đã di chuyển qua quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đã bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải và phản bác các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Trung Quốc đã điều một tàu khu trục và hai trực thăng để thách thức hành động của tàu HMS Albion nhưng hai bên vẫn bình tĩnh trong cuộc chạm trán này. Mặc dù tàu chiến của Anh không đi vào vùng 12 hải lý xung quanh quần đảo Hoàng Sa, song hành động của họ thể hiện rằng Anh không công nhận những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trong khu vực. Tàu tấn HMS Albion của Hải quân Anh cũng có chuyến thăm hữu nghị đến Việt Nam từ ngày 3/9 đến ngày 6/9/2018 nhằm kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Anh (11/9/1973-11/9/2018) và triển khai các nội dung thỏa thuận giữa lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới