Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBắc cực sẽ là khu vực cạnh tranh khốc liệt giữa các...

Bắc cực sẽ là khu vực cạnh tranh khốc liệt giữa các cường quốc trên thế giới

Việc khí hậu trái đất nóng lên, tốc độ tan băng ở Bắc Băng Dương tăng nhanh, mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên ở vùng Bắc Cực, cũng như rút ngắn hành trình qua Bắc Băng Dương càng khiến cho nhiều nước tỏ rõ tham vọng đối với thềm lục địa Bắc Cực. Cho đến đầu thế kỷ XXI này cũng mới chỉ có 5 quốc gia chính thức có quyền lợi liên quan đến Bắc Cực là: Nga, Na Uy, Mỹ, Canada và Đan Mạch (quốc gia này vẫn có chủ quyền đối với đảo Greenland). Mục tiêu của cả 5 quốc gia này vẫn là quyền được phép khai thác đến 90% diện tích đáy Bắc Cực với trữ lượng dầu chiếm khoảng 25% lượng dầu trên toàn thế giới. Nếu tính theo Công ước LHQ về Luật Biển và Đại dương đã được các quốc gia thông qua từ nhiều năm nay thì tất cả 5 quốc gia này đều có thể tuyên bố chủ quyền một cách hợp pháp đối với phần diện  tích “vô chủ” của Bắc Cực. Tuy nhiên, một số nước lớn nằm cách xa Bắc Cực đến 3.000km cũng đang tìm cách chia phần ở khu vực này, biến nó trở thành khu vực cạnh tranh khốc liệt giữa các cường quốc trong tương lai.

Những cơ hội khổng lồ về tài nguyên và địa chiến lược đang dần “rã đông” tại Bắc cực khiến cuộc đua giành chủ quyền âm ỉ lâu nay ngày càng nóng bỏng. Hiện tại, các bên tham gia tranh chấp trực tiếp gồm 8 nước Mỹ, Canada, Nga, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Iceland và Phần Lan. Ngoài ra, còn có những nước không thuộc nhóm cận cực nhưng ngày càng muốn khẳng định sự hiện diện tại khu vực, chẳng hạn những quan sát viên thường trực trong Hội đồng Bắc cực (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Ý và Ấn Độ).

Bắc Cực là khu vực có nguồn tài nguyên phong phú và vị trí địa chiến lược quan trọng

Các nhà khoa học ước tính Bắc cực chiếm 25% nguồn tài nguyên “chưa được phát hiện” toàn cầu. Báo cáo từ Viện Nghiên cứu địa chất Mỹ (USGS) cũng cho thấy 13% trữ lượng dầu mỏ và 30% trữ lượng khí đốt (tương đương với 1.670 ngàn tỉ m3) chưa được thăm dò trên thế giới đang “ngủ yên” dưới các lớp băng. Ngoài ra, Bắc Cực còn rất giàu tiềm năng khoáng sản. Khu vực này có những mỏ quặng sắt, kẽm, niken, vàng, uranium và nhiều loại khoáng sản khác với trữ lượng thuộc loại lớn nhất thế giới. Cần biết rằng mỏ kẽm lớn nhất thế giới đang nằm ở Alaska, một bang nằm gần Bắc Cực của Mỹ, trong khi đó một mỏ niken lớn nhất thế giới cũng được phát hiện ở vùng lãnh thổ Bắc Cực của Nga.

Theo NASA, một số mô hình khí hậu toàn cầu dự đoán Bắc Cực sẽ không còn băng trong những tháng mùa hè vào giữa thế kỷ này. Điều này có khả năng biến vùng biển ở đây trở thành tuyến đường vận chuyển quan trọng, có thể giúp rút ngắn được 6.000 – 8.000 km cho hải trình giữa châu Âu và châu Á.

Hải sản cũng là một nguồn tài nguyên hết sức quan trọng và dồi dào ở Bắc Cực và trữ lượng khai thác có thể sẽ ngày càng lớn hơn khi nhiều diện tích mặt nước được giải phóng và thu hút nhiều loài di cư từ phía Bắc xuống.

Theo công ty tư vấn toàn cầu Strategic Forecasting, Inc (SFI) của Mỹ, khoảng 20% băng ở Bắc Cực sẽ tan ra vào năm 2050, lộ ra khoảng một triệu dặm vuông làm cho hành lang Tây Bắc, lộ trình vận tải biển ở các vĩ độ xa nhất về phía Bắc xuất hiện, tạo tiền đề cho các ngành công nghiệp khác như khai thác dầu khí, khai thác mỏ và du lịch phát triển. Theo ước tính sơ bộ của giới chuyên gia, hoạt động kinh tế hàng năm của khu vực Bắc Cực có thể vượt quá 450 tỷ USD.

Riêng phía Bắc Bắc Cực còn có giá trị rất lớn đứng trên quan điểm quân sự, nhất là trong bối cảnh chưa có các điều ước quốc tế cấm triển khai các vũ khí ở khu vực này. Bởi vậy, các quốc gia có liên quan như Mỹ, Na Uy, Canada, Thụy Điển và Nga, thậm chí cả Trung Quốc cũng đã và đang gửi thiết bị và phương tiện để thể hiện sự quan tâm của mình đối vùng đất xa xôi, hẻo lánh này.

Trung Quốc tìm mọi cách để chiếm Bắc Cực

Trong nỗ lực trở thành một siêu cường toàn cầu, Trung Quốc thường xuyên vướng vào tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng và chống lại luật pháp quốc tế. Trung Quốc nhìn thấy cơ hội trong biển băng tan rộng lớn của Bắc Cực. Các chuyên gia cho biết Bắc Kinh đã bắt đầu thúc đẩy việc chiếm lĩnh một phần lớn hơn trong khu vực nhằm mở các tuyến thương mại mới, khai thác dầu khí và tiến hành nghiên cứu về biến đổi khí hậu. Về mặt địa lý, Trung Quốc không ở gần vòng cực Bắc. Điều này khiến Trung Quốc ở thế bất lợi chính trị lớn so với 8 quốc gia tạo nên Hội đồng Bắc Cực. Tuy nhiên, năm 2013, Trung Quốc đã giành được vị trí quan sát viên không bỏ phiếu trong Hội đồng Bắc Cực bên cạnh Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.

Trung Quốc cũng đã xuất bản Sách Trắng chiến lược Bắc Cực đầu tiên, tuyên bố quyền lợi tại khu vực trong khi cố gắng xoa dịu nỗi sợ hãi về tham vọng lãnh thổ của mình. Trong tài liệu này, Trung Quốc tự nhận là một “quốc gia gần Bắc Cực”, nói rằng những thay đổi môi trường ở Bắc Cực có “tác động trực tiếp đến hệ thống khí hậu và môi trường sinh thái của Trung Quốc”. Sách trắng nêu chi tiết kế hoạch của Bắc Kinh về “Con đường tơ lụa Bắc Cực” như một phần của chương trình cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường trị giá hàng nghìn tỷ USD, nhằm xây dựng hành lang thương mại khắp thế giới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bắc Kinh tuyên bố lý do chính cho mối quan tâm của họ đối với Bắc Cực là nghiên cứu khoa học. Trong Sách trắng, Trung Quốc nêu chi tiết mong muốn điều tra các tác động của biến đổi khí hậu để “giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu”. Tuy nhiên, những người hoài nghi lập luận rằng tham vọng Bắc Cực của Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi sức hấp dẫn kinh tế và chính trị của việc thống trị một khu vực giàu tài nguyên. Để đảm bảo vị trí đó, Trung Quốc đang tăng cường khả năng tại Bắc Cực. Năm 2017, tàu phá băng đầu tiên của Trung Quốc mang tên Tuyết Long đã đi qua Hành lang Tây Bắc – một tuyến đường cắt qua Bắc Băng Dương. Con tàu này không phải là tàu do Trung Quốc tự đóng mà mua lại từ Ukraine vào năm 1993. Tàu thuộc lớp Dự án 10621 Ivan Papanin được chế tạo từ thời Liên Xô, thuộc lớp tàu vận tải ở vùng băng. Trung Quốc đã tiến hành nâng cấp, giúp con tàu có thể vượt qua vùng biển đóng băng dày tới 0,8 mét. Còn nếu di chuyển với tốc độ 3km/h, tàu có thể vượt qua vùng biển đóng băng dày tới 1,1m.

