Nhờ tiền của Nga mà thị trường tài chính Anh có thể đứng vững, dù có Thoả thuận Brexit hay không. Rõ ràng nước Nga đã cứu nước Anh…
Ít nhất 1.000 tỷ USD đã bị đưa ra khỏi Anh vì Brexit
Theo CNN, ngày 7/1 Công ty tư vấn và kiểm toán Ernst & Young (EY) công bố báo cáo cho biết, các ngân hàng và công ty tài chính đã chuyển lượng tài sản trị giá ít nhất 800 tỷ bảng, tương đương 1.000 tỷ USD, từ Anh sang EU vì Brexit.
Sau cuộc trưng cầu dân ý dẫn đến Brexit, EY đã theo dõi động thái của 222 ngân hàng và công ty tài chính lớn nhất tại Anh và nhận thấy các định chế tài chính này đã tạo khoảng 2.000 việc làm mới ở EU để chuẩn bị trước cho Brexit.
Những cái tên nổi bật như Deutsche Bank, Goldman Sachs và Citi đều đã chuyển một phần hoạt động khỏi Anh, và Dublin, Luxembourg, Frankfurt và Paris là những điểm đến được lựa chọn nhiều nhất.
EY dự báo các định chế tài chính-tín dụng sẽ tiếp tục chuyển tài sản và việc làm sang các thành phố khác ở châu Âu, khi cột mốc thời hạn 29/3/2019 đang tới gần mà Anh và EU vẫn chưa có Thỏa thuận Brexit.
“Những con số của chúng tôi phản ánh sự dịch chuyển tài sản đã được công bố và chúng tôi biết nhiều định chế tài chính đang chuẩn bị cho trường hợp Brexit không có thỏa thuận”, ông Omar Ali, Trưởng bộ phận dịch vụ tài chính EY, cho hay.
London là trung tâm tài chính số 1 của Châu Âu trong nhiều thập kỷ và là nơi nhiều ngân hàng toàn cầu chọn đặt trụ sở. Ngành dịch vụ tài chính đã tạo ra khoảng 2,2 triệu việc làm tại Anh và đóng góp 12,5% GDP của nước này.
Theo dữ liệu của City of London Corporation, chỉ riêng tiền thuế, ngành dịch vụ tài chính đóng góp số tiên lên đến 72 tỷ bảng, tương đương 100 tỷ USD, mỗi năm cho kinh tế nước Anh.
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là nước Anh chính thức ra khỏi EU, song chính phủ của nữ Thủ tướng Theresa May vẫn chưa có được sự phê chuẩn của Quốc hội Anh về Thỏa thuận Brexit mà chính phủ của bà đã đạt được với EU.
Theo dự kiến, Quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu về Thỏa thuận Brexit giữa Anh và EU vào ngày 15/1/2019. Nếu thỏa thuận bị bác bỏ, nhiều khả năng Vương quốc Anh sẽ ra khỏi EU trong tình trạng không có thỏa thuận.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã cảnh báo ảnh hưởng của Brexit không thỏa thuận đối với nền kinh tế nước này sẽ tồi tệ hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Với các định chế tài chính, Brexit không thỏa thuận sẽ là “ác mộng”, bởi thỏa thuận giữa Anh với các cơ quan giám sát tài chính EU sẽ mất hiệu lực và các định chế tài chính sẽ thiếu một hành lang pháp lý, khiến một số hoạt động không thể tiếp tục.
EU tuyên bố sẽ thực thi một số biện pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực trong trường hợp Anh rời EU với “hai bàn tay trắng”, nhưng theo Brussels thì kế hoạch khẩn cấp này chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của khối, chứ không có giá trị với nước Anh.
Vì vậy, “các định chế tài chính hoạt động tại xứ sở sương mù không thể có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiếp tục chuẩn bị cho tình huống Brexit không thỏa thuận”, Trưởng bộ phận dịch vụ tài chính EY nhận định.
