Khoảng 2 triệu đề nghị tuyển dụng đã biến mất khỏi trang 51job.com – trang web tuyển dụng hàng đầu của Trung Quốc – trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2018.
Ảnh minh họa: Reuters
Hợp đồng bị hủy bỏ
Tan Shiyang, một cử nhân sắp tốt nghiệp ngành kĩ thuật y tế và công nghệ sinh học của Đại học danh tiếng Beihang, đáng nhẽ không bao giờ phải lo lắng về việc tìm một công việc ổn định tại Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu công nghệ sinh học ở trình độ của Tan luôn được chào đón tại khắp các doanh nghiệp do mức độ khan hiếm đặc thù của ngành. Trong khi đó, ngôi trường Beihang lại là một trong những trường hàng đầu cả nước, được thế giới đánh giá ngang ngửa với Viện Công nghệ Massachusetts của Mỹ.
Vì lẽ đó, khi Tan nhận được hàng loạt lời đề nghị việc làm sau buổi gặp đại diện từ hàng loạt công ty tại buổi hội thảo tuyển dụng tổ chức ở trường Beihang, mọi chuyện bắt đầu đi vào “đúng quỹ đạo”. Cuối cùng, Tan quyết định nhận lời trở thành nhà nghiên cứu tại một hãng công nghệ cao ở Thâm Quyến – một trong những thành phố năng động nhất của Trung Quốc hiện tại.
Được đảm bảo công việc ổn định sau tốt nghiệp, Tan yên tâm và tập trung hết sức vào những tháng cuối cùng của đời sinh viên. Nhưng tháng 12 vừa qua, mọi chuyện đã có chuyển biến đột ngột.
Công ty nhận tuyển dụng Tan – Mindray Bio-Medical Electronics – thông báo rằng lời mời làm việc đã hết hiệu lực do sự thay đổi trong kế hoạch nhân sự.
Mindray – nhà sản xuất thiết bị y tế lớn nhất Trung Quốc – nói sẽ trả 5.000 NDT (khoảng 727 USD), bằng một phần ba tháng lương đầu tiên của Tan theo cam kết – làm tiền bồi thường.
Sự thay đổi đã khiến cuộc đời Tan đảo lộn, khi những lời hứa hẹn trong mùa tuyển dụng đã “cuốn theo chiều gió” trước bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục trên đà trượt dốc.
“Tôi chọn Mindray bởi tôi muốn làm việc nghiên cứu trong một công ty đổi mới, và đó là lí do tôi từ chối tất cả những đề nghị khác. Nhưng bây giờ tôi phải bắt đầu lại từ đầu…
Trước đây tôi rất ít khi nghĩ về sự sụp đổ trong nền kinh tế, còn hiện tại tôi nghĩ tôi đã trở thành nạn nhân của nó rồi.”
Giấc mơ tan vỡ
Tan không phải là sinh viên duy nhất hứng chịu hậu quả của chiến tranh thương mại.
Eric Li đã nhận lời mời làm việc tại Mindray với mức lương dự kiến hàng năm khoảng 200.000 NDT (~29.000 USD)/1 năm. Khi biết công ty không còn tuyển dụng nữa, anh cảm tưởng như giấc mơ của mình đã vỡ vụn.
“Tôi đã có kế hoạch sử dụng khoản tiền này để mua sữa bột cho cháu trai hàng tháng. Tôi định tiết kiệm 120.000 NDT để chuẩn bị cưới vợ nữa. Tôi mơ một ngày nào đó có đủ tiền để mua một căn hộ nhỏ ở Thâm Quyến. Và bây giờ mọi thứ đều biến mất cả rồi,” Li nói.
Li cho biết Mindray đã tổ chức một “tiệc chào mừng” với những nhân viên mới vào ngày 22/12 ở Thâm Quyến – nơi các quản lí cấp cao của công ty nói về tương lai tươi sáng của những nhân viên khi làm việc tại đây. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau, các sinh viên đều nhận được cuộc điện thoại cho biết lời đề nghị làm việc đã bị hủy bỏ.
Những sinh viên có “chung số phận” này đã lập một nhóm đối thoại để tìm giải pháp.
Li cho biết các thành viên tham gia thảo luận đều cảm thấy xui xẻo khi tốt nghiệp đúng lúc nền kinh tế Trung Quốc chịu áp lực lớn nhất.
Trong một đoạn email gửi tới SCMP, Mindray cho biết đã đưa ra lời mời việc làm tới 485 sinh viên mới tốt nghiệp từ 50 trường đại học ở Trung Quốc vào hồi tháng 9.
