Thursday, November 7, 2024
Trang chủBiển nóngĐường băng: Bước quân sự hóa rõ ràng của TQ ở Biển...

Đường băng: Bước quân sự hóa rõ ràng của TQ ở Biển Đông

Trong những năm qua, Trung Quốc đã xây dựng và đưa vào sử dụng ít nhất 3 đường băng (sân bay) có chiều dài từ 1 km đến 3 km trên các đảo nhân tạo do nước này chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông. Đây là những chứng cứ rõ ràng nhất về quá trình quân sự hóa của Trung Quốc tại khu vực này.

Các đường băng do TQ xây dựng trái phép tại đảo nhân tạo ở Biển Đông. Nguồn: CISI/AMTI

Đường băng 1 km trên đảo Phú Lâm: Đây là nơi đặttrụ sở hành chính của cái gọi là “thành phố Tam Sa”được Trung Quốc ngang nhiên công khai thành lập từ tháng 7/2012. Cùng với hoạt động quân sự hóa khác, Trung Quốc đã cho xây dựng và nâng cấp một đường băng dài 3.000 m và một cảng nước sâu dài 1.000 m trên đảo Phú Lâm. Đây là một trong những đường băng lớn nhất ở Biển Đông do Trung Quốc xây dựng trái phép. Đường băng này có khả năng đón nhận ít nhất tám máy bay thế hệ thứ tư như máy bay chiến đấu SU-30MKK và máy bay ném bom JH-7, trong khi các bến cảng có thể tiếp nhận những tàu có trọng tải từ 5.000 tấn trở lên. Phú Lâm nằm trong cụm đảo An Vĩnh, là đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đã bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp từ năm 1956. Những năm qua, Trung Quốc đã ngang nhiên xây dựng phi pháp và quân sự hóa đảo Phú Lâm nhằm phục vụ ý đồ độc chiếm toàn bộ Biển Đông. Hiện nay cơ sở hạ tầng trên đảo Phú Lâm đã hoàn chỉnh và được tổ chức như một thị xã. Với tham vọng bá quyền, Trung Quốc muốn biến Phú Lâm của Việt Nam thành một trung tâm kinh tế và căn cứ quân sự để làm bàn đạp vươn ra thôn tính toàn bộ Biển Đông. Từ năm 2016, Trung Quốc khoe khoang sẽ tiến hành các chuyến bay dân sự đến và đi từ đảo Phú Lâm bằng máy bay cỡ lớn như Boeing 737 có sức chứa đến 200 người có thể được dùng. Trung Quốc ngụy biện rằng sân bay trên đảo Phú Lâm sẽ thúc đẩy dịch vụ hàng không trong khu vực. Bên cạnh các chuyến bay “dân sự”, Trung Quốc đã đưa máy bay chiến đấu J-11 đến đảo Phú Lâm. Đây là loại máy bay tiêm kích thế hệ thứ 4, cũng là máy bay chủ lực của không quân TQ và được coi là phiên bản mô phỏng của máy bay Nga Sukhoi Su-27SK. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã triển khai máy bay không người lái công nghệ tàng hình mang tên Harbin BZK-005 ra đảo Phú Lâm.