Tháng 9 năm 2018, Trung Quốc cũng đã cho ra mắt tàu phá băng nội địa đầu tiên mang tên Tuyết Long 2. Con tàu có chiều dài 122,5m, rộng 22,3m, lượng giãn nước 13,990 tấn và có khả năng hoạt động liên tục trong phạm vi 20.000 hải lý (37.040km). Tàu có thể phá băng bằng cả mũi và đuôi tàu, đủ sức mạnh để vượt qua lớp băng dày tới 1,5m.

Mỹ không bỏ quên Bắc Cực

Sự tham gia ngày càng nhiều của Trung Quốc tại Bắc Cực cũng trùng hợp với việc Mỹ ngày càng ít quan tâm tới khu vực này. Cựu ngoại trưởng Rex Tillerson từng loại bỏ một đặc phái viên và đại diện cho khu vực Bắc Cực vào năm 2017 khi biến đổi khí hậu bị gạt bỏ khỏi danh sách ưu tiên của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Sau Thế chiến II, Mỹ có 7 tàu phá băng trong hạm đội. Đến năm 2018 chỉ còn hai tàu phá băng hoạt động, một trong số đó là tàu hạng nặng đã lạc hậu. Chính quyền Barack Obama đã theo đuổi một chiến lược Bắc Cực đầy tham vọng để đảm bảo Mỹ vẫn là cường quốc mạnh mẽ trong các vấn đề khu vực, bao gồm cả kế hoạch thay thế tàu phá băng hạng nặng vào năm 2020.

Tháng 1/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố kế hoạch mở cửa hầu hết lãnh thổ ngoài khơi của Mỹ nhằm khoan dầu và khí đốt, bao gồm các khu vực trước đây tại Bắc Cực. Tổng thống Trump đã phá vỡ chính sách năng lượng môi trường theo định hướng của người tiền nhiệm Barack Obama, ưu tiên mở rộng nguồn tài nguyên cho đất nước. Các dự án dầu khí ở bang Alaska, đối diện với Bắc Cực, có khả năng bắt đầu vào năm 2019. Đáng chú ý, để bảo vệ lợi ích của mình ở Bắc Cực, Chỉ huy Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ Paul Zukundt từng yêu cầu được trang bị tàu phá băng có khả năng triển khai tên lửa hành trình tại Bắc Cực và đóng thêm 6 tàu phá băng mới, gồm 3 chiếc thuộc loại hạng nặng.

Nga quyết tâm bảo vệ lợi ích của mình ở Bắc Cực

Năm 2007, trái đất đang trải qua một trong những thời kỳ ấm nhất lịch sử và diện tích băng Bắc Cực đã giảm xuống mức thấp nhất người ta từng thấy. Các biển băng, vốn là hàng rào tự nhiên đặc biệt vững chãi, ngăn cản mọi tham vọng của nhân loại trong hàng thế kỷ, dường như đang sụp đổ. Nga đơn giản là nhận ra vấn đề nhanh hơn và làm một điều mà nhiều nước thèm muốn: Thực hiện hành động biểu tượng giống như tuyên bố chủ quyền với bất cứ thứ gì nằm dưới vùng nước mới tan băng. Trong cùng năm, Nga từng điều động tàu ngầm cỡ nhỏ xâm nhập và cắm cờ tuyên bố chủ quyền dưới đáy Bắc Băng Dương, đồng thời chuẩn bị đến tháng 5 năm nay sẽ đệ trình LHQ các báo cáo liên quan đến thăm dò địa chất tại khu vực này, nhằm tuyên bố Nga có chủ quyền đối với phần lớn khu vực Bắc Cực. Ngoài ra, chính phủ Nga đã đệ trình Quốc hội Nga một dự luật, yêu cầu được  trao quyền cho “lực lượng phòng vệ bờ biển” ngăn chặn quân đội và thương thuyền nước ngoài xâm nhập Bắc Băng Dương và thực hiện thu thuế đối với tàu thuyền quá cảnh. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Nga V.Putin từng tuyên bố tuyến đường Biển Bắc sẽ là trọng yếu cho sự phát triển khu vực Bắc Cực, Nga và các vùng Viễn Đông, đến năm 2025 lượng lưu thông của nó sẽ tăng gấp 10 lần lên 80 triệu tấn. Nhiệm vụ của Nga là biến nó trở thành toàn cầu thực sự, trục giao thông cạnh tranh.

