Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngVũ khí laser và vũ khí điện từ của TQ chuẩn bị...

Vũ khí laser và vũ khí điện từ của TQ chuẩn bị triển khai phi pháp ở Biển Đông

Trong những năm gần đây Trung Quốc đã phát triển nhiều mẫu vũ khí laser, vũ khí điện từ từ công suất thấp đến cao, có thể bắn hạ máy bay không người lái, phá hủy cảm biến hay gây mù mắt. Đáng chú ý, trong số những khí tài hiện đại sẽ có nhiều loại được Bắc Kinh triển khai phi pháp ở Biển Đông nhằm gia tăng khả năng kiểm soát tình hình, răn đe các nước liên quan và từng bước phụ vụ âm mưu thôn tính Biển Đông.

Trung Quốc đang sỡ hữu nhiều loại vũ khí laser có thể triển khai ở Biển Đông

Vũ khí laser là vũ khí sử dụng tia laser công suất cao để bắn chính xác các mục tiêu tầm xa hoặc để bảo vệ tên lửa. Ưu điểm nổi bật của nó là thời gian phản ứng ngắn, có thể ngăn chặn các mục tiêu ở độ cao thấp khi phát hiện bất ngờ. Khi sử dụng laser để chặn nhiều mục tiêu, có thể nhanh chóng thay đổi mục tiêu, có khả năng ứng biến linh hoạt với nhiều mục tiêu. Điểm bất lợi của vũ khí laser là chúng không thể phù hợp với mọi điều kiện thời tiết, khó dùng khi sương mù nhiều, tuyết rơi dày, mưa lớn.

Bởi vì vũ khí laser đòi hỏi nguồn điện năng rất lớn, trước khi có thể giải quyết được vấn đề khó khăn trong thu nhỏ thiết bị lưu trữ năng lượng (như pin năng lượng cao), vũ khí laser khó thực hiện ứng dụng trên quy mô lớn. Sức mạnh hủy diệt của vũ khí laser bao gồm làm mù, đục lỗ và phá hoại mục tiêu.

Vũ khí laser có thể được dùng dưới 3 hình thức: (1) Gắn vũ khí laser vào vệ tinh nhân tạo, có thể tấn công các tên lửa liên lục địa đang trong giai đoạn đầu cất cánh (trong vòng tám phút sau khi cất cánh), hoặc tấn công các vệ tinh của đối phương trên quỹ đạo. (2) Lắp đặt trên mặt đất, có thể bắn hạ các máy bay hoặc vệ tinh; lắp đặt trên tàu để bắn tên lửa và máy bay không người lái tấn công đến. (3) Gắn trên máy bay để tấn công máy bay hoặc tên lửa của đối phương.

Công nghệ laser là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa công nghệ và trang thiết bị của Trung Quốc. Bắc Kinh đã phát triển vũ khí laser, từ các tia laser năng lượng thấp đến hệ thống vũ khí chiến lược năng lượng cao. Dưới đây là một số vũ khí laser chiến thuật mới được Trung Quốc tiết lộ trong những năm gần đây.

Hệ thống vũ khí laser LW-30của Trung Quốc được giới thiệu có khả năng bắn hạ máy bay không người lái, bom và tên lửa không đối đất. LW-30 do Tập đoàn công nghiệp và khoa học hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC) nghiên cứu và sản xuất. Tổ hợp này bao gồm một xe chỉ huy và liên lạc, xe chiến đấu với pháo laser và thiết bị hỗ trợ. LW-30 được thiết kế để tấn công các mục tiêu đường không như máy bay không người lái, máy bay cánh cố định bay thấp, trực thăng, bom, tên lửa không đối đất. Hệ thống gồm trạm vũ khí laser điều khiển từ xa lắp trên nóc thùng xe. Nó được tích hợp sẵn cảm biến quang-điện để tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu. LW-30 có thể bắn tia laser với công suất 30 kW, có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 25 km. Một trạm radar di động được triển khai cùng LW-30 để hỗ trợ phát hiện mục tiêu tầm xa. Hệ thống LW-30 có thể hoạt động độc lập hoặc kết hợp trong đội hình phòng không. Song CASIC cho rằng LW-30 đặc biệt thích hợp với nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu bay thấp, chậm và có kích thước nhỏ (LSS), vốn được các nhóm vũ trang sử dụng để mang theo thuốc nổ và chất phóng xạ.

