Căng thẳng Mỹ – Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi Mỹ điều động 3 oanh tạc cơ chiến lược B-2 quay trở lại căn cứ ở Hawaii còn Trung Quốc đưa các tên lửa ‘sát thủ diệt hạm’ DF-26 tới vùng cao nguyên và sa mạc phía tây bắc.
Mỹ tái điều động 3 oanh tạc cơ chiến lược B-2 tới Hawaii giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
RT đưa tin, các oanh tạc cơ chiến lược B-2 Spirit đã được lệnh quay trở lại Hawaii nhằm tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Hoạt động triển khai B-2 diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung trong các vấn đề liên quan tới tranh chấp thương mại và trên biển vẫn chưa ngớt.
“Hoạt động triển khai tới Hawaii nhằm chứng minh cho công chúng Mỹ và quốc tế rằng, B-2 đang hoạt động 24 giờ/ngày và 7 ngày/tuần cũng như sẵn sàng bảo vệ Mỹ cùng các đồng minh”, Trung tá Joshua Dorr, Chỉ huy chiến dịch của phi đội ném bom 393 tuyên bố về hoạt động triển khai 3 máy bay ném bom chiến lược B-2 Spirit cùng 200 quân nhân tới căn cứ hỗn hợp Chân Trân Cảng – Hickam ở Hawaii.
Tuyên bố từ không quân Mỹ không nhắc cụ thể Trung Quốc hay quốc gia nào là nguyên nhân khiến Mỹ tái điều động B-2.
Song trong thông báo, không quân Mỹ cho biết việc tái điều động các máy bay ném bom tàng hình B-2 là nhằm hỗ trợ cho sứ mệnh của lực lượng ném bom đặc nhiệm thuộc Bộ Tư lệnh Chiến thuật Mỹ cũng như đảm bảo “năng lực sẵn sàng tấn công trên toàn cầu”.
“Với khả năng tàng hình, B-2 có thể xuyên thủng các hệ thống phòng không hiện đại của đối phương và tiêu diệt các mục tiêu đáng giá nhất của đối phương”, không quân Mỹ nhấn mạnh.
Oanh tạc cơ B-2 được triển khai lần đầu tới Hawaii vào tháng 8/2018 để tham gia huấn luyện tiếp liệu trên không và phối hợp tác chiến với tiêm kích tàng hình F-22 Raptor thuộc phi đội tiêm kích 199 đóng tại đây. Trong quá khứ, B-2 từng tham gia tuần tra ở căn cứ không quân Andersen tại Guam và đóng vai trò “dằn mặt” Triều Tiên.
Việc các oanh tạc cơ tàng hình B-2 quay trở lại căn cứ Hawaii diễn ra đúng lúc Trung Quốc cho triển khai các tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 tới “các vùng cao nguyên và xa mạc ở phía tây bắc”.
Với tầm bắn 4.500 km, DF-26 vốn được mệnh danh là “sát thủ diệt hạm” hiện được xem là mối đe dọa đối với căn cứ không quân Andersen nếu không may Mỹ – Trung xảy ra xung đột quân sự.
Ngoài ra, Trung Quốc còn được cho dùng DF-26 để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Eo biển Đài Loan cũng nằm trong tầm bắn của các tên lửa DF-26.
Hoạt động triển khai DF-26 được Bắc Kinh tiến hành sau khi tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS McCampbell của hải quân Mỹ tiến lại gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên Biển Đông.
Sau vụ việc, Trung Quốc đã hối thúc Mỹ “cần ngay lập tức dừng lại những hành động khiêu khích”. Tuy nhiên, Mỹ khẳng định hoạt động của tàu USS McCampbell nằm trong chương trình tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.