Monday, November 25, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTừ "từ bỏ" duy nhất trong diễn văn quan trọng của ông...

Từ “từ bỏ” duy nhất trong diễn văn quan trọng của ông Tập khiến Đài Loan lạnh gáy

Chủ tịch Tập Cận Bình sáng nay, 2/1, đã đọc diễn văn quan trọng trong lễ kỷ niệm 40 năm Trung Quốc phát biểu văn kiện “Thư gửi đồng bào Đài Loan”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters)

Kêu gọi ủng hộ giải pháp “1 nước 2 chế độ”

“Thư gửi đồng bào Đài Loan” là văn kiện được Ban thường vụ Nhân đại toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc ban hành ngày 1/1/1979, xác định đường hướng chính sách lớn và các nguyên tắc nhằm đạt mục tiêu “thống nhất hòa bình” Đài Loan.

Trong bài diễn văn phát biểu vào 10h45 sáng nay (giờ địa phương) tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình điểm lại những tiến triển đột phá đã đạt được trong quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan kể từ năm 1949.

Ông Tập cho rằng, trải qua 70 năm chia tách, mối quan hệ xa cách ban đầu giữa Trung Quốc Đại lục và Đài loan đã thu hẹp lại dựa trên nguyện vọng chung của người dân hai bờ, và Đài Loan có đóng góp lớn cho công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc.

“Trong 7 thập kỷ, Đại lục và Đài Loan đã đạt được ‘Nhận thức chung 1992’ dựa trên nguyên tắc Một Trung Quốc, và các trao đổi chính trị giữa hai bờ đã đạt tầm cao mới,” ông Tập nói.

“… Chúng tôi trịnh trọng đề xướng, trên nền tảng chính trị chung là kiên trì ‘Nhận thức chung 1992,’ phản đối ‘Đài Loan độc lập’, các chính đảng, các tầng lớp ở hai bờ eo biển hãy đề cử những nhân vật đại diện để triển khai hiệp thương dân chủ sâu rộng về tương lai dân tộc và quan hệ hai bờ, và để đạt được những sắp xếp mang tính chế độ trong thúc đẩy quan hệ hai bờ phát triển hòa bình.”

Trong khi tái khẳng định tính ưu việt của phương án “1 quốc gia 2 chế độ” nhằm hướng tới thống nhất, ông Tập kêu gọi “khám phá phương án Đài Loan ‘2 chế độ’, làm phong phú thực tiễn thống nhất hòa bình”.

“Hòa bình thống nhất, 1 nước 2 chế độ là phương thức tối ưu để thực hiện thống nhất quốc gia…, vừa cân nhắc đầy đủ tình hình thực tế ở Đài Loan, đồng thời có lợi cho ổn định lâu dài [của Đài Loan] sau thống nhất.”

“Chế độ khác nhau không phải là trở ngại của việc thống nhất, và càng không phải là cái cớ để chia tách,” ông Tập phát biểu, khẳng định ngày càng có nhiều quốc gia và dư luận ủng hộ lộ trình thống nhất Đài Loan, và tuyên bố Bắc Kinh đã đạt nhiều thành tựu chống lại xu hướng “Đài Loan độc lập” trong 70 năm qua.

Lời cảnh cáo sắc lạnh của ông Tập Cận Bình

Bài diễn văn 30 phút của ông Tập được cho là chuyển tải thông điệp tương đối thiện chí đối với Đài Loan khi từ “hòa bình” xuất hiện đến 38 lần – trung bình cứ gần 1 phút lại được nhắc lại 1 lần, trong đó cụm từ “thống nhất hòa bình” hiện diện 18 lần. “Đài Loan” – chủ thể của bài diễn thuyết – là từ khóa xuất hiện nhiều nhất với 54 lần được ông Tập xướng tên.

Điểm nhấn lớn nhất trong diễn văn là khi chủ tịch Trung Quốc nêu đề nghị của Bắc Kinh, đồng thời đề cập giải pháp vũ lực trong thống nhất. Đây là phần duy nhất trong bài phát biểu mà ông Tập sử dụng từ “từ bỏ”.

“Người Trung Quốc không đánh người Trung Quốc,” ông Tập nói. “Chúng tôi sẵn sàng dùng thành ý lớn nhất, nỗ lực lớn nhất để giành lấy viễn cảnh thống nhất hòa bình, bởi vì dùng phương thức hòa bình để thực hiện thống nhất là điều có lợi nhất cho toàn dân tộc và đồng bào hai bờ.”

“Chúng tôi không cam kết từ bỏ sử dụng vũ lực, [Đại lục] bảo lưu phương án áp dụng tất cả biện pháp cần thiết nhằm vào thế lực bên ngoài can thiệp và số ít phần tử ly khai ‘Đài Loan độc lập’ cùng hoạt động ly khai của chúng, nhưng tuyệt đối không nhằm vào đồng bào Đài Loan,” ông Tập tuyên bố.

Chủ tịch Trung Quốc tái khẳng định vấn đề Đài Loan là sự vụ nội bộ của Trung Quốc và “không chấp nhận can thiệp từ bên ngoài”.

“Sự vụ của người Trung Quốc cần phải do người Trung Quốc quyết định,” ông nói, nhấn mạnh vấn đề Đài Loan có liên quan lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và việc thống nhất “không làm tổn hại lợi ích hợp pháp của nước nào, bao gồm lợi ích kinh tế của họ tại Đài Loan”.

Phát biểu của ông Tâpj Cận Bình là lời khẳng định mới nhất của ban lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, xác định Bắc Kinh sẽ không thỏa hiệp trong mục tiêu thống nhất hòn đảo này.

Trong năm 2018, quan hệ hai bờ eo biển đã leo thang căng thẳng đáng kể khi Mỹ thông qua Đạo luật lữ hành Đài Loan, cho phép các quan chức Mỹ chính thức công du và trao đổi với phía Đài Loan, đồng thời các tàu chiến Mỹ được phép cập cảng ở Đài Loan. Bắc Kinh phản đối gay gắt đạo luật này và đáp trả bằng việc gia tăng các cuộc tập trận quân sự, huy động chiến hạm/phi cơ tuần tra quanh đảo Đài Loan.

RELATED ARTICLES

Tin mới