Giới chuyên gia Trung Quốc nhận định, do chi phí cho mỗi lần phát xung rất thấp đồng thời có thể bắn không giới hạn, LW-30 có thể được trang bị cho hầu hết các phương tiện tác chiến trên không, trên biển và trên mặt đất. Ngoài ra, LW-30 có thể kết hợp với pháo phòng không và tên lửa để triển khai ở các khu vực tranh chấp nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Trung Quốc. Hiện LW-30 đã hoàn thành quá trình phát triển và có thể sớm được đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, ít khả năng LW-30 có tầm bắn hiệu quả lên đến 25 km, vì vũ khí laser biến năng lượng điện thành ánh sáng ở nhiệt độ cao để đốt cháy mục tiêu, song chùm tia laser dễ bị hấp thụ bởi bầu không khí ô nhiễm, sương mù hoặc khói khiến phạm vi hoạt động hiệu quả khá ngắn. Ngoài ra, hiện các hệ thống vũ khí laser của Mỹ đang thử nghiệm chỉ có thể bắn hạ mục tiêu trong phạm vi vài km. Nếu so với khoảng cách hàng trăm kilomet của tên lửa thì hiệu quả tác chiến không cao và mang tính chất phòng thủ nhiều hơn tấn công.

Guard-I là hệ thống vũ khí laser công suất thấp có thể triển khai trên xe kéo hoặc trên mặt đất. Nó bắn đi tia laser có công suất 10 kW, có thể bao phủ khu vực rộng 12 km2. Hệ thống vũ khí laser này có thể bắn hạ hơn 30 loại phương tiện bay cỡ nhỏ, với tỷ lệ thành công tới 100% trong các thử nghiệm. Theo một báo cáo vào năm 2014, Guard-I có thể bắn hạ máy bay không người lái (UAV) ở cự ly 2 km, độ cao 500 m, trong thời gian 5 giây. Hệ thống được phát triển bởi Học viện Vật lý Kỹ thuật Trung Quốc vì mục đích an ninh xung quanh các sự kiện lớn tại đô thị. Theo Tân Hoa Xã, một hệ thống có công suất mạnh hơn đang được phát triển để trang bị cho tàu chiến.

Silent Hunter là hệ thống  được sử dụng để bảo vệ hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Hàng Châu vào năm 2016. Hệ thống bắn ra tia laser có công suất từ 30-100 kW, phạm vi 4 km. Theo nhà phát triển China Poly Technologies, tia laser bắn ra từ hệ thống có thể cắt tấm thép dày 5 mm ở khoảng cách 1 km, hay xuyên thủng 5 tấm thép dày 2 mm đặt cạnh nhau ở cự ly 800 m. Silent Hunter được giới thiệu công khai lần đầu tại triển lãm hàng không Nam Phi năm 2016.

Guorong-Ilà hệ thống vũ khí laser được thiết kế cho nhiệm vụ tiêu diệt máy bay không người lái. Hệ thống gồm radar theo dõi mục tiêu, cảm biến quang-điện tử và tia laser năng lượng cao có thể bắn hạ UAV chỉ vài giây từ khoảng cách hàng trăm mét. Hệ thống này được phát triển bởi Công ty công nghệ Guorong, thuộc Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc.

Light Shield là hệ thống phòng thủ laser lắp trên các phương tiện cơ giới. Nó được thiết kế để phá hỏng hệ thống cảm biến quang-điện trên máy bay hoặc tên lửa. Hệ thống được phát triển bởi Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc. Hệ thống gồm cảm biến phát hiện, nhận dạng mục tiêu và máy phát laser để làm hỏng hoặc phá hủy cảm biến. Nó đã được lắp đặt trên một số xe bọc thép của quân đội Trung Quốc và được công bố tại triển lãm hàng không Chu Hải năm 2014.

Vũ khí laser trang bị trên xe tăng Type-99khiến xe có thể sử dụng laser tấn công kính ngắm, kính quan sát của xe tăng, vô hiệu hóa các hệ thống quang điện tử của nhiều vũ khí diệt tăng.