Gần đây, Ủy ban An ninh quốc gia Nga đã đưa lên mạng toàn văn “Chiến lược Bắc Cực” mà Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký năm 2008. Mục tiêu của Moscow là đến trước cuối năm 2020, các mỏ dầu khí tại khu vực Bắc Cực trở thành dự trữ tài nguyên chiến lược quan trọng nhất của Nga. Ngay sau đó, ITAR-TASS đưa tin Bộ Quốc phòng Nga đã chỉ thị sản xuất 6 tàu ngầm động cơ hạt nhân tiên tiến nhất, được trang bị tên lửa hành trình siêu âm mang đầu đạn hạt nhân để đối phó với tàu sân bay. Các nhà phân tích cho rằng, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga rõ ràng nhằm vào Mỹ, vì trong số 5 nước tuyên bố chủ quyền đối với Bắc Cực thì chỉ Mỹ có tàu sân bay. Những năm gần đây, cùng với việc trái đất ấm lên, các tảng băng tại Bắc Cực bắt đầu tan ra, vì thế các tuyến đường biển phía tây bắc dần khai thông. Đây cũng là lúc 5 nước kể trên bắt đầu “nhòm ngó” tới các mỏ dầu khí còn chưa được khai thác dưới đáy Bắc Băng Dương. Các chuyên gia ước tính trữ lượng dầu mỏ tại khu vực này có thể lên tới 10 tỷ thùng, tức bằng khoảng 25% tổng trữ lượng dầu mỏ toàn cầu. Có thể nói, tuyên bố của Nga và phản ứng của Canadađồng nghĩa với việc cuộc chiến tranh giành nguồn tài nguyên Bắc Cực đã bắt đầu.

Nga hiện đang duy trì 27 căn cứ quân sự ở Vành đai Bắc Cực và là nước có đội tàu phá băng lớn nhất thế giới, với 61 tàu phá băng và tàu có khả năng hoạt động ở vùng biển đóng băng. Cuối tháng 12 năm ngoái, hãng thông tấn TASS cho biết, Nga còn có kế hoạch đóng một loạt các tàu phá băng nguyên tử thế hệ mới trong tương lai. Cụ thể, trong khoảng thời gian từ năm 2023 tới 2025, Nga sẽ đóng mới khoảng 3 tàu phá băng nguyên tử thế hệ mới thuộc lớp Lider. Lớp tàu này có độ giãn nước lên tới 33.500 tấn, rộng 34 mét và dài 173 mét. Chúng sử dụng các máy phát điện hạt nhân, cung cấp công suất động cơ lên tới 81.000 sức ngựa, đủ sức mạnh để đi xuyên qua những vùng biển đóng băng dày tới 2,8 m. Hiện tại, tàu phá băng nguyên tử lớn nhất đang được phía Nga sử dụng mang tên NS 50 Let Pobedy. Đây là tàu nguyên tử phá băng được đóng theo lớp Arktika. Lớp tàu phá băng này có chiều dài 159 mét và giãn nước tới 25.000 tấn. Sử dụng 3 động cơ hạt nhân, tàu phá băng NS 50 Let Pobedy có thể di chuyển được với tốc độ tối đa hơn 33km/h.

