Mỹ cảnh báo việc Trung Quốc ngày càng quan tâm tới khu vực Nam Thái Bình Dương là tín hiệu cho thấy Trung Quốc có thể có tham vọng thiết lập một căn cứ quân sự tại đây trong tương lai; đồng thời kêu gọi các nước tăng cường hiện diện quân sự và tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông nhằm đối phó với Trung Quốc.
Mỹ gia tăng hiện diện quân sự tại Biển Đông. Nguồn: AFP
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương Randy Schriver cho biết Mỹ hoan nghênh việc Australia gần đây đã đẩy mạnh hoạt động hải quân ở Biển Đông và cho rằng việc nhiều đồng minh và đối tác khác của Mỹ tham gia vào hoạt động này sẽ tạo thêm áp lực đối với Trung Quốc. Theo Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nếu không phải là chiến dịch tự do hàng hải thì các nước chỉ cần tuần tra và hiện diện, đồng thời cảnh báo rằng việc Trung Quốc ngày càng quan tâm tới khu vực Nam Thái Bình Dương là tín hiệu cho thấy Trung Quốc có thể có tham vọng thiết lập một căn cứ quân sự tại đây trong tương lai. Các đồng minh của Mỹ như Australia, Anh, Pháp và Canada đều có động thái tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông bởi các nước này đều nhận thức rõ những hành vi vi phạm quy tắc và luật pháp quốc tế ở vùng biển này đều sẽ tác động tiêu cực đến tình hình toàn cầu.
Giới quan sát cho rằng Mỹ và các nước hiện nay đang rất quan tâm đến tự do và an toàn hàng hải ở Biển Đông. Mỹ là nước dẫn đầu hoạt động này. Mỹ thường phản đối các tuyên bố chủ quyền, hành động gây hấn và phát triển quân sự của Trung Quốc. Mỹ ủng hộ tự do lưu thông hàng hải, phản đối các hành động đơn phương, tự phân định ranh giới các vùng biển, đồng thời kêu gọi các nước tuân thủ luật pháp quốc tế, phản đối việc đe doạn sử dụng hoặc sử dụng vũ lực của bất kỳ bên nào, phản đối bất kỳ sự can thiệp trái phép nào vào các hoạt động kinh tế; kêu gọi Trung Quốc và các nước ASEAN tuân theo tinh thần của tuyên bố chung về ứng xử Biển Đông (DOC) và tự kiềm chế. Hiện nay, Mỹ đang thúc đẩy thiết lập cơ chế an ninh vùng để ngăn chặn hành động dùng vũ lực, tiếp tục đảm bảo sự hiện diện quân sự và tham gia gây ảnh hưởng đến các sự kiện xảy ra trong vùng, giữ vai trò người cân bằng lực lượng bên ngoài bằng cách hỗ trợ những nước khác yếu hơn trong khu vực làm đối trọng với sự gia tăng quyền lực của đối thủ tiềm năng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Thời gia qua, Mỹ đã gia tăng đáng kể sự hiện diện quân sự ở Biển Đông dưới hình thức tuần tra hàng hải, diễn tập quân sự. Tháng 6/2018, Mỹ đã triển khai tàu sân bay USS Ronald Reagan tuần tra trên Biển Đông sau đó cập cảng Manila của Philippines. Tháng 9/2018, Mỹ điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Gạc Mathực hiện nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải và nhằm phản bác những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời thể hiện cam kết của Mỹ về việc duy trì các quyền sử dụng vùng biển và không phận quốc tế theo đúng quy định. Tháng 11 vừa qua, Mỹ đã điều tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville tiến hành tuần tra tự do hàng hải tại Hoàng Sa. Mỹ liên tục cử máy báy ném bom chiến lược tuần tra tự do hàng không ở Biển Đông. Tháng 6/2018, Mỹ điều 2 máy bay ném bom B-52 bay cách các đảo thuộc quần đảo Trường Sa khoảng 30km. Tháng 8/2018, Mỹ điều 2 chiếc B-52H thuộc Phi đội ném bom viễn chinh 96 tham gia đợt diễn tập chống tàu ngầm cùng với máy bay do thám và săn tìm tàu ngầm P8-A Poseidon trên khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông. Tháng 9/2018, Mỹ liên tiếp điều 4 máy bay B-52H qua khu vực Biển Đông. Tháng 10/2018, Mỹ điều 2 chiếc B-52 bay từ căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam tiến gần các điểm đảo nhân tạo do Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông. Tháng 11/2018, Mỹ tiếp tục điều 2 máy bay ném bom B-52H tham gia sứ mệnh huấn luyện thường xuyên gần Biển Đông. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định “Biển Đông không thuộc về bất cứ một nước nào và Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tự do hàng hải và hàng không ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép cũng như các lợi ích quốc gia của Mỹ yêu cầu”.