Vũ khí laser cá nhân cũng được phát triển với công suất thấp, được sử dụng để làm lóa hoặc gây mù mắt đối phương ở cự ly gần, hay làm hỏng thiết bị nhìn đêm của đối phương. Thời báo Hoàn Cầu từng tiết lộ Trung Quốc đang sở hữu nhiều loại súng laser gồm, BBQ-905, WJG-2002, ZKZM-500, PY132A và PY131A. ZKZM-500 là một sản phẩm do công ty ZKZM Laser chế tạo ra. Công ty trên thuộc quyền quản lý của Viện nghiên cứu Quang học và Cơ khí chính xác Tây An, một cơ sở nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học tự nhiên Trung Quốc ở Thiểm Tây. ZKZM-500 được xếp vào hàng vũ khí “phi sát thương”, dù có thể phóng ra một luồng laser năng lượng cao. Luồng laser này vô hình trước mắt người và đủ mạnh để xuyên qua các cửa kính tới mục tiêu. Ngay khi tiếp xúc với da và mô người, nó có khả năng thiêu cháy mục tiêu. Về mặt kỹ thuật, ZKZM-500 có cỡ nòng 15mm và nặng chừng 3kg, tức bằng với trọng lượng một khẩu AK-47, vì thế nó mới được đặt cho biệt danh súng AK laser. Khẩu súng này được trang bị một bộ pin sạc lithium giống loại dùng trên điện thoại di động. Bộ pin cho phép nó bắn được tổng cộng 1.000 phát, với mỗi phát bắn kéo dài không quá 2 giây. Súng có tầm bắn 800 mét. Do đặc điểm gọn nhẹ nên khẩu súng dễ dàng được trang bị cho cá nhân. Ngoài ra người ta cũng có thể gắn nó trên xe, tàu thuyền, máy bay… để phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Trong khi đó, PY132 là súng laser cầm tay, có thể làm mù cảm biến ảnh nhiệt, hồng ngoại hoặc nhìn đêm của đối phương. Nó cũng có thể vô hiệu hóa các loại máy bay không người lái. WJG-202 và BBQ-90 là những mẫu laser cầm tay khá mạnh, có khả năng làm mù cảm biến của các máy bay không người lái bay chậm, hoặc phá hỏng cảm biến của xe tăng quân thù.

Trung Quốc đã nhiều lần sử dụng vũ khí laser tấn công quân nhân Mỹ. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ xác nhận, thời gian gần đây ở khu vực biển Hoa Đông, các phi công quân đội Mỹ đã bị Trung Quốc tấn công bằng vũ khí laser có khả năng gây mù mắt, số lần tấn công đã lên đến hơn 20 lần. Trong khi đó, có cơ quan truyền thông Mỹ nhận định, chính quyền Trung Quốc đã huấn luyện ngư dân Trung Quốc làm “dân quân biển” và họ đã sử dụng vũ khí laser để tấn công quân đội Mỹ; quân đội Trung Quốc đang gia tăng việc sử dụng vũ khí laser gây mù mắt. Về vấn đề này, các chuyên gia quân sự Mỹ lên án đây là hành vi tàn độc và bất hợp pháp, vi phạm Công ước của Liên Hiệp Quốc mà Trung Quốc đã ký kết. Trung Quốc đã ký “Nghị định thư Liên hiệp quốc về Vũ khí laser”, cấm sử dụng vũ khí laser gây mù lòa trong chiến tranh. Hiệp ước có hiệu lực vào ngày 30/7/1998, đến tháng 12/2014 đã có 104 quốc gia cam kết.

Truyền thông Mỹ đã có nhận định rằng Trung Quốc đào tạo ngư dân sử dụng vũ khí laser của họ và cung cấp các khoản trợ cấp để các “trinh sát biển” này làm “tai mắt của quân đội Trung Quốc”, xâm nhập vào vùng biển tranh chấp, đối đầu với các tàu đánh cá và quân cảnh vệ bờ biển của các nước khác. Lần này, các phi công quân đội Mỹ đã bị tấn công bởi tia laser, nhiều khả năng hành vi do chính những ngư dân này gây ra. Theo phân tích, các cuộc tấn công này nằm dưới chỉ đạo của quân đội Trung Quốc, vì các ngư dân bình thường không có radar giám sát, không thể phân biệt chính xác liệu một chiếc máy bay qua là máy bay dân sự hay quân sự của Mỹ. Mỹ đã đưa đơn khiếu nại chính thức đối với Trung Quốc, nhưng chính quyền Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc trên.