Nhưng công ty này đã quyết định cắt 254 hợp đồng vào cuối tháng 12 sau “một cuộc thảo luận nội bộ”. Cùng kì năm 2017, Mindray thuê 430 nhân sự mới.
Mindray, công ty sản xuất các trang thiết bị theo dõi sức khỏe bệnh nhân, cho biết việc duy trì kinh doanh ổn định trong năm 2019 “khó khăn hơn những năm trước” và do đó đã phải cắt giảm kế hoạch tuyển dụng nhân viên mới “để đảm bảo sự phát triển liên tục và ổn định cho công ty”.
Theo quy định của Trung Quốc, hợp đồng kí kết giữa sinh viên và các nhà tuyển dụng tiềm năng được xếp vào loại hợp đồng thỏa thuận, không phải hợp đồng lao động chính thức. Do đó, các nhà tuyển dụng có thể chấm dứt hợp đồng hợp pháp sau khi các sinh viên đã kí.
Tuy nhiên, việc cắt đứt hợp đồng với hàng trăm sinh viên một lúc vẫn là chuyện hiếm gặp.
Thay đổi chiến lược nghề nghiệp
Báo cáo về tình trạng việc làm cho thấy Trung Quốc vẫn ổn định mặc cho chiến tranh thương mại và sự biến động trên thị trường chứng khoán. Khoảng 12.93 triệu công việc đã được tạo thêm trong 11 tháng đầu năm 2018, tăng 130.000 so với cùng kì năm 2017.
Hồi tháng 11, khảo sát cho thấy tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị Trung Quốc đã giảm xuống 4.8% sau khi tăng tới 4.9% vào tháng 10.
Tuy nhiên, việc ngày càng nhiều công ty thông báo “đóng băng” tuyển dụng và cắt giảm việc làm cho thấy đối với các ngành như công nghệ cao và tài chính, bức tranh tuyển dụng có thể u ám hơn các số liệu đưa ra.
Trước khi Mỹ và Trung Quốc thông báo về thỏa thuận đình chiến thương mại kéo dài 90 ngày vào ngày 1/12, các số liệu đã minh chứng cho việc nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu đi xuống bởi chiến tranh thương mại với Mỹ đã làm “xói mòn” niềm tin của người tiêu dùng và làm tổn hại doanh số các sản phẩm như xe ô tô và thiết bị điện tử.
Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đặt “phát triển ổn định” làm tiêu chí hàng đầu cho năm 2019, bởi Bắc Kinh cho rằng việc tạo công ăn việc làm, đặc biệt cho những sinh viên trẻ như Tan và Li, là điều cần thiết để đảm bảo ổn định xã hội.
Năm nay, 8,34 triệu sinh viên sẽ tốt nghiệp từ các trường đại học và cao đẳng của Trung Quốc. Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, đây là con số cao kỉ lục. Trong khi đó, trong năm 2009, Trung Quốc chỉ có khoảng 5,3 triệu sinh viên tốt nghiệp.
Cùng lúc, nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển chậm tới mức “chạm đáy” trong vòng một thập kỉ trở lại đây và viễn cảnh tồi tệ nhất vẫn đang chờ đợi trước mắt.
Song Xuetao, một nhà kinh tế học tại Tianfeng Securities, viết trong nghiên cứu rằng khoảng 2 triệu đề nghị tuyển dụng đã biến mất khỏi trang 51job.com – trang web tuyển dụng hàng đầu của Trung Quốc – trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2018.
Ông Song cho hay việc công ty tư nhân với quy mô từ 50 đến 500 nhân sự hiếm khi đăng tin tuyển người vào giai đoạn này.
Sự sụt giảm này đã khiến những người trẻ tuổi cảm thấy bất an, buộc họ phải theo đuổi những vị trí ổn định trong các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước giữa bối cảnh những hãng tư nhân như Mindray ngày càng tỏ ra “không đáng tin cậy”.
Thành lập năm 1991, công ty Mindray hiện có khoảng 7.000 nhân viên trên toàn cầu và cho biết đã thu về 2,6 tỉ NDT lợi nhuận trong số doanh thu 11,2 tỉ NDT doanh thu vào năm 2017.
Joan Liu, một sinh viên cũng vừa mới bị cắt đứt hợp đồng tại Mindray, cho biết: “Mindray là hãng dẫn đầu trong ngành công nghiệp mà vẫn phải chấm dứt hàng loạt hợp đồng như vậy. Mọi người có thể tưởng tượng được các công ty nhỏ đang phải xoay xở như thế nào.”