Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiKinh tế "bầm dập" vì chiến tranh thương mại, TQ tìm niềm...

Kinh tế “bầm dập” vì chiến tranh thương mại, TQ tìm niềm an ủi từ mặt hàng ít ai ngờ tới

Dường như dù nhìn ở góc độ nào cũng thấy, nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại: Người tiêu dùng thận trọng hơn, lợi nhuận của ngành công nghiệp đang giảm.

Mặt hàng đồ lót nam được bán trên kênh bán lẻ trực tuyến Jingdong.

Nội dung dưới đây lược dịch từ bài viết của hai tác giả Alexandra Stevenson và Cao Li, những cây bút nổi tiếng của tờ New York Times.

Chỉ số bất ngờ

Dường như dù nhìn ở góc độ nào cũng cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại. Người tiêu dùng thận trọng hơn. Bất động sản khó bán hơn. Lợi nhuận của ngành công nghiệp cũng đang giảm.

Nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc lại hướng mọi người chú ý vào một chỉ số khác: Đồ lót nam.

Theo Thời báo Hoàn cầu – phụ bản của báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo, doanh số của mặt hàng quần đùi và đồ lót nam tăng mạnh, cho thấy đây là một tin tốt lành trong bối cảnh các ngành công nghiệp truyền thống của Trung Quốc phải đối mặt mặt với nhiều khó khăn.

Bài viết này lập luận rằng, nam giới ở Liêu Ninh đang nâng cấp một phần trong tủ quần áo của mình – nơi mà phần lớn bạn bè và người thân của họ không bao giờ nhìn thấy.

Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế lại đang tỏ thái độ hoài nghi đối với chỉ số đồ lót ở Liêu Ninh.

“Bối cảnh có liên quan duy nhất ở đây chính là”, Arthur R. Kroeber, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu kinh tế Gavekal Dragonomics nói, “Kinh tế Trung Quốc rõ ràng đang chững lại nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc lại vẽ rắn thêm chân”.

Việc cố gắng tìm kiếm một chỉ số cho thấy sự thịnh vượng của Trung Quốc có lẽ là điều dễ hiểu. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt với bảng dữ liệu kinh tế đáng thất vọng ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư, thị trường chứng khoán của Trung Quốc đã đánh mất 1/4 giá trị trong năm 2018.

Và khi chiến tranh thương mại Trung-Mỹ kéo dài, vấn đề sẽ càng trở nên tồi tệ hơn.

Trong bối cảnh đó, giới quan chức Trung Quốc đã cam kết cắt giảm thuế và thực hiện các biện pháp khác để hồi sinh doanh nghiệp.

Thực tế, chỉ số về đồ lót không phải là sáng kiến của Thời báo Hoàn cầu. Chỉ số này là ý tưởng của cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Alan Greenspan, được truyền thông Mỹ sử dụng như một bản phác thảo về sự phục hồi kinh tế trong cuộc khủng hoảng tài chính toài cầu.

Các chỉ số bất thường khác cũng có được mức độ thành công khác nhau. Ví dụ, để hiểu về tỷ giá hối đoái có thể tìm đến chỉ số Big Mac, chỉ số son môi được coi là chỉ số ngược – khi kinh tế trì trệ, nữ giới sẽ mua son môi thay vì quần áo và giày dép đắt tiền hơn. Tương tự, chỉ số giày cao gót, được dùng để dự đoán về nền kinh tế suy thoái – thời kỳ kinh tế khó khăn, nữ giới thường không ưa mua giày cao gót.

Ở Trung Quốc, các chỉ số không chính thức thậm chí đã phổ biến hơn do sự thiếu tin tưởng chung vào dữ liệu chính thức.

Bản thân Liêu Ninh chính là một ví dụ nổi bật nhất. Chỉ một năm trước, các quan chức Trung Quốc cho biết, Liêu Ninh đã báo cáo sai số liệu thống kế tăng trưởng giai đoạn 2011 – 2014. Ngay cả trước đó, Liêu Ninh cũng là vùng đất sản sinh ra chỉ số kinh tế không chính thức được rất nhiều người quan tâm: Chỉ số Lý Khắc Cường.

Chỉ số trên được đặt theo tên Thủ tướng Trung Quốc đương nhiệm. Năm 2007, khi còn là Bí thư tỉnh ủy Liêu Ninh, ông Lý Khắc Cường đã nói với Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc rằng, thay vì chỉ số chính thức, ông thường theo dõi xu hướng kinh tế thông qua khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt, tiêu thụ điện và vay vốn ngân hàng của tỉnh.

Dù chỉ số Lý Khắc Cường được cho là có cơ sở tin cậy nhưng các chuyên gia kinh tế vẫn tỏ ra nghi ngờ đối với chỉ số đồ lót của Liêu Ninh.

Phản ánh nền kinh tế ảm đạm

Thời báo Hoàn cầu trích dẫn số liệu từ bộ phận nghiên cứu của nhà bán lẻ trực tuyến Jingdong cho biết, doanh số bán đồ lót nam đã tăng 42% trong năm 2017 và tăng 32% trong năm 2018. Tờ này cho hay, doanh số bán đồ lót ở Liêu Ninh cao hơn bất kể tỉnh thành nào khác.

Nhưng khi được hỏi liệu Jingdong có số liệu tương đương ở các tỉnh thành khác hay không, Ling Cao – đại diện Jingdong lại thừa nhận: “Chúng tôi [Jingdong] không có số liệu của các tỉnh thành khác”.

Số liệu của Jingdong cũng chỉ là doanh số trên kênh bán hàng trực tuyến, không bao gồm doanh số bán đồ lót trong các cửa hàng truyền thống.

Điều này có nghĩa là, ngay cả khi phương pháp thống kê chưa chắc chắn nhưng chỉ số đồ lót ở Liêu Ninh vẫn có thể hoàn toàn đúng.

Giới chuyên gia cho biết, số liệu về lãi suất, sản xuất và tiêu thụ công nghiệp của tỉnh này đang tăng lên. Phần lớn sự tăng trưởng đó có thể đến từ những nỗ lực của Trung Quốc nhằm vực dậy nền kinh tế: Liêu Ninh đang từ bỏ các biện pháp giảm nợ và bắt đầu phê duyệt các dự án xi măng, xây dựng và cơ sở hạ tầng quy mô lớn, thúc đẩy sự tăng trưởng đáng kể sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

“Về lý thuyết, theo báo cáo từ đơn vị trực thuộc Cục thống kế quốc gia Trung Quốc đặt tại Liêu Ninh cho biết, chỉ số kinh tế của tỉnh này trong vài tháng qua có biểu hiện khá khởi sắc”, Victor Shih, Phó giáo sư tại Đại học California, San Diego nói.

Tuy nhiên, chỉ số tăng trưởng này vẫn rất thấp. Mới đây, tỉnh này đã công bố một số dữ liệu kinh tế tồi tệ nhất cả nước.

“Dù vậy, đây là những biểu hiện nổi bật trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm trong những năm qua”, Shih nhấn mạnh.

Ông cũng nói rằng, rất có thể vẫn còn một khả năng: Do đồ lót mềm và cực kỳ dễ gấp nên có thể dễ dàng vận chuyển từ nơi này đến nơi khác trên khắp Trung Quốc cho nên khách hàng ở đâu, nó sẽ ở đó.

Theo lối tư duy này, có lẽ nam giới ở Liêu Ninh vì không tìm được công việc ở tỉnh khác nên bắt đầu trở về quê nhà và họ phải mặc một cái gì đó.

RELATED ARTICLES

Tin mới