Như vậy, dù Vương quốc Anh chưa chính thức ra khỏi Liên minh Châu Âu, nhưng vụ “chia ly” mang tên Brexit sau 43 năm “cơm không lành, canh không ngọt” đã khiến nước Anh bị thiệt hại lớn, nhất là ngành dịch vụ tài chính.
Nếu không có tiền của Nga, nước Anh sẽ sụp đổ vì Brexit?
Theo Công ty tư vấn và kiểm toán Ernst & Young, số tiền 1.000 tỷ USD đã chuyển ra khỏi nước Anh trong thời gian chờ đợi Brexit mới chiếm khoảng 10% tổng tài sản của ngành ngân hàng Anh.
Theo giới chuyên gia tài chính phương Tây, nếu lượng tiền rời khỏi nước Anh vượt trên 20% tổng tài sản của ngành ngân hàng Anh thì dòng lưu kim tại xứ sở sương mù sẽ giảm độ lưu chuyển và thị trường tài chính London khó tránh khỏi “cú sốc”.
Nghĩa là chính quyền Anh phải tìm cách ngăn dòng tiền chảy ra ngoài biên giới nước Anh. Tuy nhiên, điều đó là rất khó nếu Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu mà không có Thoả thuận Brexit.
Thậm chí giữa London và Brussels có Thoả thuận Brexit thì lượng tiền của các định chế tài chính Âu-Mỹ rời khỏi nước Anh vẫn chưa thể dừng lại vì sự lệch pha giữa hai bên bờ biển Manche thời hậu Brexit.
Như vậy, còn những khoản tiền nào tại xứ sở sương mù không bị cuốn theo cơn lốc Brexit? Có thể nhận diện ngay đó là hàng trăm tỷ USD của Nga trong hệ thống tài chính Anh và đây là khoản tiền có thể cứu nước Anh khỏi sự sụp đổ bởi Brexit.
Khó tin “tiền bẩn” của Nga là cứu cánh của Anh
Vì vậy, chính phủ Anh được nhìn nhận là đã tìm mọi cách ngăn Tổng thống Putin hồi hương những khoản tiền này, bất chấp phản ứng tiêu cực từ cả hệ thống chính trị lẫn dư luận xã hội Anh.
Hẳn dư luận còn nhớ ngày 30/10/2018, Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh đã đánh giá những khối tài sản và lượng tiền khổng lồ của Nga trong hệ thống tài chính Anh là rào cản London trong phản ứng với Moscow, theo Independent.
Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh cũng đưa ra báo cáo, trong đó nhận định dòng tiền lớn của người Nga tại hệ thống tài chính London đã khiến Số 10 phố Downing tê liệt trước những hành động nguy hiểm của Điện Kremlin.
Tuy nhiên “cần phải nói rõ thiệt hại mà tiền bẩn của Nga gây ra với chính sách đối ngoại của Anh lớn hơn rất nhiều lợi ích mà nó đem lại cho London”, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện Anh Tom Tugendhat gay gắt.
Ông Tugendhat đề nghị chính quyền Anh hợp tác cùng các đồng minh kiểm soát hoạt động tài chính của công dân Nga, bao gồm mua bán trái phiếu chính phủ và các giao dịch ngân hàng chưa bị cấm khác.
Báo cáo của Cơ quan Phòng chống Tội phạm Quốc gia Anh tháng 10/2018 khẳng định rằng hoạt động rửa tiền lên tới hàng trăm tỉ bảng mỗi năm của giới siêu giàu Nga đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh và đối ngoại của Anh.
“Các nhân vật có liên quan tới Điện Kremlin sử dụng London như một kho chứa tài sản tham nhũng cho thấy chiến lược sâu rộng của Nga, và là mối đe dọa tiềm tàng cho an ninh quốc gia Anh”, Reuters trích dẫn.
Theo giới chính trị, an ninh và tình báo Anh, sau khi Liên Xô sụp đổ, Vương quốc Anh đã trở thành trung tâm thu hút hoạt động tài chính và nguồn tiền khổng lồ của các nhà tài phiệt và quan chức Nga.
Giới tài phiệt và quan chức Nga kiểm soát những khối tài sản và lượng tiền khổng lổ trong hệ thống tài chính London không chỉ là những nhân vật siêu giàu mà còn có khả năng chi phối tình hình an ninh, chính trị quốc gia.
Với nguy hại từ “tiền bẩn” của Nga như vậy, các báo cáo của Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện Anh, Cơ quan Phòng chống Tội phạm Quốc gia Anh và Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh đều cho rằng London phải hành động dứt khoát.
Chính phủ của nữ Thủ tướng Theresa May được cho là đã bắt đầu “thực hiện một số biện pháp liên quan đến kiểm soát hoạt động tài chính” của các cá nhân và tổ chức Nga diễn ra trên lãnh thổ Anh.
“Chính phủ Anh sẽ thực hiện việc đăng ký công khai với những người hưởng lợi từ các cá nhân và tổ chức nước ngoài sở hữu tài sản ở Anh. Tuy nhiên, theo dự kiến thì mọi việc phải tới năm 2021 mới được bắt đầu”, Independent tường thuật.
Chính phủ Anh cũng lên tiếng sẽ áp dụng Luật trừng phạt và chống rửa tiền để chống Nga, tập trung điều tra – có thể phong toả – những khối tài sản và dòng tiền bị nghi ngờ giúp Putin rửa tiền và phục vụ kế hoạch ám sát hay thủ tiêu chính trị của Kremlin.
Động thái bất thường từ London khiến giới quan sát rất hoài nghi. Thứ nhất, chẳng lẽ rửa tiền ở Anh lại dễ dàng vậy sao? Thứ hai, tại sao chính phủ Anh có vẻ lừng khừng trong việc làm rõ những khoản tiền bẩn của Nga khuynh đảo hệ thống tài chính Anh?
Có thể thấy hoạt động phòng chống rửa tiền tại Anh đã rất nghiêm ngặt từ trước khi Liên Xô sụp đổ – không khác gì hoạt động phòng chống rửa tiền tại Mỹ – nên không dễ gì người Nga có thể rửa tiền ở London.
Một hàng rào pháp lý đã vây kín hoạt động rửa tiền tại Anh, thế mà giới chính trị, tình báo và an ninh Anh lại xem việc ông Putin rửa tiền ở London dễ như “rửa tay trên bồn nước”, rồi từ đó buộc chính phủ Anh phải ra tay. Điều này là rất khó tin.
nên cuối cùng lại phải cần tới Moscow
Còn Số 10 phố Downing lừng khừng trong việc làm rõ “tiền bẩn” của Nga được cho là do tiền của người Nga trong hệ thống tài chính Anh không phải là tiền cần rửa”. Nếu làm rõ thì sẽ giúp ông Putin hồi hương nhanh chóng những khoản tiền này.
Do vậy phải tới năm 2021 – khi hậu quả từ Brexit có thể đã được khắc phục – thì chính phủ Anh mới xem xét tiền bẩn của Nga. Thực ra London không cần phải “chơi chiêu” như vậy nếu London không thực hiện chính sách thù địch với Moscow.
Với những gì diễn ra, không thể phủ nhận đã có sự phối hợp tại nước Anh với mục đích ngăn chặn tốt nhất Tổng thống Putin hồi hương những khối tài sản và những lượng tiền ở Anh, qua đó giúp hệ thống tài chính Anh không bị sụp đổ bởi Brexit.
Vậy là nhờ tiền của Nga mà thị trường tài chính Anh có thể đứng vững, bất chấp có Thoả thuận Brexit hay không. Rõ ràng nước Nga của Putin đã cứu nước Anh một bàn thua trông thấy, dù London liên tục gây căng thẳng với Moscow.