Richard Fisher, Jr, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế cho rằng đây thực sự là một chiến thuật độc ác và bất hợp pháp, nhưng Trung Quốc đã nhiều lần hành động như vậy; khẳng định nếu Trung Quốc tiếp tục sử dụng vũ khí laser, họ có thể bị quân đội Mỹ và nhiều nước khác trả thù, làm leo thang căng thẳng.

Vũ khí điện từ của Trung Quốc

Vũ khí điện từ của Trung Quốc được tiết lộ lần đầu trong năm 2011 và được thử nghiệm trên mặt đất sau đó 3 năm. Pháo điện từ được lắp trên tàu đổ bộ xe tăng Haiyang Shan 936 vào đầu năm 2018. Mẫu vũ khí này có kích thước rất lớn và không giống pháo thông thường. Mẫu pháo điện từ của Trung Quốc được cho là có thể bắn xa gần 200 km, với tốc độ lên đến 2,5 km/s. Thời báo Hoàn Cầu (3/2018) cho biết Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng kể trên các vũ khí tối tân, gồm thử nghiệm trên biển của vũ khí điện từ. Tuy vậy hiện chưa có hình ảnh nào về thử nghiệm vũ khí điện từ của Trung Quốc được công bố.

Pháo điện từ là loại vũ khí ứng dụng nguyên lý đảo chiều từ trường dòng điện để tạo ra lực đẩy điện từ bắn đầu đạn đi với tốc độ cực nhanh. Tốc độ của đầu đạn lên đến 7.920 km/h, nó phá hủy mục tiêu nhờ vào động năng của vụ va chạm mà không cần dùng thuốc nổ. Cấu tạo của pháo điện từ gồm 2 ray kim loại đặt song song nhau và kết nối với nguồn cung cấp điện. Đầu đạn là khối kim loại được đặt giữa 2 thanh ray. Khi dòng điện được đóng nó tạo nên dòng từ trường chạy dọc theo chiều dài của thanh ray. Khi đó, lực đẩy Lorentz được hình thành giữa 2 thanh ray đẩy đầu đạn ra ngoài mà không cần dùng liều phóng. Ưu điểm của pháo điện từ là không cần dùng liều phóng để đẩy đầu đạn đi như pháo thông thường, hay động cơ tên lửa, nên loại trừ được nguy cơ cháy nổ. Chi phí đầu đạn thấp hơn nhiều so với trước do không cần chế tạo thêm các bộ phận liên quan. Ngoài ra, đầu đạn là khối kim loại nhỏ nên số lượng mang theo nhiều hơn, giúp kéo dài thời gian chiến đấu.

Đáng chú ý, gần đây có thông tin cho rằng Bắc Kinh đang nghiên cứu, phát triển tên lửa phóng bằng lực đẩy điện từ thay vì sử dụng động cơ như hiện tại, giúp tăng tầm bắn và độ chính xác. Tờ Khoa học và Công nghệ hàng ngày của Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh đang phát triển tên lửa điện từ đầu tiên trên thế giới, cung cấp tầm bắn xa hơn và có thể giúp cho quân đội tạo ra lợi thế lớn ở các khu vực như cao nguyên Himalaya và Tây Tạng. Chi tiết về tên lửa điện từ, chẳng hạn như tầm bắn chính xác, thời điểm triển khai của nó vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, Han Junli, nhà khoa học hàng đầu của dự án nói rằng họ đã đạt được “tiến bộ đáng kể trên tên lửa điện từ”. Theo chuyên gia trên, tên lửa thông thường sử dụng động cơ nhiên liệu rắn hoặc lỏng để phóng lên không trung. Tên lửa mới sẽ được phóng bằng lực đẩy điện từ, tương tự máy phóng điện từ mà Mỹ sử dụng trên tàu sân bay lớp Ford. Công nghệ này cũng được sử dụng để phát triển pháo điện từ.Hệ thống phóng điện từ này có thể cung cấp cho tên lửa tốc độ khởi động rất cao, sẽ giúp tên lửa ổn định quỹ đạo khi tăng tốc độ khởi động, làm cho nó trở thành vũ khí mạnh hơn, đặc biệt là trên cao nguyên.Tên lửa mới có cơ chế hoạt động như pháo phản lực bắn loạt, tăng vận tốc khởi động có thể mở rộng tầm bắn của nó.