Liên quan hoạt động khai thác dầu khí, Nga đã ra mắt trạm khí đốt Yamal năm 2017. Trạm đầu tiên cho dự án khí tự nhiên hoá lỏng, Yamal LNG, tại Bắc Cực Nga thuộc Nhà sản xuất khí đốt Novatex của Nga. Dự án Yamal đã bắt đầu sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên dây chuyền sản xuất đầu tiên nhằm cung cấp 5.5 triệu tấn LNG mỗi năm, Novatek cho biết trong một tuyên bố. Moscow đang triển khai dự án Yamal LNG thứ 2, có tên Arctic LNG 2, nhằm phát triển khí đốt, bắt đầu từ 2019. Nga muốn tăng tổng sản lượng LNG hàng năm của khu vực lên 50 triệu tấn vào năm 2030. Tháng 11, Novatek và CNPC ký hợp tác chiến lược Arctic LNG 2.

Na Uy cũng triển khai các hoạt động bảo vệ lợi ích ở Bắc Cực

Trên thế giới chỉ vài nước có biên giới trên bộ nằm ở Vành đai Bắc Cực – gồm Mỹ, Canada, Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch – song sự đầu tư vào Bắc Cực là không đều nhau giữa các nước nêu trên. Trong đó Nga và Na Uy là hai quốc gia đầu tư mạnh nhất cho khả năng hoạt động tại Bắc Cực. Đội tàu hoạt động ở vùng nước đóng băng của Na Uy đã tăng từ 5 lên 11 chiếc. Na Uy đầu tư nhiều vào vùng cực bởi giống Nga, nước này có các cơ sở khai thác dầu khí quy mô nằm ở Bắc Cực.

Nhật Bản không thể bỏ qua khu vực có tiềm năng kinh tế, địa chiến lược quan trọng ở Bắc Cực

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đã nhấn mạnh những lợi ích to lớn của Tokyo đối với Bắc Cực, khẳng định Tokyo đang xem xét tham gia các dự án với Nga, như xây dựng nhà ga trung chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên bán đảo Kamchatka. Nhật Bản cũng muốn thiết lập các làn đường vận chuyển mới trong vùng biển Bắc Cực kết nối châu Á và châu Âu. Nhằm tránh “đứng ngoài cuộc chơi”, Tokyo đang đối thoại để tạo ra các quy tắc quốc tế điều chỉnh các nguồn lực tại khu vực. Nhật Bản hiện đã ký một thoả thuận với 10 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc để điều tiết nghề cá tại Bắc Băng Dương.

Dấu hiệu cạnh tranh giữa các nước đang ngày càng rõ nét:

Đáng chú ý, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu từng tuyên bố các vùng Bắc Cực giàu tài nguyên đã trở nên hấp dẫn đối với nhiều quốc gia và cảnh báo rằng tình hình có thể dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự, mà Moscow phải được chuẩn bị; đồng thời nhấn mạnh việc bảo vệ lợi ích của Nga ở khu vực Bắc Cực và sự phát triển tích cực của khu vực này vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của các lực lượng quân sự Nga. Ngày nay Bắc Cực đã trở thành một điểm lợi ích lãnh thổ, tìm kiếm tài nguyên và chiến lược quân sự của một số quốc gia. Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng tiềm năng xung đột trong khu vực. Ngoài Nga, Bộ trưởng Nga Sergey Shoigu cho biết một số quốc gia có tàu phá băng ở Bắc Cực, như Thụy Điển, Đức, Hàn Quốc, Thụy Điển, Mỹ và Trung Quốc, nhấn mạnh rằng Hạm đội Bắc của Nga tiếp tục thực hiện kế hoạch phức tạp để cải thiện khả năng của mình. Ngay sau khi Nga tuyên bố sẽ bố trí một lực lượng tinh nhuệ tại Bắc Cực và xây dựng căn cứ quân sự tại đó nhằm bảo vệ nguồn dầu mỏ phong phú dưới đáy Bắc Băng Dương. Ngay lập tức, Ngoại trưởng Canada, Lawrence Cannon tuyên bố chủ quyền là không thể thỏa hiệp, Canada sẽ không dễ gì để Nga đe dọa. Phát biểu tại một hội nghị của Hội đồng quan hệ đối ngoại Canada ở Montreal, Ngoại trưởng Lawrence Cannon  tuyên bố Canada sẽ không nhượng bộ trong vấn đề khẳng định chủ quyền của mình ở Bắc Cực. Cung quan điểm trên, Người phát ngôn Bộ trưởng Quốc phòng Canada Dan Dugas tuyên bố, chính phủ nước này cam kết hành động mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền tại miền Bắc, trong đó có vùng biển Bắc Cực. Ông Dan Dugas tiết lộ, Bộ Quốc phòng Canada đang xem xét một loạt kế hoạch như mua thêm tàu tuần tra, đã bắt đầu thành lập một đơn vị gồm 4 nhóm quân dự bị có quân số 480 người với mục đích tiến hành những chiến dịch, tham gia các cuộc tập trận và mở rộng quy mô lực lượng cơ động để tăng cường giám sát và khả năng phản ứng nhanh, tăng cường sự hiện diện về quân sự ở các vùng lãnh thổ phía Bắc. Chính phủ Canada hiện cũng đã cho phép các tập đoàn BP, ConocoPhillips và MGM Energy Corp quyền thăm dò dầu tại Bắc Cực. Chính phủ nước này cũng thông báo sẽ chế tạo 8 tàu tuần tiễu tại Bắc Cực để tái khẳng định chủ quyền tại ở đây

Cho đến nay, 21 nhà khoa học thuộc Ủy ban Thềm lục địa của LHQ đang  khẩn trương nghiên cứu liệu những số liệu mà 5 quốc gia tuyên bố có chủ quyền ở Bắc Cực đưa ra có chính xác hay không. Chuyên gia Donald Rothwell của Trường Đại học quốc gia Australia phát biểu: “Cần phải có một quá trình nghiên cứu lâu dài hơn nữa”. Trong khi chờ đợi phán quyết cuối cùng của LHQ thì các chuyên gia pháp lý cũng tỏ ra rất lo ngại trước một viễn cảnh sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh thực sự vì chủ quyền đối với Bắc Cực. Giáo sư luật quốc tế của Trường ĐạI học Georgetown Christopher Joyner bày tỏ quan điểm: “Một cuộc xung đột nghiêm trọng giữa Canada, Mỹ và Nga là điều rất dễ xảy ra nếu không có kết luận sớm”. Vì trên thực tế 3 quốc gia này có những lợi ích thiết thực và đang triển khai nhiều biện pháp kể cả quân đội để chốt chặn các khu vực mà họ tuyên bố có chủ quyền. Đặc biệt những động thái gần đây giữa Nga với Canada càng làm tăng lên sự lo ngại của cộng đồng quốc tế.

Ông Malte Humpert, Giám đốc Viện Nghiên cứu Bắc cực (trụ sở tại Washington D.C, Mỹ), mô tả khu vực này là “điểm trắng cuối cùng trên bản đồ thế giới”. “Về mặt địa chính trị, đây là nơi đầy cơ hội, tài nguyên dồi dào, chưa có nhiều cơ chế quản lý và sự hiện diện quân sự còn mỏng, nên Trung Quốc sẽ tận dụng tối đa”, ông Humpert nói. Chuyên gia này cũng lưu ý Sách trắng nhấn mạnh Trung Quốc sẽ bắt đầu xúc tiến đánh bắt do “Bắc cực có tiềm năng trở thành ngư trường mới đầy tiềm năng cho tương lai”. Trong những năm gần đây, ngư dân Trung Quốc di chuyển ngày càng xa bờ để tìm kiếm ngư trường mới và gây ra lo ngại lớn vì thường xuyên xâm phạm vùng biển nước khác, vơ vét hải sản quý hiếm hoặc đánh bắt bằng những phương pháp bị cấm.

Nhìn chung, với việc Bắc Cực có vị trí địa chiến lược quan trọng và nguồn tài nguyên khoáng sản, dầu khí, hải sản.. phong phú sẽ là nguyên nhân để các nước lớn tăng cường cạnh tranh ảnh hưởng, tuyên bố chủ quyền trong khu vực. Trong số những nước này, Nga, Mỹ, Trung Quốc, Canada… đang là những nước có nhiều sự hiện diện ở Bắc Cực và nguy cơ xảy ra xung đột về lợi ích giữa các nước liên quan có thể châm ngòi cho một cuộc chiến mới ở Bắc Cực.

RELATED ARTICLES

Tin mới