Đường băng 2,6 km trên đá Vành Khăn: Năm 2015, Trung Quốc bắt xây một đường băng trên đá này và đến tháng 7/2016 thì đường băng dài 2.644 m, rộng 55 m đã hoàn thành. Ngay sau đó, Trung Quốc liền cho máy bay thử nghiệm trên đường băng này, ngay trước thời điểm Tòa Trọng tài ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông. Máy bay CE-680 của trung tâm thử nghiệm bay thử của Hãng hàng không Trung Quốc được huy động để thực hiện chuyến bay này. Đến tháng 5/2018, Trung Quốc tiếp tục đưa tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B lên ba thực thể là đá Chữ Thập, Subi và đá Vành Khăn. Báo Philippine Daily Inquirer tháng 4/2018 đã công bố các hình ảnh chụp vào ngày 6/1/2018 cho thấy hai máy bay vận tải quân sự Xian Y-7 của quân đội Trung Quốc hiện diện trên đường băng ở đá Vành Khăn. Đá Vành Khăn là một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đá này nằm cách đảo Sinh Tồn Đông 57 hải lý (105,6 km) về phía Đông và cách đảo Vĩnh Viễn 51 hải lý (94,5 km) về phía Nam. Hình dạng đá hơi tròn với đường kính khoảng 4 hải lý (7,4 km). Đa phần đá Vành Khăn chìm dưới nước. Vùng biển (phá) của đá Vành Khăn sâu từ 18,3 đến 29,2 m. Vào tháng 2/1995, Trung Quốc đã ngang nhiên điều tàu đến cưỡng chiếm đá Vành Khăn và kiểm soát đá này cho đến nay. Năm 2015, Trung Quốc công bố hình ảnh về bản quy hoạch trái phép bãi đá Vành Khăn sau khi Trung Quốc hoàn thành bồi đắp phi pháp tại bãi đá này. Theo bản đồ quy hoạch trái phép này, bãi Vành Khăn có tổng diện tích quy hoạch vào khoảng 9,53 km2 và tổng diện tích xây dựng khoảng 6,29 km2. Quy hoạch nhân khẩu tại Vành Khăn lên tới 70.000 người, trong đó lượng nhân khẩu thường trú vào khoảng 50.000 người, lượng nhân khẩu lưu động vào khoảng 20.000 người.

Đường băng 3 km trên đá Chữ Thập: Trung Quốc đã xây dựng một đường băng dài 3.125m và rộng 60m, đây là đường băng duy nhất đủ lớn cho máy bay ném bom chiến lược tại Trường Sa, cho phép quân đội Trung Quốc bao quát không phận rộng lớn từ Tây Thái Bình Dương gồm cả Guam (nơi có các căn cứ Mỹ) đến Ấn Độ Dương. Đá Chữ Thập vốn là một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đá này nằm ở vị trí cách biệt với các thực thể khác của quần đảo, nằm về phía Tây Nam của bãi san hô Tizard thuộc cụm Nam Yết và về phía Đông Bắc của cụm Trường Sa. Sau khi chiếm đóng, kiểm soát trái phép đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ năm 1988, Trung Quốc đã không ngừng mở rộng, cải tạo để biến đá này trở thành căn cứ tiền đồn quân sự quan trọng bậc nhất, phục vụ các yêu sách đòi chủ quyền ở Biển Đông của nước này. Đây là bãi đá mà Trung Quốc xây dựng, bồi đắp trái phép và quân sự hóa mạnh nhất trong thời gian qua. Từ năm 2010, Trung Quốc bắt đầu cải tạo, bồi đắp mở rộng quy mô lớn đá này, trong đó đã xây dựng một toà nhà bê tông dài hơn 60 m trên đá Chữ Thập. Trên ngôi nhà có nhiều ăng ten, gồm cả một ăng ten radar thu phát sóng cao tần Yagi của hải quân cùng hai vòm che radar và phủ sóng mạng điện thoại trên đá này. Theo các chuyên gia phân tích của IHS Jane’s Defense, việc Trung Quốc làm xong phi đạo trên Đá Chữ Thập, sẽ cho phép Bắc Kinh đẩy nhanh tiến độ xây dựng thêm các cơ sở khác và bắt đầu thực hiện các phi vụ tuần tra trên toàn vùng Trường Sa.