Giới chuyên gia nhận định Trung Quốc đã đạt được bước tiến quan trọng trong việc nghiên cứu, chế tạo vũ khí hiện đại. Thời gian tới, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ đưa số vũ khí trên đến những vùng biên như Tây Tạng, Tân Cương, Biển Đông, biển Hoa Đông. Tuy nhiên, thời điểm triển khai số vũ khí trên còn là một ẩn số đối với các nước. Theo các tài liệu của giới tình báo Mỹ trong năm 2018 được kênh CNBC tiết lộ, nhiều chuyên gia Mỹ cho rằng Trung Quốc có khả năng lắp đặt súng điện từ trên tàu khu trục từ năm 2025. Súng điện từ hoạt động trên nguyên lý dùng lực từ trường để phóng đạn ở tốc độ siêu thanh. Từ lâu, Mỹ đã coi súng điện từ là ưu tiên trong cuộc đua nâng cấp công nghệ quốc phòng.

Theo văn phòng nghiên cứu Hải quân Mỹ, súng điện từ thực sự là “nhân tố thay đổi cuộc chơi trên mặt trận”. Kênh RT (Nga) đánh giá súng điện từ có thể chuyển cán cân sức mạnh hải quân từ hàng không mẫu hạm sang tàu chiến mặt nước. Từ giữa những năm 2000, Mỹ đã chi hàng trăm triệu dành cho chương trình súng điện từ. Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia của Mỹ năm 2019 có dành 20 triệu USD đầu tư cho chương trình súng điện từ của quân đội Mỹ. Trong khi đó, chuyên gia quân sự Carl Schuster, cựu Giám đốc tại Ủy ban Tình báo Hỗn hợp thuộc Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (Mỹ), khẳng định nếu thông tin trên là chính xác, khẩu súng có thể đã “đi vào hoạt động trong vòng một hoặc hai năm”. Phía Trung Quốc khẳng định rằng nó đang hoạt động, điều đó có nghĩa là tiến trình đánh giá hoạt động khẩu súng đã bắt đầu và họ đang thử nghiệm chúng trong những điều kiện thực tế hơn. Thông thường, các chuyên gia cần xem xét thử nghiệm vũ khí trong vòng một năm mới được phép triển khai.

Nếu Trung Quốc triển khai phi pháp hệ thống vũ khí laser và điện từ ở Biển Đông sẽ là hành động leo thang căng thẳng nguy hiểm

Trong bối cảnh Mỹ và cộng đồng quốc tế liên tục chỉ trích các hoạt động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng những hành động trên của Bắc Kinh là đi ngược lại cam kết không quân sự hóa, không chạy đua vũ trang trong khu vực do chính Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra. Nếu Trung Quốc tiếp tục ngoan cố, bất chấp công luận và luật pháp quốc tế để triển khai phi pháp hệ thống vũ khí laser và vũ khí điện từ ở Biển Đông sẽ là hành động leo thang căng thẳng nguy hiểm, có khả năng châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang và khả năng xảy ra xung đột quân sự trong khu vực.

Không những vậy, nếu Trung Quốc đơn phương triển khai hệ thống vũ khí laser và pháp điện từ ra các đảo nhân tạo ở Trường Sa (của Việt Nam, bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép) sẽ là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng từng tuyên bố “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Các hành động (triển khai vũ khí, quân sự hóa Biển Đông) của Trung Quốc không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, không phù hợp với nhận thức chung quan trọng của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc kiểm soát tốt bất đồng trên biển cũng như xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, trái với tinh thần và nội dung của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có lợi cho tiến trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cũng như việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông và khu vực”. Đồng thời, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh “Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động nêu trên, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có hành động làm phức tạp tình hình; đóng góp thiết thực và tích cực vào phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông và khu vực”.

RELATED ARTICLES

Tin mới