Trung Quốc có thể khai thác vàng trái phép thông qua các dự án cơ sở hạ tầng.
Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo trong bài phỏng vấn với tờ Nikkei (Nhật Bản) tại Tokyo hôm 6/1 đã đề cập tới lo ngại, Trung Quốc có thể tham gia khai thác trái phép vàng và các tài nguyên khoáng sản khác ở quốc gia Tây Phi này.
Các công ty nhà nước Trung Quốc đang hoạt động tại Ghana, phát triển đường bộ, đường sắt và ngành điện.
“Sự hợp tác giữa Trung Quốc và Ghana là bền chặt. Tuy nhiên, chúng tôi có một vấn đề lớn về sự tham gia của Trung Quốc vào hoạt động khai thác bất hợp pháp ở Ghana” – Tổng thống Nana Akufo-Addo nói.
Chính phủ Ghana có thể sẽ tiến hành một cuộc điều tra có hệ thống và chi tiết về vấn đề này.
Việc khai thác tài nguyên khoáng sản bất hợp pháp vẫn tiếp tục và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của Ghana.
Hồi tháng 6/2013, 124 công dân Trung Quốc đã bị giam giữ tại Ghana vì khai thác vàng trái phép. Cũng cần lưu ý rằng, người Trung Quốc cư trú tại Ghana có thể xuất khẩu vàng khai thác trái phép sang Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Con số thống kê các hoạt động thương mại chính thức và xuất khẩu vàng thực tế trong năm 2017 chênh lệch lên tới 5 tỷ USD, Tổng thống Ghana cho biết thêm.
Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Trung Quốc- châu Phi (SAIS) thuộc Đại học Johns Hopkins, các ngân hàng Trung Quốc đã mở rộng các ưu đãi cho vay đối với quốc gia châu Phi này tổng cộng 3,17 tỷ USD từ năm 2000 – 2015. Con số này giúp Ghana xếp thứ 7 trong danh sách các quốc gia châu Phi nhận khoản vay từ Trung Quốc.
Hồi giữa tháng 12/2018, Tổng thống Akufo-Addo đã phải kêu gọi những người dân Ghana bình tĩnh khi họ cho rằng quốc gia đang phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.
Nhiều người Ghana bày tỏ lo lắng về mối quan hệ song phương ngày càng sâu sắc của Tổng thống nước này với quốc gia châu Á.
Năm ngoái, Ghana và Trung Quốc đã ký kết 8 Hiệp định hợp tác và Biên bản ghi nhớ trong nhiều lĩnh vực với mục đích làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác và hữu nghị tồn tại giữa hai nước.
Điểm mấu chốt trong số đó là thỏa thuận hỗ trợ cơ sở hạ tầng trị giá 2 tỷ USD mà Ghana sẽ từ bỏ gần như toàn bộ các mỏ Bauxite để cho Trung Quốc khai thác, Ghana News cho biết.
Không phải chỉ Ghana lo ngại về các dự án mang tên Trung Quốc có thể vắt kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Khi giá trị của đồng, cobal, và các khoáng sản khác tăng cùng với nhu cầu thiết bị điện tử trên toàn thế giới vào đầu những năm 2000, hàng chục công ty nhỏ của Trung Quốc đã mở cửa hàng tại tỉnh Katanga của Congo để mua và chế biến khoáng sản do các thợ mỏ khai thác.
Chính phủ Cộng hoà Dân chủ Congo đã quyết định tự bảo vệ mình bằng cách tăng thuế và buộc các công ty nước ngoài chuyển giao bớt cổ phần cho doanh nghiệp nội.
Tại Zambia, Chính phủ sử dụng biện pháp truy thu thuế với các công ty Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực khai thác đồng và mangan ở quốc gia này.
Đầu tư của Trung Quốc từng được coi là niềm hy vọng nhưng cuối cùng chỉ mang đến nợ nần và mang đi tài nguyên. |
Nhìn chung, Chính phủ các nước Nam Phi đang tập trung thực hiện nhiều biện pháp chủ động nhằm quản lý tài nguyên, trong đó có việc tăng tỷ lệ công ty nội trong lĩnh vực khai khoáng, từ đó làm giảm vai trò của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Là một phần trong sáng kiến “Vành đai- Con đường”, Châu Phi đóng một vai trò đặc biệt quan trọng với người Trung Quốc. Xưa kia, Bắc Kinh chọn khai thác tài nguyên ở đây. Đến nay, Trung Quốc chuyển dần sang chiến lược, thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng quy mô ở nước sở tại.
Thương mại hàng năm của Trung Quốc với châu Phi đã tăng lên 166 tỷ USD, khiến Trung Quốc trở thành đối tác thương mại song phương lớn nhất khu vực này.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đặt mục tiêu nâng sản lượng khai thác vàng hàng năm của Trung Quốc lên 500 tấn vào năm 2020. Bắc Kinh đang tìm cách bảo đảm nguồn cung vàng trong tương lai để phục vụ các mục đích chiến lược và kinh tế.
Theo sáng kiến “Made in China 2025” do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động, Trung Quốc đặt tham vọng trở thành cường quốc công nghệ và sản xuất trong các lĩnh vực như tự động hóa, bán dẫn, xe điện… Vàng, được sử dụng phổ biến trong các cơ chất của mặt hàng điện tử, có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược trong nỗ lực này.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang nắm giữ lượng vàng dự trữ lớn thứ sáu thế giới với khoảng 1.843 tấn.