Ngoài triển khai các loại máy bay chiến đấu, Trung Quốc cũng được cho là sẽ triển khai các loại máy bay không người lái (UAV) trên các sân bay ở Biể Đông. Trong tháng 6/2018, truyền thông nhà nước Trung Quốc từng đưa tin Hải quân nước này vừa tiến hành một cuộc tập trận mô phỏng việc chống lại cuộc tấn công trên không ở Biển Đông, trong đó đã sử dụng 03 UAV do nước này tự sản xuất. Cùng với hàng loạt thông tin về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua, cuộc tập trận nói trên của Trung Quốc và việc nước này đẩy mạnh phát triển UAV đã dấy lên những lo ngại trong dư luận khu vực và quốc tế. Theo các báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ và giới nghiên cứu quân sự các nước, nhờ tăng cường mua sắm của nước ngoài và đẩy mạnh tự nghiên cứu, chế tạo UAV, đến nay quân đội Trung Quốc đã có hàng trăm UAV thuộc các chủng loại khác nhau, như ASN-229A, WJ-600, S-100, ASN-209, BZK-005, GJ-1, CH-3, WZ-5, Dufeng II, AT-200, U-650… trong đó có nhiều loại UAV có phạm vi hoạt động rộng, có khả năng vận hành liên tục trọng một thời gian dài. Một số loại UAV như BZK-005, GJ-1 còn có thể được trang bị các loại vũ khí để phục vụ cho mục đích tấn công. Ngoài ra, còn loại UAV vận tải như AT-200. Theo Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật vật lý (ET) thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, AT-200 với tầm bay 2.000 km có thể đáp xuống các bãi cỏ và bãi đất trống tại các căn cứ quân sự không có đường băng. UAV này có thể bay từ đảo Hải Nam đến các đảo bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa trong 1 giờ, đến bãi cạn Scarborough (Philippines) khoảng 3 giờ và các địa điểm Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong 4 giờ. Không dừng lại ở đó, Trung Quốc lên kế hoạch đến năm 2023 sẽ tự chế tạo ít nhất 10.000 UAV để biên chế cho quân đội, nhất là lực lượng hải quân và không quân. Đáng chú ý, Trung Quốc đang ưu tiên phát triển các loại UAV có khả năng mang theo vũ khí tấn công, như tên lửa, súng laze, bom thông minh… để tăng cường hiệu quả tấn công các mục tiêu trên bộ và trên biển.

Đường băng 3 km trên đá Subi: Đá Subi là một rạn san hô vòng phía Tây Nam quần đảo Trường Sa, dài khoảng 6,5km, rộng 3,7km. Trung Quốc chiếm đóng Subi từ năm 1988. Nơi này hiện có kênh tiếp cận, cầu cảng, các thiết bị thông tin liên lạc, radar, đê chắn sóng gia cố, bãi đáp trực thăng, cơ sở quận sự và có thể xây một đường băng dài 3.000m. Những hình ảnh mới đây chụp từ vệ tinh DigitalGlobe cho thấy có gần 400 tòa nhà mới được xây cất trên đá Subi mà Trung Quốc đã chiếm đóng từ 1988 tới nay ở Quần đảo Trường Sa. Earthrise Media, một tổ chức phi lợi nhuận, đã phân tích các ảnh chụp đá Subi và phát hiện ra rằng một lượng lớn các tòa nhà, các sân tập, thiết bị radar và cả các sân chơi bóng rổ đã được xây dựng trong thời gian từ 2014 tới nay. Hãng tin Sputnik ngày 11/5/2018 đưa tin, tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) mới đây đã công bố bức ảnh vệ tinh cho thấy máy bay vận tải quân sự Y-8 của Trung Quốc đỗ trên đường băng mà nước này ngang nhiên xây dựng phi pháp ở đá Subi. “Với những động thái triển khai này, máy bay quân sự hiện đã hạ cánh trên cả 3 sân bay Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa”, AMTI trong một thông báo đưa ra hôm 10/5 cho biết. Y-8 là máy bay vận tải quân sự nhưng một số phiên bản có thể sử dụng để vận chuyển trực thăng, chống ngầm và do thám. Loại máy bay này được Trung Quốc phát triển dựa trên thiết kế của máy bay Antonov An-12 do Liên Xô chế tạo và có thể so sánh với chiếc C-130 Hercules của Mỹ.

Sự ngang nhiên của Trung Quốc trong việc xây dựng trái phép các sân bay trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông đang khiến cộng đồng quốc tế bức xúc. Nhiều quốc gia đã lên tiếng chỉ trích, trong khi các học giả thì lo ngại động thái này có thể tạo tiền đề cho hoạt động quân sự ở khu vực này. Mỹ cho rằng việc Bắc Kinh xây dựng đường băng trên các đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam và quân sự hóa ở Biển Đông là “mối lo ngại quân sự lớn” và “đe dọa tất cả quốc gia trong khu vực. Bộ Ngoại giao Việt Nam và các nước đã nhiều lần phản đối hoạt động cải tạo, bồi đắp và quân sự hóa trên Biển Đông của Trung Quốc. Việt Nam khẳng định “có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS”. Hành động của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC), trái với thoả thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, không phù hợp với thoả thuận quan trọng lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về kiểm soát tốt bất đồng trên biển. Các hành động của Trung Quốc không có lợi cho việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông và xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiện nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới