Trong các cơ chế hiện nay tham gia giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và các bên liên quan, mặc dù còn nhiều hạn chế, song Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã đóng góp vai trò nhất định đối với vấn đề này trong suốt hơn 15 năm qua.
DOC được các nước ASEAN và Trung Quốc ký kết ngày 4/11/2002.
Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (Declaration on Conduct of the Parties in the South China Sea), viết tắt là DOC, là một văn kiện được các nước ASEAN và Trung Quốc ký kết ngày 4/11/2002 tại Phnom Penh, Campuchia nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8. Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được có liên quan đến vấn đề Biển Đông và được coi là bước đột phá trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Việc ký văn kiện này là kết quả nỗ lực của các nước ASEAN, đặc biệt là của 4 nước liên quan trực tiếp tranh chấp ở quần đảo Trường Sa (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei) trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Nội dung gồm 10 điều
Điều 1: Các bên tái khẳng định cam kết của mình đối với các mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác khu vực Đông Nam Á (TAC), Năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình của Trung Quốc và những nguyên tắc được thừa nhận phổ biến khác của luật pháp quốc tế được coi là quy tắc căn bản điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà nước với nhà nước.
Điều 2: Các bên cam kết tìm kiếm những cách thức xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau hài hòa với những nguyên tắc nêu trên và trên căn bản bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
Điều 3: Các bên tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hoạt động hàng hải và bay trên vùng trời Biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến trong luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Điều 4: Các bên liên quan chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và về quyền thực thi luật pháp bằng các phương tiện hòa bình mà không viện đến sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thông qua các cuộc tham vấn thân thiện và những cuộc đàm phán bởi các quốc gia có chủ quyền có liên quan trực tiếp, phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận phổ quát của luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Điều 5: Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác và phải được xử lý những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng. Trong khi chờ đợi sự dàn xếp hòa bình cho các tranh chấp về lãnh thổ và quyền thực thi pháp luật, các bên liên quan tiến hành tăng cường những nỗ lực nhằm tìm kiếm các phương cách xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau trong tinh thần hợp tác và hiểu biết, bao gồm: tổ chức các cuộc đối thoại và trao đổi quan điểm một cách thích đáng giữa các quan chức phụ trách quân sự và quốc phòng; bảo đảm đối xử công bằng và nhân đạo đối với tất cả mọi người đang gặp hiểm nguy hoặc tai họa; Thông báo trên cơ sở tự nguyện cho các bên liên quan khác về mọi cuộc tập luyện quân sự liên kết hoặc hỗn hợp sắp diễn ra; trao đổi trên cơ sở tự nguyện những thông tin liên quan.
Điều 6: Trong khi chờ đợi một sự dàn xếp toàn diện và bền vững những tranh chấp, các bên liên quan có thể tìm kiếm hoặc tiến hành các hoạt động hợp tác. Những hoạt động này có thể bao gồm các điều sau đây: Bảo vệ môi trường biển; Nghiên cứu khoa học biển; An toàn hàng hải và thông tin trên biển; Hoạt động tìm kiếm cứu hộ; Đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, kể cả nhưng không hạn chế trong hoạt động buôn lậu các loại thuốc cấm, hải tặc và cướp có vũ trang trên biển, hoạt động buôn bán trái phép vũ khí; Thể thức, quy mô và địa điểm, đặc biệt là sự hợp tác song phương và đa phương, cần phải được thỏa thuận bởi các bên có liên quan trước khi triển khai thực hiện trong thực tế.
Điều 7: Các bên liên quan sẵn sàng tiếp tục các cuộc đối thoại và tham vấn về những vấn đề liên quan, thông qua các thể thức được các bên đồng ý, kể cả các cuộc tham vấn thường xuyên theo quy định của Tuyên bố này, vì mục tiêu khuyến khích sự minh bạch và láng giềng tốt, thiếp lập sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau một cách hài hòa, và tạo điều kiện thuận lợi cho một giải pháp hòa bình và tran chấp giữa các bên; Điều 8: Các bên có trách nhiệm tôn trọng những điều khoản của Tuyên bố này và hành động phù hợp với sự tôn trọng đó.
Điều 9: Các bên khuyến khích các nước khác tôn trọng các nguyên tắc bao hàm trong Tuyên bố này.
Điều 10: Các bên liên quan khẳng định rằng việc tiếp thu một bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn hòa bình và ổn định trong khu vực và nhất trí làm việc trên căn bản đồng thuận để tiến tới hoàn thành mục tiêu này.
Sự cần thiết của DOC trong suốt hơn 15 năm qua
Biển Đông là biển nửa kín ở Thái Bình Dương và tiếp giáp 9 nước là Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei và Philippines. Trước hết, Biển Đông gắn với các lợi ích thiết thân của hàng trăm triệu người thuộc 9 nước liên quan. Đồng thời, nhiều nước khác cũng có lợi ích ở các mức độ khác nhau trong việc sử dụng vùng biển này theo các quy định của luật biển quốc tế. Tuy nhiên, từ những năm 70 của thế kỷ 20, tranh chấp liên quan Biển Đông trở nên căng thẳng hơn. Đáng chú ý là cuối những năm 80, tình hình liên quan quần đảo Trường Sa xảy ra những sự kiện đột biến, phức tạp, đe dọa hòa bình và ổn định của khu vực. Trước tình hình đó, ngày 22/7/1992, ASEAN thông qua Tuyên bố về Biển Đông kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, kiềm chế để tránh làm cho tình hình căng thẳng thêm, khuyến nghị các bên liên quan áp dụng các nguyên tắc của Hiệp ước thân thiện và hợp tác tại Đông Nam Á để làm cơ sở xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Diễn biến sau đó ở Biển Đông tiếp tục xấu đi, buộc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 29 (tổ chức tại Jakarta vào 20 và 21/7/1996) ra Tuyên bố chung bày tỏ quan ngại trước những diễn biến trên Biển Đông. Tuyên bố nêu rõ những diễn biến đó đòi hỏi sự cần thiết có một Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông làm nền tảng cho sự ổn định trong khu vực và thúc đẩy sự hiểu biết giữa các quốc gia tranh chấp.
Từ đó, ASEAN đẩy mạnh nỗ lực để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 (tổ chức tại Hà Nội vào ngày 15 và 16/12/1998), lãnh đạo các thành viên ASEAN nhất trí xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Tại cuộc họp tháng 5/1999, SOM ASEAN đã bắt đầu thảo luận các dự thảo do Philippines và Việt Nam chuẩn bị. Trên cơ sở thương lượng nội bộ, các nước ASEAN đã thống nhất Bản dự thảo chung của ASEAN và bản dự thảo này đã được trình lên Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vào tháng 7/1999. Tháng 9/1999, ASEAN tiếp tục thảo luận dự thảo lần 2. Một trong những vấn đề được các chuyên gia ASEAN thảo luận sâu là phạm vi áp dụng của COC. Tháng 11/1999, ASEAN tiếp tục thảo luận và cuối cùng thống nhất dự thảo chung để đàm phán với Trung Quốc. Tháng 3/2000, ASEAN và Trung Quốc khởi động quá trình thương lượng về dự thảo COC qua cuộc hội đàm không chính thức tại Hua Hin (Thái Lan).Tại cuộc họp SOM ASEAN – Trung Quốc lần thứ 6, ngày 25 – 26/4/2000 tại Malaysia, ASEAN và Trung Quốc thống nhất lập Nhóm nghiên cứu liên hợp nhằm soạn thảo COC. Phiên họp đầu tiên của Nhóm nghiên cứu (tổ chức tại Kua-la Lăm-pơ tháng 5-2000) cho thấy hai bên có ý kiến khác nhau về khu vực địa lý mà COC có hiệu lực và điều khoản về không chiếm đóng thêm. Sau đó, một mặt ASEAN tiếp tục có các cuộc họp nội bộ; mặt khác ASEAN và Trung Quốc có các cuộc thương thảo để tháo gỡ các bế tắc. ASEAN và Trung Quốc thương lượng về văn kiện trong 3 năm 2000 – 2002 và ngày 4/11/2002 tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 8 tại Phnom penh (Campuchia) cùng nhau ký DOC.
Những đóng góp của DOC
Có thể khẳng định việc ký kết Tuyên bố DOC năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc là kết quả của nỗ lực chung của cả khối với Trung Quốc. Bởi đây là văn kiện chung đầu tiên giữa ASEAN và Trung Quốc có liên quan trực tiếp đến vấn đề Biển Đông. Việc ký kết văn kiện này được xem là bước tiến quan trọng về đối thoại giữa Trung Quốc và ASEAN tới các vấn đề trên biển. Lãnh đạo cao cấp của ASEAN và Trung Quốc luôn đánh giá cao ý nghĩa của DOC và nhiều lần khẳng định quyết tâm thực hiện đầy đủ DOC và hướng tới COC. Tuyên bố chung của các nguyên thủ và Thủ tướng các nước ASEAN và Trung Quốc về đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc thông qua tại Bali, Indonesia ngày 08/10/2003 đã khẳng định coi việc thực hiện DOC là một biện pháp trong hợp tác an ninh giữa ASEAN và Trung Quốc. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 13, tổ chức tại Hà Nội tháng 10/2010, các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN và Trung Quốc một lần nữa khẳng định lại cam kết triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC và hướng tới thông qua COC. Không chỉ vậy, nhằm triển khai DOC đầy đủ và hiệu quả, từ năm 2011, ASEAN và Trung Quốc đã thông qua Quy tắc hướng dẫn triển khai DOC. Theo đó, hai bên nhấn mạnh việc thực hiện DOC không chỉ là triển khai các dự án mà phải thực hiện đầy đủ các quy định khác theo trình tự, đó là tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông theo các quy định của luật pháp quốc tế trong đó có Công ước luật Biển năm 1982, giải quyết tranh chấp chủ quyền và lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị giữa các bên tranh chấp trực tiếp phù hợp với luật pháp quốc tế, cam kết tự kiềm chế, không làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp làm ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định. Mặc dù ASEAN và Trung Quốc chia sẻ những nguyên tắc chung như đã nêu trong DOC, nhưng vẫn còn những khoảng cách lớn giữa những cam kết và tình hình thực tế trên Biển Đông. Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho rằng việc thực hiện và triển khai DOC vẫn không tiến triển và ASEAN cần có sự tham gia và hợp tác thực chất hơn từ phía Trung Quốc. Để DOC được thực thi một cách hiệu quả và đầy đủ, cần phải có thêm những cam kết ngoại giao và chính trị giữa hai bên. Bên cạnh đó, các quốc gia ASEAN cần phải nỗ lực và đoàn kết nhiều hơn để cùng Trung Quốc tìm giải pháp. Tại Diễn đàn đối thoại Shangri-La vừa tổ chức tại Singapore mới đây, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã chia sẻ: “Vai trò của ASEAN tự nó đã rất quan trọng với tư cách là một Cộng đồng. Nhưng tiếng nói của khối có tác dụng đem lại lợi ích cho khu vực hay không thì phụ thuộc đầu tiên vào sự đoàn kết thống nhất. Sự đoàn kết thống nhất, nói thì dễ nhưng làm thì khó. Nếu không có sự đoàn kết thống nhất thì không có tiếng nói chung. Mà không có tiếng nói chung thì vai trò cộng đồng không có ý nghĩa gì cả”.
Kết luận: Trong bối cảnh ASEAN đã hình thành cộng đồng chung, đòi hỏi cần nâng cao tinh thần đoàn kết, thống nhất và gắn kết để đảm bảo tiếp tục có được sự tín nhiệm và phù hợp với vai trò trung tâm của khu vực trong bối cảnh địa chính trị khu vực có những thay đổi cả về không gian mạng, trên đất liền, trên biển và trên không. Mặc dù còn có những vấn đề lợi ích quốc gia khác biệt nhưng đó không phải là thách thức đối với ASEAN hay sự đoàn kết của ASEAN. Xu thế hợp tác của ASEAN đối với các đối tác, trong đó có cả Mỹ và Trung Quốc là hướng tới một bộ quy tắc ứng xử (COC) là mong muốn của tất cả các bên liên quan trực tiếp là ASEAN và Trung Quốc và cả những nước có liên quan. Trước những thách thức, đặc biệt là diễn biến trên Biển Đông hiện nay, ASEAN và Trung Quốc cần nhanh chóng kết thúc đàm phán và ký COC. Và trong thời gian chờ đợi, DOC vẫn phải là công cụ để tiếp tục giải quyết hòa bình các tranh chấp. Các bên cần tôn trọng thực hiện và triển khai đầy đủ DOC, nhằm gìn giữ một môi trường hòa bình, ổn định chung để phát triển.